Bắc Sơn là một huyện miền núi thuộc phía Tây tỉnh Lạng Sơn. Giống Quýt vàng được trồng trên các thung lũng, sườn đồi nơi đây từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi bởi hương vị thơm ngon, đậm chất núi rừng.
Quýt Bắc Sơn là loại cây bản địa, được bà con trồng trên dọc chân núi đá, thậm chí có những vườn quýt trồng ở lưng chừng núi cao, càng cao thì quýt lại có hương vị thơm, ngọt đậm đà. Nhờ có hương vị rất đặc trưng mà không vùng nào có được nên cây Quýt vàng Bắc Sơn ngày càng được trồng phổ biến, trở thành đặc sản và là cây ăn quả chủ lực của huyện. được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông ở đây. Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau, cũng là thời điểm giáp Tết Âm lịch.
Nằm ở độ cao 400m so với mực nước biển, huyện Bắc Sơn thuộc vùng khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, không khí trong lành. Là loại cây ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh và khô mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên quýt Bắc Sơn sinh trưởng tốt nhất trong các khe núi, thung lũng thuộc vùng núi đá, độ cao 500 – 700 m so với mực nước biển.
Vùng núi Bắc Sơn sở hữu đất đai tương đối màu mỡ, chủ yếu là feralit nâu đỏ hoặc màu vàng nên là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để tạo ra thứ quýt ngon với hương vị thanh mát hiếm có. Quýt ở huyện miền núi Bắc Sơn có hai loại là quả tròn và quả dẹt, phù hợp với thổ nhưỡng mỗi nơi.
Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, dóc vỏ, ít sơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng 80-150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả. Quýt quả dẹt có hai đầu lõm, hình hơi dẹt, khi chín có màu vàng ươm, vỏ dày hơn, khó bóc, vị chua và cũng ít sơ. Trọng lượng quả trung bình 100 – 150g.
Trước đây, cây quýt vàng được trồng ở vườn nhà hoặc các thung lũng trong huyện, được người dân chủ yếu trồng để ăn trái và dùng làm dược liệu. Đến cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, thay vì trồng để tự cung tự cấp, người dân đã mang quýt đến các chợ trong tỉnh rồi đến các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Bắc Giang để tiêu thụ và rất được ưa chuộng.
Dần dần, cây quýt bắt đầu được trồng nhiều ở các xã trong huyện Bắc Sơn như: Nhất Hòa, Nhất Tiến, Vũ Sơn, Chiến Thắng và sau đó mở rộng ra các xã khác như: Bắc Quỳnh Sơn, Tân Hương, Hữu Vĩnh… Quýt sau khi thu hái được các đầu mối thu mua, đem xuống các chợ miền xuôi bán và dần nổi danh trở thành đặc sản, từ đó bà con cũng có thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Áp dụng quy trình mới
Năm 2017, Huyện Bắc Sơn đã phối hợp với Sở khoa học – công nghệ Lạng Sơn thực hiện đề tài “Xây dựng thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn” để bảo tồn và phát triển giống quýt vàng. Theo đó, bình tuyển những cây giống tốt và có biện pháp bảo vệ nguồn gen quý và tạo ra vườn giống đầu dòng để phát triển vùng hàng hóa theo tiềm năng sẵn có của địa phương. Thông qua việc phục tráng, đã tạo ra giống quýt sạch, cung cấp cho bà con đưa vào sản xuất.
Để quýt vàng Bắc Sơn thực sự trở thành cây hàng hóa thì việc tuân thủ cách trồng, chăm sóc, thu hái quả đảm bảo quy trình kỹ thuật với mục tiêu tạo ra một vùng sản xuất quýt đảm bảo chất lượng cung cấp ra thị trường được đặt ra hàng đầu. Huyện chú trọng cung ứng hệ thống lo-go tem nhãn, bao bì cho sản phẩm quýt mang nhãn hiệu tập thể đồng thời quy hoạch mở rộng diện tích vườn cây ăn quả đặc sản, phù hợp với quy hoạch phát triển.
Nhằm giữ vững và nâng cao thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn đã xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP để đảm bảo chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh tế của sản phẩm, giúp bà con tiêu thụ ổn định hơn. Sản xuất theo quy trình VietGAP không chỉ năng suất, chất lượng quả tăng mà thu nhập từ quả quýt mang lại cũng tăng đáng kể.
Hiện nay, diện tích quýt đã được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobaGAP ngày càng mở rộng. Trái quýt sau khi thu hoạch được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh, tại Hà Nội và một số tỉnh trong nước.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình mới, nhiều người dân trồng quýt trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã nâng cao thu nhập. Hiện nay toàn huyện có gần 600ha diện tích trồng quýt, sản lượng trên 1.700 tấn/năm, doanh thu đạt trên 35 tỷ đồng.
Hiệu quả từ mô hình VietGAP
Có thể nói quýt Bắc Sơn đã giúp bà con có thêm nguồn lợi nhuận mới. Nhiều hộ gia đình trong vùng sản xuất quýt có thu nhập khá từ 300-500 triệu/năm. tiêu biểu trong số đó có Hợp tác xã Hợp tác xã nông nghiệp Nam Hồng, Thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng, Bắc Sơn, Lạng Sơn đã mạnh dạn áp quy trình sản xuất tiên tiến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả.
Ông Đặng Văn Lương là một trong những người đầu tiên ở xã Chiến Thắng thành lập HTX kiểu mới, lấy tên là HTX Nông nghiệp Nam Hồng, thu hút 18 thành viên tham gia. HTX thành lập với mục đích phát triển sản xuất cây ăn quả, bước đầu là đặc sản quýt vàng Bắc Sơn theo chương trình VietGAP nhằm tạo thương hiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Ngoài hỗ trợ cho các thành viên kỹ thuật trồng quýt sạch, HTX Nam Hồng còn là nơi giúp người dân ở Bắc Sơn học hỏi sẻ kinh nghiệm sản xuất để nâng cao thu nhập từ giống cây truyền thống. Để thuận tiện cho việc cung cấp nước cho diện tích quýt, HTX đã lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Cách làm này giúp tiết kiệm nước tưới vì nước thấm dần vào đất, làm chuyển hóa các chất dinh dưỡng cho cây, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngoài việc duy trì diện tích quýt lâu năm được trồng gần khu vực núi đá, HTX còn đưa cây quýt xuống trồng ở nương, bãi bằng phẳng để thuận tiện cho quá trình chăm sóc và giao dịch với doanh nghiệp. HTX cũng thực hiện biện pháp chiết cành để nâng cao chất lượng khi giúp quả cam có ít hạt hơn.
Có thể nhận thấy, HTX nông nghiệp Nam Hồng đã tận dụng được thế mạnh người dân để phát triển cây quýt vàng để nâng lên thành sản phẩm hàng hóa và đặc biệt đạt OCOP 4 sao. Để mang lại hiệu quả, HTX đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích gần 20ha, đồng thời đăng ký nhãn hiệu tập thể. Nhờ đó, chất lượng quýt và giá thành được nâng lên. Nếu trước đây, giá quýt dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/kg thì nay tăng lên 30.000- 50.000 đồng/kg. Nhờ trồng quýt, trung bình các hộ có thu nhập 80 – 100 triệu đồng, một số hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Song song với việc nâng cao năng suất, chất lượng quýt vàng, những năm gần đây, trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã có những mô hình trồng quýt gắn với du lịch. Mô hình này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho hộ trồng quýt mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn, thu hút khách du lịch đến với huyện.
Vườn quýt Hang Hú, xã Chiến Thắng là một điểm nhấn nổi bật nhất trong việc kết hợp giữa phát triển quýt gắn với du lịch. Tại Hang Hú, gia đình ông Hoàng Cao Vinh có vườn quýt rộng hơn 2ha với hàng trăm gốc quýt lâu năm. Từ cuối năm 2017, được sự vận động của huyện Bắc Sơn, ông Vinh đã kết hợp mô hình sinh thái nông nghiệp và du lịch, mở cửa vườn quýt Hang Hú để đón khách.
Những năm trước, thu hoạch từ vườn quýt mang lại thu nhập trung bình mỗi năm đạt khoảng 200 triệu đồng, từ khi đưa vào khai thác dịch vụ du lịch đã tăng lên 300 triệu đồng. Theo ông Vinh, đây không chỉ là cách gia tăng giá trị cho trái quýt vàng Bắc Sơn, tăng thu nhập cho gia đình mà còn là hình thức quảng bá du lịch Bắc Sơn nói riêng, Lạng Sơn nói chung. Ðến nay, vườn quýt Hang Hú đã đón hàng chục nghìn lượt khách. Ðây cũng là hướng đi đang được một số hộ dân ở địa phương áp dụng.
Anh Hoàng Quang Phiệt, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn là một trong những người đã mạnh dạn kết hợp mô hình cho biết, cây quýt được gia đình trồng ở Hang Hú từ năm 1986, gia đình ông mở dịch vụ đón khách vào tham quan vườn quýt từ năm 2017. Nhận thấy những điều kiện phù hợp cho việc đón khách du lịch như cây quýt cổ to, sai quả, địa hình, phong cảnh đẹp… nên ông đã quyết định đầu tư.
Lượng khách du lịch tham quan vườn quýt Hang Hú tăng đều qua từng năm. Nếu như năm đầu tiên mở cửa, vườn quýt thu hút trên 6.000 lượt khách thì năm 2019, lượng khách tham quan đã đạt trên 12.000 lượt. Khách tham quan, trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ đã giúp gia đình tăng thêm thu nhập lên 500 – 600 triệu đồng. Hiện nay, ở Hang Hú đã trồng khoảng 600 cây quýt. Nhiều hộ gia đình ở nơi đây vẫn đang duy trì việc sản xuất nông nghiệp song hành với đón tiếp khách tham quan.