Vài nét về thành phố Bắc Kinh
Bắc Kinh – thủ đô của Trung Quốc, có tên tiếng Anh là Beijing, tên tiếng Trung là 北京. Thành phố này nằm ở miền Hoa Bắc, gồm 14 quận nội thị, cận nội thị và 2 huyện nông thôn, giáp với hai tỉnh là Hà Bắc và Thiên Tân. Là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, Bắc Kinh sở hữu hệ thống giao thông hiện đại bậc nhất với đường cao tốc, đường sắt được bố trí hết sức khoa học, giúp. Sân bay quốc tế của Bắc Kinh là sân bay rộng thứ hai thế giới theo số lượng hành khách.
Được hình thành từ 3 thiên niên kỉ trước, song song với những công trình kiến trúc hiện đại, mới lạ, Bắc Kinh vẫn còn lưu giữ những di tích lịch sử có giá trị gồm các cung điện tráng lệ, chùa miếu cổ kính, các hoa viên, lăng mộ, tường thành, cổng thành…thu hút lượng lớn du khách chọn tour Bắc Kinh hàng năm.
Nét đối lập hiện đại bên cạnh Bắc Kinh cổ kính
Trong bài viết này, Kỳ Nghỉ Đông Dương sẽ nêu khá chi tiết về các kinh nghiệm du lịch Bắc Kinh. Trước hết Kỳ Nghỉ Đông Dương sẽ cung cấp thông tin sơ qua về Bắc Kinh, rồi chi tiết đến cách thức đi lại và các chi phí du lịch, sau đó mới tới phần giới thiệu các cảnh điểm ở Bắc Kinh. Để tiện theo dõi, mời bạn bấm vào Mục Lục để xem ngay được phần cần xem luôn nhé!
Cách di chuyển đến Bắc Kinh thế nào?
Bắc Kinh khá xa so với Việt Nam, có nhiều tuyến đường bay nên hiện nay du khách Tour Trung Quốc thường không đến Bắc Kinh bằng đường bộ (tàu hỏa) mà di chuyển bằng máy bay luôn cho tiện và nhanh chóng. Ở Bắc Kinh có 2 sân bay: Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh (Beijing Daxing International Airport) và Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh (Beijing Capital International Airport). Trong đó, sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh gần khu vực trung tâm hơn.
Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh
Từ Hà Nội và tp.Hồ Chí Minh có nhiều hãng và tuyến đường bay đến Bắc Kinh như Vietnam Airlines, China Airlines, China Southern, Shenzhen… với nhiều mức giá vé và giờ bay khác nhau mà bạn có thể lựa chọn. Bạn có thể tham khảo cụ thể hơn về các chuyến bay, giá vé cũng như giờ bay hợp lý nhất trên các trang so sánh vé máy bay như skyscanner hay google flight nhưng sau khi tham khảo thì vẫn nên vào trang web chính thống của các hãng bay để đặt vé nhé.
Di chuyển trong Bắc Kinh như nào?
Hệ thống giao thông ở Bắc Kinh khá hiện đại. Để tiện di chuyển nhanh giữa các điểm du lịch trong thành phố, bạn có thể chọn tàu điện ngầm hoặc xe bus. Taxi cũng là một lựa chọn có thể cân nhắc nhưng bạn nhớ thủ sẵn vài câu tiếng Trung, hoặc bật sẵn phần mềm dịch tiếng Trung trên điện thoại khi giao tiếp với tài xế (vì thường người Trung không giao tiếp tốt tiếng Anh) để tránh bị nâng giá hoặc tài xế dẫn khách đi lòng vòng nhé. Nếu có thời gian thong thả, bạn có thể thuê xe đạp đi vòng vòng quanh thành phố nữa đấy.
Một điều cần chú ý là nếu bạn đi tự túc thì nên căn giờ để tới bến xe, sân bay hay những nơi cần đến vì thủ đô Bắc Kinh cũng giống như nhiều đô thị lớn, đều có vấn đề ách tắc giao thông. Đặc biệt trong những giờ cao điểm hoặc ngày lễ. Vậy nên bạn cần căn giờ di chuyển để không bị trễ giờ nhé! Còn nếu như đi theo tour thì lúc nào cũng có hướng dẫn viên và tài xế xe du lịch hẹn sẵn giờ giấc cho bạn rồi, không phải lo lắng gì nữa.
Di chuyển bằng tàu điện ngầm
Nếu trong thời gian hoạt động tự do trong tour Bắc Kinh mà muốn tự đi khám phá thêm thì bạn nên đi tàu điện ngầm cho tiện nhé. Vì Bắc Kinh rộng cực kỳ luôn, mà các điểm du lịch cũng khá xa nhau, đi taxi hay bus cũng tắc đường, nên khách du lịch thường đi tàu điện ngầm cho tiện. Hơn nữa ở ga tàu điện ngầm đều có chỉ dẫn cả tiếng Anh lẫn Trung nữa nên bạn có thể yên tâm tự lang thang nhé. Tuy nhiên nên chú ý tránh giờ cao điểm 7h-10h sáng và 5h-7h tối vì đây là khoảng giờ cao điểm, mọi toa tàu đều chật cứng.
1. Ga Bắc Kinh Nam (Beijing South Railway station): Line 4 2. Ga Bắc Kinh Tây (Beijing West Railway Station): Line 9 3. Ga Bắc Kinh Bắc (Beijing North railway Station): Line 2, 4 and 10 4. Ga Bắc Kinh (Beijing Railway Station): Line 2 5. Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh (Beijing Capital Airport): tàu Express Train + tàu điện ngầm Line 2 6. Di Hòa Viên (Summer Palace): Line 4 and 10 7. Vạn Lý Trường Thành Bát Đạt Lĩnh (Badaling Great Wall): Tàu hiệu S đi từ ga Hoàng Thổ Điếm (Huangtudian Railway Station) Line 8 or 13 8. Công viên Thiên Đàn (Temple of Heaven): Line 5 9. Thiên An Môn – Tử Cấm Thành (Tiananmen): Line 1 10. Chùa Lama (Lama Temple): Line 5 11. Sân Vận Động Olympic (Olympic Park): Line 8
Di chuyển bằng xe đạp
Nếu có ý định đi chơi ở quanh khu phố cổ Hutong, bạn có thể thuê xe đạp nhé. Giá cũng rất “bèo bọt” luôn. Giờ đầu tiên được miễn phí, mỗi giờ sau đó thu 1 tệ/giờ. Phí tối đa 1 ngày là 10 tệ hoặc 20 tệ tùy theo quận bạn thuê xe. Có điều thủ tục cài đặt app thuê xe, nạp tiền, kích hoạt tài khoản hơi phức tạp nên nếu ở lại Bắc Kinh trên 3 – 5 ngày và lâu hơn thì hẵng tìm đến phương án ngày. Còn nếu chỉ du lịch Bắc Kinh dưới 3 ngày thì tốt nhất nên trải nghiệm tàu điện ngầm và xe bus.
Di chuyển bằng taxi
Hãy chắc chắn bạn lên đúng taxi hợp pháp vì có nhiều chiếc taxi bất hợp pháp (được gọi là heiche/黑车) hoạt động theo cách phải thương lượng giá trước. Taxi hợp pháp thường được sơn màu vàng hoặc đen và có dán giấy phép lái xe hoặc giấy tờ khác trên kính chắn gió.
Di chuyển bằng xe kéo (riêng trong khu Hutong)
Các chú ý về phương tiện công cộng ở Bắc Kinh cũng như giá cả chi tiết, mời bạn tham khảo thêm trong phần chi phí bên dưới nhé!
Chi phí du lịch Bắc Kinh như nào?
Chi phí visa du lịch Trung Quốc
Để tới Bắc Kinh, bạn cần phải có Visa Trung Quốc đã. Phí xin visa rơi vào tầm 60 cho tới 180 usd tùy loại visa, tương đương 1tr4 tới 4tr2. Thuê dịch vụ làm visa thì tốn khoảng 3tr nhưng bạn sẽ không phải mất công tự đi lo mọi thứ giấy tờ. Bên dịch vụ sẽ lo hết cho bạn, bạn chỉ phải chuẩn bị một số giấy tờ cơ bản mà họ yêu cầu thôi.
Tuy nhiên nếu đi theo tour thì bạn sẽ được làm visa đoàn, chi phí rẻ hơn đi lẻ nhiều. Kể cả vé máy bay theo đoàn tour cũng vậy.
Chi phí lưu trú
Bắc Kinh là một trong những đô thị thịnh vượng nhất ở Trung Quốc. Giá phòng homestay, hostel, khách sạn… khá đa dạng. Nếu bạn muốn chỗ lưu trú, nghỉ dưỡng sang trọng thì khách sạn năm sao sẽ có giá 3000 đến 4000 một đêm. Còn thông thường homestay hoặc khách sạn thông thường thì 100 – 200 tệ (khoảng 400.000đ) là đã có chỗ khá ổn rồi.
Đây cũng là thành phố du lịch nên xung quanh các điểm tham quan và các trạm phương tiện công cộng đều có nơi lưu trú, bạn có thể thoải mái lựa chọn. Nếu đi tự túc thì bạn có thể tham khảo trên các trang như booking.com, agoda hay airbnb.
Chi phí đi lại và các chú ý giao thông
Giao thông Bắc Kinh cực kỳ phát triển, xe buýt, tàu điện ngầm, taxi, xe đạp công cộng cho thuê… đều có đủ. Tuy thành phố này khá đắt đỏ nhưng hệ thống giao thông công cộng lại rẻ đến ngạc nhiên, chỉ khoảng 3 – 8 tệ/vé (10.000 ~30.000đ).
Taxi ở Bắc Kinh thì có giá đắt hơn, khoảng 13 tệ cho 3km đầu tiên và 2,3 tệ cho mỗi km tiếp theo. Xe kéo thì bạn có thể tìm thấy ở nhiều nơi trong các khu du lịch cổ ở Bắc Kinh. Tuy nhiên giá phương tiện này không hề rẻ và có khi còn đắt hơn taxi.
Chi phí ăn uống
Ẩm thực Bắc Kinh từ loại đồ ăn đến giá cả đều rất đa dạng. Nếu không tính việc vào nhà hàng sang trọng thì đồ ăn vặt Bắc Kinh chính thống cũng không đắt. Đồ ăn truyền thống buổi sáng thì có sữa đậu nành, bánh bao, trứng ngâm nước trà. Các quán ăn thường có thêm dưa muối miễn phí. Đảm bảo bạn có thể ăn no căng bụng mà tiêu không đến 5 tệ. Buổi trưa hay tối ăn lẩu, thịt nướng, đắt lắm cũng chỉ khoảng 100 tệ/người. Các món mì thì khoảng 10 tệ một phần. Tóm lại một ngày ăn ở Bắc Kinh thông thường cũng chỉ hết khoảng 150 – 200 tệ là cùng (tầm 500.000đ – 700.000đ).
Chi phí tham quan
Ở Bắc Kinh có khá nhiều điểm tham quan văn hóa, lịch sử miễn phí như Quảng trường Thiên An Môn, Hậu Hải, Ngõ Nam La Cổ, khu Bắc Kinh cũ (phố cổ Hutong)…
Các điểm tham quan lịch sử khác có tính phí nhưng cũng không tốn mấy. Cụ thể một số nơi du lịch chính có giá vé như sau:
- Tử Cấm Thành: 40 – 60 tệ tùy mùa (135.000 – 200.000đ)
- Di Hòa Viên: 20 – 50 tệ tùy mùa (70.000đ – 170.000đ)
- Khu Thập Tam Lăng: 15 – 65 tệ tùy mùa và tùy kh vực tham quan (50.000đ – 220.000đ)
- Vạn Lý Trường Thành: đi xe lên Bát Đạt Lĩnh 60 tệ, đi cáp treo 80 tệ (200.000đ – 270.000đ)
- Công viên Hương Sơn: 5 – 10 tệ tùy mùa (15.000đ – 35.000đ)
- Ung Hòa Cung: 25 tệ (85.000đ)
- Công viên Thiên Đàn: 10 – 35 tệ tùy mùa và khu vực tham quan (35.000 – 120.000đ)
- Phủ Hòa Thân: 40 tệ (khoảng 135.000đ) Xem kịch trong phủ thêm 30 tệ
- Công viên Bắc Hải: 10 tệ (35.000đ)
- Công viên Cảnh Sơn: 13 tệ (45.000đ)
Nên đi du lịch tour Bắc Kinh hay tự túc?
Tóm lại, theo những chi phí Kỳ Nghỉ Đông Dương đã liệt kê thì du lịch ở Bắc Kinh nếu không tính vé máy bay hết tầm 4 – 5tr cho khoảng 3-5 ngày. Còn thêm vé máy bay, rẻ nhất khoảng 3tr5 một chiều thì tổng cộng chuyến đi ít nhất hết tầm 10 triệu đồng. Chưa kể tiền ăn chơi mua quà lưu niệm nữa.
Nếu đi theo các hành trình tour Bắc Kinh thì rẻ nhất hiện tại cho 4 ngày 3 đêm rơi vào tầm gần 9tr. Tuy không thể tự do tùy hứng đi đâu thì đi, nghỉ lại đâu hay thêm ngày ở điểm nào tùy thích nhưng bạn sẽ được lo chu đáo hết từ khâu làm visa, chuẩn bị giấy tờ, đặt các loại vé di chuyển phương tiện, khách sạn, nhà hàng… Bạn chỉ cần xách vali và tung tăng đi theo thôi!
Bên cạnh đó, rào cản lớn nhất khi du lịch Trung Quốc là bạn không thể xài tiếng Anh ở bất cứ đâu như khi đi tự túc ở các nước Đông Nam Á hay châu Âu. Kể cả các khu du lịch không phải ai cũng biết tiếng Anh. Chỉ dẫn bằng tiếng Anh cũng như vậy. Tất nhiên bạn có thể xài app dịch trên điện thoại để dịch biển báo hay các câu thoại nhưng vẫn có nhiều hạn chế, đặc biệt là khi có vấn đề gì đó phát sinh.
Vậy nên đi Bắc Kinh nhiều người vẫn thích đi theo tour hơn là đi tự túc. Hơn nữa, đi theo tour có hướng dẫn viên đi cùng thuyết minh cảnh điểm, chắc chắn bạn sẽ thấy nơi mình đi thú vị hơn phải không?
Bắc Kinh có những điểm nào nổi bật?
Là một trong những trung tâm kinh tế của thế giới, Bắc Kinh là thành phố xa hoa với vô vàn điểm đến du lịch. Song nếu chỉ có thời gian và kinh phí có hạn hoặc đang tìm kiếm một lịch trình tour Trung Quốc giá rẻ, bạn nên tập trung vào các điểm đến nổi bật sau:
Vạn Lý Trường Thành
Người Trung Quốc có câu, “bất đáo Trường Thành phi hảo hán”. Một điều chắc chắn rằng khi đến Trung Quốc thì Vạn Lý Trường Thành là địa điểm bạn không thể không ghé thăm.
Đây là công trình phòng thủ quân sự chiến lược nổi tiếng vào bậc nhất của thế giới. Đến thăm Vạn Lý Trường Thành du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử của công trình được coi là biểu tượng của Trung Quốc này. Trường thành có tổng chiều dài khoảng 6.700km (riêng đoạn trường thành ở Bắc Kinh có chiều dài khoảng 629km). Tường thành cao khoảng 7 – 8 m và rộng trung bình khoảng 5 – 6m, được khởi công xây dựng từ khoảng thời nhà Chu, kế tiếp là các thời kỳ Xuân Thu (770 – 476 TCN), Chiến quốc (476 – 221 TCN), bởi nhiều nước như Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy… về sau nữa là nhà Tần, Hán, Kim và Minh.
Những nơi nổi tiếng và được bảo tồn khá nguyên vẹn ở Vạn Lý Trường Thành có thể kể đến là Bát Đạt Lĩnh, Cư Dung Quan, Thủy Quan, Mộ Điền Dụ… Bát Đạt Lĩnh (BaDaLing) cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 60 km về phía tây bắc, có chiều dài khoảng 3741m, chiều cao trung bình khoảng 7m. Đoạn trường thành có độ cao tối đa vào khoảng 800m so với mực nước biển, được xây dựng lại vào thời nhà Minh, là nơi được nhiều du khách đi du lịch Bắc Kinh ghé thăm nhiều nhất. Cùng tìm hiểu nhiều hơn về địa điểm này trong bài viết Vạn Lý Trường Thành – 24h khám phá “bản trường ca” bi tráng nhất Trung Hoa nhé!
Tử Cấm Thành
Tọa lạc trung tâm thành phố Bắc Kinh, nơi đây có không gian rộng lớn, du khách đến đây sẽ được thưởng ngoạn một cảnh sắc tuyệt vời. Nơi đây là cung điện của vua nhà Minh và nhà Thanh với quy mô lớn nhất và được bảo toàn nguyên vẹn nhất trên thế giới. Tử Cấm Thành được xây dựng từ năm 1406 tới năm 1420, gồm 980 tòa nhà trên diện tích 720.000 m2.
Bước vào bên trong Tử Cấm Thành khách du lịch chọn tour du lịch Bắc Kinh sẽ được chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo của cung đình Trung Quốc. Tử Cấm Thành được xây dựng trong 14 năm với những vật liệu cao cấp như gạch Tô Châu, ngói men ngọc An Huy, đá quý Phòng Sơn, gỗ quý Phương Nam. Đa số mái của các cung điện đều lợp ngói lưu ly màu vàng, màu tượng trưng cho triều đình Trung Quốc. Màu vàng trong thuyết ngũ hành là thổ, gốc của vạn vật, cho nên xưa nay màu vàng được giới thống trị xem là màu tôn quý nhất.
Tường cung điện được sơn màu đỏ tươi, tượng trưng cho sự trang nghiêm, hạnh phúc, may mắn. Thời xưa, trừ hoàng cung ra, chỉ có phủ thân vương và những đền miếu quan trọng mới được dùng màu đỏ. Bên cạnh đó nơi đây còn lưu giữ rất nhiều hiện vật được coi là di sản quốc gia. Cùng xem thêm các cảnh điểm trong Tử Cấm Thành tại bài viết Tử Cấm Thành – Cố Cung nguy nga và huyền bí nhé!
Quảng trường Thiên An Môn
Là một trong những quảng trường nổi tiếng nhất thế giới, Thiên An Môn được coi là coi là trái tim của Bắc Kinh. Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, với diện tích gần 109 mẫu (44 hecta). Hai đầu Bắc và Nam của quảng trường được đánh dấu bởi hai cổng thành Thiên An Môn và Tiền Môn.
Dọc theo phía tây của quảng trường là Đại hội đường Nhân dân. Dọc theo phía đông là Viện bảo tàng quốc gia về Lịch sử Trung Hoa. Toàn khu quảng trường được bao bọc bởi những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng nhất của thủ đô Bắc Kinh và chắc chắn không du khách nào có thể bỏ qua khi đến với thành phố này.
Đến thăm quảng trường Thiên An Môn trong tour Bắc Kinh, du khách sẽ bị choáng ngợp trước công trình đồ sộ này, xung quanh quảng trường được trồng rất nhiều cây cảnh được tạo kiểu rất đẹp măt, bạn nên đến thăm quảng trường vào sáng sơm vừa tản bộ vưa hít thở không khí trong lành, sẽ đem lại cho du khách một cảm giác thư thái và bình yên tách biệt với thành phố bên ngoài ồn ào và náo nhiệt. Tìm hiểu thêm về lịch sử cùng các cảnh điểm ở Thiên An Môn qua bài viết Thiên An Môn “trái tim” của Bắc Kinh các bạn nhé!
Quảng trường Thiên An Môn
Di Hòa Viên
Nếu Tử Cấm Thành là nơi cung vua phủ chúa, nơi thâm cung bí sử thì Di Hòa Viên lại là nơi thưởng lãm cảnh đẹp thiên nhiên trong khung cảnh yên bình, thanh nhã. Di Hòa Viên còn có tên gọi khác là Cung Điện Mùa Hè – nơi nghỉ ngơi thưởng cảnh của Từ Hi Thái Hậu.
Nằm bên núi Vạn Thọ hùng vĩ và hồ Côn Minh nên thơ, cách bài trí cùng cây cảnh, kiến trúc nơi đây xứng đáng là cái nôi của nghệ thuật hoa viên Trung Quốc, có ý nghĩa văn hóa rất lớn đối với người dân Trung Hoa và thế giới. Cùng chiêm ngưỡng thêm về vẻ đẹp của Di Hòa Viên tại bài viết Di Hòa Viên – vườn cổ thanh bình giữa chốn đô thị Bắc Kinh tấp nập nhé!
Phố cổ Hutong
Bắc Kinh không chỉ có những cảnh điểm du lịch xa hoa, tráng lệ hay những công trình hiện đại bậc nhất mà còn ẩn trong đó những ngõ nhỏ, phố nhỏ cố kính, tồn tại song hành cùng kinh đô ngàn năm nay. Khách du lịch Bắc Kinh thong thả thuê xe đạp đi ở đây sẽ bắt gặp những khu phố cổ Hutong (Hồ Đồng).
“Hutong” là những con ngõ nhỏ, dài, hẹp, hình thành theo lối Tứ-Hợp-Viện. “Tứ Hợp Viện” chính là những ngôi nhà truyền thống của Trung Quốc, có sân vườn, xây kín 4 mặt, trước cửa nhà có sân rộng, giếng nước để sinh hoạt, tất cả cuộc sống sinh hoạt đều gói gọn trong Tứ Hợp Viện. Các khu dân cư hình thành bởi nhiều Tứ Hợp Viện nối với nhau, tạo thành 1 hutong, rồi hutong này lại nối với hutong khác thành những khu dân cư như bàn cờ. Từ Hutong cũng để chỉ những khu phố như vậy. Để tìm hiểu thêm về nét đẹp giản dị, cổ kính của Hutong, bạn có thể đọc trong bài viết Xoay ngược dòng thời gian về Bắc Kinh với phố cổ Hutong (Hồ Đồng) nhé!
Phố cổ Hutong
Chùa Lama
Chùa Lama (Lạt Ma) còn được biết đến với tên gọi khác là Ung Hòa Cung, là ngôi chùa Tây Tạng độc nhất tại thủ đô Bắc Kinh. Được xây dựng cách đây 300, đây là một trong những ngôi chùa lớn và quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng nằm ngoài lãnh thổ Tây Tạng. Chùa Lama (Lạt Ma) được xây dựng theo phong cách Hán – Tạng, với quy mô bề thế, kiến trúc pha trộn hài hòa, độc đáo đầy ấn tượng.
Ban đầu, nơi đây là cung Ung Hòa, được xây vào năm 1694 cho các quan trong triều Thanh ở. Sau này trở thành cung điện của hoàng đế Ung Chính. Khi ông lên ngôi, để phục vụ việc ngoại giao giữa nhà Thanh với Tây Tạng, một phần của cung Ung Hòa trở thành tu viện Phật giáo Tây Tạng. Từ đó đền Lama là nơi tu học của những nhà sư theo Phật giáo Tây Tạng cũng như để đón tiếp các đoàn sứ giả từ Tây Tạng tới. Ngày nay, đền Lama là thắng cảnh nổi tiếng, thu hút đông khách du lịch Bắc Kinh. Xem thêm về Ung Hòa cung trong bài viết: Ung Hòa Cung – Phật giáo Tây Tạng giữa lòng Bắc Kinh.
Chùa Lama – Ung Hòa Cung
Phủ Hòa Thân
Phủ Hòa Thân còn có tên gọi khác là Cung Vương Phủ, hay Vương Phủ, là phủ đệ được bảo tồn hoàn chỉnh nhất ở Bắc Kinh. Nơi đây như báu vật vô giá, là di tích thời phong kiến duy nhất còn nguyên vẹn đến ngày nay. Người Trung Hoa có câu: “Một tòa Cung Vương Phủ, nửa bộ sử Thanh triều” đủ để nói lên giá trị văn hóa nơi đây.
Đi theo tour Bắc Kinh đến đây, bạn sẽ có cơ hội hiểu thêm về đời sống thực sự của các vị vua quan triều Thanh. Không gian rộng lớn của phủ Hòa Thân uy nghi tráng lệ không kém gì một cung điện thu nhỏ với kiến trúc tinh xảo bậc nhất. Trước khi ghé thăm phủ đệ này, bạn có thể xem qua bài viết Phủ Hòa Thân – Báu Vật Vô Giá Của Trung Hoa để hiểu hơn về nơi đây nhé!
Phố đi bộ Vương Phủ Tỉnh
Vương Phủ Tỉnh vào thời Minh có nhiều phủ đệ của hoàng thất, công chúa nên người dân gọi là “đường Vương Phủ”. Sang triều Thanh, trên con đường này có cái giếng, người ta hay sinh hoạt ở đây nên đổi thành “Vương Phủ Tỉnh” (“tỉnh” nghĩa là giếng).
Từ năm 1999 đến nay, nơi đây được sửa thành đường buôn bán, nhiều trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất Bắc Kinh đã lấy nơi đây làm “cứ địa”, trở thành đặc trưng mỗi khi nhắc đến Vương Phủ Tỉnh. Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với khu ẩm thực ban đêm, có nhiều món ăn đa dạng đậm chất Trung Hoa, được phục vụ nóng hổi ngay tại chỗ.
Vương Phủ Tỉnh về đêm
Sân vận động Olympic Bắc Kinh
Được biết đến với tên gọi “sân vận động tổ chim”, Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh là kì quan kiến trúc độc đáo của Bắc Kinh, điểm nhấn đặc biệt của mọi tour tour Bắc Kinh giá rẻ. Khởi công xây dựng vào năm 2001, công trình này có sức chứa 91.000 người, là một trong những công trình phục vụ Olympic lớn nhất thế giới.
Nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh
Hay còn gọi là nhà hát “quả trứng” hay “ốc đảo pha lê” với lối kiến trúc hiện đại, độc đáo. Được khánh thành năm 2007, nhà hát này có toàn bộ phần mái vòm hình elip được làm bằng titanium và kính, nhìn từ xa, nhà hát này như một viên ngọc trai nổi lên trên mặt hồ. Thời điểm ngắm Nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh đẹp nhất là vào buổi tối, khi nhà hát lên đèn và phô diễn hết vẻ đẹp lộng lẫy.
Tháp truyền hình trung ương Trung Quốc
Với độ cao 405m, đây là một trong những tòa tháp cao nhất thế giới và có kiến trúc độc đáo, mới lạ. Tháp truyền hình mở cửa cho du khách tham quan với nhiều hạng mục: đài ngắm cảnh – nơi có thể thu trọn toàn cảnh Bắc Kinh vào tầm mắt; nhà hàng sang trọng – nơi du khách dùng bữa tối trong cảnh hoàng hôn tráng lệ của Bắc Kinh.
Ẩm thực Bắc Kinh có gì ngon?
Ngoài những cảnh điểm tham quan, kiến trúc nổi tiếng, Bắc Kinh còn được biết đến là kinh đô ẩm thực của Trung Hoa. Đi Bắc Kinh ăn gì? Hãy để chúng tôi gợi ý cho bạn một số món mà đến Bắc Kinh chắc chắn phải thưởng thức nhé!
Vịt quay Bắc Kinh
Lẩu đặc sản Bắc Kinh
Là món ăn ưa thích của người Trung Hoa khi tiết trời trở lạnh. Lẩu có đồ nhúng rất đa dạng, có thể là thịt cừu, thịt bò, tôm, cá, rau, củ quả tươi, đậu, nấm… Phổ biến nhất ở Bắc Kinh là lẩu cừu.
Màn thầu
Là món ăn truyền thống của người Trung Hoa vào các dịp lễ tết. Màn thầu có nhân gồm thịt lợn muối, dầu mè, hạt tiêu trắng… được chiên hoặc hấp rồi ăn cùng nước tương.
Đậu phụ thối
Là món ăn được rất nhiều người dân bản địa ưa thích. Đậu phụ thối được làm bằng cách lên men đậu phụ, khi phục vụ thực khách, đậu phụ thối sẽ được chiên vàng, rưới nước sốt và ăn kèm rau mùi.
Táo hồ lô
Không chỉ có táo, đây là món ăn vặt hấp dẫn được làm từ các loại trái cây. Dâu tây, dứa, táo, nho, mận… được xào với đường rồi xiên vào các que tre.
Malatang
Đây là món ăn mà khách đi tour Bắc Kinh có thể bắt gặp trong một xe hàng rong hay một quán nhỏ, mọi nơi mọi lúc ở Bắc Kinh. Người bán sẽ bày những khay nhôm lớn, đựng nước dùng cay. Nguyên liệu làm nước dùng thường là ớt, hồi, quế, tiêu và nhiều gia vị khác tùy mỗi quán. Người ta sẽ cho vào khay nước dùng đó các loại xiên thịt, rau củ, ăn xong mới đếm xiên tính tiền.
Thời điểm nào tốt nhất để đi Bắc Kinh?
Với vị trí nằm sâu trong lục địa, Bắc Kinh có khí hậu khá khô hạn, mùa hè nóng ẩm do ảnh hưởng của gió mùa Đông Á, còn mùa đông lạnh và khô do ảnh hưởng của khối áp cao Siberi. Nhiệt độ trung bình tháng của Bắc Kinh vào tháng 1 là −3,7 °C (25,3 °F), trong khi vào tháng 7 là 26,2 °C (79,2 °F). Bởi sự chênh lệch nhiệt độ khá cao như vậy, tìm hiểu về khí hậu là một trong những kinh nghiệm cần thiết khi chuẩn bị đi tour du lịch Bắc Kinh.
Mùa thu là lựa chọn tốt nhất để đến đây, thời tiết ôn hòa, ít du khách trong thành phố. Người bản xứ miêu tả về mùa này bằng câu “thiên cao, khí hòa” – trời cao, khí hậu ôn hòa mát mẻ. Mùa xuân không mấy thuận tiện, không có nhiều du khách nhưng nhiều gió bụi. Mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8 có thể xem là mùa cao điểm, nên chi phí các dịch vụ ở đây khá cao.
Vào mùa đông thì ngược lại, nếu bạn chịu được nhiệt độ lạnh thì khá tuyệt, Bắc Kinh giống như của riêng bạn, không đông đúc nào nhiệt bạn có thể thong dong thưởng ngoạn khung cảnh nơi. Bạn không nên đến vào dịp Tết từ tháng 1 đến tháng 2 và mùa nghỉ lễ dài như Lễ Lao động 1-5, ngày quốc khánh 1-10 vì những ngày này lúc nào cũng đông đúc.
Chú ý gì khi du lịch Bắc Kinh?
Ở Bắc Kinh, bạn có thể đi tham quan trong vòng 1 ngày, 3 ngày, 5 ngày hay thậm chí 10 ngày hoặc lâu hơn tùy vào thời gian bạn có thể ở lại đây bao lâu vì nơi này có rất nhiều thứ để khám phá. Để chuyến đi thoải mái hơn, bạn có thể xem qua một số chú ý dưới đây nhé Khi đi du lịch Bắc Kinh, bạn lưu ý nên chỉ đổi một lượng tiền mặt vừa đủ để mua sắm ở những nơi không dùng được thẻ, hoặc để trả phí hành chính. Còn lại thì nên dùng thẻ thanh toán quốc tế để giao dịch cho tiện nhé. Các điểm đổi tiền ở Hà Nội có thể kể đến như phố Hà Trung, có tỷ giá khá thấp. Hoặc đổi tiền ở số 1 Trần Phú, hiệu vàng Phú Vân ở Lương Ngọc Quyến. Lưu ý nên lấy tiền mới, soi nghiêng ra ánh sáng có hình chìm rõ nét, tiền không bị nhòe hình, sờ vào phần cổ áo Mao Trạch Đông hơi ráp ráp. Chi tiết hướng dẫn đổi tiền, mời bạn tham khảo trong loạt bài Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc (Phần 2) nhé. Ngoài ra, bạn có thể “học mót” trước vài câu giao tiếp tiếng Trung trong Phần 3 nhé!
Du lịch Bắc Kinh cần đi bộ khá nhiều, nhất là ở Vạn Lý Trường Thành, cần combo giày tốt + thể lực tốt nên tốt nhất là bạn đi giày đi bộ cho thoải mái nhé. Đi giày cao gót là về nằm bẹp đó! Nên mang sẵn cả nước uống nữa để “hồi sức” kịp thời nhé!
Đi đâu cũng nên mang hộ chiếu đi nhé. Vì người Trung Quốc đến các điểm công cộng hay du lịch thì đều cần thẻ căn cước hết, để quẹt qua cửa an ninh. Mình đi du lịch thì chỉ cần mang theo hộ chiếu là được rồi.
Trong chuyến đi có nhiều cảnh điểm lịch sử khá thiêng liêng, có giá trị tâm linh nên bạn đừng ăn mặc quá hở hang, ăn nói thô tục, và đừng vứt rác bừa bãi. Hãy là một khách du lịch văn minh nhé! Ngoài ra bạn cũng nên tránh nói về các vấn đề chính trị nhạy cảm, thay vào đó nên hỏi chuyện nhiều hơn về văn hóa. Người Bắc Kinh khá nhiệt tình khi được hỏi về văn hóa của họ đó!
Trung Quốc dùng điện 220w-245w và phích cắm loại 3 chân vuông, bạn nên mang theo ổ chuyên dụng. Có thể mua loại ổ du lịch cho linh hoạt nhé.
Ổ cắm du lịch mình hay dùng
Trước khi mua đồ ở Bắc Kinh, bạn nên khảo giá trước hoặc nếu không có bảng giá cụ thể thì bạn nên mặc cả để tránh bị nâng giá nhé!
Kể cả không biết tiếng thì cũng nên thủ sẵn vài câu đơn giản, ghi ra giấy hoặc điện thoại, nhỡ đâu cần dùng đến.
Sim thì mình mua luôn của công ty du lịch. Còn mình tham khảo nếu đi tự túc thì bạn nên mua sim 4G Trung Quốc ở Việt Nam trước, đặt giao về tận nhà thì loại sim đó cài đặt sẵn vượt tường lửa rồi, vào facebook, google, insta….. nhòe luôn! Còn sang Trung Quốc mới mua thì bạn phải cài VPN trước mới dùng được các app này nhé vì Trung Quốc chặn cả Skype, Facebook, các dịch vụ của Google như Gmail, Map, hay Youtube, Zalo hết rồi. Giá sim du lịch khoảng 200.000 – 500.000đ.
SIM du lịch Trung Quốc
Trên đây Kỳ Nghỉ Đông Dương chúng mình đã chia sẻ kha khá kinh nghiệm du lịch Bắc Kinh Trung Quốc rồi. Nếu bạn muốn được tư vấn thêm và đặt Tour du lịch Bắc Kinh thì hãy liên lạc với chúng mình theo số hotline, Zalo hay Facebook hiện trên màn hình nhé! Chúc các bạn có một chuyến đi vui vẻ!
Ngọc Thúy (Nguồn ảnh: Kỳ Nghỉ Đông Dương và các nguồn sưu tầm khác. Nếu bạn là tác giả ảnh, vui lòng liên hệ với website chúng tôi. Xin cảm ơn!)