Thanh toán quốc tế là một khâu hết sức quan trọng trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế và có thể gây ra rủi ro cho các bên đối tác,
Từ khi nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi cơ chế từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường và nhất là từ khi Hội đồng Tương trợ Kinh tế (Comecom) của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa cũ tan rã, hoạt động thanh toán quốc tế của Việt Nam có những thay đổi cơ bản.
Kinh doanh Du lịch quốc tế là một bộ phận thuộc hệ thống thương mại quốc tế, song lại có những nét đặc trưng riêng biệt chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh nói chung, cũng như hoạt động thanh toán quốc tế trong du lịch nói riêng.
Ngành du lịch Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã có những bước phát triển nhanh cả về chất và lượng, đã đóng góp những thành tựu đáng kể cho nền kinh tế quốc dân. Hoạt động kinh doanh du lịch quốc tế ngày càng đón được nhiều khách và tăng doanh thu bằng ngoại tệ, góp phần tích cực bình ổn cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam. Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam đến năm 2020 ngành Du lịch được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của ngành Du lịch Việt Nam là phải phát triển có hiệu quả cao và hòa nhập với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.
Thực tế đó đòi hỏi sự phát triển liên tục cả về lý luận và thực tiễn những kiến thức về quản trị kinh doanh du lịch nói chung, cũng như về thanh toán quốc tế trong du lịch nói riêng.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và yêu cầu của công tác đào tạo sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh Du lịch, Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã cho biên soạn cuốn giáo trình “Thanh toán quốc tế trong Du lịch” nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về hoạt động thanh toán quốc tế trong du lịch; tạo lập cho sinh viên những cơ sở lý luận và phát triển những kỹ năng thực hành, giúp họ nắm bắt được các nghiệp vụ thanh toán quốc tế trong du lịch nói chung, cũng như những nét đặc trưng của hoạt động thanh toán quốc tế trong du lịch ở Việt Nam. Đây là sự tiếp nối các kiến thức đã được trang bị trước đó cho sinh viên từ các môn học: Lý thuyết tài chính tiền tệ, Kinh tế quốc tế, Kinh tế du lịch, Kinh doanh khách sạn, Kinh doanh lữ hành…
Cuốn sách lần đầu tiên được biên soạn nên dù tác giả đã rất cố gắng cũng không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý từ bạn đọc và xin chân thành cám ơn.
TS. TRẦN THỊ MINH HÒA