Yếu tố thám hiểm khám phá là một phần không thể thiếu của bất cứ tựa game nào. Nó mang đến cho người chơi cảm giác “tự do tự tại”, giống như họ đang thực sự sống trong thế giới giả tưởng ấy. Bên cạnh những tựa game RPG “bom tấn” với hệ thống thế giới mở mênh mông và đồ họa siêu việt, sản phẩm của các studio nhỏ đôi khi cũng sở hữu tính năng thám hiểm vô cùng hấp dẫn và lôi cuốn. Chúng tiếp cận khía cạnh thám hiểm theo một hướng đi độc đáo và liều lĩnh, song kết quả là đã để lại cho người chơi những trải nghiệm phiêu lưu không thể nào quên. Dưới đây là top 10 game sở hữu yếu tố thám hiểm xuất sắc nhất mà người chơi không thể bỏ qua:
The Forest
“The Forest” là một tựa game sinh tồn lấy bối cảnh sâu trong khu rừng trên một hòn đảo hoang vắng, người chơi vào vai kẻ sống sót sau một vụ tai nạn máy bay. Game không có nhiệm vụ cố định nào, thay vào đó người chơi được quyền quyết định xem sẽ sử dụng đồ tiếp tế như thế nào để sinh tồn và truy lùng những kẻ đã bắt cóc đứa con trai của mình. “The Forest” mang đến một bầu không khí cô lập hoàn toàn, thêm vào đó chu kỳ thời gian ngày đêm luân chuyển khiến mọi thứ càng trở nên đáng sợ hơn, đặc biệt là vào ban đêm khi bạn không có lửa để phòng vệ trước những mối nguy hiểm luôn rập rình. Việc liên tục phải tìm đồ tiếp tế, vượt qua những khu vực nguy hiểm và cuối cùng khám phá ra địa điểm bí mật trên hòn đảo khiến “The Forest” trở thành một tựa game thám hiểm/sinh tồn cực kỳ đáng chơi.
Astroneer
“Astroneer” là một tựa game theo thể loại “hộp cát” (sandbox) – nơi mà người chơi không có bất cứ nhiệm vụ nhất định hay mục tiêu cụ thể nào cần phải hoàn thành, gameplay phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thám hiểm và sáng tạo. Trong game, không có kẻ thù nguy hiểm nào đe dọa tính mạng của người chơi, nhưng họ vẫn sẽ phải đối mặt với một vài thử thách như bão cát hoặc rơi từ trên cao xuống. Bên cạnh đó, vì game lấy bối cảnh ngoài không gian nên thỉnh thoảng bạn sẽ phải cho nhân vật của mình đi “sạc” oxy để tiếp tục hành trình thám hiểm. Game vận hành chủ yếu dựa trên cơ chế “phủ xanh” (terraforming), cho phép người chơi tái tạo môi trường xung quanh theo mục đích cá nhân. Người chơi sở hữu một chiếc máy in 3D để sản xuất ra bất cứ công cụ và vật thể nào cần thiết trong quá trình chơi.
The Long Dark
Sau khi một thảm họa địa từ gây ảnh hưởng lên toàn Trái Đất, bạn vào vai một người phi công tìm cách sinh tồn trong thiên nhiên Canada hoang dã giữa mùa đông lạnh giá. Tựa game chỉ có một vài yếu tố hiển thị thông số tối thiểu về tình trạng sức khỏe của nhân vật, cho bạn biết khi nào mình bị thương, đóng băng hay chết đói. Mục tiêu chính của “The Long Dark” là sống sót càng lâu càng tốt, bạn sẽ phải chơi lại từ đầu nếu như để mất mạng vì bất cứ lý do gì, không có bất cứ thành quả nào được lưu giữ lại cả. Game được đánh giá cao bởi cảm giác chân thực mà nó mang đến, khi mà điều kiện thời tiết buộc người chơi phải thay đổi lối sống của mình để thích nghi với môi trường xung qunah khi thám hiểm và tìm kiếm thức ăn hay nơi trú ẩn.
Gone Home
“Gone Home” là một tựa game thám hiểm nhập vai ly kì lấy bối cảnh một ngôi biệt thự ở thành phố Portland, bang Oregon, Mỹ. Qua những mẩu giấy và tin nhắn khác nhau, người chơi trong vai Kaitlin sẽ phải vén màn vô số bí mật liên quan tới việc cha mẹ và cô em gái 18 tuổi của mình phải rời bỏ căn nhà. Trong suốt hành trình, lần lượt những mẩu thông tin khác xuất hiện và mọi thứ dần trở nên hợp lý, Katie phát hiện ra lý do vì sao gia đình cô biến mất cũng như một vài bí mật đen tối trong quá khứ. “Gone Home” mang đến cho người chơi một trải nghiệm đầy căng thẳng, hồi hộp khi phát hiện ra những bí mật khủng khiếp và bản chất thật sự của con người.
The Stanley Parable
Trong “The Stanley Parable”, người chơi điều khiển Stanley – nhân vật chính của tựa game, trong một thế giới huyền ảo, dưới sự dẫn dắt của một giọng nói bí ẩn. Tuy nhiên quyền quyết định vẫn hoàn toàn nằm trong tay người chơi, vậy nên khi giọng nói bí ẩn đưa ra chỉ dẫn cho Stanley, bạn có thể chọn làm theo hoặc … bỏ ngoài tai và đi theo ý thích của mình. Bất kể lựa chọn của bạn là gì, người dẫn chuyện cũng sẽ điều hướng mọi thứ theo một diễn biến kỳ cục nhất có thể xảy ra. “The Stanley Parable” có tới sáu kết cục khác nhau, tùy vào lựa chọn của từng người chơi. Không có yếu tố hành động hay đối kháng nào, mà thay vào đó game tập trung khai thác khía cạnh thám hiểm và đưa ra quyết định, lý giải bộ não của con người khi đối mặt với những lựa chọn khác nhau.
Theo Fraghero