Không biết xuất hiện từ đâu, thời điểm nào, nhưng có điều dễ thấy, thời gian trở lại đây, thú “phượt” – du lịch mạo hiểm đã trở thành một trào lưu được nhiều bạn trẻ ưa thích. Các bạn trẻ này thường coi những chuyến đi “phượt” nhằm để thể hiện khả năng khám phá, sự vươn “khó – trở ngại” của bản thân. Nhiều bạn trẻ đã lập ra những nhóm chuyên đi “phượt”. Chỉ cần nhóm trưởng lên tiếng, các “phượt thủ” – dân đi phượt sẽ tán thành hưởng ứng. Và rồi, những chuyến đi du lịch mạo hiểm, băng rừng, xuyên núi lại được thực hiện. “Tuấn C” – nhà ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), năm nay 30 tuổi, nhưng đã có 6 năm làm “phượt thủ”. Trong khoảng thời gian trên, hàng chục, hàng trăm cuộc “phượt”, chinh phục đường đèo, nơi núi cao hiểm trở… do nhóm “Tuấn C” tổ chức đã được tiến hành.
Tiếp xúc với “Tuấn C” cũng như nhiều “phượt thủ” khác ở Hà Nội, chúng tôi thấy rằng, nơi núi cao với cảnh vật hùng vĩ như: cổng trời Quản Bạ, đỉnh Lũng Cú, cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), đỉnh Phan Xi Păng (Lào Cai), đèo Pha Đin (Điện Biên – Sơn La)… hay nơi các bản làng xa xôi, đường đi lại khó khăn như: Mù Cang Chải (Yên Bái); Mường Tè, Mường Mô (Lai Châu); Hoàng Su Phì (Hà Giang) v.v… là những nơi mà các “phượt thủ” thường hướng đến và thực hiện các chuyến đi “hành xác” của mình. Để thực hiện các chuyến đi này, ngoài công tác chuẩn bị về hành trang (phương tiện, dụng cụ sửa chữa xe, đồ dùng cá nhân…), bản thân mỗi “phượt thủ” đều xác định, một khoảng thời gian đi “phượt” nhất định, kèm với đó là những trở ngại, khó khăn về địa hình, về cuộc sống – sinh hoạt nơi mình sắp tới.
Nguy cơ tai nạn luôn cận kề đối với những chuyến đi “phượt” nơi đường đèo hiểm trở.
Lưu lại những bức hình về cảnh đẹp, núi non, đường đèo hiểm trở, mừng vui vì “hòa mình” với cuộc sống nơi các bản làng nghèo khó… ấy là những suy nghĩ của nhiều “phượt thủ” hiện nay. Trên các trang mạng Internet thời gian qua theo đó cũng đã xuất hiện nhiều diễn đàn, forum của các nhóm “phượt”. Hàng loạt những nội dung, tranh luận bình phẩm về các chuyến đi “phượt” theo đó được đăng tải.
Điển hình phải kể đến trang mạng có địa chỉ: www.phuotxxx. Trang mạng này do một nhóm người có sở thích “phượt” lập nên. Chủ nhân trang web luôn cập nhật những tin tức liên quan đến các thành viên thực hiện chuyến “phượt” của mình. Đính kèm các bản tin là những hình ảnh, bài viết giới thiệu về vùng miền – địa danh mà các “phượt thủ” đã từng đi qua. Mục đích không ngoài việc “hút” thêm các bạn trẻ thích du lịch mạo hiểm tìm đến. Rồi các mẹo đi “phượt” như: cách buộc đồ trên xe, trang bị máy định vị, những dụng cụ, đồ dùng cá nhân cần thiết cho chuyến đi v.v… tất cả cũng đều được đăng tải trên trang web này.
Nhìn vào lượng khách truy cập, bình luận liên quan đến thú “phượt” trên trang web www.phuotxxx cũng như qua ghi nhận thực tế, chúng tôi được hay, thú “phượt” – du lịch mạo hiểm đang trở thành một trào lưu nở rộ hút một bộ phận giới trẻ tham gia. Điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng bàn cần phòng ngừa, tháo gỡ nhằm tránh hệ lụy không mong muốn xảy ra.
Để chứng minh những lời nói của mình về thú “phượt” luôn đem lại cảnh giác lạnh người xen lẫn niềm vui khó tả, “Tuấn C” cho tôi địa chỉ đường link trang mạng xã hội facebook nhóm “phượt” của mình. Nhấp vào đường link này, chúng tôi chứng kiến vô số hình ảnh lưu giữ về những cung đường hiểm trở đại ngàn Tây Bắc mà nhóm “Tuấn C” đã “phượt” qua. Nhìn những hình ảnh này, chúng tôi thực sự lo ngại bởi, chỉ một chút bất cẩn thôi, tai nạn rất dễ ập đến với các thành viên trong nhóm “phượt” của “Tuấn C”. Hình ảnh là vậy, còn thực tế trên những cung đường vốn được mệnh danh là “thiên đường” của các “phượt thủ” thì sao?
Vâng! Xin thưa rằng, có đi ghi nhận, có trực tiếp chứng kiến sự cheo leo, hiểm nguy của những cung đường đèo núi Tây Bắc mới thấy hết được những nguy cơ tai nạn luôn cận kề. Cách đây không lâu, trong một lần công tác tại các huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn… của tỉnh Hà Giang, trực tiếp đi trên những con đường “sợi chỉ” cua tay áo, một bên là vách núi cao nguyên đá, một bên là vực sâu hun hút. Tại nhiều điểm đèo, sương mù lẫn với núi khiến tầm nhìn của người đi đường bị ảnh hưởng. Trời sáng đã thế, ban đêm thì càng nguy hiểm hơn.
Trên thực tế, cũng đã có một số vụ tai nạn thương tâm xảy đến với các “phượt thủ” trên các tuyến đường cheo leo này. Ngày 2/9 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội đã tiếp nhận và mổ cấp cứu cho anh Nguyễn T., 20 tuổi, nhà ở quận Tây Hồ (Hà Nội). Nguyên nhân trước đó, ngày 1/9, nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, anh T. cùng nhóm bạn đã tổ chức đi “phượt”, leo núi ở đỉnh Lũng Cú (Hà Giang). Do đường trơn, bất cẩn, anh đã bị ngã xuống các mỏm đá…
Không chỉ bị chấn thương, có những vụ tai nạn còn khiến “phượt thủ” mãi mãi ra đi. Như theo thông tin trên cộng đồng mạng cách đây không lâu cho thấy, “phượt thủ” có thâm niên tên C.H.Đ. trong lúc từ Yên Bái trở về Hà Nội sau chuyến “phượt” dài ngày, anh đã đâm vào cột điện bên đường dẫn đến tử vong.
Bên cạnh việc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn xảy đến với “phượt thủ” do đường đi quanh co, cheo leo, địa hình hiểm trở, nguy cơ tội phạm lợi dụng phát sinh theo đó cũng luôn rình rập. Trung tá Dương Thanh Bình, Trưởng Công an huyện Đồng Văn, địa bàn có nhiều điểm hút “phượt thủ” của tỉnh Hà Giang tỏ ra lo ngại trước thú “phượt” của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Lẽ bởi, trong quá trình đi “phượt” – đi trên những cung đường vắng, nhất là khu vực giáp biên, nếu như không cảnh giác, chỉ một chút lơ là, người đi “phượt” rất dễ bị các đối tượng hình sự lợi dụng để tổ chức hành vi vi phạm pháp luật như: vận chuyển hàng cấm, hàng lậu… Ví như, trong quá trình đi “phượt”, nếu không cảnh giác, dân “phượt” gật đầu đồng ý chở hộ món đồ của ai đó trên đường. Và, trong trường hợp, món đồ này là hàng cấm, là ma túy thì hành động trên cũng đồng nghĩa với việc “giúp đỡ” cho tội phạm phát sinh…
Theo Trung tá Bình, để tránh những hệ lụy không mong muốn, bản thân các bạn trẻ đang có sở thích “phượt” hiện nay cần nhận thức rõ những nguy cơ đi kèm, nhất là đối với các loại tội phạm lợi dụng “phượt thủ” hoạt động