Nhờ săn được vé giá rẻ nên một chàng trai người Hà Nội đã chi số tiền ít không tưởng cho chuyến đi Thái 3 ngày 2 đêm của mình.
Kinh nghiệm đi Bangkok một mình chỉ 2,4 triệu đồng
Có biệt danh khá lạ Megumi là một chàng trai hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Megumi (tên thật là Đức) vừa thực hiện chuyến đi tới Bangkok một mình trong 3 ngày 2 đêm với số tiền vô cùng ấn tượng khiến không ít người phải “nghi ngờ” về độ chính xác là 2.443.000 đồng.
Tuy nhiên, chia sẻ về bình luận “sống ảo” của nhiều người, Megumi cho biết đây là những trải nghiệm thực sự và khám phá riêng của cậu. Đồng thời nhờ săn được vé máy bay khứ hồi chỉ 1,5 triệu đồng cộng với sở thích ăn vỉa hè nên Megumi đã tiết kiệm được kha khá.
Megumi cũng cho biết kiểu du lịch cậu chọn không phải là hình thức du lịch hưởng thụ mà là khám phá, tối giản hóa chi phí nhất có thể, trong đó quan trọng nhất là khám phá ẩm thực đường phố và tất nhiên vẫn có thể mua sắm vừa rẻ vừa đẹp.
Dưới đây là những chia sẻ cụ thể của Megumi trên trang cá nhân:
Điều kiện cần
– Muốn đi một mình nhưng còn đang lăn tăn.
– Đam mê ẩm thực đường phố, thích bê bụng từ quán này sang quán khác.
– Thích đi du lịch nhưng phải rẻ, vẫn mua sắm được.
– Đang đi làm và có rất ít thời gian nghỉ làm để đi du lịch.
– Có ít tiền, tích cóp được ít.
– Đang tiết kiệm tiền đi Thái nhưng không biết bao nhiêu cho đủ.
Điều kiện đủ
– Sức khỏe: không cần khỏe như trâu nhưng đừng yếu như bánh bèo. Có khả năng đi bộ dẻo dai và nói chung cứ thích là sẽ vượt qua được hết.
– Tiền: 2.443.000 đồng (chưa bao gồm tiền mua sắm riêng cho bản thân),
– Quần áo: Áo phông, quần đùi cho tiện, hoặc áo dài tay. Thời tiết Bangkok nóng nắng, mang áo dài tay mặc chống nắng. Đi 3 ngày 2 đêm nên chuẩn bị 2 bộ là đủ, cộng thêm 1 bộ đang mặc ngay ngày bắt đầu đi. Lời khuyên: sang bên đó mua quần áo mặc luôn, đỡ mất công mang.
– Balô: Tuyệt đối đừng mang vali, vừa nặng nề mà không linh hoạt.
– Túi nhỏ đeo ngang người: để ví, passport, tiền xu, điện thoại, các thứ quan trọng hay lấy ra lấy vào để đỡ đụng vào balô.
– Túi ngủ: nếu chọn hình thức ngủ sân bay, xem phần dưới.
– Mua kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội đầu loại tép nhỏ.
– Các loại sữa rửa mặt, mỹ phẩm mang theo dung tích phải nhỏ hơn 100 ml, lớn hơn sân bay bắt để lại.
Thời gian
Những bạn đang đi làm thì nên tranh thủ vào cuối tuần, đi thứ 6 về chủ nhật hoặc đi thứ 7 về thứ hai.
Vé máy bay
Rất nhiều hãng bán vé khác nhau với cực kì nhiều ưu đãi rẻ bất ngờ: dao động từ 1,2 triệu đến 3 trệu (khứ hồi). Các bạn muốn săn vé rẻ thì cứ nằm vùng và mua vé sớm trước thời điểm đi khoảng 3, 4 tháng. Tuy nhiên nhiều hãng như Vietjet air, Air Asia vẫn tung đợt khuyến mãi liên tục, các bạn vào trực tiếp trang chủ của hãng mà update rồi book thẳng tay.
Vì thời gian đi mình chọn vào dịp cuối tuần nên rất khó có vé giá rẻ (vé rẻ hay nằm ở các ngày trong tuần). Nên mình đề xuất cho các bạn một hãng rất rẻ và ưu đãi cho cả cuối tuần – hãng Nok Air. Đây là một hãng nội địa Thái, có chuyến bay thẳng từ Hà Nội đến Bangkok, giá rẻ vô cùng. Giá trung bình 1,5 triệu khứ hồi.
Đổi tiền
Thực ra cách đổi lợi nhất là đổi tiền Việt Nam sang USD tại Việt Nam, rồi cầm USD sang Thái đổi. Nhưng vì số tiền mình cầm không nhiều mà nhiều khi phải có tiền baht trong tay để chi trả nên cứ đổi thẳng VND sang baht luôn. Hà Trung là nơi có nhiều hàng đồi nhất, tỷ giá biến động theo ngày, gần nhất là 638 đồng/1 baht.
Lưu ý khi làm thủ tục check in: Nhân viên làm thủ tục có thể sẽ hỏi mình mang bao nhiêu tiền đi Thái, mình cứ nói là mang hơn 10 triệu tiền mặt nhé, không thì có thể bạn sẽ bị từ chối nhập cảnh.
Chỗ ở
Có 3 hình thức cho các bạn lực chọn, ba hình thức này được phân theo mức giá, điểm chung là rẻ. Theo quan điểm của mình, chỗ ở chỉ đúng như mục đích của nó là ngủ, hết.
Địa điểm 1: sân bay.
Ưu điểm: miễn phí, hoàn toàn không tốn một đồng chi phí nào cho việc ở, mát mẻ, sạch sẽ.
Bất lợi: Không thoải mái bằng ngủ trên giường, ồn, dễ thức giấc vì khách đi qua đi lại liên tục.
Cách khắc phục: Mua cái bít lỗ tai (bán ngay trong siêu thị Seven Eleven ngay trong sân bay với giá 70 baht). Bịt xong ngủ êm ru. Nếu bạn có tiền thì mua cái túi ngủ xịn vào là êm ấm ngay.
Ở Bangkok có hai sân bay, một cái quốc tế là Suvarnabhumi và một cái sân bay cũ là Don Muong. Các bạn nên ngủ Suvarnabhumi nhé, vì nó sạch, mới và tiện nghi hơn rất nhiều. Điều quan trọng là từ sân bay này có thể đi rất thuận lợi vào trung tâm.
Còn về túi ngủ: Các bạn có thể mua loại túi bằng vải ni lông bán ở phố cổ, ví dụ bên phố Lý Quốc Sư với giá 40.000 đồng nhìn như cái áo mưa. Lúc xài thì chỉ cần chui vào trong nằm, vác cả balo bê vào trong luôn.
Ví trí nằm: ở sân bay Suvarnabhumi, các bạn xuống tầng thấp nhất (tầng mà có tàu Airport link ) vừa nhiều chỗ, vừa đỡ ồn nhất. Các bạn tìm chỗ nào có ổ cắm điện trong góc tường hoặc ở đâu có cột thì sẽ có ổ cắm quanh cột, rồi nằm thôi. Lý do: vừa sạc điên thoại, máy ảnh vừa ngủ.
Vệ sinh: Trong sân bay, có rất nhiều nhà vệ sinh, bạn có thể vào đó đánh răng rửa mặt và thay quần áo, nhưng không có phòng tắm. Còn tắm, các bạn sẽ phải đi xa hơn, đó là khi vào vui chơi trong thành phố, các bạn sẽ vào guest house để xin tắm nhờ với giá 50 baht cho một tiếng (Gợi ý là hãy đến Khu Khaosan).
Địa điểm 2: ngủ dorm.
Dorm là hình thức ngủ tập thể. Nghĩa là trong một 1 phòng có nhiều giường, và chỉ có một toillet chung.
Ưu điểm: giá rẻ, khoảng 7 – 9 USD (dưới 200.000 đồng)/đêm, ở với các bạn tây, ta vừa tăng khả năng ngoại ngữ, kết bạn giao lưu.
Nhược điểm: ở chung nên nhiều thứ bất tiện, dễ mất đồ. Ngủ dorm có thể còn dễ mất đồ hơn sân bay, vì ở sân bay ai cũng lăn lóc như vậy, ít khi để ý đến nhau. Và còn có bảo vệ đi tuần liên tục. Ở dorm lơ là cảnh giác hơn, hỗn tạp hơn.
Cách khắc phục: Balô để quần áo thì để dưới cũng được nhưng túi nhỏ để giấy tờ tiền bạc thì ôm cùng đi ngủ, lúc tắm thì mang cái túi nhỏ đó theo luôn.
Địa điểm 3: Đặt phòng đơn, đôi
Đây là hình thức bình thường như mọi nhà. Đủ các khách sạn, guest house cho bạn lựa chọn. Bạn có thể lên các trang web đặt phòng trực tuyến để tìm những địa điểm gần, thuận tiện và giá rẻ là được. Việc lựa chọn phòng, dựa vào địa điểm mình muốn đến rất quan trọng.
Lưu ý là giá phòng cũng như giá vàng cũng tăng giá chứ không cố định đâu nhé, nên book ngay khi lập cho mình kế hoạch đi cụ thể rồi.
Ăn uống
Ăn uống ở Bangkok rất tuyệt vời và không hề đắt. Cũng có ba hình thức để bạn lựa chọn hoặc ăn 1, 2 món nổi bật rồi tiết kiệm để dành tiền mua sắm hoặc ăn thỏa thê các món ngon nhất của Thái, tùy vào túi tiền và sở thích, hoặc chỉ mua đồ ăn trong siêu thị.
Mỳ Thái
Ngon điên đảo, có rất nhiều kiểu là mỳ bò, mỳ heo, tom yum, mỗi lần phải ăn 4, 5 bát mới bõ. Có rất nhiều hàng bán và giá thì khoảng 12 baht/bát.
Cách đi đến một hàng siêu ngon: đi tàu trên cao đến bến Victory Monument, đi bộ từ bến đó đi thẳng nối liền cầu đi bộ (xin đừng đi bộ xuống dưới), cứ đi trên cầu đi bộ, đi bộ khoảng 2 đoạn cầu mỗi đoạn cầu đều có lối đi xuống), đến đoạn cầu thứ 2 thì đi bộ xuống dưới, sẽ thấy một cái sảnh rất nhiều gian hàng bán quần áo, rồi ở giữa cái sảnh có cả một dãy bàn bán sổ số hay gì đó. Đi xuyên qua cái sảnh về phía sau sẽ thấy một cây cầu (ngắn tầm 20 m) sẽ thấy ngay cả dãy hàng mỳ Thái, phòng to máy lạnh các kiểu. Hàng ngon nhất là hàng cuối cùng bên trái.
Pad Thái
Cũng ngon bá chấy luôn, nhiều nhất ở khu phố Tây Khao San. Đây là mỳ xào (có 4 loại mỳ) với giá, hành, trứng, thịt bò, gà hoặc lợn (có thể chỉ định). Giá: 30 baht/bát xào với trứng, 40 baht với lợn và 50 baht với gà. Làm xong nóng hổi đổ vào đĩa nhựa, vừa cầm đi vừa ăn, thong thả ngắm phố.
Ngoài ra đồ ăn vỉa hè vô cùng đa dạng như đồ xiên que nướng (bạch tuộc, chả cá…), kem xôi dừa, nước hoa quả, xôi xoài…
Đồ ăn trong siêu thị Seven Eleven
Hệ thống siêu thị này phủ sóng mọi ngõ ngách, trong đó nhiều vô kể bánh mỳ, mỳ gói, mỳ cốc, nui, cơm các kiểu, có nước nóng, lò vi sóng cho mình luôn. Chỉ cần ăn 1 bánh mỳ kẹp chocolate giá khoảng 10 baht, 1 cốc mỳ 12 baht, 1 cốc pepsi tươi 13 baht là no.
Tạm tính nếu theo cách nào bạn cũng chỉ hết từ 180.000 đồng đến 400.000 đồng/ngày là hết cỡ.
Đi lại
Từ sân bay Suvarnabhumi muốn vào trung tâm thành phố thì xuống tầng dưới cùng, hỏi nhân viên sẽ thấy quầy bán vé để đi Airport Link (tàu đỏ) để từ sân bay đến trạm xa nhất là Phaya Thai (trung tâm thành phố). Vé có dạng đồng tiền nhựa màu vàng (hoặc đỏ), sử dụng để lên xuống, giá 45 baht.
Từ sân bay Don Muong thì có thể đi xe bus số 29 giá 7 baht, xe bus đón ngay ngoài cửa sân bay, chạy rất nhanh, ra gần bến Phaya Thai luôn.
Phương tiện công cộng chủ yếu nên sử dụng là tàu trên cao (BTS). Nếu bạn muốn thưởng thức nhiều món ngon nhất có thể thì nên mua thẻ One day pass (thẻ sử dụng tàu trên cao không giới hạn trong một ngày). Vì các địa điểm ăn uống cũng như mua sắm ở xa nhau nên muốn ngăn món ngon nhất, đi lại nhiều thì nên mua vé này để đỡ mất công xếp hàng, giá 138 baht.
– Cách đi từ Phaya thai đến Victory Monument: các bạn đi chọn chuyến tàu mà có bảng chỉ dẫn đi đến Mo Chit, thì lên đứng đợi và đi. Vì điểm đến Vitory nằm trên lộ trình Bearing – Mo Chit.
– Cách đi từ Phaya Thai đến chợ Chatuchak: các bạn chọn hướng đến Mo Chit và lên tàu, ngồi lại đến khi tàu đến Mo Chit thì xuống, đi bộ xuống dưới đường sẽ thấy ngay công viên Chatuchak (công viên này có chim bồ câu, mua gói thức ăn 10 baht chim sẽ vây quanh người), đi xuyên quan công viên là thấy chợ. Chợ Chatuchak chỉ mở cửa cuối tuần.
– Cách đi từ Phaya Thai đến Khao San: chọn hướng tàu đi Bearing, lên tàu và xuống ngay bến tiếp theo (bến Siam), đổi tàu đi hướng Krung ThonBuri, lên tàu rồi ngồi đến khi đến bến Saphan Taksin thì xuống. Đó là một cái bến BTS giáp với bến tàu thủy. Đi bộ từ bến Saphan BTS xuống dưới sẽ thấy ngay bến tàu thủy, từ đây các bạn sẽ phải đi tàu thủy đến bến Tha Phra Chan (mỗi bến thuyền sẽ dừng lại và sẽ có biển báo cho các bạn biết bến đó tên gì). Giá vé là 15 baht.
Khi xuống bến rồi rồi thì hỏi người dân cách đi Khao San là tới ngay (đi bộ tầm 10 phút). Đây cũng là cách mình đi tìm phòng tắm nếu chọn cách ngủ tại sân bay.
Những địa điểm shopping, vui chơi
– Central World, Siam, BigC: đi rã rời chân luôn, trung tâm thương mại ở đây thường thông nhau, đi từ cái này qua cái nọ. Big C thì đối diện Central World. Mua sắm tẹt bô, HM, Zara, Uniqlo, F21 đều có.
– Chợ Pratunam: nhiều hàng giá rẻ.
– Chợ Chatuchak: đồ ăn vô vàn.
– Khao San Road: phố tây như Tạ Hiện ở Hà Nội hoặc Bùi Viện ở Sài Gòn nhưng mà sầm uất hơn và mở xuyên đêm. Quán ăn rất nhiều và nổi nhất là pad thai. Ở đây hoạt động sôi nổi, bar nhạc sập sình, tattoo khắp nẻo. Các quán massage cũng nhiều ở đây, massage chân giá 250 baht/giờ, 150 baht/30 phút.
– Chợ đồ cũ, đồ cổ ở Wang Lang: chỉ mở cửa từ 9h sáng đến 17h chiều, nhiều đồ cũ, cổ giá hạt dẻ.
Lịch trình tham khảo
– Ngày thứ 6: đi Central World, Big C, Pratunam, Siam… ăn mỳ Thái, bạch tuộc nướng, đêm đến ra khu Central ngồi ngắm đường phố.
– Ngày 7: đi Chatuchak sáng trưa, chiều tối ở Khao San.
– Chủ nhật: ra chợ đồ cũ Wang Lang rồi ra sân bay về là vừa.
Chi phí
– Ở sân bay miễn phí
– Vé máy bay khứ hồi: 1,5 triệu đồng
– Ăn uống: 500.000 đồng
– Đi lại: 398.000 đồng
– Tắm: 35.000 đồng
– Tổng: 2.443.000 đồng
Megumi cũng cho biết thêm tùy thuộc chọn theo hình thức nào sẽ có khoản tiền tương ứng theo đó. Đối với Megumi mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm, khám phá và đi nước ngoài không đắt như đa số mọi người nghĩ.
IVIVU.COM GỢI Ý MỘT SỐ KHÁCH SẠN BANGKOK GIÁ TỐT
1. Aspen Suites Sukhumvit 2 by Compass Hospitality
2. Centre Point Pratunam
3. The Best Bangkok House