Cẩm Thủy là huyện trung du miền núi của tỉnh Thanh Hóa với diện tích 425,3 km², nơi ba dân tộc anh em Mường, Kinh, Dao cùng chung sống. Cách thành phố Thanh Hóa 75 km về phía Tây Bắc, Cẩm Thủy có vẻ đẹp yên ả, thanh bình của một miền quê bình dị, với những bản làng trải trên lưng đồi, triền núi và những cánh rừng, dòng sông, con suối ẩn hiện dưới lớp sương mờ. Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều giá trị văn hóa lịch sử và danh lam thắng cảnh đẹp như: suối cá thần Cẩm Lương, động Cửa Hà, chùa Chặng, chùa Mầu, chùa Rồng,…Nếu bạn đã chán những địa điểm quen thuộc tại Thanh Hóa thì hãy tham khảo bài viết dưới đây để xem du lịch Cẩm Thủy Thanh Hóa có gì nhé!
1. Suối cá thần Cẩm Lương
Suối Cá thần Cẩm Lương thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, là một điểm du lịch độc đáo hút khách của xứ Thanh. Dòng suối chảy ra từ một hang lớn của núi Bồ Um, là nơi sinh sống của đàn cá đông lên đến hàng ngàn con lớn nhỏ, nặng từ 0,5 đến 6 kg, cá chúa có thể nặng tới 30kg. Thân hình cá tương tự nhau và gần giống cá chép nhưng đuôi đỏ và dài hơn. Mỗi khi cá bơi, ánh mặt trời phản chiếu khiến thân cá ánh lên những màu sắc khác nhau rất đẹp. Vào mùa nước can, lòng suối chỉ sâu 20 đến 40 cm, nước trong vắt, du khách có thể đưa tay xuống suối mà chạm vào lưng, bụng, đuôi từng chú cá thần và thích thú cảm nhận nó trôi tuột qua tay mình.
Có nhiều truyền thuyết, giai thoại thú vị về đàn cá, nhưng nhìn chung không ai rõ nguồn gốc thật sự của nó, người dân đều cho rằng đó là cá thần còn đàn cá thì cứ quanh quẩn gần hang 100, 200m, sinh sôi nảy nở như vậy từ bao năm nay. Cạnh dòng suối là đền Ngọc, thờ Tứ Phủ Long Vương, là vị thần bảo hộ cho cuộc sống của người dân xung quanh. Phía trên là dãy Trường Sinh, có động Cây Đăng với vẻ đẹp kỳ bí với nhiều nhũ đá lấp lánh đủ hình thù bên trong.
Suối Ngọc không chỉ nổi tiếng với đàn đặc biệt khoác lên mình màu sắc thần bí mà còn bởi khung cảnh thiên nhiên xanh mát xung quanh, là địa điểm bạn không nên bỏ qua nếu có dự định đi du lịch Cẩm Thủy Thanh Hóa.
2. Động Cửa Hà
Cửa Hà là tên của một cửa động nằm trong dãy núi Gấm trông ra mép sông Mã, thuộc xã Cẩm Phong, Cẩm Thủy. Đoạn sông này chảy trên đất Cẩm Thủy qua thác qua ghềnh đến đất Phong Ý thì lòng sông mở rộng ra trông như một hồ nước lớn trong xanh hiền hòa.
Tại đây có một ghềnh đá nhô ra mặt nước, vách núi dựng đứng cao 220m, đỉnh núi nhấp nhô quanh năm soi bóng xuống dòng sông Mã hiền hòa. Tạo hóa khéo léo vẽ nên cảnh “sơn kỳ thủy tú” với núi non, sông nước thơ mộng, hữu tinh. Đoạn sông này với bờ sông được bồi đắp bằng cát pha sỏi vàng, óng ánh dưới ánh nắng vàng thu trông xa như một bức thảm gấm hoa trải ven sông. Cửa Hà không chỉ có vẻ đẹp hùng vĩ của một cửa sông miền xuôi, mà còn tập trung các bè gỗ, luồng nứa rất nhiều đổi về xuôi, cảnh buôn bán trên bến dưới thuyền đông vui nhộn nhịp bởi vị trí giao thông đường thủy thuận lợi.
Cửa Hà không chỉ là thắng cảnh ngoạn mục kỳ thú của xứ Thanh mà còn là nơi phù hợp cho những ai ưa mạo hiểm leo núi với những vách núi dựng đứng cạnh dòng sông êm đềm chảy bên dưới.
3. Chùa Rồng
Chùa Rồng (hay còn gọi là Long Sơn tự) là một điểm du lịch tín ngưỡng tâm linh có từ lâu đời, thuộc làng Vàn, xã Cẩm Thạch huyện Cẩm Thủy. Khu vực này từng là nơi đóng quân, luyện tập quân sĩ, tích trữ lương thảo của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến chống quân Minh xâm lược. Chùa Rồng còn nổi tiếng với nhiều hang động như thung phổ, hang trâu, hang muối, động cô tiên mang đậm nét hoang sơ, tự nhiên nằm trong thung lũng quần thể di tích, xung quanh dãy núi đá vôi ẩn chứa nhiều nét văn hóa huyền bí tâm linh của địa danh mường phấm.
Chùa Rồng đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1992 bởi những giá trị về văn hóa lịch sử cùng cảnh quan thiên nhiên mà nó mang lại. Hằng năm cứ vào dịp rằm tháng giêng, du khách từ xa và người dân các huyện miền núi Thanh Hóa lại quy tụ về đây để tham dự lễ hội chùa Rồng. Từng làng thường có một kiệu rước những vị có công đối với làng về chùa làng để làm lễ tế. Sau các nghi lễ là đến phần bội gồm trống hội, tiếng cồng, tiếng chiêng cùng tiếng nam nữ thanh niên reo hò trong các trò chơi truyền thống như ném còn, kéo co, đấu vật, bịt mắt đi chân kheo, bắn nhỏ
Ngoài ra huyện Cẩm Thủy còn có chùa Vọng (xã Cẩm Giang), chùa Bình Vôi, chùa Chặng (thị trấn Phong Sơn),.. đều là những di tích, lịch sử văn hóa có giá trị.
||Tìm, đặt phòng khách Sạn tại Thanh Hóa view đẹp, giá hợp lý qua Asahi Luxstay.
Lời kết
Dù không quá phổ biến như Sầm Sơn hay Pù Luông, du lịch Cẩm Thủy Thanh Hóa vẫn là một sự lựa chọn đúng đắn nếu bạn ghé vùng đất miền Trung này nhưng muốn tìm kiếm những điểm du lịch khác biệt mới mẻ hơn cho chuyến đi của mình. Hi vọng bạn đã có câu trả lời cho mình qua bài viết của Asahi Luxstay.
||Bài viết liên quan khác:
- Kinh nghiệm du lịch Sầm Sơn Thanh Hóa tự túc mới nhất
- 6 Di tích lịch sử Thanh Hóa đặc biệt nhất định phải đến
- Kinh nghiệm du lịch Thác Mây Thanh Hóa tự túc có gì vui