Nhưng ngoại trừ cái tên “biển vô cực” được cư dân mạng tìm kiếm trong thời gian gần đây thì du lịch Thái Bình nói chung, Cồn Đen nói riêng vẫn là “vùng trũng” so với các địa phương khác, vì thế, cần sớm được “đánh thức” để phát triển.
Du khách đi dạo giữa cánh rừng thông và khu bungalow nằm trong Khu du lịch sinh thái Cồn Đen.
Vẻ đẹp ẩn giấu của “viên ngọc thô”
Cồn Đen được hình thành nhờ sự bồi đắp phù sa từ hai con sông lớn là Trà Lý và Diêm Hộ của tỉnh Thái Bình. Trải qua thời gian dài, thiên nhiên đã kiến tạo cho nơi đây nền địa hình bằng phẳng với dải cát được phủ xanh bởi những hàng thông, phi lao có chức năng ngăn biển xâm thực. Cùng với đó là hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển đa dạng, gồm đước, vẹt, sú… “Bức tường xanh” vững chãi này không chỉ bảo vệ những ngôi làng ven biển tránh các trận bão lớn, mà còn là “ngôi nhà chung” của 200 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm cùng 500 loài động vật thủy sinh và nguồn hải sản có giá trị kinh tế cao.
Khu du lịch sinh thái Cồn Đen nằm cách thành phố Thái Bình 35km, cách trung tâm thị trấn Diêm Điền khoảng 15km. Nơi đây có bãi biển trải dài 4km, giáp với biển Đông và rừng sú vẹt. Đến với Cồn Đen, du khách sẽ được hòa mình vào thế giới thiên nhiên ven biển kỳ thú khi đi xuồng xuyên qua các khu rừng ngập mặn, đi dạo trên cây cầu tre dài nhất Việt Nam hay trải nghiệm bắt ngao, tìm hiểu quy trình chế biến nước mắm ngao đặc sản.
Đặc biệt, trải nghiệm khiến Cồn Đen trở thành điểm đến “hot” nhất thời gian qua là chụp ảnh check-in trên “biển vô cực”. Gọi là “biển vô cực” vì nơi đây khi triều lên, sóng êm hơn các vùng biển khác, tạo nên cảnh giao thoa giữa biển và trời như không có đường phân định. Cồn Đen cũng rất “hiếu khách” khi mang tới cho du khách những sản vật tươi ngon của biển. Dưới bàn tay khéo léo của các đầu bếp, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã như ngao, mực, tôm hấp; gỏi ngao, nộm sứa, canh don nấu rau muống biển…
Trong hành trình của mình, du khách đừng quên kết hợp tham quan các địa điểm, di tích lịch sử – văn hóa thú vị xung quanh Cồn Đen như Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh; Khu di tích đền – phủ Bà Chúa Muối; hay các làng nghề truyền thống nổi tiếng như nghề làm hương thôn Lai Triều (xã Dương Phúc), nghề rèn làng An Tiêm (xã Thụy Dân), nghề làm muối xã Thụy Hải…
Làm đầy “vùng trũng”…
Với tiềm năng lớn như vậy của Cồn Đen, năm 2010, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái Cồn Đen có diện tích 1.150ha, tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan, nghiên cứu, vui chơi giải trí… Tuy nhiên, theo ông Vũ Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Phú – chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Cồn Đen, nơi đây chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do điều kiện kinh tế – xã hội, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, sự liên kết với các địa phương, doanh nghiệp lữ hành trong công tác quảng bá xúc tiến, xây dựng sản phẩm còn thiếu chặt chẽ, thiếu tầm nhìn xa cho công tác quy hoạch phát triển du lịch bền vững đã khiến Cồn Đen và Thái Bình trở thành “vùng trũng”, chậm phát triển suốt nhiều năm qua.
Để khắc phục tình trạng này, theo nhiều chuyên gia du lịch và các đơn vị lữ hành, du lịch Cồn Đen cần định hướng thị trường khách của mình, từ đó hoạch định chiến lược phát triển và ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư tương xứng. Theo PGS.TS Dương Văn Sáu, nguyên Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), trước mắt, Cồn Đen nên tập trung phát triển thị trường khách nội vùng. Đồng thời, bản chất của du lịch là liên kết, vì thế, cần tìm ra mối liên kết văn hóa nhằm xây dựng những câu chuyện hấp dẫn tại các địa điểm, tạo sự tò mò để du khách phải tìm đến Cồn Đen.
Là người gắn bó với ngành du lịch tỉnh Thái Bình nhiều năm qua, Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, Chuyên gia tư vấn du lịch nông nghiệp nông thôn cho rằng, Cồn Đen nên xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, nhấn mạnh nét đặc sắc gắn với sự tích Bà Chúa Muối và nghề làm muối độc đáo ở Thái Bình. Theo bà, mặc dù cả nước có nhiều tỉnh làm muối trải dài từ Bắc vào Nam, nhưng chỉ Thái Bình mới có tín ngưỡng thờ Bà Chúa Muối, thể hiện nét văn hóa dân gian đặc trưng của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung và Thái Bình nói riêng. Vì thế, việc liên kết, xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa – tâm linh tại Cồn Đen sẽ tạo nên những điểm khác biệt để nâng tầm sản phẩm cho nơi đây.
Bày tỏ sự bất ngờ với những tiềm năng phong phú vẫn còn “ngủ yên” của Cồn Đen, bà Stella Ciorra, Phó Chủ tịch Hội những người bạn của Di sản Việt Nam (FVH) cho rằng: “Bắt ngao, chế biến món ăn, làm nước mắm ngao… sẽ là những trải nghiệm bất cứ du khách quốc tế nào cũng muốn tham gia. Đặc biệt, cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, các loại hình văn hóa dân gian độc đáo cùng nền ẩm thực phong phú là những điểm mạnh để Cồn Đen thu hút đối tượng khách nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Hà Nội”. Thời gian tới, Hội sẽ hợp tác với Khu du lịch sinh thái Cồn Đen trong việc xây dựng sản phẩm, đưa khách quốc tế đến. Nhiều doanh nghiệp lữ hành Bắc – Trung – Nam cũng cam kết tăng cường hợp tác với Cồn Đen để đưa du lịch Thái Bình tăng tốc trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Linh Tâm