Kinh nghiệm du lịch Kyrgyzstan từ A – Z năm 2018 (Phần 1)
Hầu hết phản ứng của mọi người khi tôi nói “Tôi sẽ đi đến Kyrgyzstan” đều là “Ủa đây là nước nào? Nằm ở đâu vậy? Viết ra làm sao? Để Google coi nó ở đâu”. Tuy vậy hẳn không ít trong số các bạn từng muốn được bước chân trên Con Đường Tơ Lụa. Kyrgyzstan là quốc gia nằm ngay chính giữa, trái tim của Silk Roads.
Không khó hiểu để mọi người ít biết về quốc gia này, không phải chỉ đối với người Việt Nam mình, mà còn đối với các nước khác trên thế giới, đất nước Trung Á này vẫn là 1 điều kỳ bí”. Tôi biết đến đất nước này một cách tình cờ khi tìm hiểu về các cung đường du lịch theo Con Đường Tơ Lụa. Sau đó các kết quả tìm kiếm và tài liệu tham khảo đã dẫn tôi đến với các nước Trung Á. Và tiếp tục tìm hiểu các nước Trung Á, tôi bị mê mẫn đất nước hùng vĩ xanh tươi này. Một điều đặc biệt hơn là theo các thông tin được phổ biến trên mạng, Kyrgyzstan là quốc gia Trung Á duy nhất miễn visa cho công dân Việt Nam (Mặc dù vậy, tôi xin khẳng định lại với mọi người là thông tin này là không chính xác 100% nhé. Bản thân tôi cũng đã có 1 vài rắc rối vì tin lầm thông tin này. Tôi sẽ chia sẻ thêm chi tiết về vụ này ở phần Visa bên dưới).
95% địa hình của Kyrgyzstan là núi với những cánh đồng cỏ thảo nguyên bao la rải rác các ngôi nhà vải (Yurt) màu trắng của dân du mục (nomads), dãy Tian Shan với những ngọn núi tuyết vĩnh cữu hùng vĩ, những ngọn đồi thông thơ mộng, những cung đường đẹp như wallpaper của máy tính nhà bạn, những đàn cừu, ngựa, bò, yak hàng trăm hàng ngàn con ở khắp các triền núi… Tất cả những thứ ấy vẫn còn rất nguyên sơ và bản địa, chưa hề bị lai tạp hoặc thương mại hóa. Nếu những điều tôi kể trên làm tim bạn đập thình thích, máu chảy rần rần khắp người, thì Kyrgyzstan nhất định phải là điểm đến tiếp theo của bạn rồi đấy!
Có thể nói bây giờ là thời điểm tốt nhất để đi du lịch đến Kyrgyzstan. Vì sao ư?
1 – Chưa có khách du lịch Trung Quốc. Lượng khách lớn nhất đến đây là từ các nước Châu Âu, họ mê các thể loại leo núi – mạo hiểm. Ngoài ra tôi thấy bắt đầu có khá nhiều khách đoàn từ Hàn Quốc, họ đi theo dạng nhẹ nhàng khám phá văn hóa.
2 – Kyrgyzstan mới mở cửa du lịch khoảng 2 năm nay, mọi thứ còn nguyên sơ chưa bị thương mại hóa, thiên nhiên chưa bị khai thác chỉnh sửa.
3 – Khoảng 1 năm trở lại đây nước này đang tích cực thúc đẩy du lịch, miễn phí visa du lịch cho rất nhiều nước hoặc chính sách cấp visa rất linh hoạt, nên đi gấp trước khi đi đâu cũng thấy bóng khách du lịch.
Nếu bạn muốn đi theo tour hoặc muốn tham khảo các tour sẵn có để tự lên lịch trình thì cũng hơi khó vì hầu hết các công ty du lịch bên đây toàn xây dựng tour theo dạng customize cho khách vì nhu cầu, thời gian biểu của khách du lịch đến đây là thiên hình vạn trạng. Bạn có thể đến Kyrgyzstan theo đường bộ hoặc đường hàng không. Trip của bạn dài bao nhiêu ngày? Bạn có thể du lịch theo cung đường từ Nam lên Bắc hoặc từ Bắc xuống Nam. Bạn cũng có thể chỉ đi du lịch Kyrgyzstan không thôi hoặc kết hợp đi 1 lèo nhiều nước Trung Á khác. Và cũng tùy thể trạng bạn như thế nào. Hay bạn muốn thể loại du lịch nào: leo núi, cắm trại, mạo hiểm, trải nghiệm văn hóa bản địa, xa xỉ hay bụi đời?… Loại hình nào cũng đặc sắc và mang nét đặc trưng riêng và không phải loại nào bạn cũng có khả năng tham gia được. Do đó, việc đầu tiên cần phải làm nếu như bạn muốn chọn Kyrgyzstan là điểm đến tiếp theo, chính là lên kế hoạch thật cụ thể định hình bạn muốn chuyến đi của mình như thế nào.
Chuyến đi của mình vừa rồi có 2 người, đi trong 14 ngày. Trong đó hết 2 ngày di chuyển máy bay đi và về, 10 ngày road trip trải nghiệm văn hóa kết hợp hiking cấp độ 1/5, còn lại mấy ngày lẻ nghỉ ngơi ở thủ đô Bishket.
Visa
Một trong những lý do quan trọng nhất khiến tôi không ngại ngần đi Kyrgyzstan là bởi vì theo thông tin của tất cả các trang mạng tiếng Việt, đây là 1 trong mấy chục quốc gia miễn visa cho công dân Việt Nam. Để chắc ăn hơn tôi tìm hiểu thêm ở các trang nước ngoài để xác nhận lại cho chắc ăn. Trên Wikipedia cũng xác nhận như vậy. Thậm chí trên website chính thức để cấp e-visa www.evisa.e-gov.kg của chính phủ cũng khẳng định là Việt Nam được miễn thị thực.
Thế nhưng khi tôi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay, tôi đã bị từ chối vì không có visa. Tôi đã đưa hết tất cả bằng chứng và thông tin xác nhận tôi không cần visa nhưng họ chỉ nói 1 cách đơn giản đó là thông tin cũ, chưa được cập nhật.
Thông tin chính xác là: Công dân Việt Nam chỉ được miễn thị thực trong thời hạn 90 ngày khi đi du lịch theo tour và có thư mời (letter of invitation) có ký tên đóng dấu của công ty. Còn nếu đi du lịch tự túc thì sẽ phải xin e-visa hoặc Visa On Arrival thời hạn 30 ngày ngay tại sân bay với phí là $50.
Rất là đau khổ khi chuyến này tôi cũng book tour (private tour) nhưng vì không biết những thông tin này nên đã không yêu cầu công ty làm thư mời, nên bị mất thời gian giải thích tới lui và tốn thêm tiền.
Vé máy bay
Hiện không có chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến Kyrgyzstan mà hầu hết đều nối ít nhất 3 chuyến. Thời điểm mua 3 tháng trước khi bay, theo so sánh giá rẻ nhất và thời gian bay ngắn nhất trên Skyscanner, tôi đặt mua vé khứ hồi của hãng Air Astana (Hãng hàng không quốc gia của Kazakhstan), bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Almaty (Kazakhstan) trong 11 tiếng, quá cảnh 1 tiếng, sau đó bay tiếp từ Almaty đến Bishket (Kyrgyzstan) thời gian bay có 30 phút.
Không có sự lựa chọn nào khác, chỉ có 1 chuyến bay duy nhất trong ngày tại mỗi điểm bay. Lúc đặt vé tôi đã thấy hơi rủi ro vì thời gian nối chuyến khá ngắn chỉ có 1 tiếng, lỡ chuyến trước đến trễ thì sao? Nhưng chúng tôi dặn bụng, chắc thể nào họ cũng có sắp xếp, nếu đến trễ thì chuyến sau chắc chắn sẽ chờ chứ không lẽ họ bỏ mình. Đây dù sao cũng có phải hàng không giá rẻ đâu. Cơ mà điều xui xẻo nhất đã đến thật. Máy bay xuất phát từ KL trễ đúng 1 tiếng. Và sau 1 quãng đường dài hơn 11 tiếng ngồi trên máy bay, khi đáp xuống Almaty, chúng tôi bàng hoàng được thông báo là chuyến sau vừa mới cất cánh 10 phút trước và chúng tôi đã được sắp xếp để bay chuyến sớm nhất tiếp theo là cùng thời điểm của ngày hôm sau. Chúng tôi tự nhiên bị kẹt lại đây trong 24h.
Nhưng đó vẫn chưa phải là điều kinh khủng nhất. Vì không có visa đến Kazakhstan nên chúng tôi không được phép ra khỏi sân bay. Mà khách sạn do hãng bay sắp xếp thì nằm ở bên ngoài sân bay (thật thông minh!). Khi đó nhân viên của hãng chỉ vào các dãy ghế sắt trong khu transit và bảo chúng tôi sẽ phải qua đêm tại đây và hẹn sẽ có người đều đặn mang đủ 3 bữa ăn đến cho chúng tôi. Tôi nổi điên lên với sự vô cảm nhân viên hãng bay và sự sắp xếp vô trách nhiệm đó. Sau một hồi tranh luận, đòi kiện cáo các kiểu, họ mới sắp xếp được cho chúng tôi (và 3 người nữa cũng trong tình trạng tương tự) vào nghĩ ngơi qua đêm tại khu vực Business Lounge. Tuy nhiên phải nói thêm, đây vẫn không phải là khách sạn. Chỉ có các dãy sofa, không có giường, đèn thì sáng chưng 24/7, người thì ra ra vào vào, nửa đêm khi bạn chợp mắt ngủ thì sẽ có các bạn nhân viên cực kỳ thô thỗ của Business Lounge đến dựng đầu bạn dậy bảo bạn không được ngủ. 1 người đã phải la lên “Đây có phải là trại tập trung không vậy mà lại không được ngủ?”. Lại phải cãi lộn với họ để đấu tranh cho quyền được ngủ. Đây đúng nghĩa là tàn dư của Liên Xô cũ, khái niệm về chăm sóc khách hàng hay làm dịch vụ chuyên nghiệp là hoàn toàn không tồn tại.
Vé máy bay tôi mua của hãng Air Astana giá là $830 khứ hồi mà dịch vụ thì quá là kinh khủng: máy bay nhỏ, ghế chật, không có màn hình giải trí (chỉ có tai nghe radio), chăm sóc khách hàng tại mặt đất siêu tệ. Điểm cộng sáng chói nhất là nhân viên phục vụ trên máy bay khá chu đáo, thức ăn máy bay khá ngon với các lựa chọn món Âu và món Á theo chuẩn Halal (không thịt heo), bia – rượu vang – champagne – nước ngọt – nước trái cây các thể loại free flow.
(Còn tiếp)
Đọc tiếp phần 2:
– Nên đi Kyrgyzstan khi nào?
– Di chuyển tại Kyrgyzstan
– Cung đường
– Những điểm đến không thể bỏ qua
Đọc tiếp phần 3:
– Chơi gì ở Kyrgyzstan
– Ăn gì ở Kyrgyzstan
– Nên đi tự túc hay đi tour?
– Ngân sách