Đầu Xuân, vạn vật sinh sôi, nảy nở, muôn hoa khoe sắc thắm cũng là lúc nhiều người háo hức đi lễ hội vãn cảnh, cầu may. Chúng tôi cũng không ngoại lệ, chọn điểm đến là Lễ hội đình Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai), được tổ chức từ ngày 16-18 tháng Giêng. Năm nay, Lễ hội đình Mỏ Gà được xã Phú Thượng tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Xóm núi về đêm thường cho người đến thăm lần đầu cảm giác lạnh và tịch mịch, nhưng đêm 16, xóm Mỏ Gà bừng sáng bởi muôn ánh điện và đèn nhấp nháy như những vì sao lấp lánh. Tiếng hát, tiếng nhạc hòa trong tiếng nói cười, reo hò của những người tham gia lễ hội, ánh lửa trại bập bùng theo bước chân nhảy múa đã xua tan giá lạnh 10 độ C, làm bừng ấm đêm tịch mịch.
Lễ hội đình làng Mỏ Gà được khai mạc vào ngày 18 tháng Giêng (tức ngày 27-2), nhưng để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh, thu hút đông đảo du khách gần, xa đến tham gia lễ hội, quảng bá Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà và du lịch Võ Nhai, xã Phú Thượng đã quyết định tổ chức trước nhiều hoạt động văn hóa – thể thao trong các ngày 16 và 17 tháng Giêng (thi đấu bóng chuyền hơi, bắn nỏ…); trưng bày các sản phẩm địa phương (măng, nấm, mọc nhĩ, mật ong…). Buổi tối có hoạt động đốt lửa trại, chơi các trò chơi dân gian (như bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đánh trống, kéo co, đi cầu kiều…).
Khi tiếng gà mới gáy canh 3, ông Đặng Xuân Luân, 78 tuổi, chủ nhang đình Mỏ Gà, cùng với các thành viên Ban Quản lý đình đã có mặt để chuẩn bị mũ áo, lễ vật, hương, sớ… cho nghi thức cúng lễ. Người lo gà, xôi, người lo viết sớ, bày biện hoa quả, người lại săm sắn chỉnh trang váy, áo… Không khí làm việc tất bật, ồn ào nhưng có trật tự, trang nghiêm, người nào việc ấy rất nhanh nhẹn, quy củ.
Đúng 7 giờ sáng, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sau một hồi trống, ông Đặng Xuân Luân dẫn đầu đoàn rước lễ vào đình làm các thủ tục theo nghi thức.
Ước nguyện của ông Luân, bà Mừa, cũng như chúng tôi và hơn 3.000 lượt du khách đến với Lễ hội đình Mỏ Gà năm nay. Lễ vật không cao sang nhưng nghìn lời khấn nguyện đều thành tâm tự đáy lòng. Những bước chân nhẹ nhàng, không chen lấn, xô đẩy, rác thải được để đúng nơi quy định… tạo nên một lễ hội trang nghiêm, bài bản, vui tươi, an toàn, sạch, đẹp…
Hòa trong tiếng reo hò vang vọng xóm núi, chúng tôi cũng tham gia trò chơi bịt mắt đánh trống, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên không thắng lượt nào, đành chuyển qua chơi kéo co, rồi vào xem các tiết mục hát Then, đàn Tính…
Ở những điểm tổ chức các trò chơi khác như bịt mắt bắt vịt, tung còn, lày cỏ…; hay đánh bóng chuyền hơi, bắn nỏ, người dân cũng vây kín vòng trong, vòng ngoài và không ngớt tiếng reo hò, cổ vũ, tạo nên bầu không khí vui tươi, phấn khởi.
Chị Nguyễn Thị Nhung, một người tham gia Lễ hội, chia sẻ: Trước khi trò chơi diễn ra, tôi đã thử thị phạm, xác định hướng đi thẳng để không bị đè vạch, tính nhẩm bước chân từ điểm xuất phát đến chỗ treo trống, rồi ước chừng khoảng cách để gậy có thể đập đúng trống nên mới thành công.
Rời lễ hội khi những hoạt động vẫn đang diễn ra sôi nổi, náo nhiệt, trong lòng chúng tôi có chút hối tiếc, nhưng vì điều kiện công việc không cho phép nên đành trở về thành phố sớm hơn dự kiến. Bà Hoàng Thị Thậm, chủ Mộc homestay, bùi ngùi tiễn chúng tôi, không quên tặng túi bánh dày giã tay và lời mời quay trở lại. Sự gần gũi, thân thiện, chân tình của bà Thậm cũng như những người dân xóm Mỏ Gà chắc chắn sẽ là sức hút rất lớn đối với du khách khắp nơi…