- Phượt thủ U60
- Phượt thủ nhỏ bé nhất Việt Nam
Phượt thủ U90
Lão kéo chúng tôi vào căn buồng “trăng mật” của hai ông bà, mở chiếc hộp tủ cũ kỹ lôi ra chiếc máy quay mini khoe “thành quả” của chuyến phượt Tây Bắc tháng 10 vừa rồi.
Lão khoái lắm, vì đây là món quà ý nghĩa nhất lão làm để tặng vợ nhân dịp Tết đến, xuân về. Vợ lão xem cứ trầm trồ xuýt xoa, vì cảnh quay quá thật, quá chuyên nghiệp của ông chồng.
Nếu có ai hỏi chuyện phượt, lão có thể nói chuyện cả ngày.
Lão cười tỏ vẻ sung sướng, bảo rằng: “Được cái hai vợ chồng đều mê du lịch, nên không bao giờ có điều qua tiếng lại. Vì cùng lý tưởng nên chúng tôi yêu nhau như một lẽ tự nhiên”.
Lão tự hào thêm về cái khoản đẹp trai “lộng gió” của mình. Thời trẻ, lão thuộc hàng “soái ca” cùng với tài ăn nói duyên dáng nên gái theo nườm nượp. Cuối cùng, lão cũng chọn được một cô đẹp người tốt nết làm vợ.
Thời gian mới cưới, lão thường chở vợ đi khắp nơi ngắm cảnh. Đi mãi mà trở thành thói quen, lâu lâu không đi lại nhớ quay quắt. Thời của lão làm gì có từ “phượt” như bây giờ, chỉ biết từ năm 16 tuổi, lão đã thích thú với việc cưỡi xe đạp đi chu du khắp nơi, khám phá cảnh sắc đất trời. Khi đã mỏi gối tê chân với vòng xe nặng trĩu, lão ước mơ sẽ có một chiếc xe máy.
Những cuộc phiêu lưu của vợ chồng lão tạm gác lại bởi hành trình sinh nở “miệt mài” 11 người con. Một đàn con lít nhít bám vạt áo, cộng thêm nỗi lo sinh kế, lão quay cuồng với nghề sửa giày dép.
Người ta nhìn gia đình lão, lắc đầu ái ngại, xót xa thương cảm. Nhưng lão thì tỉnh bơ, bởi lão biết chấp nhận với hoàn cảnh nên “mái chèo” trên con thuyền nặng trĩu ấy rồi cũng nhẹ nhàng trôi qua.
Con cái ăn đói mặc rách rồi cũng hồn nhiên lớn lên như cây cỏ, cũng khỏe mạnh như thường. Và lão lại nhen nhóm những chuyến phượt dọc dài đất nước từ ngày sắm được con xe cúp 50 cánh én.
Lão nhớ rõ là phải mất mấy tháng trời tích cóp tiền sửa giày dép mới có 2 triệu đồng để “tậu” chiếc xe ước mơ. Khi những đứa con yên bề gia thất, hai vợ chồng lão bắt đầu rủ rỉ cho những chuyến đi. Vợ thích đâu là lão chiều, xa nhất là chuyến ra miền Trung.
Ngày ấy chưa có máy quay, máy ảnh như bây giờ nên chỉ ngắm bằng mắt, cảm bằng tâm. Sau mỗi chuyến trở về tuy mệt rũ người ra, chân tay ê ẩm nhưng vẫn thấy vui. Lão bảo, có đi mới thấy được nhiều người còn khổ hơn mình. Vợ lão nhận ra điều đó nên vui lắm, người như trẻ ra mấy tuổi.
Khi vợ bước sang tuổi 70, sức khỏe xuống đi nhiều, không thể ngồi xe đường dài, thì chỉ còn mình lão đơn độc trên con đường phía trước. Không có vợ ngồi sau trên những cung đường hun hút, thăm thẳm, lão có chút hụt hẫng, chênh vênh.
Sau này sắm được máy quay phim, máy ảnh và điện thoại Smatphone, thì đam mê như được tiếp lửa, ngùn ngụt cháy, nỗi buồn chợt tan biến.
Vợ chồng lão vẫn mặn nồng dù cuộc hôn nhân đã kéo dài trên 60 năm.
Tiền thì ít nên mỗi chuyến đi lão phải lên lịch trước hàng tháng trời, phải tính toán kỹ lưỡng, cẩn thận. Chạy ròng rã dọc miền Tây tới đất mũi Cà Mau, đứng bên cột mốc chủ quyền chụp tấm ảnh, thế là mãn nguyện rồi. Lên Tây Nguyên, lão đắm mình giữa rừng già, thả thân xác xuống thảm lá vàng khô, nghe tiếng chim trời ngạo nghễ giữa không trung…
Lão đi theo sở thích, không có điểm dừng, khi nào con xe rệu rã, ốc vít long sòng sọc mới nhờ con trai vá víu, “độ” bằng hầm bà nhằng các thứ phế liệu. Đến nỗi, chiếc cúp 50 sau gần 20 năm theo lão trên hành trình chinh phục dải đất Việt Nam, bây giờ không còn nhận ra hình hài xưa cũ nữa.
Nó chẳng khác nào con ngựa sắt biết đi. Cùng với bộ đồ nghề “phượt”, lão có thêm bộ quần áo và đôi dép cũng thuộc hàng đồng nát “chê”, ve chai “bỏ”. Lão lý giải rằng, đó là cách ngụy trang để khi chạy trên đường không bị ai hỏi thăm và tránh cướp giật. Mà thật ra, phong cách ngoài đời của lão còn “rách” hơn ông bán vé số. Cái lý ấy, chỉ mình lão hiểu thôi.
Càng già càng mê
Lão có một tình yêu đặc biệt với những cây cầu ngói ở Việt Nam. Nó gợi nhớ về dấu mốc lịch sử đầy hoài niệm. Trong hành trình xuyên Việt, khó khăn trắc trở thế nào đi nữa thì lão vẫn ghé những địa danh có cầu ngói để chụp hình.
Lão khoe: “Lần đầu tiên tới Hà Nội, tôi chạy đi tìm ngay hai cây cầu ngói ở khu vực chùa Thầy. Ra Ninh Bình, tôi lao tới cầu ngói Phát Diệm ở Kim Sơn…”
Sau mỗi chuyến phượt trở về, lão lại cặm cụi sửa giày kiếm sống.
Tính đến thời điểm này, lão đã đi qua tất cả 63 tỉnh, thành, chỉ còn đảo là chưa đi hết. Như Hà Nội, lão đến mấy lần vẫn không chán, vì Thủ đô gói trong mình những công trình lịch sử vĩ đại.
Lão mê đắm cảnh sắc Hồ Gươm, trầm mặc với Văn miếu Quốc Tử Giám. Lão đã chụp không biết bao nhiêu tấm ảnh ở những nơi này, nhưng dường như tất cả đều chưa đủ.
Tháng 10 vừa rồi, lão tính sẽ làm chuyến từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, sau đó lên Tây Bắc. Ngày lên đường thì có tin bão đổ bộ vào miền Trung. Nhiều người khuyên nên hoãn chuyến đi vì sẽ rất nguy hiểm cho thân già 86 tuổi. Nhưng lão dứt khoát phải đi, mọi lời khuyên đều không có tác dụng.
Xem thời sự trên tivi, thấy Quảng Bình, Quảng Trị nước lũ trắng trời, Quốc lộ 1A ách tắc, lão vẫn quyết tâm đi nhưng thay đổi lịch trình. Lão vác con cúp 50 ra bến xe rồi cả người và “ngựa” ra Hà Nội bằng xe khách. Từ Hà Nội, lão thẳng tiến lên Tây Bắc.
Vì nổi tiếng trong giới phượt nên các Leader (thủ lĩnh) chào mừng lão nồng nhiệt. Họ dặn lão đi tới đâu chỉ việc alo để họ giới thiệu bạn bè tiếp đón. Thế là lão như một vị khách đặc biệt, muốn ăn gì có đó, muốn ngủ chăn ấm nệm êm đều được đáp ứng.
Nhưng chẳng lẽ cứ vác bụng đi ăn “chùa” mãi, lão suy nghĩ nhiều lắm. Có thể người ta thấy lão vừa già vừa nghèo nên thương. Lão nói với họ: “Hôm nay các anh chị cho tôi ăn, tôi không có gì báo đáp nhưng sau khi trở về sẽ gửi tặng cuốn phim có hình ảnh của anh chị”.
Tây Bắc choáng ngợp lão bởi núi non trùng điệp và cảnh sắc tuyệt vời. Giữa độ đông về, cái rét dịu dàng càng làm cho lão thích thú. Tới đồi chè Mộc Châu (Sơn La), lão quăng con xe ở ngoài đường “lăn xả” vào chụp hình.
Lão hào hứng hỏi chuyện những cô gái hái chè. Các cô e thẹn chụm miệng cười chẳng hiểu lão nói gì, vì chất giọng Quảng của Lão đã khó nghe, thêm phần “nhộm nhoạm” của hàm răng gãy gần hết nên cứ phều phào trong miệng. Họ hỏi lại thì lão chẳng nghe được, vì tai bị lãng.
Cuối cùng, lão vẫn cảm nhận được sự chân thành của con người miền núi, ai cũng cười với lão và sẵn lòng mời lão một bữa cơm. Tới Hà Giang giữa mùa hoa tam giác mạch, lão cũng xốn xang hòa cùng đám nam thanh nữ tú tạo dáng “tự sướng” đủ kiểu.
Lên những vùng có độ cao chọc trời của Tây Bắc, độ rét rất đậm và gió thổi rất mạnh. Lão phóng xe trên cung đường Hạnh Phúc, gió lạnh tạt từ núi xuống ào ào tưởng như hất văng lão xuống dòng sông Nho Quế thăm thẳm.
Chiếc xe cúp 50 huyền thoại gắn liền với những chuyến đi của lão.
Tay lão run cầm cập, có chút rùng mình len vào xương sống. Những lúc như thế, lão lấy máy quay ra “tác nghiệp”. Lão quay tất cả những gì trên đường. Chiếc máy quay, lão xem như bảo bối quý hơn bất cứ thứ gì. Lão tâm niệm, nếu chẳng may phải bỏ xác trên đường, thì cũng còn lại những thước phim gửi lại cho vợ con.
Chuyến đi “bão táp” ấy, lão chỉ sợ một chút thôi, niềm đam mê vẫn trọn vẹn. Về nhà, lão đổ ảnh ra chọn đi chọn lại để tìm một vài tấm ưng bụng nhất, mang đi phóng to, ép lụa, đóng khung cho vào cuốn nhật ký xuyên Việt.
Lão tâm sự: “Tôi sống khỏe là vì những ký ức ngọt ngào của quá khứ. Đấy, nó nằm hết trong băng đĩa rồi. Khi nào vợ hờn giận chuyện gì, tôi lại mở xem, lại vui ngay”.
Lão thì thầm vào tai chúng tôi, không hiểu sao càng già lão càng yêu vợ. Mỗi lần đi xa là một lần đong đầy nỗi nhớ. Là tình yêu thật sự chứ không phải tình thương theo nghĩa chồng vợ. Lão che miệng cười khì khì: “Đêm nào tôi cũng phải hôn bà ấy một cái mới ngủ được và ngày nào cũng phải hỏi: “Bà có thương tôi không”?
Lão đi phượt vì niềm đam mê đã ngấm vào máu, càng già thì càng mê. Lão tuyên bố, còn sống là còn đi, đi đến khi nào tim ngừng đập mới thôi. Bởi lẽ, người ta sống vì điều gì? Nếu không phải để thực hiện những điều mình mong muốn.