Hàng năm, cứ đến ngày 9, 10 và 11/3 (âm lịch), người dân thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) lại nô nức tham gia Lễ hội Nghinh Ông. Đây là một lễ hội truyền thống của ngư dân, cầu cho mưa thuận gió hòa khi ra biển và ước mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Nghinh Ông mang đậm sắc thái đối với những ngư dân vùng ven biển Gò Công, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giá trị đời sống văn hóa, yếu tố tâm linh của ngư dân. Thông qua lễ hội, người dân Gò Công có cơ hội giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng cũng như thúc đẩy, phát triển tiềm năng du lịch của địa phương.
“Nghinh Ông” là lễ hội văn hóa tâm linh của người dân vùng biển nhằm tôn vinh tục thờ cúng cá Ông (cá Voi), là vị thần cứu tinh, thiêng liêng của ngư dân trên biển, cầu mong biển lặng, gió hòa, ngư dân may mắn, thuận lợi, vượt qua mọi khắc nghiệt của bão tố, thiên tai để thành công trong những chuyến ra khơi. Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Lễ hội này còn có các tên gọi khác như: Lễ rước cốt Ông, lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông, lễ nghinh Ông Thủy Tướng. Theo tác giả Lê Kinh Nam, “tục thờ cúng cá Ông vốn có nguồn gốc từ người Chăm. Người Việt đã tiếp thu, Việt hóa và phát triển phù hợp với quan niệm và điều kiện của mình”. Lễ hội Nghinh Ông (hay còn gọi Giỗ Tổ nghiệp ngành ngư nghiệp) đã tạo nên một bản sắc riêng trong dòng chảy tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của cư dân vùng biển. Lễ hội Nghinh Ông mang giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao nhận thức, thể hiện cách ứng xử văn hóa của ngư dân trước biển cả.
Theo dân gian truyền miệng, đức tin của những người con xứ biển luôn hướng về hai hình tượng tâm linh lớn nhất là Mẹ Quan Âm Nam Hải và Đức Ngài Cá Ông. Dù là ngư dân kéo lưới thả chài ở đâu đi chăng nữa, ai cũng tâm niệm khi đi biển gặp sóng to gió lớn, nếu cầu xin Ðức Ngài hiển linh thì Ðức Ngài sẽ hiện lên trong xác của một cá Voi khổng lồ hộ tống tàu bè cập bến an toàn. Chính vì sự lưu truyền đó mà cá Ông hay cá Voi là một linh vật, một vị thần phù trợ hết sức linh thiêng đối với người đi biển. Mỗi khi cá Ông gặp nạn, xác trôi dạt vào bờ đều được những ngư dân tổ chức an táng thật trang trọng và tổ chức thờ cúng. Từ truyền miệng, niềm tin này lớn dần và trở thành tín ngưỡng phổ biến của ngư dân, cầu mưa thuận gió hòa, cầu quốc thái dân an, đặc biệt cầu mong sự an toàn cho những người đi biển.
Lễ hội Nghinh Ông thường có có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Ở phần lễ sẽ có lễ rước và lễ tế truyền thống. Lễ rước sẽ do trai làng khỏe mạnh đảm nhiệm, rước kiệu Ông đi từ đền ra biển, hai bên đường sẽ có ngư dân bày lễ, khói nhang để nghinh đón Ông. Sau khi đến bờ biển, sẽ có thuyền để nghinh kiệu, được gọi là thuyền rồng, cùng với hàng trăm tàu, ghe có kích cỡ lớn, nhỏ được trang trí màu sắc rực rỡ, tháp tùng thuyền rồng ra biển, trước các mũi ghe sẽ là hương án và mâm lễ, trên ghe sẽ có các ngư dân tháp tùng. Sau khi đi một vòng, đoàn rước sẽ rước kiệu Ông về lại đền và tổ chức các hoạt động, nghi thức văn hóa như hát bội, múa sư tử để đón rước kiệu Ông. Ở phần hội, ngư dân sẽ tổ chức ăn uống, thỉnh mời hàng xóm, bạn phương xa đến ăn uống, vui chơi và tham gia các hoạt động chung do địa phương tổ chức trong ngày này.
Tại tỉnh Tiền Giang, Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức tại Lăng Ông Nam Hải thuộc khu phố Lăng 2, xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông mang đậm nét văn hóa truyền thống của ngư dân. Lễ hội diễn ra trong 03 ngày 9, 10 và 11 của tháng 3 (âm lịch) hàng năm nhằm cầu mong cho biển lặng, gió hòa, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt an khang. Vào ngày này, nhân dân trong vùng và du khách tham gia lễ hội rất đông. Theo các bậc cao niên, Lễ hội Nghinh Ông còn gắn liền với truyền thuyết của việc vua Gia Long ban sắc phong cho cá Ông. Người dân địa phương còn tương truyền rằng, Vàm Láng là nơi chúa Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng xưa từng lâm nạn trên biển, được cá Ông hộ tống, đưa vào bờ. Vì thế khi lên ngôi, vua Gia Long sắc phong cho loài cá Ông chức “Nam Hải Đại Tướng quân”. Hiện nay, sắc thần còn được thờ một cách tôn kính tại đình làng Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông). Tại khu phố Lăng 2 của thị trấn Vàm Láng vẫn còn tồn tại Lăng Ông Nam Hải được xây dựng vào năm 1922 cùng bộ hài cốt của cá Ông. Lăng Ông Nam Hải ở Vàm Láng cũng như một số nơi khác, vừa mang chức năng tín ngưỡng, vừa là nơi mang chức năng thế tục, là nơi vui chơi, giải trí trong những ngày hội của cư dân làm nghề đánh cá.
Hơn 100 năm qua, chính quyền và ngư dân thị trấn Vàm Láng đều tổ chức Lễ hội Nghinh Ông rất trang trọng với lễ rước và lễ tế truyền thống. Từ sáng sớm ngày 09/3 (âm lịch), các vị kỳ lão tại Lăng Ông Nam Hải sẽ tổ chức nghi thức thỉnh Sắc thần tại đình thần xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) và tổ chức các lễ cúng tiên sư, thỉnh cỗ bánh, thỉnh vong trên bộ, thỉnh vong lạc thủy và lễ xô giàn thí (cúng cầu an). Điểm nhấn của lễ hội là ngày chính lễ vào ngày 10/3 (âm lịch), các vị bô lão, chủ ghe và Ban Tổ chức sẽ tham dự lễ rước trên biển. Sáng sớm, đoàn rước xuất phát từ cảng Vàm Láng (với hàng chục tàu, thuyền của ngư dân có trang trí cờ hoa rực rỡ và đầy đủ các đồ tế lễ) hướng về biển để tiến hành lễ cúng tế Ông. Tàu, ghe đi chừng 08km thì làm thủ tục rước Ông (tức Nghinh Ông) và chờ Ông lên “vọi”. Theo quan niệm của cư dân vùng biển, năm nào gặp Ông lên vọi thì năm ấy được mùa, nếu chưa gặp Ông lên vọi thì chờ một chú cá lớn nào đó lên vọi để hình dung về “Ông”, và như thế cũng dâng tràn niềm hạnh phúc về một năm đánh cá sẽ “đại thắng”. Khi tưởng tượng ra “Ông vọi”, đội lân múa để nghênh đón, nhang đèn, rượu, trầm hương đều được dâng lên, chủ lễ đứng ra khấn vái thỉnh mời Thủy tướng, các bô lão cúi lạy, đội nhạc lễ biểu diễn một cách cung kính, tàu, ghe đi đủ vòng cho đúng thủ tục, rồi quay về bến.
Sau đó, đoàn trở về, cờ hoa rực rỡ. Chiếc tàu hay ghe có long đình nổi trống, đi vào các bến để chúc sự tốt lành cho các đội tàu. Bên các bờ rạch, nhà nhà đều đặt bàn hương án ngoài trời, với đầy đủ hương hoa, lễ vật, khói nhang nghi ngút. Đoàn trở về tập trung tại Lăng Ông Nam Hải và tiến hành lễ rước (diễu hành trên bộ). Trên bờ lại có sẵn một đội lân nghênh đón. Long đình, lư hương, mâm heo quay, bánh trái được long trọng đưa vào lăng làm lễ an vị, trong sự chào đón hoan hỉ của hàng ngàn người. Tiếp sau phần lễ là phần hội được tổ chức một cách tưng bừng, náo nhiệt. Đoàn hát bội diễn các tuồng xưa. Diễn ngày, diễn đêm tùy theo sức đóng góp của các đội tàu (đội tàu được phân theo ngành: Ngành sông cầu, ngành đáy chạy, ngành lưới gộc…). Dịp này, nhân dân và du khách còn tham gia các trò chơi dân gian như: Kéo co, bắt vịt, đua thuyền, bơi lội, đua xe đạp chậm, đá bóng,… làm cho không khí ngày hội thêm vui tươi, huyên náo. Trong những ngày lễ hội, các chủ ghe tàu đánh bắt gần vùng biển này đều cập vào cảng Vàm Láng để cúng Ông. Người địa phương đi làm ăn xa và nhân dân các nơi cũng hội tụ về đây thăm viếng và vui chơi lễ rất đông.
Tiến sĩ Huỳnh Quán Chi, Trưởng Bộ môn Văn học, khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Tiền Giang cho rằng: “Tháng ba lễ hội Nghinh Ông/Ai đi đâu đó nhớ mong mà về”. Câu ca dao đã đi sâu vào lòng người dân miền biển biển Gò Công, mỗi khi tháng 3 về. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức mỗi năm một lần nhằm tôn vinh “Ðức ngài Cá Ông” hay còn gọi là Nam Hải Đại Tướng quân. Đây được coi là nét văn hóa đặc sắc của cư dân miền biển Gò Công cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cá rộ đúng mùa. Lễ hội Nghinh Ông là dịp để những người đánh cá thả hết tâm hồn mình vào những trò chơi giải trí, mà quên đi những ngày mệt nhọc, gian nguy, để hướng tới một mùa bội thu sắp đến. Lễ hội này đã góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó chú trọng giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng biển. Lễ hội nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nghề, yêu quê hương, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Có thể thấy, tục thờ cúng cá Ông (Lễ hội Nghinh Ông) có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của ngư dân ven biển. Lễ hội Nghinh Ông ở thị trấn Vàm Láng đã phản ánh niềm tin, tín ngưỡng, quan niệm và tri thức dân gian của ngư dân. Các nghi thức, nghi lễ cùng những hoạt động diễn ra trong lễ hội đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân, nhằm tạ ơn Thần Nam Hải (cá Voi) đã che chở, hỗ trợ ngư dân trong cuộc sống, sản xuất. Lễ hội cũng là lễ cầu mong sự bình an khi ra biển, cầu mong một mùa bội thu, đây còn là dịp để các ngư dân tạ ơn những người đã chế tạo ra phương tiện và ngư cụ sản xuất…, được lưu truyền qua bao thế hệ.
Ngày nay, Lễ hội Nghinh Ông là một dạng văn hóa, tín ngưỡng dân gian thu hút nhiều ngư dân và khách du lịch. Thiết nghĩ, các cấp thẩm quyền cần sớm công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng biển, thông qua lễ hội tăng cường tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nghề, yêu quê hương, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
ThS. Võ Văn Sơn
Tài liệu tham khảo
1. Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (2012), Quản lý văn hóa Việt Nam, trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật.
2. Lê Kinh Nam (2018), “Lễ hội Nghinh Ông nét văn hóa đặc sắc ở Bà Rịa – Vũng Tàu”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế: Triết lý nhân sinh của người dân Nam Bộ, Phần 2: Văn hóa tổ chức đời sống, Trường Đại học An Giang.
3. Ủy ban nhân dân Tiền Giang (2018), Quyết định số 2010/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Tiền Giang về việc Quy định quản lý di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.