TUYẾN DU LỊCH KHÁM PHÁ MIỀN QUÊ ĐÔNG TRIỀU
Trung tâm thị xã Đông Triều – Các làng nghề gốm sứ – Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Ninh – Làng quê Yên Đức – Công viên Hà Lan
I. ĐẶC ĐIỂM1. Tên tuyến du lịch:- Tên Tiếng Việt: “Tuyến du lịch khám phá miền quê Đông Triều”: Trung tâm thị xã Đông Triều – Các làng nghề gốm sứ – Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Ninh – Làng quê Yên Đức – Công viên Hà Lan.- Tên Tiếng Anh: Tourist route Đong Trieu town – pottery village – One Commune One Product Quang Ninh – Yen Duc village – Ha Lan park2. Vị trí: – Làng nghề gốm sứ Đông Thành thuộc phường Đức Chính, thị xã Đông Triều;- Làng nghề gốm sứ Ánh Hồng, Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Ninh và công viên Hà Lan thuộc phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều;- Làng quê Yên Đức thuộc xã Yên Đức, thị xã Đông Triều.II. TIỀM NĂNG DU LỊCH 1. Tiềm năng phát triển du lịch:Đây là tuyến du lịch mua sắm, trải nghiệm kết hợp vui chơi giải trí. Cung đường đi xuất phát từ trung tâm thị xã Đông Triều đến làng nghề gốm sứ Đông Thành thuộc phường Đức Chính khoảng 500m, đường bê tông rộng rãi, thuận tiện.Sau khi tham quan làng nghề gốm sứ Đông Thành, du khách lên ô tô di chuyển khoảng 6km, mất khoảng 8 phút sẽ đến với làng nghề gốm sứ Ánh Hồng thuộc phường Mạo Khê. Đến với các làng nghề gốm sứ, du khách không chỉ được nhìn ngắm những sản phẩm tinh xảo mà có thể tận mắt chứng kiến cách thức chế tác của người thợ làng nghề, thậm chí tự tay tham gia vào một số công đoạn của nghề gốm thủ công và có thể sở hữu những sản phẩm đẹp mắt này nếu muốn.
Sau khi đi thăm các làng nghề gốm sứ, du khách tiếp tục di chuyển đến thăm Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Đây là nơi giới thiệu, quảng bá những sản phẩm Ocop đặc sắc riêng có của tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Ninh như: Rươi Đông Triều, na dai Đông Triều, gốm sứ Đông Triều, rượu mơ Yên Tử, nấm linh chi Ba Vàng, nem chua Quảng Yên, Mật ong Hoành Bồ, chả mực Hạ Long, trà Giảo cổ lam Đông Bắc (Cẩm Phả), nước mắm Cái Rồng Vân Đồn, mực khô Cô Tô, mực ống Cô Tô, củ ba kích tím Ba Chẽ, gà đồi Tiên Yên, miến dong Bình Liêu, củ cải khô Đầm Hà, tỏi tía Vĩnh Thực Móng Cái… Nơi đây cũng là trung tâm bán các sản phẩm gốm sứ của làng nghề truyền thống ở Đông Triều với nhiều sản phẩm hấp dẫn.Rời Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Ninh du khách đến với làng quê Yên Đức. Cũng giống như bao làng quê Bắc Bộ khác trên dải đất hình chữ S, Yên Đức cũng có những rặng tre, hàng cau thẳng tắp, những ngôi nhà mang dáng dấp cổ kính, những ao hồ nho nhỏ giữa làng, những người nông dân hiền hậu.
Tới thăm Yên Đức, ngoài việc tham quan cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, văn hóa, du khách còn có dịp vào tận nhà người dân để tìm hiểu về kiến trúc nhà ở truyền thống, truyền thống gia đình, phong tục thờ cúng tổ tiên, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng (các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ như: chèo, quan họ, múa rối…), tìm hiểu nghề làm quạt, làm chổi và trải nghiệm đời sống nông nghiệp mang tính làng xã (chủ yếu là tự cung tự cấp) thông qua hoạt động làm vườn, thu hoạch rau quả, câu cá, mò cua, bắt ốc… Điểm thú vị là du khách tự mình đạp xe thưởng ngoạn không khí trong lành, hít hà mùi lúa mới, băng qua những con đường thẳng tắp hàng cau hay len lỏi qua những ngõ nhỏ chỉ đủ vừa một chiếc xe đạp. Đi sâu khám phá thêm, vùng quê này còn có hệ thống di tích lịch sử ghi dấu ấn vùng đất cách mạng anh hùng với Núi Canh, núi Đống Thóc, núi con chuột, núi con mèo, Hang 73, chùa Cảnh Huống. Mỗi di tích đều mang một giá trị lịch sử, cách mạng, văn hóa riêng không chỉ có giá trị thắng cảnh tuyệt đẹp mà còn gắn liền với mỗi di tích là một truyền thuyết dân gian có liên hệ khăng khít mật thiết với nhau nhưng không thể tách rời.- Di tích núi Canh: Do các ngọn núi của làng Yên Khánh và làng Đồn Sơn tạo thành giống như hình cái cày, tạo thành bức tường thành trấn ải cửa ngõ Đông Bắc của xã. Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước đứng trên đỉnh núi Canh có thể bao quát toàn bộ các khu vực xung quanh, các trạm canh gác trên núi được xây dựng nên núi Canh còn có nghĩa là Canh gác. Tại núi Canh, từ xa xưa Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để chỉ huy tầm xa chiến trận Bạch Đằng Giang lần thứ 2 ( 1285). Thời kỳ chống giặc phương Bắc Yên Đức cũng gắn liền với quá trình dựng và giữ nước của dân tộc. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp núi Canh đã từng là căn cứ kháng chiến của nghĩa quân Yên Thế, là kho dự trữ lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến. Cũng từ chiến dịch này các ngõ ngách, hang động trên núi Canh được khơi thông với những tên tuổi sống mãi với non nước như: Hang gốc Bòng, hang gốc Gạo, hang Luồn … Hang 73 ở phía Tây núi – nơi ghi dấu tội ác tày trời của thực dân Pháp đã giết và hun chết 106 người, trong đó có 73 chiến sỹ, cán bộ, đồng bào ta chung một mộ. Mỗi hang đều gắn liền với những chiến công hiển hách, đã đi vào lịch sử với những chiến thắng vĩ đại trong lòng nhân dân Yên Đức. – Di tích núi Đống Thóc: Nằm trong lòng quần thể núi Yên Đức, một bên là núi Thung, một bên là núi Con Mèo. Núi có hình thù giống như một đống thóc vừa to vừa đầy. Với cư dân nông nghiệp nó là biểu tượng cho sự phồn thịnh, no đủ, sung túc, sự trù phú của làng quê Việt Nam. – Di tích núi Con Chuột: Nằm cuối cùng về phía Nam trong cụm di tích trên bãi nổi giữa ngã ba sông đá Bạch, sông Kinh Thầy, sông Đá Vách, hình thù giống như một con chuột đang rình phá thóc, nhưng bị núi Con Mèo ngăn chặn. Trong truyền thuyết núi Con Chuột biều tượng của thế lực gian tà trên cả nghĩa rộng, nghĩa hẹp. Phá hoại thành quả của con người. – Di tích núi Con Mèo: Còn có tên là Ngọa Miêu Sơn, có hình thể giống như con mèo đang nằm rình chuột, chặn chuột để bảo vệ đống thóc, bảo vệ thành quả của con người. Và nó cũng là biểu tượng bảo vệ cho sự an bình thịnh vượng sự trường tồn của non sông đất nước. Đây cũng là địa điểm chỉ huy tầm xa chiến trận Bạch Đằng Giang chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 (1285). Di tích được liệt vào một trong những danh sơn của vùng Đông Bắc. trong vòm hang có một số bài thơ chữ Nôm, chữ Hán, chữ Quốc Ngữ, trong đó có bài thơ Nôm nổi tiếng mang dòng chữ ” Nhân tộn Hoàng đế ngự đề. niên hiệu trùng tu bát niên xuân”. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn duy nhất vòm hang núi, thân đầu con mèo đã bị tàn phá.- Di tích núi Thung: Nằm về phía Tây của quần thể di tích. Thung có nghĩa là cối giã gạo, dưới chân núi là tường đá bao quanh. Xưa kia ở phía Đông ngọn núi có ngôi chùa Cảnh Huống được trùng tu lớn nhất vào năm 1694, nhưng vào năm 1980 – 1982 chùa bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại bài thơ khắc vào đá và một tấm bia tạc ở khe đá núi Thung, đến năm 1994 – 1995 chùa được khôi phục lại. Phía Đông núi còn lại một ngôi tháp cao ba tầng, phía Nam còn lại một cổng được gọi là cổng Thung, hai tầng xây bằng gạch đỏ. phía Nam chân núi có Chùa Một mái, có một phiến đá rộng tạo thành một cửa hang nhân dân lập ban thờ, phía ngoài xây tường mở rộng trước cửa, bên trong còn có một số pho tượng, đặc biệt chú ý là còn duy nhất một cuốn thư sơn son thếp vàng với 4 chữ Hán nổi: Thị ứng xương kỳ; bên trái chùa Một mái là đền thờ 8 vị thủy tổ có công khai dân lập làng được sửa lại năm 1987, bên phải chùa là một giếng nước ngọt, có bài thơ viết bằng chữ Hán khắc vào vách núi kể về sự kiện năm hạn hán đào cái giếng này, bài thơ khắc niên hiệu: Khải Định tam niên tam nguyệt, cạnh giếng nước là lầu bình thơ được xây dựng vào thế kỷ XIX trên một tảng đá nổi về phía Tây Nam núi, kiến trúc cửa vòm 4 cửa thông, trong có hai bài thơ viết bằng mực tàu trong cuốn thư trên vách lầu. Di tích núi Thung ngoài ý nghĩa là một danh thắng, tên tuổi gắn với tiềm thức của cư dân nông nghiệp lúa nước mà còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử văn hóa, lưu giữ nhiều văn bia chữ Hán trải qua quá trình dựng và giữ nước.Kết thúc chuyến hành trình, du khách sẽ đến với công viên Hà Lan. Công viên Hà Lan tọa lạc giữa trung tâm phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều.Với kiến trúc được thiết kế độc đáo, đa dạng mang phong cách hiện đại, gần gũi với thiên nhiên, công viên Hà Lan là điểm nhấn trong bức tranh đô thị của địa phương và trở thành tổ hợp giải trí mới của người dân địa phương, cũng là điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong hành trình khám phá Đông Triều nói riêng, Quảng Ninh nói chung.
Ngoài khu công viên nước thu hút rất đông khách, công viên Hà Lan còn có các hạng mục: Sân vận động, khu luyện tập thể thao, nhà thể thao đa năng, rạp chiếu phim, nhà vui chơi thanh thiếu nhi, nhà hát… với trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, kiến trúc mang phong cách hiện đại, hài hòa với thiên nhiên, luôn mang đến cho du khách sự thoải mái ngay khi bước chân vào công viên.
2. Sản phẩm và dịch vụ trên tuyến- Có dịch vụ lưu trú, ăn uống, múa rối nước, hát quan họ và các dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí (Sân vận động, khu luyện tập thể thao, nhà thể thao đa năng, rạp chiếu phim, nhà vui chơi thanh thiếu nhi, nhà hát, khu karaoke…… )- An ninh, môi trường: Đảm bảo an ninh an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.- Có hệ thống nhà vệ sinh công cộng, hệ thống cấp thoát nước, thông tin liên lạc, phòng chống cháy nổ đảm bảo phục vụ nhân dân và khách du lịch.Từ thực tế trên, “tuyến du lịch khám phá miền quê Đông Triều”: Trung tâm thị xã Đông Triều – Các làng nghề gốm sứ – Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Ninh – Làng quê Yên Đức – Công viên Hà Lan có đủ tiêu chí của tuyến du lịch địa phương: nối các điểm du lịch trong phạm vi địa phương; có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến. Đồng thời để công tác quản lý, đầu tư nâng cấp thường xuyên đi vào nề nếp cũng như đảm bảo môi trường, an ninh trật tự và an toàn cho du khách, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến tham quan. Kính đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trình UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận “tuyến du lịch khám phá miền quê Đông Triều”: Trung tâm thị xã Đông Triều – Các làng nghề gốm sứ – Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Ninh – Làng quê Yên Đức – Công viên Hà Lan là tuyến du lịch địa phương./.