“Đi xa không được thì đi gần”
Ông Toàn làm nghề giao hàng, thường xuyên chạy xe máy ngoài đường nhưng luôn khao khát đi phượt. Hơn chục năm nay ông đã đi gần hết các tỉnh thành VN và thêm 4 nước Đông Nam Á. Để đi phượt, ông dành dụm mỗi ngày vài chục nghìn. Ông thích cảm giác đi một mình, tự do, không vướng bận ai. Cho đến một ngày, ông nghĩ đến người em gái khuyết tật và chị gái đều ở tuổi xế chiều nhưng ít khi đi chơi. Thế là tết vừa rồi, ông dành thời gian đưa họ đi khám phá đây đó.
Câu chuyện em trai U.70 làm shipper đưa chị và em gái đi du lịch nhận được “mưa tim” từ cộng đồng mạng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ (60 tuổi), em ông Toàn, bị khuyết tật chân, gắn liền với cây gậy, xe lăn từ nhỏ. Thời trẻ bà làm đủ nghề, lớn tuổi thì ngồi xe đi bán vé số ở quê An Giang. Không chồng con nhưng bà là người “giỏi nhất” trong số 10 anh chị em của ông Toàn. Bà đi làm, kiếm tiền phụ các em mình nuôi con. Các cháu bà có người đã tốt nghiệp đại học, gọi bà là mẹ. Tuổi xế chiều, một người cháu đón bà đến Bình Dương để chăm sóc, báo hiếu. Từ trước đến nay, bà Mỹ ít có dịp được đi chơi xa.
Thương em gái chưa có điều kiện đi xa, ông Toàn dẫn bà Mỹ đi chơi gần nhà, từ TP.Thuận An (Bình Dương) đến TP.Thủ Dầu Một để tham quan “linh vật rồng lu”. Đường đi khoảng 20 km, ông Toàn chở em gái bằng xe ba bánh của người khuyết tật.
Sau chuyến đó, ông Toàn rủ thêm người chị gái đã 70 tuổi của mình đi chơi. Bà Nguyễn Thị Phượng, chị ông, vừa “sống lại” sau đợt vào hóa chất điều trị ung thư đại tràng, nghe em rủ đã ủng hộ ngay. Bà cũng rất thích đi đây đó nhưng không có điều kiện.
“Nhiều người nghĩ bệnh thì ở nhà nhưng tôi nghĩ nếu có sức thì nên đi chơi mới khỏe lên được, phải nghĩ lạc quan mới chiến thắng bệnh tật”, bà Phượng nói. Còn ông Toàn chia sẻ: “Chị tôi thời trẻ làm lụng phụ ba mẹ nuôi các em, trong đó có tôi, sau khi lập gia đình thì tận tụy với chồng con. 70 tuổi mà chị hiếm có dịp đi đâu chơi”.
“Gia đình luôn là số 1”
Vậy là ngay tuần sau, ông đưa ra ý định dẫn bà Phượng và bà Mỹ đi núi Bà Đen ở Tây Ninh. Sợ mình leo núi không nổi, phiền anh trai và các cháu nên bà Mỹ từ chối, còn bà Phượng hăng hái tham gia. Lên đến nơi, mọi người mới phát hiện ở đây có trang bị cả xe lăn cho người khuyết tật. Điều này khiến bà Mỹ tiếc hùi hụi. Ông Toàn cũng chia sẻ với em gái ngày nay người khuyết tật có nhiều điều kiện để tiếp cận, hòa nhập cộng đồng nên không cần quá lo lắng. Vì thế, cả nhà đang bàn tính sẽ tổ chức đi Vũng Tàu vào tháng sau.
“Lúc trước nghĩ có tiền, dư giả mới dám đi chơi, nhưng giờ thấy cũng không tốn kém lắm. Mình chỉ tốn tiền xăng xe thôi, đi gần thì đồ ăn chuẩn bị ở nhà mang theo”, bà Mỹ tính toán. Trong 11 anh chị em, ông Toàn, bà Mỹ, bà Phượng sống gần nhau nên thường xuyên gặp gỡ. “Tôi đã chụp rất nhiều hình, tham quan nhiều chỗ thích lắm. Tôi ước được đi nhiều hơn”, bà Mỹ nói.
Phượt cùng người thân, ông Toàn nhận ra không cần phải đi quá xa hay phải đến những nơi sang trọng, trải nghiệm dịch vụ đắt tiền mới có niềm vui. Đôi khi, niềm vui chỉ cần ở bên, đồng hành cùng người thân trong những dịp đặc biệt.
“Những chuyến đi chơi giúp gắn kết các thành viên trong gia đình. Các cháu tuy còn trẻ nhưng cũng sẵn sàng chiều lòng những người già như anh em tôi. Hạnh phúc thật đơn giản đâu phải quá xa xôi, gia đình vẫn luôn là số 1 mà”, ông Toàn chia sẻ.