Hàng trăm giải bóng đá “phủi” được tổ chức hàng năm, trong đó phần lớn các giải đấu khi diễn ra chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định. Đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cần tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh tình trạng này.
Một trận đấu thuộc Giải bóng đá các CLB mừng Đảng – mừng Xuân Quý Mão năm 2023 do Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa tổ chức.
TP Thanh Hóa là địa phương có phong trào bóng đá phát triển nhất của tỉnh với hàng trăm đội, câu lạc bộ (CLB) bóng đá duy trì hoạt động thường xuyên. Đây cũng là địa phương có số lượng các cụm sân, các sân cỏ nhân tạo nhiều nhất tỉnh. Số lượng người tham gia tập luyện bóng đá và số đội, CLB bóng đá tăng lên theo từng năm. Theo thống kê chưa đầy đủ, hằng năm có hơn 100 giải bóng đá phong trào được tổ chức, trong đó hầu hết là các giải bóng đá 7 người, hay còn gọi là giải “phủi”. Các giải đấu được tổ chức rất sôi động với quy mô khác nhau và dành cho nhiều đối tượng, lứa tuổi. Điểm chung của các giải đấu này là đều mang tính tự phát, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Trong khi đó, các giải đấu này đều có lễ khai mạc, chương trình văn nghệ, hoạt động quảng cáo, livestream tại địa điểm công cộng. Chưa hết, công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường trong thời gian tổ chức giải không bảo đảm và cũng chưa được cơ quan chức năng xác nhận, cho phép tổ chức.
Trên thực tế, có những giải đấu đã tới mùa thứ 6 – 7 tổ chức, thể thức với 2 hạng cùng sự tham gia của hơn 20 đội bóng. Tuy vậy, từ ngày ra đời cho đến nay, các giải đấu này đều là hoạt động TDTT được tổ chức trái phép. Điều đáng lo ngại nhất là giải đấu khi diễn ra không có lực lượng bảo đảm an ninh trật tự theo quy định. Điều này đã dẫn đến tình trạng lộn xộn, không an toàn cho các trận đấu cũng như đối với các cầu thủ. Thậm chí, tình trạng cá cược trái pháp luật ngay tại sân bóng đá “phủi” cũng xảy ra. Tệ nạn này còn tác động xấu tới các trận đấu bóng đá khi yếu tố tiêu cực đã ảnh hưởng đến kết quả các trận đấu, công tác trọng tài khi sự công bằng, chính xác, fair-play không còn. Hơn nữa, tại các sân bóng nơi diễn ra các giải đấu, việc đặt các biển quảng cáo cũng chưa được cấp phép, nội dung quảng cáo chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm duyệt theo quy định.
Theo quy định, các giải bóng đá cho dù được gọi là “phủi” nhưng vẫn phải được cơ quan chức năng kiểm duyệt, cấp phép tổ chức khi bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, một giải bóng đá nếu tổ chức trên địa bàn TP Thanh Hóa thì phải được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố cấp phép theo Điều 4 Thông tư 09/2012/TT-BVHTTDL ngày 19-11-2012 quy định về tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Tuy vậy, tình trạng các giải bóng đá “phủi” tổ chức trái phép tràn lan trên địa bàn TP Thanh Hóa đã diễn ra nhiều năm nay và chưa được các cơ quan chức năng quan tâm, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Tại một số địa phương khác trong tỉnh, các giải bóng đá phong trào nói riêng, các giải TDTT nói chung đều phải được cơ quan chức năng cấp phép. Điển hình là giải bóng đá phong trào các CLB TP Sầm Sơn (Sầm Sơn League). Ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, điều lệ, ban tổ chức giải đều thực hiện đầy đủ các bước thủ tục xin cấp phép theo quy định, đồng thời trình các phương án về công tác trọng tài, điều kiện cơ sở vật chất, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… Sau khi UBND TP Sầm Sơn ban hành quyết định cấp phép, giải đấu mới tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP Sầm Sơn, cho biết: “Sầm Sơn League là giải được tổ chức theo hình thức xã hội hóa 100%, bởi vậy Phòng Văn hóa – Thông tin đã hướng dẫn cho ban tổ chức hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép cho giải đấu, đồng thời tiến hành kiểm tra điều kiện sân bãi và các phương án tổ chức giải. Đây là các điều kiện bắt buộc và là cơ sở pháp lý để UBND TP Sầm Sơn cấp phép cho giải đấu này. Trên thực tế, nhiều năm nay, Sầm Sơn League đã trở thành giải bóng đá phong trào có quy mô lớn nhất với hệ thống 2 hạng thi đấu và đều được UBND TP Sầm Sơn cấp phép. Từ giải đấu này, các giải bóng đá phong trào khác cho dù có quy mô nhỏ hơn nhưng cũng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép”.
Với các địa phương khác, dù có số lượng giải bóng đá hàng năm ít hơn nhưng cũng đã có sự quan tâm, định hướng để các giải được tổ chức đúng quy định của pháp luật. Nhiều giải bóng đá “phủi” được tổ chức tự phát đã trở thành giải đấu truyền thống, được tổ chức quy củ sau khi được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương định hướng, quan tâm, đồng hành. Điển hình như thị xã Nghi Sơn, các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc, Hà Trung, Thiệu Hóa, Nông Cống, Thọ Xuân, Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa… Ngoại trừ các giải bóng đá quy mô cấp huyện, với các giải cấp xã, phường, thị trấn, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương khi cho phép các giải đấu diễn ra.
Ông Phạm Cẩm Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa, cho biết: Sự ra đời ngày càng nhiều các giải bóng đá phong trào là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của nền bóng đá Thanh Hóa. Đây là những sân chơi bổ ích, thiết thực đáp ứng nhu cầu rèn luyện TDTT, nâng cao sức khỏe cho người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào bóng đá tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, các giải đấu đều phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Những năm gần đây, Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa cũng đã có sự định hướng, hỗ trợ để ban tổ chức các giải đấu thực hiện đầy đủ các quy định khi tổ chức giải. Đồng thời phối hợp với các ngành, các địa phương từng bước xây dựng hệ thống các giải đấu hàng năm và thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa cũng có cơ chế khuyến khích công nhận và đưa các giải đấu có uy tín, sức hấp dẫn và chất lượng vào hệ thống các giải bóng đá chính thức hàng năm của liên đoàn khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện. Liên đoàn cũng sẽ có sự hỗ trợ về chuyên môn và các công tác khác có liên quan đến giải đấu. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phối hợp với các ban, ngành có liên quan vừa có cơ chế khuyến khích, vừa tạo điều kiện để cấp phép cho các giải bóng đá theo quy định của pháp luật. Đây là yếu tố quan trọng để phong trào bóng đá tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.
Bài và ảnh: Mạnh Cường