Trải nghiệm khám phá thiên nhiên và văn hóa bản địa tại vườn quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc, đền Lăng Sương… kết hợp với các món ẩm thực độc đáo của người Mường, người Dao hay đặc sản trứ danh thịt chua Thanh Sơn đang tạo nên sức hấp dẫn mới cho khu vực phía Nam tỉnh Phú Thọ. Đáng chú ý, hạ tầng du lịch tại các huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy đang được nâng cấp nhanh chóng với nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Ngọc Lân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ, hiện nay đồi chè Long Cốc là điểm đến thu hút khách, đặc biệt là du khách yêu thích chụp ảnh. Các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng nhiểu tour du lịch kết nối Hà Nội – Tân Sơn – Thanh Sơn – Thanh Thủy, như tour 1 ngày từ Hà Nội đến đồi chè Long Cốc, dùng bữa trưa ẩm thực dân tộc, tắm khoáng nóng Thanh Thủy, hoặc tour 2 ngày đi đồi chè Long Cốc, vườn quốc gia Xuân Sơn ngủ tại homestay, tham quan mua sắm tại thị trấn Thanh Sơn trước khi đến khu khoáng nóng Thanh Thủy.
Hiện nay Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực hướng dẫn, hỗ trợ người dân tại Thanh Sơn, Tân Sơn phát huy thế mạnh để làm du lịch. “Chúng tôi hướng dẫn người dân cách vận hành nhà nghỉ cộng đồng (homestay), cách đón tiếp khách và kiến thức về du lịch. Hiệp hội cũng kết nối các doanh nghiệp lữ hành để đưa khách tới, đồng thời cùng người dân hoàn thiện sản phẩm, nông sản để mang đi giới thiệu tại các cửa hàng”, ông Nguyễn Ngọc Lân chia sẻ với phóng viên VOV.VN.
Tại huyện Tân Sơn, anh Hà Văn Luận – chủ một homestay gần đồi chè Long Cốc cho biết sức hút của đồi chè giúp gia đình đón lượng khách đáng kể vào cuối tuần, đặc biệt là giai đoạn tháng 9 – tháng 12 khi đồi chè vào mùa đẹp nhất. Vì nằm trên tuyến đường đi Yên Bái, Sơn La nên homestay này cũng đón được lượng khách lớn đến dùng bữa trưa. “Gia đình đang xây thêm phòng lưu trú, để đón được từ 40 – 50 người. Hiện nay nhà sàn chỉ đón được 25 người nên nhiều khi không thể đáp ứng hết lượng khách về với đồi chè Long Cốc” – anh Hà Văn Luận nói.
Riêng huyện Thanh Sơn đang tập trung bảo tồn các giá trị văn hóa và cảnh quan ở xã Khả Cửu, tiến tới đưa nơi này trở thành điểm du lịch đặc trưng của địa phương. Ngoài ra du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều thác nước tuyệt đẹp như thác Mây, thác Chòi, thác Đá Mài; hệ thống di tích đình Thạch Khoán, đình Chung… hoặc thăm các làng nghề chế biến chè, trải nghiệm quy trình sản xuất thịt chua Thanh Sơn…
Ông Hoàng Anh Tuấn – Chi hội trưởng Chi hội Du lịch Thanh Sơn & Tân Sơn cho biết tiềm năng du lịch ở các huyện Tân Sơn và Thanh Sơn là rất lớn, giao thông cũng thuận tiện, nhưng khó khăn hiện nay là hệ thống cơ sở lưu trú còn hạn chế. Để đáp ứng chất lượng và số lượng khách ngày càng đông, một số dự án du lịch quy mô lớn đang được triển khai tại khu vực đồi chè Long Cốc và thị trấn Thanh Sơn.
Trong tương lai gần, tại khu đồi chè Bông ở xã Long Cốc sẽ có thêm các khu nhà sàn cộng đồng và cắm trại cao cấp (glamping). Còn ở thị trấn Thanh Sơn, ngoài trung tâm sự kiện – nhà hàng – khách sạn Kiều Anh đã đưa vào vận hành, thì đến tháng 9/2023 sẽ có thêm tổ hợp Trung tâm đón khách du lịch Thanh Sơn, hứa hẹn sẽ góp phần nâng tầm du lịch địa phương.
Còn tại huyện Thanh Thủy, địa phương này đã thu hút được rất nhiều hạ tầng du lịch chất lượng cao, nhờ thế mạnh suối khoáng nóng và tiếp giáp với Hà Nội – nguồn khách hàng đầu cả nước. Các khu du lịch như Vườn Vua Resort & Villa, Đảo Ngọc Xanh… đã giúp Thanh Thủy đón lượng khách lớn vào những ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết. Đơn cử như Vườn Vua Resort & Villa, bà Lại Thu Huyền – Giám đốc vận hành khu nghỉ cho biết năm nay, còn 1 tháng trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 nhưng công suất phòng lưu trú đã đạt trên 80%.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, hạ tầng du lịch ở các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thủy hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của khách nội địa, nên trước tiên phải tập trung phục vụ tốt dòng khách này, đặc biệt là thu hút lượng khách rất lớn đến với Đền Hùng hàng năm. Sau khi xây dựng được thương hiệu điểm đến thì mới có thể đón khách quốc tế (inbound).
Ông Đỗ Tiến – Giám đốc Công ty du lịch Typic (chuyên đón khách Pháp) nhận định: “Sản phẩm du lịch mà địa phương cần làm ngay là tour khởi hành hàng ngày (daily tour) bằng nhiều ngôn ngữ, gửi cho các công ty chuyên tổ chức tour ở Hà Nội, các khách sạn ở khu phố cổ để hình ảnh dần quen thuộc với du khách. Nên gắn với thương hiệu Đền Hùng và các giá trị di sản văn hóa, làm từng bước để điểm đến phát triển bền vững”.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên đón khách Tây Ban Nha nêu ý kiến: “Khách du lịch quốc tế thường tìm đến những nơi giàu bản sắc văn hóa, mà điều này vẫn đang được gìn giữ ở Thanh Sơn, cộng thêm rừng quốc gia và thiên nhiên ở Tân Sơn là sức hút lớn. Tôi tin chắc rằng nếu đi đúng hướng thì khách quốc tế sẽ rất thích các loại hình như vậy và địa phương nên tập trung vào đó”./.