Vườn cây ăn trái có hai nơi để bạn tìm đến là vườn cây Cái Mơn ở Chợ Lách và vùng Tiên Long, Tân Phú ở huyện Châu Thành. Bạn có thể vừa tận hưởng không gian xanh mát của vườn cây, thưởng thức các loại trái cây tươi do chính tay mình hái và ăn ngay tại chỗ. Giá vé bao gồm cho một lần vào vườn và thưởng thức thoải mái bất kỳ loại trái cây nào, còn quà mang về sẽ phải mua.
Vườn dừa: Bến Tre có hơn 200.000 hộ trồng dừa, chiếm khoảng hai phần ba tổng số hộ dân toàn tỉnh. Du khách nên thử đạp xe vài km loanh quanh các vườn dừa, tận hưởng không gian bình yên và mát lành. Vừa đạp xe du khách còn được trò chuyện cùng người dân địa phương để hiểu thêm về cuộc sống ở vùng quê.
Sân chim Vàm Hồ là nơi du khách quan sát hơn 100 loài chim khác nhau. Có những cá thể gần như tiệt chủng nhưng chúng đang trú ngụ tại đây.
Khu lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu thuộc xã An Đức, huyện Ba Tri là nơi an nghỉ của nhà thơ lớn của dân tộc, nhà yêu nước và vị thầy thuốc của nhân dân. Vào ngày 1 tháng 7 hàng năm, người dân Bến tre luôn tổ chức lễ hội truyền thống tại đây để tưởng nhớ đến nhà thơ nổi tiếng, người con Nam Bộ.
Đã đến đây, du khách có thể đi thêm 9 km ra bãi Ngao và cảng Tiệm Tôm ngắm cửa Ba Lai và cửa Hàm Luông (cửa thứ 3 và 4 của sông Mekong đổ ra biển Đông). Hai cửa này chỉ cách nhau vài km.
Biển Bình Đại thuộc huyện Bình Đại, nằm trên bờ sông cửa Đại. Bãi biển còn hoang sơ, không ồn ào như Vũng Tàu hay Nha Trang. Đến đây ngoài tắm biển, thưởng thức hải sản, du khách còn có thể câu cá, tham quan một số điểm du lịch tâm linh…
Làng du kích Đồng Khởi thuộc điạ phận xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày. Đến đây du khách có thể ghé qua khu nhà triển lãm, nơi trưng bày các loại vũ khí thô sơ mà người dân Bến Tre năm xưa đã dùng để chống lại quân xâm lược.
Làng nghề Phú Lễ ở huyện Ba Tri. Đến với làng nghề này, du khách sẽ nghe người dân hát sắc bùa khi đan lát, tìm hiểu về nghề nấu rượu nếp…
Một điểm tham quan tại làng là đình Phú Lễ được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trên cơ sở ngôi đình bằng gỗ lá. Vào dịp Tết hoặc Lễ hội cúng đình (Lễ Kỳ Yên) ngày 18 và 19/3 âm lịch hàng năm, ngay trước đình sẽ tổ chức hát bội.
Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng là nơi du khách ngoài xem người dân làm bánh. Bánh tráng được phơi rồi mang đi nướng trên bếp than nên bánh đến tay du khách luôn nóng hổi và giòn rụm, béo ngậy mùi nước cốt dừa.