Bạn đọc thân mến!
Các bạn đang có trên tay cuốn giáo trình “Kinh tế du lịch”, đây là cuốn giáo trình được xuất bản lần đầu do tập thể giáo viên khoa Du lịch và Khách sạn, Đại học Kinh tế Quốc dân biên soạn, tiếp sau các giáo trình “Tâm lý và nghệ thuật giao tiếp ứng xử trong kinh doanh du lịch” (1996), “Quản trị kinh doanh lữ hành” (1998), “Hướng dẫn du lịch” (2000), “Công nghệ phục vụ trong khách sạn nhà hàng”(2003). Trong hệ thống các môn học của chuyên ngành đào tạo Quản trị kinh doanh du lịch và khách sạn nói riêng và Du lịch nói chung, môn học Kinh tế du lịch có một vị trí quan trọng. Việc biên soạn cuốn giáo trình này là nhằm mục đích trang bị những kiến thức khái quát, cơ bản cho người học. Nội dung của giáo trình bao gồm những vấn đề khái quát như: khái niệm về du lịch, lịch sử hình thành, xu hướng phát triển, ý nghĩa kinh tế – xã hội của du lịch; nhu cầu, loại hình và các lĩnh vực kinh doanh du lịch, điều kiện phát triển du lịch, tính thời vụ trong du lịch. Đồng thời với những nội dung trên, giáo trình còn bao hàm cả những vấn đề kinh tế du lịch như: lao động, cơ sở vật chất – kỹ thuật, chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh tế du lịch. Mặt khác giáo trình cũng đề cập đến những vấn đề quản lý như quy hoạch phát triển du lịch, tổ chức và quản lý ngành du lịch ở Việt Nam và thế giới.
Với những nội dung như trên, giáo trình chỉ giới thiệu những kiến thức đại cương, để từ đó người học có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu sâu hơn theo từng chuyên ngành như: Quản trị kinh doanh lữ hành, quản trị kinh doanh khách sạn – nhà hàng, hướng dẫn du lịch… mà không đi cụ thể vào các lĩnh vực này, nếu có thì chỉ là những ví dụ mình hoạ mà thôi. Giáo trình do GS.TS. Nguyễn Văn Đính và TS. Trần Thị Minh Hoà làm đồng chủ biên. Tham gia biên soạn còn có CN. Trương Tử Nhân. TS. Trần Thị Minh Hoà biên soạn các Chương 1, 2, 3, 4, 5, 10, 11.
GS.TS. Nguyễn Văn Đính biên soạn các Chương 6, 8. GS.TS. Nguyễn Văn Định và CN. Trương Tử Nhân biên soạn các Chương 7,9.
Trong quá trình biên soạn, các tác giả đã nhận được sự động viên, khích lệ, giúp đỡ nhiệt tình của Ban Chủ nhiệm khoa, Hội đồng khoa học khoa Du lịch và Khách sạn, của TS. Nguyễn Văn Lưu, GS.TS. Nguyễn Thành Độ, PGS.TS. Trần Hậu Thự và của nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quí báu đó.
Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu Đại học Kinh tế quốc dân và Nhà xuất bản Lao động – Xã hội đã cho xuất bản cuốn giáo trình này.
Các tác giả hy vọng rằng, cuốn giáo trình này sẽ góp phần vào việc năng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành Du lịch ở Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng và ở các trường có chuyên ngành Du lịch nói chung.
Có thể cuốn giáo trình này chưa thật sự làm hài lòng người đọc vì không tránh khỏi khiếm khuyết. Chúng tôi hy vọng nhận được nhiều ý kiến đóng góp chân thành của đông đảo độc giả.
Thay mặt tập thể tác giả
GS.TS. Nguyễn Văn Đính