Sức hút mới
Trong lần trở lại Đà Lạt du lịch cùng gia đình, chị Đặng Kim Thủy (ngụ tỉnh Quảng Trị) ghé thăm trang trại rau và hoa tại làng hoa Vạn Thành (phường 5, TP Đà Lạt), chị Thủy nói: “Thời tiết ở Đà Lạt thuận lợi thích hợp cho trồng nhiều loại hoa, nhưng cách bà con làm du lịch vườn khiến chúng tôi rất thích thú bởi sự sáng tạo. Hoa được trồng theo từng khu, dù nhiều nhưng không bị rối mắt”. Trang trại rau và hoa tại làng hoa Vạn Thành vốn là trang trại trồng rau thủy canh hiện đại từ nhiều năm trước, nhưng nhận thấy nhu cầu thưởng lãm của du khách ngày càng tăng cao, trang trại chuyển đổi qua mô hình du lịch vườn.
Du khách tham quan trang trại rau và hoa tại làng hoa Vạn Thành, phường 5, TP Đà Lạt
Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH rau thủy canh Đà Lạt (chủ trang trại), cho biết: “Những năm trước, du khách đến trang trại rau và hoa chỉ để tham quan các loại hoa, mua sắm sản phẩm, nhưng năm nay du khách có thể trải nghiệm trồng rau, trồng hoa cùng nông dân trong khuôn viên gần 6ha. Đặc biệt khu trang trại trồng hoa khép kín có mái che nên du khách có thể tham quan bất kể trời nắng hay mưa… Ngoài ra, chúng tôi đã làm hệ thống lối đi, bảng chỉ dẫn, bãi đậu xe, nhà vệ sinh bố trí trải đều để phục vụ tiện lợi nhất cho du khách”.
Không chỉ tập trung vào những loại rau, hoa để đáp ứng nhu cầu thưởng lãm, chụp ảnh, những điểm tham quan tại Đà Lạt còn khéo léo đưa cả vật nuôi, thú cưng nhằm tăng thêm sức hút đối với du khách. Nông trại cún – Puppy Farm (phường 7, TP Đà Lạt) trung bình mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách.
Dịp cuối tuần, lễ, tết số lượng khách cao gấp nhiều lần nhờ điểm nhấn là những chú cún hiền lành, dễ thương. Ngoài ra, một loạt những địa điểm khác như: cà phê Mê Linh – Đà Lạt (xã Tà Nung), Mộc Trà Farm (xã Xuân Trường), vườn dâu sạch Berry Valley (phường 7), Vườn hồng Lễ Vân (phường 10, TP Đà Lạt)… cũng đã tạo được sức hút bằng những sản phẩm đặc trưng.
Thêm cơ hội phát triển du lịch
Sau giai đoạn thí điểm du lịch canh nông trên địa bàn, tháng 4-2021, UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và bền vững. Qua đó, du lịch canh nông đã và đang phát triển đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân, doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương. Việc phát triển các mô hình du lịch canh nông thời gian qua đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, đến nay đã có 5 đơn vị đề xuất thực hiện dự án đầu tư du lịch canh nông, gồm: Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông Thảo Nguyên; điểm du lịch canh nông Anpha Farm; dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông An Nhiên; dự án điểm du lịch canh nông 1000; và dự án đầu tư du lịch canh nông Malakai (tại TP Đà Lạt).
Du lịch canh nông phục vụ du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp muốn đi theo hướng này hiện gặp khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng các công trình như: bãi đậu xe, nhà trưng bày sản phẩm, khu vệ sinh cho du khách… Ngoài ra, do hoạt động chính vẫn là sản xuất nông nghiệp nên việc kết hợp làm du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, nhất là nhân lực dịch vụ, hướng dẫn…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, mô hình du lịch canh nông hiện đã khẳng định được hướng đi phù hợp và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội, giúp nâng cao giá trị tổng hợp của cả ngành du lịch và nông nghiệp. Tỉnh sẽ đồng hành cùng các hợp tác xã, doanh nghiệp để hỗ trợ xây dựng các điểm du lịch canh nông đạt chất lượng, sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ những khó khăn trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật.