Du lịch Lạng Sơn 1 ngày có gì hấp dẫn? Xứ Lạng là thành phố nằm phía Đông Bắc Việt Nam với 2 cửa khẩu quốc tế, cảnh sắc nên thơ với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Nhưng nơi đây cũng vô cùng nhộn nhịp với 2 chợ vùng biên sầm uất cùng nét văn hóa, ẩm thực độc đáo. Giờ thì cùng mình bỏ túi ngay một số kinh nghiệm và lịch trình gợi ý du lịch Lạng Sơn 1 ngày qua bài viết sau đây nhé!
1. Nên du lịch Lạng Sơn 1 ngày vào mùa nào?
Du lịch Lạng Sơn vào bất kỳ mùa nào trong năm cũng đều có những nét thú vị, độc đáo riêng. Nếu muốn một kỳ nghỉ thư giãn, thoải mái, bạn có thể đến xứ Lạng vào những ngày hè. Còn nếu muốn ngắm cảnh tuyết rơi trắng xóa đất trời thì bạn nên tới đây vào mùa đông. Và nếu muốn khám phá những lễ hội văn hóa đặc sắc của các dân tộc Lạng Sơn thì tháng Giêng là thời điểm thích hợp cho chuyến đi của bạn.
Theo kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn của mình, dưới đây là những mốc thời gian lý tưởng bạn có thể tham khảo để chọn thời gian phù hợp cho chuyến đi của mình theo sở thích bản thân nha:
- Tháng Giêng (tính theo âm lịch): tháng đầu năm này là thời điểm diễn ra rất nhiều các lễ hội vô cùng đặc sắc từ các dân tộc tại Lạng Sơn như: hội chùa Tam Thanh, lễ hội đền Kỳ Cùng, lễ hội Chùa Tiên …
- Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9: là mùa “na đu dây” chín tại Chi Lăng, nếu bạn muốn thưởng thức món đặc sản Lạng Sơn này thì đừng bỏ qua khoảng thời gian này nhé!
- Tầm cuối tháng 7 và cuối tháng 11: đây là khoảng thời gian mùa lúa chín Bắc Sơn, lúc này mà tới đây thì bạn sẽ săn được ảnh lúa vàng đẹp thôi rồi đó. Tuy nhiên, mọi người nên tìm hiểu kỹ trước khi lên lịch đi vì nó diễn ra chỉ tầm từ 10 – 15 ngày là lúa sẽ được gặt đó.
- Cuối tháng 12 đến đầu tháng 1: du lịch Lạng Sơn lúc này bạn sẽ được trải nghiệm mùa đông lạnh giá và ngắm tuyết rơi trên đỉnh Mẫu Sơn nữa đấy.
2. Hướng dẫn đi thành phố Lạng Sơn
2.1. Phương tiện di chuyển đến Lạng Sơn
Lạng Sơn chỉ cách Hà Nội khoảng 160 km về hướng Đông Bắc và giao thông vô cùng thuận tiện nên bạn có thể lựa chọn di chuyển đi thành phố Lạng Sơn theo 3 cách sau:
- Du lịch Hà Nội – Lạng Sơn bằng xe khách: Bạn có thể ra bến Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm hay Lương Yên để đón xe đi Lạng Sơn với mức giá vé dao động từ 100.000 – 170.000đ/ chiều/ người. Thời gian di chuyển khoảng 3 giờ đồng hồ.
- Du lịch Lạng Sơn 1 ngày bằng tàu hoả: Từ ga Hà Nội hằng ngày đều có tàu đi Đồng Đăng nhiều chuyến mỗi ngày, chuyến tàu xuất phát từ Hà Nội sớm nhất là vào 6h sáng và chặng cuối cùng ở Đồng Đăng là 11h40. Giá vé từ 80.000 – 115.000đ/ chiều/ người. Thời gian di chuyển khoảng 2.5h đồng hồ
- Du lịch Lạng Sơn 1 ngày bằng phương tiện cá nhân: Nếu bạn du lịch Lạng Sơn bằng ô tô hay xe máy cá nhân thì có thể di chuyển theo cung đường Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang – Lạng Sơn hoặc theo QL5 rồi vào đường 1A. Với những bạn có dự định đi xe máy thì nên chạy xe thật cẩn thận vì đường 1A là tuyến đường chính vận chuyển hàng hóa từ Lạng Sơn về các tỉnh nên xe container nhiều vô cùng, đi đường khá là nguy hiểm đó nha.
2.2. Di chuyển tại Lạng Sơn
- Taxi: Nếu bạn đi theo nhóm đông hay đi cùng gia đình thì taxi là một lựa chọn phù hợp. Nhưng bạn chỉ nên gọi taxi khi di chuyển trong thành phố Lạng Sơn thôi, vì các điểm du lịch ngoại thành thường không có xe đi đâu, như đỉnh Mẫu Sơn chẳng hạn.
- Xe ôm: Vì “xe ôm công nghệ” ở đây chưa có phổ biến nên xe ôm truyền thống vẫn hoạt động rất nhiều. Vậy nên bạn phải “chốt giá” trước khi đi để khỏi bị các bác xe ôm “chém ngọt” nhé.
- Xe bus: đây phương tiện công cộng giúp bạn di chuyển đến các điểm tham quan trong thời gian du lịch Lạng Sơn với giá rẻ và rất tiện lợi.
- Xe máy: bạn có thể thuê xe máy tại các địa điểm cho thuê xe máy hoặc hỏi ngay tại khách sạn nơi mình ở nha. Có điều dịch vụ cho thuê xe máy ở đây chưa được phát triển cho lắm.
>>> Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn: nên ở đâu, đi lại, ăn uống, vui chơi
3. Các địa điểm du lịch Lạng Sơn nổi tiếng
Du lịch Lạng Sơn thật sự có rất nhiều điểm đến hấp dẫn đáng để ghé qua một lần. Và giúp mọi người dễ hình dung “bản đồ du lịch Lạng Sơn” hơn để tiện sắp xếp lịch trình vui chơi trong ngày, mình sẽ giới thiệu những “khu du lịch Lạng Sơn” trước khi chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết từng điểm đến:
(1) Tp. Lạng Sơn: cách Hà Nội 153km theo đường quốc lộ 1A.
(2) Ải Chi Lăng: Nằm ngay gần quốc lộ 1, đoạn đường từ Hà Nội lên Lạng Sơn, bạn có thể kết hợp đi cùng trong 1 ngày
(3) Mẫu Sơn: cách Tp. Lạng Sơn chỉ tầm 30km về phía Đông Bắc
(4) Cao Lộc: cách Tp. Lạng Sơn khoảng 13km về phía Bắc
(5) Bắc Sơn: nằm về phía Tây tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 150km và cách Tp. Lạng Sơn khoảng 100km (3 điểm này tạo thành một hình tam giác).
=> Dựa vào vị trí này, có thể thấy du lịch Lạng Sơn 1 ngày bạn có thể kết hợp tối đa cả 4 địa điểm 1,2,3,4. Còn địa điểm số 5 – Bắc Sơn nên đi riêng 1 ngày khác nha.
3.1. Thành phố Lạng Sơn
- Chùa Tiên – Giếng Tiên
Hang động Chùa Tiên và Giếng Tiên cách cầu Kỳ Cùng khoảng nửa cây số, trên đường đi Mai Pha, có núi đá hình voi nhô lên giữa cánh đồng. Đây là núi Đại Tượng, có động Chùa Tiên – một trong bát cảnh mà Ngô Thì Sĩ đã từng ghi nhận. Động Chùa Tiên nằm ngang chừng núi với lối lên cao 64 bậc, cửa phụ quay về hướng Đông, có cửa thông hiên, có đường xuống hồ Thu Thuỷ. Đúng theo kiểu “tựa sơn hướng thủy”.
Chùa Tiên thờ Phật, Mẫu và Đức Thánh Trần, có bố cục theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh” gồm cung tam bảo thờ Phật phía ngoài và cung thờ Mẫu, Đức Thánh Trần ở phía trong. Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều văn bia của các văn nhân, thi sĩ thời xưa, trong đó có bài “Trấn Doanh bát cảnh” do Ngô Thì Sỹ cảm tác ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên xứ Lạng.
>>> Gợi ý đặt phòng Four Points by Sheraton Lang Son với mức giá ưu đãi để có kỳ nghỉ trọn vẹn cùng những người thân yêu bạn nhé!
- Đền Kỳ Cùng
Đền Kỳ Cùng có kiến trúc độc đáo với phong cảnh đẹp, là điểm đến tâm linh nổi tiếng mà bất kỳ du khách nào khi du lịch Lạng Sơn 1 ngày đều khó lòng bỏ qua. Nằm tại phường Vĩnh Trại, đây là nơi linh thiêng thờ thần Giao Long có nhiệm vụ giữ cho quanh năm mưa thuận gió hoà. Bên trong đền còn có bến đá Kỳ Cùng là một trong tám cảnh đẹp của Lạng Sơn được ghi trong Doanh Bát Cảnh của Ngô Thì Sỹ.
- Thành nhà Mạc
Thành nhà Mạc có hướng dựa vào núi nàng Tô Thị, là một căn cứ quân sự quan trọng được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ VII trước đây. Dấu tích này hiện nay gồm 2 đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi.
Để lên cổng thành nhà Mạc, bạn cần đi qua hơn 100 bậc tam cấp để vào tới trong thành là một khu đất trống rộng. Nếu đứng trên thành nhìn về phía Đông, bạn có thể ngắm được toàn cảnh thành phố Lạng Sơn xinh đẹp.
- Động Nhị Thanh
Là một hang đá tự nhiên từ cửa trước ra cửa sau dài hơn 500m cùng nhiều cảnh đẹp kỳ vĩ, động Nhị Thanh gắn liền với danh nhân Ngô Thì Sỹ. Ông là người đã phát hiện ra động Nhị Thanh và cho tu sửa tôn tạo thành nơi du ngoạn vào tháng 5 năm 1779.
Ðộng Nhị Thanh khá rộng, có nhiều ngóc ngách, nhiều nhũ đá rơi xuống muôn hình vạn dạng. Từ cửa động chính nhìn lên là ngôi chùa Tam Giác thờ Khổng Tử, Lão Tử và Thích Ca. Trong động có tượng truyền thần Ngô Thì Sĩ tạc vào vách đá và trên vách động còn ghi nhiều bài ký phú của ông và các danh nhân.
- Chợ đêm Kỳ Lừa
Chợ đêm Kỳ Lừa là nơi bạn có thể tham quan nhịp sống thành phố Lạng Sơn về đêm. Đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào các dân tộc.
Chợ Kỳ Lừa mỗi tháng họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch. Đến chợ bạn có thể tha hồ mua sắm đồ gia dụng, đồ điện tử hoặc thưởng thức một số đặc sản xứ Lạng nhé.
Cuối năm 2020, Lạng Sơn khai trương thêm tuyến phố đi bộ Kỳ Lừa, mở cửa từ 8h – 24h thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian, các gian hàng lưu niệm, ẩm thực sẽ được tổ chức xung quanh chợ Kỳ Lừa và các tuyến đường Lê Lai, Trần Quốc Toản, Lương Văn Tri…
- Núi Phai Vệ
Núi Phai Vệ nhìn từ trên cao trông như một hòn non bộ khổng lồ nằm giữa lòng thành phố Lạng Sơn với cột cờ cao 80m. Để lên được đỉnh núi, bạn phải vượt qua 535 bậc đá. Đứng từ cột cờ còn có thể quan sát được toàn cảnh thành phố Lạng Sơn với dòng sông Kỳ Cùng quanh co uốn lượn. Nếu ghé thăm nơi đây vào khoảng 17h – 18h, bạn sẽ được chiêm ngưỡng ngắm hoàng hôn cực đẹp đó.
>>> Xem thêm: Review ‘trọn bộ” nghỉ dưỡng, đặt phòng Four Points by Sheraton Lang Son
3.2. Du lịch Chi Lăng, Lạng Sơn
- Ải Chi Lăng
Ải Chi Lăng là thung lũng hẹp hình bầu dục, xung quanh là núi cao, có sông Thương chảy qua với chiều dài của Ải gần 20km, nơi rộng nhất khoảng 3 km. Đây từng là nơi diễn ra những trận chiến ác liệt của dân tộc ta với quân xâm lược phương Bắc trong quá khứ.
Đến thăm ải Chi Lăng, bạn có thể đăng ký nghe thuyết minh viên của Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng kể về lịch sử, lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm dựng và giữ nước.
Đến ải Chi Lăng, bạn còn có thể thưởng thức đặc sản Lạng Sơn “na đu dây” được nhiều du khách yêu thích. Bạn có thể tham quan vườn na để xem từng gánh na được bà con hái từ trên núi cao, đưa xuống đất thông qua hệ thống ròng rọc tự chế khá thú vị. Giống na Chi Lăng thích nghi tốt trên đất núi đá, cho vị ngọt sắc, thịt dai, khác so với na được trồng ở nơi khác.
- Núi Mặt Quỷ
Núi Mặt Quỷ chỉ cách cửa ải Chi Lăng chừng 100m. Núi được đặt tên như vậy vì trên vách núi có một hình dáng khuôn mặt được người dân nơi đây cho rằng giống mặt quỷ. Điều thú vị là người dân không coi núi là biểu tượng của cái ác, mà xem núi Mặt Quỷ như một vị thần hộ mệnh, bảo vệ cho cuộc sống bình yên của dân làng.
>>> Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn: nên ở đâu, đi lại, ăn uống, vui chơi
3.3. Du lịch Mẫu Sơn
Xứ Lạng có một nơi đẹp như bước ra từ tranh vẽ mang tên Mẫu Sơn. Đến với vùng núi Mẫu Sơn, bạn sẽ phải thổn thức trước cảnh sắc bốn mùa, từ đào rừng khoe sắc vào mùa xuân cho tới những bông tuyết trắng xóa mùa đông.
Mỗi mùa trên đỉnh Mẫu Sơn mang một vẻ đẹp riêng, trong đó nổi bật là mùa săn mây từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau. Nếu muốn săn mây, bạn phải dậy sớm, lúc rạng đông để chiêm ngưỡng cảnh tượng tuyệt đẹp này.
3.4. Cao Lộc
- Cửa khẩu Hữu Nghị
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cách thành phố Lạng Sơn khoảng 17km, là cửa khẩu nằm trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc và cũng là điểm nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh – Hà Nội. Đến đây, bạn có thể đăng ký làm giấy thông hành để “xuất ngoại”, vi vu Trung Quốc trong 1 ngày. Từ cửa khẩu, bắt taxi di chuyển vào thị trấn Bằng Tường (Trung Quốc) cách khoảng 15km để tham quan, ăn uống “nhà bạn láng giềng” rồi đó.
>>> Xem thêm: Review ‘trọn bộ” nghỉ dưỡng, đặt phòng Four Points by Sheraton Lang Son
- Chùa Bắc Nga
Chùa Bắc Nga tọa lạc tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Chùa Bắc Nga có tên chữ “Tiên nga phật tự” hay còn gọi là chùa Tiên Nga (Tiên Nga tự). Chùa nằm trên sườn đồi rộng thoải, lưng tựa núi, mặt hướng ra quốc lộ 4B và dòng sông Kỳ Cùng uốn lượn, tạo nên thế “Rồng chầu hổ phục” theo thuyết phong thủy. Ngôi chùa xưa nhỏ bé, nằm dưới tán lá cổ thụ um tùm.
3.5. Bắc Sơn
- Núi Nà Lay – thiên đường săn ảnh
Đỉnh núi Nà Lay ở độ cao khoảng 600m so với mực nước biển, là địa điểm mà hầu hết khách du lịch Bắc Sơn đều muốn đặt chân đến bởi đây là địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp từ trên cao, đặc biệt vào lúc hoàng hôn và bình minh đầy mê hoặc.
Để lên được đỉnh núi, bạn phải vượt qua 1.200 bậc thang đá cheo leo. Ai quen leo núi sẽ mất chừng 30 phút, còn không có thể phải loay hoay khoảng 1 giờ mới lên được đến đỉnh. Tuy nhiên công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng đó, cảnh sắc từ trên đỉnh Nà Lay sẽ là món quà xóa đi mọi vất vả, mệt mỏi trước đó.
- Đình Nông Lục
Đình Nông Lục là nơi diễn ra cuộc họp quan trọng của các đồng chí đảng viên châu Bắc Sơn vào tối ngày 25/9/1940 để bàn phương án khởi nghĩa cướp chính quyền của thực dân Pháp tại đồn Mỏ Nhài. Cuộc họp đã ra Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo cuộc khởi nghĩa, thống nhất thời gian khởi nghĩa vào 20h ngày 27/9/1940.
- Hang Keng Tao
Đến hang Keng Tao vào những ngày tháng 9, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi vẻ đẹp nên thơ tại đây. Nguồn nước suối trong vắt chảy ra từ vách núi tạo nên một khung cảnh trữ tình, điểm nhấn là đài phun nước nhân tạo giữa thác, khu vực lòng suối rộng, nước mát lành, có những chỗ sâu để bạn vui chơi, tắm mát.
>>> Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn: nên ở đâu, đi lại, ăn uống, vui chơi
4. Gợi ý lịch trình Lạng Sơn 1 ngày hợp lý và hấp dẫn nhất
Như đã tìm hiểu trong phần trên, du lịch Lạng Sơn 1 ngày bạn sẽ có 2 lựa chọn: 1 là vui chơi trong nội thành và vài điểm lân cận; 2 là du lịch Bắc Sơn (Lạng Sơn) trọn vẹn 1 ngày. Vậy nên mình sẽ đưa ra 2 lịch trình du lịch Lạng Sơn 1 ngày để mọi người có thể tham khảo và sắp xếp cho phù hợp nhé!
4.1. Lịch trình 1: Mẫu Sơn – Đền mẫu Đồng Đăng – Chùa Tam Thanh – Chợ Đông Kinh
- Mẫu Sơn
Mẫu Sơn chính là điểm đến mà mình muốn review nhất trong chuyến du lịch Lạng Sơn tới mọi người. Lần đó mình và chị bạn thân, 2 đứa con gái chạy xe từ Hà Nội đi thành phố Lạng Sơn vào giữa trưa hè tháng 6. Trời nắng thực sự thế mà tụi mình chạy một mạch tới ải Chi Lăng, thăm quan, check-in một lúc rồi uống vội chai nước lên đường tiếp.
Khoảng 5h chiều thì đến thành phố. Mình vẫn còn nhớ như in cái vẻ cổ kính của “phố thị” thời đầu tại xứ Lạng hôm đó. Và việc đầu tiên khi đặt chân đến nơi là tụi mình “xà” vào một quán nước mía ngay cạnh cổng chợ Đông Kinh, làm cô chủ quán “hết hồn” vì mỗi đứa đánh bay ngon lành 2 cốc nước mía. Sau một buổi tối vui chơi, ăn uống thỏa thích thì bọn mình chính thức lên đường khám phá đỉnh Mẫu Sơn vào sáng hôm sau.
Nhớ lại đúng là thời còn trẻ có sức khỏe và nhiệt huyết thật. 11h đêm tối hôm trước 2 đứa mới từ núi Phai Vệ về, thế mà sáng hôm sau 4 rưỡi đã dậy chuẩn bị balo rời khách sạn. Lượn lờ xe máy vòng quanh những con đường ở thành phố Lạng Sơn vào buổi sáng sớm ngày hè thích thật sự.
Hàng quán chỉ mới lác đác mở cửa, cứ đi một đoạn mới có vài người đang chạy bộ tập thể dục trên hè… thì ra, một thành phố ồn ào, tấp nập mà mình vừa chứng kiến hôm qua, sáng nay lại có thể yên bình đến thế…
Mình đi tìm địa chỉ quán phở chua mà đến nơi quán vẫn chưa có mở. Thế nên 2 đứa quyết định để bụng đói chạy xe lên đỉnh Mẫu Sơn luôn cho kịp đón bình minh (Mẫu Sơn cách thành phố Lạng Sơn tầm 30km thôi nhé mọi người).
Chạy xe trên đường đèo, lúc còn cách đỉnh khoảng tầm 10km tự nhiên tụi mình bắt đầu thấy lạnh. Cỏ cây 2 bên đường rung rinh vì gió. Mình còn tưởng trời sắp mưa nữa chứ. Nhưng không mọi người ạ, chạy tiếp 5km nữa thì sương trắng xóa luôn, nó cứ bay lơ lửng xung quanh.
May mà lúc đó có xe ô tô chạy qua bật đèn pha nên mình mới nhìn rõ được đường để chạy tiếp. Cái cảm giác giữa mùa hè mà được mặc áo gió “phi” trên đèo trong sương mù phải gọi là “phê chữ ê kéo dài” luôn.
Phải nói là tụi mình cực kì “hên” luôn. Lễ hội Mẫu Sơn 1 năm chỉ tổ chức 1 lần duy nhất và nó không có ngày cố định, chỉ biết là thường diễn ra vào tháng 6 hoặc tháng 7. Ấy thế mà 2 đứa lại lên vào đúng dịp có lễ hội chứ. Thích quá nên 2 đứa cứ lượn lờ, mua đủ thứ ở đây. Nào là thịt heo quay, bánh ngải, bánh tét nếp cẩm… ăn siêu ngon mọi người ạ.
Lúc mới lên đến đỉnh chỉ hơn 6h sáng thôi. Từ lúc đó cho đến khoảng 8h bọn mình đã chứng kiến bao điều “kì diệu”. Lúc thì mây với sương mù bay là là xung quanh quanh người, lúc thì nó che hết cả tầm nhìn phía dưới núi. Cơ mà chỉ cần có chút gió là đẩy mây bay đi, hiện lên khung cảnh đồi núi trập trùng trải dài tít tắp phía dưới…
Vì mãi chơi ở đây quá và lúc xuống núi bị tắc đường nên tụi mình đã phải hủy hết lịch trình còn lại trong ngày luôn. Dù sống ở Hà Nội tận 7 năm nhưng mình cũng chưa từng chứng kiến và trải qua lần tắc đường huyền thoại nào như thế này. Đúng 2 tiếng đồng hồ mà chỉ di chuyển được 3km vì lúc mình về thì người dân vẫn còn đang trên đường lên đỉnh xem lễ hội nhiều lắm.
À, còn một điều rất hay ho là trên đỉnh Mẫu Sơn chỉ có vài nhà dân và vài khách sạn thôi. Tất cả đều bị phủ đầy rêu và những mảng tường loang lổ, nhìn có chút “ma mị”. Mình hỏi người dân mới biết được do khí hậu, thời tiết trên đây quanh năm lạnh lạnh, độ ẩm cao nên dù nhà mới xây được vài năm thì đều nhìn như là nhà cổ mấy chục năm rồi. Check-in với mấy khách sạn ở đây cũng là một điều thú vị bạn không nên bỏ lỡ nhé!
Chuyến du lịch Lạng Sơn của mình đáng nhớ vậy đó. Hi vọng sẽ có cơ hội trở lại Mẫu Sơn vào một ngày đông gần nhất để có thể chứng kiến cảnh tuyết rơi mong chờ bấy lâu.
>>> Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn: nên ở đâu, đi lại, ăn uống, vui chơi
- Đền mẫu Đồng Đăng
Đền mẫu Đồng Đăng (Đồng Đăng linh tự) là nơi thờ Phật và mẫu Thượng Ngàn nằm trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Đến đây, bạn sẽ được lắng nghe truyền thuyết dân gian về đền Mẫu chính là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh (một trong Tứ bất tử) và Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan) hay thắp hương tại 5 gian thờ: Tam bảo – Tam tòa Thánh Mẫu – Sơn trang – Chúa Liễu – Chầu đệ tứ Khâm sai. Ngoài ra bên ngoài còn thờ quan Trần Triều Đức Đại Vương, các thánh cô, thánh cậu…
- Chùa Tam Thanh
Chùa Tam Thanh là một ngôi chùa đặc biệt, được bố trí trong hang đá, không có kiểu kiến trúc giống như những ngôi chùa khác. Qua cách sắp xếp bài trí tượng có thể thấy hệ thống thờ tự được sắp xếp theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bức phù điêu A Di Đà có niên đại vào thế kỷ XVII được tạc theo thế đứng vào vách đá trong hình một lá bồ đề là một nét độc đáo của di tích.
- Chợ Đông Kinh
Lạng Sơn nổi tiếng là thiên đường mua sắm phía Đông Bắc Việt Nam vì có vị trí gần biên giới Trung Quốc nên hàng hóa ở đây rất đa dạng, nhiều chủng loại mẫu mã và giá cả cũng rất rẻ (nếu bạn biết trả giá). Nếu có dịp ghé chợ, bạn nhớ chọn mua cho mình những đồ dùng hữu ích nhé!
>>> Xem thêm: Review ‘trọn bộ” nghỉ dưỡng, đặt phòng Four Points by Sheraton Lang Son
4.2. Lịch trình 2: Làng du lịch văn hóa Quỳnh Sơn – Thung lũng hoa Bắc Sơn – Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn
- Làng du lịch văn hóa Quỳnh Sơn
Làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn nằm gọn trong thung lũng Bắc Sơn với trên 400 ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, cùng hướng về hướng Nam với thế tựa lưng vào núi.
Làng Quỳnh Sơn như một bức tranh đa sắc màu với màu xanh của núi, màu vàng của đồng ruộng mênh mông, màu trong vắt của dòng suối Quỳnh Sơn trong xanh uốn lượn và hơn thế nữa là sự hòa quyện của đời sống con người với vẻ đẹp của tự nhiên.
- Thung lũng hoa Bắc Sơn
Thung lũng hoa Bắc Sơn nằm ở thôn Lân Khoang, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn là điểm hẹn lý tưởng cho những bạn yêu hoa ở vùng Đông Bắc bởi những loài hoa rực rỡ sắc màu, đua nhau khoe sắc trên những cánh đồng hoa trải dài bất tận chạy dài dưới chân những ngọn núi hùng vĩ.
- Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn
Với những bạn thích khám phá, tìm hiểu lịch sử thì Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn là điểm đến không thể bỏ qua. Nơi đây lưu giữ, bảo quản và trưng bày các tài liệu hiện vật về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm xưa.
Đồng thời, bên trong bảo tàng còn mô phỏng nơi cư trú của người tiền sử và trưng bày các di vật khảo cổ được khai quật tại Bắc Sơn. Kiến trúc bảo tàng được xây dựng theo dáng dấp một ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày, đằng sau là núi cao, bốn bề không gian thoáng đãng.
5. Du lịch Lạng Sơn nên ở đâu?
Du lịch Lạng Sơn để có chuyến đi trọn vẹn với một nơi nghỉ ngơi chất lượng, đẳng cấp thì bạn nhất đừng đừng bỏ qua Four Points by Sheraton Lang Son nhé!
- Địa chỉ: Số 2 Trần Hưng Đạo – Chi Lăng – Tp. Lạng Sơn
- Số điện thoại: 84-205 3782 999
Four Points by Sheraton Lang Son là khách sạn 5 sao đầu tiên mang phong cách tân cổ điển hiện đại đến với xứ Lạng và sở hữu tầm nhìn bao quát thành phố, ôm trọn cả sông núi hữu tình.
Những trải nghiệm bạn không – thể – bỏ – lỡ tại Four Points by Sheraton Lang Son:
- Ngắm nhìn vẻ đẹp non nước hữu tình của thành phố Lạng Sơn từ khách sạn 21 tầng cao
- Thư thả thưởng thức ly cafe nồng nàn tại Lounge 1509 trên tầng 6 khách sạn với không gian thoáng đãng
- Thiết đãi vị giác bằng menu tinh hoa ẩm thực xứ Lạng với các món ăn đặc sản Lạng Sơn như: khâu nhục, phở chua…
6. Đặc sản Lạng Sơn bạn không nên bỏ lỡ
Nếu có dịp đến với Lạng Sơn, bạn đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản đã làm nên ẩm thực xứ Lạng phong phú nơi đây.
6.1. Vịt quay lá mắc mật
Vịt quay Lạng Sơn được làm từ giống vịt bầu Thất Khê. Sau khi làm sạch sẽ được tẩm các hương liệu đặc biệt chỉ có tại những vùng núi rừng phía Bắc. Món này đòi hỏi người chế biến phải khéo léo từ khâu nêm nếm gia vị cho đến công đoạn quay. Khi ăn chấm với phần nước đọng trong vịt sau khi quay, thêm xì dầu, ớt là ngon hết sẩy luôn.
Gợi ý địa chỉ ăn ngon:
- Quán vịt quay Mật Mật: số 15 Bắc Sơn – Vĩnh Trại – Tp. Lạng Sơn
- Quán vịt quay Hùng Hưng: số 13 Bắc Sơn – Vĩnh Trại – Tp. Lạng Sơn
- Quán vịt quay Hà Nga: số 157 Hùng Vương – Tp. Lạng Sơn
6.2. Phở chua Lạng Sơn
Phở chua là đặc sản ở rất nhiều tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng… Đặc sản xứ Lạng này được chế biến rất cầu kỳ và có hương vị vô cùng hấp dẫn.
Một bát phở chua truyền thống có đến đến hơn chục loại nguyên liệu đặc biệt như khoai lang, gan lợn, dạ dày, thịt ba chỉ, xá xíu, bột chao, lạp xưởng… kết hợp cùng các loại rau thơm, dưa chuột, lạc rang… Ăn thử một miếng phở chua, bạn có thể cảm nhận đầy đủ vị cay, ngọt man mát lại chua dịu thanh thanh. Món này cực kì “cuốn” và dễ ăn nha.
Gợi ý địa chỉ ăn ngon:
- Phở chua đường Lê Lai – Tp. Lạng Sơn
- Quán phở Phượng: 73 Nhị Thanh – Tp. Lạng Sơn
6.3. Heo quay Lạng Sơn
Heo quay xứ Lạng được chế biến vô cùng kỳ công. Điểm đặc biệt có món đặc sản Lạng Sơn này là ngoài cách chấm cùng xì dầu hoặc các loại đồ chấm pha chế khác thì còn một kiểu chấm vô cùng độc đáo là dùng ngay phần nước từ trong con lợn có được trong lúc quay thịt và ngấm ra từ phần gia vị nhồi vào lúc trước.
Miếng thịt heo quay vàng rộm thơm lừng, cắn miếng thịt quay có vị ngọt của thịt chín tới, vị thơm của lá mắc mật, vị ngậy của thịt nướng, miếng thịt được tẩm ướp đậm đà, ăn một lần là bạn sẽ nhớ mãi.
>>> Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn: nên ở đâu, đi lại, ăn uống, vui chơi
6.4. Bánh ngải Lạng Sơn
Với bánh ngải, người vùng núi phía Bắc thường đun lá ngải non với nước tro sạch cho nhừ, rồi rửa sạch, bỏ xơ, cho vào cối giã nhuyễn. Xôi đồ chín cũng được giã đều trong cối cùng với lá ngải đã giã mịn từ trước.
Cứ giã thế từ lúc xôi nóng hừng hực tới lúc thành thứ bột mềm, mịn và dẻo thì chuyển sang bắt bánh. Khi bột đã nhuyễn dẻo, bánh được tra nhân vừng với đường giã nhỏ mịn. Tỷ lệ nhân bánh không nhiều nếu so với bánh dày đỗ ngọt dưới xuôi. Bù lại, mùi vừng rất dậy quyện với mùi lá ngải nay đã chỉ còn thơm mà không còn chút đắng nào.
6.5. Khâu nhục – đặc sản Lạng Sơn “độc – lạ”
Khâu nhục hay còn gọi nằm khâu, là món truyền thống của dân vùng cao xứ Lạng, được chế biến vô cùng cầu kỳ từ thịt ba chỉ sau khi được ướp kỹ các loại gia vị như húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, mật ong, rượu… và hấp cách thủy trong thời gian dài.
Món ăn nghe lạ tai này vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau khi du nhập vào Việt Nam được người Tày, Nùng ở Lạng Sơn biến đổi cho phù hợp và nhanh chóng trở thành đặc sản nơi đây. Khâu nhục có thể ăn với cơm hoặc xôi, nhưng ngon nhất vẫn là ăn với bánh gật gù. Món khâu nhục này ăn cực kì lạ miệng và ngon, nếu có cơ hội bạn nhất định phải thử nhé!
6.6. Bánh áp chao
Bánh áp chao trông từa tựa bánh rán, nhưng sự khác biệt thì ẩn giấu bên trong. Nhân bánh là thịt vịt chuẩn xứ Lạng, tẩm ướp làm sao đó mà rất đậm đà.
Bánh lên đĩa vẫn thật nóng, bạn có thể ăn kèm với nước mắm chua ngọt ngâm gỏi đu đủ xanh, thêm ít ớt tiêu cay tê tê đầu lưỡi và rổ rau sống xanh mơn mởn chống ngán. Từng miếng bánh màu nâu vàng ruộm, cắn bên ngoài giòn tan, bên trong thơm thơm dẻo dẻo, hòa quyện với vị thịt vịt ngọt béo đặc trưng, lại sần sật sụn xương đã miệng.
>>> Xem thêm: Review ‘trọn bộ” nghỉ dưỡng, đặt phòng Four Points by Sheraton Lang Son
7. Đi Lạng Sơn mua gì làm quà?
- Đào Mẫu Sơn
Đào Mẫu Sơn nổi tiếng từ lâu trong cả nước với màu sắc và hương vị rất riêng. Đào có màu xanh trắng, vị ngọt lịm mà lại giòn tan, có mùi thơm dịu đặc trưng nên rất được du khách yêu thích.
Mặc dù nhiệt độ ở độ cao 1000m rất thấp, nhưng đào Mẫu Sơn vẫn trổ hoa sớm hơn các loại đào dưới núi xấp xỉ một tháng. Quả đào Mẫu Sơn có màu sắc, hương vị không giống với bất cứ đào ở nơi nào khác. Mỗi quả to bằng cái bát con, cứ 3, 4 quả là được 1kg, khi chín bên ngoài có màu xanh nhạt, bên trong đỏ au vị ngọt lịm, giòn tan, mùi thơm dịu rất đặc trưng.
- Na Chi Lăng
Lạng Sơn được coi là một trong những “vựa na” lớn nhất cả nước. Cứ mỗi độ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, khi tiết trời thu se lạnh tràn về cũng là lúc đến mùa na chín. Và vùng núi đá vôi Kai Kinh ở hai huyện Hữu Lũng và Chi Lăng là vương quốc na nơi đây. Na Chi Lăng mắt hồng, quả to, tròn căng, bóng mẩy và ngọt sắc.
Để chuyển những trái na từ trên đỉnh núi xuống, người dân nơi đây đã làm ra những chiếc ròng rọc chạy từ trên cao xuống tận chân núi nên đôi khi khách du lịch còn gọi đặc sản này là “na đu dây”. Món đặc sản này được bày bán khắp dọc đường từ Chi Lăng lên thành phố Lạng Sơn nên bạn có thể dễ dàng mua làm quà khi du lịch Lạng Sơn 1 ngày nhé!
- Rượu Mẫu Sơn
Rượu Mẫu Sơn là loại rượu nức tiếng cả nước bởi sự kết hợp giữa nguồn nước suối tinh khiết chảy ra từ lòng núi với khí hậu trong lành quanh năm mát mẻ ở đỉnh Mẫu Sơn.
Loại rượu này không có màu trắng đục mà trong suốt như nước suối, mùi thơm nồng nàn, cuốn hút. Rót rượu ra chén rượu sủi tăm trông rất thích mắt. Thay vì vị cay đắng thông thường, rượu Mẫu Sơn uống rất dịu, vị đậm đà nhưng lại không quá nồng nặc, có chút ngọt ngọt thơm dịu của lá và rễ cây thuốc xứ Lạng.
>>> Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn: nên ở đâu, đi lại, ăn uống, vui chơi
- Măng ớt ngâm Lạng Sơn
Nguyên liệu chính làm nên món đặc sản măng ớt Lạng Sơn vô cùng đơn giản: măng tươi, ớt, tỏi cùng các gia vị đi kèm như muối, đường, giấm gạo tạo nên món măng ớt ngâm nổi tiếng.
Điểm đặc biệt của măng ớt ngâm ở Lạng Sơn là khi ngâm người ta cho thêm quả của cây mắc mật thì món măng ớt ngâm chua sẽ ngon hơn và có hương thơm hơn hẳn. Ngâm chừng một tuần thì món ăn đã hoàn thành và có thể mang ra thưởng thức.
Người dân Lạng Sơn đóng gói măng chua vào trong các hũ nhỏ để tiện thuận tiện cho du khách mang về làm quà. Bạn có dịp ghé Lạng Sơn thì đừng quên mua vài hũ măng chua ớt về làm quà cho người thân, bạn bè ở nhà nhé!
>>> Xem thêm: Review ‘trọn bộ” nghỉ dưỡng, đặt phòng Four Points by Sheraton Lang Son
- Lạp xưởng tươi Lạng Sơn
Lạp xưởng Lạng Sơn là một trong những loại lạp xưởng ngon nhất được nhiều người yêu thích. Hương vị đặc trưng của món đặc sản Lạng Sơn này sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.
Món lạp xưởng này được chế biến từ thịt nạc vai đã qua tẩm ướp, nhồi vào lòng non đã sơ chế rồi đi phơi dưới trời nắng hoặc hong lạp xưởng trên bếp than hoa cho đến khi khô cũng được. Lạp xưởng tươi rán rất ngon, khi rán chỉ cần cho rất ít mỡ rồi rán nhỏ lửa để vàng đều là được. Bạn có thể ăn cùng với cơm hay xôi đều rất ngon miệng nhé!
Với toàn bộ kinh nghiệm du lịch Lạng Sơn 1 ngày siêu đầy đủ và chi tiết trên đây, chắc chắn bạn đã có trong tay một cuốn cẩm nang hữu ích để tự tin vi vu khám phá vùng đất địa đầu Tổ quốc này.
Khám phá ưu đãi HOT nhất từ Vinpearl