Tôi gặp Hoa Quỳnh tại một CLB tiếng Anh. Một cô gái xinh xắn về ngoại hình, còn tính cách thì về cơ bản cũng giống như những cô gái 21 tuổi khác: Nhí nhảnh, tinh nghịch, hoạt náo, thi thoảng có chút bỗ bã đầy ngô nghê của một cô gái chưa va chạm nhiều với cuộc đời.
Quỳnh tự nhận mình còn hơn một girl bánh bèo. “Em là búp bê trong tủ kính, sống trong sự bao bọc của bố mẹ. Đi làm ở văn phòng công ty nước ngoài, ngồi điều hòa mát lạnh cả ngày mà bố mẹ vẫn còn lo cô con gái bé bỏng không chịu được khổ”, Quỳnh tâm sự.
Cuộc đời cô đến trước chuyến xuyên Việt để đời mà tôi sắp kể, là những chuỗi ngày bình yên. Những lo lắng thường nhật của cô cũng giống như bao cô gái có chút nhan sắc khác, là kiểu tóc, là quần áo, là mỹ phẩm, là selfie.
Vòng an toàn của Quỳnh là hành trình gói gọn từ nhà tới công ty bằng xe máy và từ nhà ra… công viên bằng “xe hai cẳng”. Ai cũng nghĩ Quỳnh chẳng việc gì phải vượt khỏi vòng tròn an toàn đó, vì nó quá… an toàn. Đời người sau cùng cũng chỉ cầu chữ An thôi mà.
Nhưng trong cô luôn có một sự thôi thúc như sóng ngầm cuộn chảy. Ngoài kia là thế giới bao la, là những cảnh quan kỳ vĩ, là những giá trị chân thật nhất của cuộc sống. Và cô bánh bèo ấy quyết định sẽ thực hiện một chuyến đi để đời: Xuyên Việt bằng xe máy.
Thế là bao công việc gác hết sang một bên. Đúng 8h ngày mùng 7 Tết Nguyên Đán, cô và một người bạn đồng hành từ Hà Nội xuất phát đi tìm giá trị của cuộc sống. Cô chạy một mạch tới Phố Châu, Hà Tĩnh và nghỉ tại một khách sạn. Quỳnh chọn phòng VIP, giá 400.000/đêm.
Hãy nhớ chi tiết này, bởi đây là lần cuối cùng trong chuyến đi, Quỳnh được nghỉ ngơi tại một khách sạn có phòng VIP.
Mỗi vòng lăn bánh xe những ngày sau đó giống như mở ra cả một thế giới mới trong mắt cô búp bê tủ kính Hoa Quỳnh. Cô phát hiện Việt Nam chúng ta hóa ra thật tuyệt vời.
Những cảnh đẹp mới được Quỳnh chụp bằng mắt và ghi nhớ bằng não. Nhưng tuyệt vời hơn là những người bạn trên hành trình xuyên Việt. Cô gặp một phượt thủ từ Cao Bằng đi Sài Gòn, giữa đường rơi ví phải xin xăng, xin ăn suốt dọc đường vào Huế.
May thay người dân nhặt được ví của anh chàng này và trả lại anh không sót một thứ gì. Sống nhiều năm trong những bon chen ở thành phố, Quỳnh như vỡ òa trước những tâm hồn tuyệt đẹp.
Là thân con gái, dăm ba ngày sao hết bánh bèo ngay được. Mỗi ngày chạy 300 – 400 km, lắm lúc Quỳnh thèm được tắm rửa đến phát điên, thèm được một giấc ngủ ngon lành trong chăn ấm nệm êm.
Những đêm ngủ trong lều dọc đường, cô không ngủ được. Trằn trọc cả đêm rồi sáng hôm sau lại bắt đầu hành trình. Mệt mỏi là không thể tránh khỏi.
Nhưng gom tất cả những mệt mỏi trong suốt hành trình từ Hà Nội chạy vào Phú Yên cũng không bằng một góc chuyến trekking (một hình thức du lịch mạo hiểm) đến bãi Rạng để leo mũi Đôi, điểm cực Đông xa nhất của tổ quốc, nơi đón ánh bình minh đầu tiên ở Việt Nam.
Đó là hành trình không dành cho một cô gái bánh bèo. Phải vượt đồi cát, lội nước, leo đèo, băng rừng trong tình trạng trên vai đeo rất nhiều đồ nặng. Quỳnh tâm sự, trên hành trình lên mũi Đôi có lúc cô đã thấy nản.
Cô mếu máo nói với người dẫn đường rằng mình muốn bỏ cuộc, nhưng phút yếu đuối đó cũng qua đi, cô lại lầm lũi đi. Trên vai Quỳnh vác đồ rất nặng.
Lẽ ra là thân con gái, Quỳnh có thể nhờ các bạn nam cùng đoàn vác hộ, nhưng cô đã chiến thắng được giây phút bánh bèo đó để chinh phục ngưỡng cao nhất của chính mình.
Để lên được điểm mốc ở mũi đôi cần đu dây leo lên một tảng đá cao 7 mét. Vốn là người có bệnh sợ độ cao, Quỳnh đã 2 lần từ chối.
Nhưng khi thấy tất cả mọi người đều đã len lên đó, cô gái lại cắn răng, nhắm mắt, vượt qua nỗi sợ hãi của mình, và rốt cuộc cũng chạm tay được là 1 trong 4 điểm cực của tổ quốc.
Ngồi trên mũi đôi, Quỳnh nghĩ miên man về những năm tháng tuổi trẻ bị lãng phí của mình. “Lúc leo núi, băng rừng, đi sa mạc, rồi ăn cơm nắm mới thấy quí cái giường, bũa cơm nhà. Đi đường xấu còn trân trọng thêm cả những đoạn đường nhựa phẳng lỳ”
“Em thấy mình đã không trân trọng những gì mình có cứ đòi hỏi nhiều những thứ cao xa mà không biết quý trọng những thứ xung quanh. Cuộc sống cực khổ mới làm mình thấy mình còn cực kỳ hạnh phúc”, Quỳnh tâm sự với tôi.
Điều thú vị hơn cả là chuyến đi này đã biến cô gái bánh bèo thành một chiến binh thực thụ. Ngày đầu tiên cô phải thuê khách sạn nghỉ ngơi, nhưng càng về sau, khi con người đã dạn dày với sương gió, cô đã có thể ngủ lều.
“Vì mình cực khổ cũng quen dần rồi, không cần phải khách sạn mới ngủ được”, Quỳnh vui vẻ nói.
Là thân con gái ai chả muốn giữ gìn làn da. Khi Quỳnh chụp ảnh đưa lên Facebook khoe về chuyến đi, nhiều bạn bè cô tỏ ra đầy thương cảm: Sao mày đen đúa thế, hỏng hết làn da mịn màng rồi. Lúc đó Quỳnh chỉ cười xòa và nói: Đây là làn da được nhuộm bởi những trải nghiệm phi thường, quý giá lắm đấy, không phải ai cũng có được đâu.
Quả thật là như vậy. Chuyến đi không những giúp Hoa Quỳnh khám phá cái ngưỡng mới của bản thân, mà điều quan trọng nhất là giúp cô nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống.
Cô búp bê đã rời tủ kính để sẵn sàng đương đầu với bất kỳ thách thức nào trong phần rất dài còn lại của cuộc đời.