Hành trang không thể thiếu trong những hành trình trekking đó chính là gậy leo núi. Đó có thể là một cây gậy chuyên dụng hoặc đơn giản là một khúc cây ven đường. Vậy tại sao chúng ta phải dùng gậy khi đi trekking? Hãy đi cùng Bi dưới bài viết này để giải đáp thắc mắc này.
1. Vai trò của gậy trekking
Khi những hoạt động ngoài trời như trekking, leo núi ngày càng trở thành xu hướng được nhiều người tham gia, thì những dụng cụ phục vụ cho chuyến dã ngoại này được ưa chuộng và sử dụng phổ biến. Gậy trekking – “người bạn đồng hành” không thể thiếu hỗ trợ bạn trên cung đường có những vai trò sau đây:
- Phân bổ trọng lượng của bạn vào vai, tay và lưng khi leo dốc giúp đôi chân của bạn đỡ mỏi và tăng lực cho từng bước chân.
- Bảo vệ đầu gối, đặc biệt là khi xuống dốc.
- Cải thiện sức mạnh, sức bền, khả năng chịu đựng khi lên dốc.
- Hỗ trợ chinh phục những con suối, nơi có địa hình gồ ghề nhiều sỏi đá, trơn trượt cực hiệu quả, giữ thăng bằng tốt.
- Giúp cải thiện tư thế của người leo núi, ổn định nhịp chân bước, nhịp thở đều đặn trong chặng đường dài.
2. Gậy trekking có bao nhiêu loại?
Trong những hành trình trekking cùng Campingviet.vn, có 2 dạng gậy: gậy có thể căn chỉnh chiều cao và gậy không thể căn chỉnh chiều cao.
Gậy có thể căn chỉnh chiều cao:
- Gậy leo núi (trekking poles): Được bán theo cặp, sử dụng đồng thời, gậy leo núi giúp tăng khả năng thăng bằng, giảm áp lực lên đầu gối khi bạn leo núi hay đi bộ đường dài. Phần lớn có thể điều chỉnh độ dài, một số số có kèm lò xo chống sốc bên trong để giảm lực va chạm.
- Gậy đi bộ đường dài (hiking staffs): Đôi khi được gọi là gậy đi bộ, gậy đi du lịch dã ngoại, là gậy đơn, sử dụng hiệu quả khi đi trên địa hình tương đối bằng phẳng, với hành lý nhẹ hoặc không hành lý mang theo. Gậy đi bộ đường dài có thể điều chỉnh độ dài, một số có bộ phận chống shock. Chúng cũng có thể được gắn kèm một đế gắn máy quay phía dưới tay cầm để sử dụng như một chân máy.
Những yếu tố cần thiết khi lựa chọn gậy trekking:
Gậy leo núi thường được thiết kế theo 1 tiêu chuẩn cơ bản sẽ có đủ các thành phần như: thân gậy, đệm tay, đai hỗ trợ cổ tay, nút chắn bùn. Một số đặc tính quan trọng khi chọn gậy:
- Gậy xếp gọn: Thường thì gậy leo núi đều được thiết kế xếp gọn, tuy nhiên gọn bao nhiêu là đủ? – Điều đó phụ thuộc vào nhu cầu của bạn. Thường thì những chiếc gậy gấp khúc sẽ gọn hơn so với gậy trượt khóa bật.
- Chất liệu gậy: Nên chọn gậy làm từ nhôm hợp kim để giảm trọng lượng gậy. Một số nhôm thường gặp như: Nhôm 6065, nhôm 7001,… Ngoài ra còn có chất liệu nhôm phối Carbon để tăng độ cứng và giảm thêm trọng lượng của gậy. Ngoài ra còn có chất liệu Composite – đây là loại vật liệu có ứng suất cao, giảm xóc tốt hơn, tuy nhiên thì dễ gãy hơn so với gậy nhôm.
- Gậy chống sốc hay không? Thường những loại gậy chống sốc sẽ có thiết kế lò xo bên trong, giúp giảm tác động lên cơ thể (Đặc biệt là tay cầm gậy và các khớp khác) khi di chuyển.
- Gậy tích hợp: Đây là loại gậy tích hợp thêm một số chức năng như La bàn, còi, camera,…
Gậy không thể căn chỉnh chiều cao:
Đây là dạng gậy mà bạn có thể chọn một cành cây khô, hoặc khúc tre ven đường để làm “người bạn” đồng hành.
3. Cách sử dụng gậy trekking
Đối với gậy có thể căn chỉnh chiều cao:
- Nếu có chiều cao trên 1,8m, bạn nên chọn gậy có độ dài tối thiểu là 1,3m.
- Nếu có chiều cao dưới 1,8m, đa số các loại gậy đều có thể điều chỉnh độ dài vừa tay cầm của bạn.
Khi dùng gậy có thể căn chỉnh độ cao, bạn sẽ điều chỉnh nó phù hợp với những tình huống:
- Khi đi bộ, cánh tay cầm gậy gập lại một góc khoảng 90 độ, đầu gậy chạm đất gần với bàn chân.
- Nếu gậy có 3 khúc, hãy giữ khúc gần tay cầm ở mức giữa rồi chỉnh khúc cuối đến độ dài phù hợp.
- Khi leo lên dốc dài và cao, bạn nên thu gậy ngắn lại khoảng 5 – 10 cm. Dốc càng cao, độ dài gậy càng ngắn. Có như thế, vai bạn mới không bị đẩy lên quá cao hay cọ xát mạnh với quai balo. Ngược lại, khi xuống dốc, bạn nên kéo gậy dài thêm khoảng 5 – 10cm để giữ thăng bằng cho cơ thể.
Lưu ý về một số đặc tính quan trọng:
- Dây đeo cổ tay: Bộ phận này dễ dàng bắt gặp ở mọi cây gậy leo núi, mặc dù nó rất hữu ích trong việc bổ trợ cho phần cổ tay của bạn, tuy nhiên không phải ai cũng biết. Để phát huy hết hiệu quả của nó, hãy luồn tay từ dưới lên trên và xuyên qua phần dây đeo rồi kéo dây xuống nắm lấy phần tay cầm gậy. Bạn có thể căn chỉnh lại chiều dài của dây đeo để nó phù hợp với vị trí tay cầm cũng như tư thế tay khi cầm giúp bạn có thể rút tay ra hoặc đưa tay về lại vị trí cũ một cách dễ dàng khi cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý rằng một số dây đeo được thiết kế dành riêng cho tai phải hoặc tay trái và có thể được tích hợp chung với một miếng đệm mút hoặc miếng lót để tránh trầy xước phần cổ tay do ma sát.
- Đệm tay: Hầu hết các loại gậy leo núi đều được thiết kế đệm tay, một phần để giảm sốc, nhưng tác dụng chính là để giảm ma sát tay, làm êm tay hơn, giảm phồng rộp tay khi sử dụng nhiều. Ngoài ra một số đệm tay thiết kế theo góc nghiêng 15 độ, cùng với hình dạng khít với dáng tay khi cầm giúp tư thế cầm thoải mái, đơn giản hơn rất nhiều. Có các dạng đệm tay sau:
- Gỗ Cork: Loại này hút mồ hôi tốt, giảm trơn tay do mồ hôi, tuy nhiên sẽ hơi cứng.
- Bọt: Loại này mềm, thấm hút mồ hôi tốt.
- Cao su: Thích hợp cho những chuyến leo núi trong thời tiết lạnh, đây là loại đệm cứng, không thấm mồ hôi nên nếu dùng gậy với đệm cao su bạn nên dùng thêm bao tay.
- Nút chắn bùn: Thường được gắn ở đầu nhọn của gậy, có tác dụng chắn bùn, chắn tuyết, hạn chế lún ở những địa hình nói trên.
Đối với gậy không thể căn chỉnh chiều cao:
Khi sử dụng gậy không thể căn chỉnh chiều cao, bạn phải học cách sử dụng thành thạo gậy trong nhiều dạng địa hình mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào độ dài gậy. Sử dụng bảng bên dưới hoặc các bảng chiều cao gậy do những nhà sản xuất cung cấp dành riêng cho những chiếc gậy nhất định.
Chiều cao người sử dụng | Chiều cao gậy khuyên dùng |
---|---|
Thấp hơn 1.55 m | 100 cm |
Từ 1.55 m đến thấp hơn 1.7 m | 110 cm |
Từ 1.7 m đến thấp hơn 1.8 m | 120 cm |
Cao hơn 1.8 m | 130 cm |
4. Những mẹo hữu ích khi sử dụng gậy trekking:
Chống gậy đều theo nhịp chân:
Bạn nên bắt đúng nhịp chân để chống gậy đều theo chân trái, gậy trái, chân phải, gậy phải. Nếu không bắt được nhịp, bạn có thể đi bình thường trước. Sau khi quen nhịp chân, bạn hãy chống gậy. Khi đã dần quen, bạn sẽ hình thành phản xạ mà không cần phải chú tâm vào việc bắt nhịp nữa.
Chống hai gậy song song:
Khi lên dốc hoặc xuống dốc, bạn nên chống cả 2 gậy cùng lúc xuống đất và tiến 2 bước. Sau đó, chống gậy thêm 1 lần nữa rồi bước tiếp. Bằng cách này, bạn có thể giữ thăng bằng cho cơ thể một cách hiệu quả.
Vượt chướng ngại vật:
Gậy trekking hỗ trợ bạn cực tốt trong trường hợp gặp phải những địa hình khó hay chướng ngại vật như:
- Khi gặp sông, suối cắt ngang, gậy leo núi sẽ giúp bạn lội qua dòng nước vững vàng hơn. Sau mỗi lần chống gậy xuống, bạn nên chú ý lực chống phải đảm bảo chắc chắn rồi mới bước tiếp. Nếu gặp vùng nước sâu, bạn điều chỉnh độ dài gậy tối đa trước khi băng qua nó.
- Gậy leo núi có thể giúp bạn vượt chướng ngại vật trên đường. Để vượt qua tảng đá lớn, bạn chống 2 đầu gậy xuống mặt đất rồi đặt chân lên tảng đá. Khi nhấc chân kia lên, bạn chống mạnh gậy xuống đất để tạo lực đẩy cơ thể lên trên, vượt qua chướng ngại.
Nguồn: Tổng hợp
Hãy tham gia chuyến trekking cùng Campingviet.vn để trải nghiệm những ngọn núi hùng vĩ và khám phá vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên Việt Nam.