Một điều khiến rất nhiều người hứng thú với những bộ manga hay anime Nhật Bản là cách họ trình bày thật đẹp mắt những món ăn của mình cho khán giả thưởng thức. Ẩm thực là gì nếu không phải là đại diện hoàn hảo cho “quốc hồn quốc túy” của một quốc gia, dân tộc?
Người ta có câu “Con đường ngắn nhất để tới trái tim là đi qua dạ dày”. Một món ăn ngon có thể khiến người ta lâng lâng, trải qua đủ cung bậc cảm xúc khi nó không chỉ chinh phục thị khác, khứu giác mà thậm chí hớp hồn cả thị giác, thính giác hay thậm chí xúc giác của người được thưởng thức.
Và giữa những món ăn đầy gợi hình gợi cảm, làm rung động cả những thực khách khó tính nhất khi đến đất nước mặt trời mọc, là một đại diện khiêm nhường hơn. Nói là món ăn thì không hẳn đúng, bởi nó là một kiểu trình bày đồ ăn gói trọn cả câu chuyện về văn hóa và tâm tình của người Nhật.
Hộp Bento: Gói trọn tình yêu và văn hóa Nhật Bản
Mọi phần của ẩm thực, từ bản thân món ăn hay cách đóng gói và trình bày, hình thức của nó đều kể một câu chuyện. Hộp Bento cũng không ngoại lệ. Suốt hàng thế kỷ, nó đã được người Nhật yêu mến, là nơi gói ghém tình yêu của người mẹ cho con mang đi học, của người vợ cho chồng mang đi làm, và tồn tại vĩnh cửu trong tâm thức Nhật.
Sẽ có người thắc mắc, “Chỉ là hộp cơm thôi mà, làm gì ra vẻ vậy?”. Chưa chắc nhé. Khi một thứ đã trường tồn với thời gian, hồn túy của nó đã thấm đượm bản sắc. Mở những chiếc hộp Bento nhiệm màu ấy ra và hé mắt nhìn vào là cả một thế giới về văn hóa, ẩm thực, tình yêu con người và triết lý sâu xa của đất nước đã sinh ra nó và yêu thương nó từ ngày đầu tiên chào đời.
Hộp Bento: Từ thời xa xưa đến hiện đại
Bản thân từ Bento không có gì khó hiểu khi bắt nguồn từ Kanji trong tiếng Nhật, mang nghĩa tiện lợi. Ngày nay, nó cũng được tìm thấy trong những cửa hàng 24/7 trên mọi ngõ ngách của quốc đảo Đông Á.
Nhưng quay ngược thời gian về 1600 năm trước tức thế kỷ thứ 5, khi ấy người lao động Nhật thường mang theo bữa ăn trong những chiếc hộp Bento nhỏ xinh để đi câu cá hoặc săn thú. Vào thời đó, chưa đa dạng như giờ đâu, Bento chỉ là hộp cơm trắng thêm hạt kê, sang lắm thì độn khoai đơn giản. Chiếc hộp thời đó cũng khác xa so với bây giờ.
Suốt thời gian dài sau đó gần như không có sự cải tiến nhiều về hình thức mang cơm tiện lợi này cho tới thế kỷ 12. Các bữa ăn khô còn được gọi là hoshi-ii đã trở nên rất phổ biến trong thời kỳ Kamakura (1185 – 1333). Bento thời đó được đựng trong một chiếc túi nhỏ. Sang thời kỳ Azuchi-Momoyama (1568) – 1600), người ta đựng cơm đã nấu chín và sấy khô trong hộp gỗ.
Phải tới thời Edo (1603-1868), Bento mới bắt đầu trở nên “bùng nổ” và phát triển hơn trong làn sóng “cách mạng” toàn diện ngành ẩm thực cả về cách trình bày và thưởng thức món ăn. Lúc này, nhiều người dân bắt đầu sử dụng hộp Bento khi phải đi xa, hoạt động ngoài trời hay thậm chí tới rạp hát. Bento dần trở nên phong phú hơn về mọi mặt, được đeo bên hông gọi là “koshibento”. Món ăn bên trong cũng ngày càng đa dạng, từ cơm trắng đến hạt mè và các món ăn kèm, với hộp chứa bằng tre.
Trong thời kỳ này, lượng tiêu thụ hộp Bento đặc biệt tăng lên trong các dịp lễ. Chúng thường được chuẩn bị sẵn cho các buổi trà đạo và thượng khách.
Đến Thời kỳ Minh Trị (1868-1912) với sự phổ biến của đường ray xe lửa, Bento bắt đầu được bày bán rộng rãi tại các nhà ga. Thời đại công nghiệp hóa này đánh dấu sự phát triển của “văn hóa cơm hộp” trên khắp thế giới, tất nhiên là có sự khác biệt khi ở phương Tây người ta dùng sandwich chứ không phải cơm.
Hộp nhôm trở nên phổ biến trong thời kỳ Taisho (1912 – 1926) và được coi là mặt hàng xa xỉ. Nhưng rồi, sự phân biệt giàu nghèo trở nên rõ ràng trong thời kỳ Thế chiến khiến Bento bị cấm trong các trường học làm giảm mức độ phổ biến của chúng.
Cuối cùng, Bento giành lại sự phổ biến vào khoảng những năm 80, khi chúng bắt đầu được làm bằng polystyrene và nhựa và an toàn với lò vi sóng cho phép các bậc cha mẹ càng tiện chăm lo cho bữa ăn của con mình.
Ngày nay, hộp bento được tìm thấy với nhiều hình dạng, trang trí và chất liệu khác nhau. Chúng có sẵn ở nhiều địa điểm khác nhau trên toàn cầu và trở thành bữa ăn truyền thống rất phổ biến không chỉ ở Nhật Bản.
Truyền thống và nghệ thuật trong hộp Bento
Nếu bạn biết chút ít về người Nhật, bạn sẽ hiểu họ bị “ám ảnh” với việc gói quà và nâng triết lý “Đồ cho không bằng cách cho” lên một tầm cao và nghệ thuật mới. Điều đó cũng được thể hiện sâu sắc qua hộp Bento.
Chúng là một đại sứ xuất sắc để truyền tải nhiều khía cạnh, biểu tượng và yếu tố của văn hóa Nhật. Lấy ví dụ, hộp Bento là đại diện hoàn hảo cho quan niệm Ngũ hành phương Đông. 5 màu sắc trong chiếc hộp như trắng (cơm), đen (mè), xanh (rau), đỏ (gừng), vàng (các món chiên) còn được tìm thấy không chỉ trong ẩm thực mà cả kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật.
Một đặc điểm khiến hộp Bento trông thật bắt mắt và hài hòa chính là nhờ kết hợp được màu sắc của ngũ hành như vậy.
Chưa kể, theo quan niệm truyền thống của người Nhật, có 5 kiểu nấu nướng và chuẩn bị thức ăn là sống, ninh, chiên, hấp và nướng. Ngoài ra, còn có 5 hương vị cần đạt được để có sự cân bằng hoàn hảo, đó là mặn, ngọt, chua, đắng, và umami. Cuối cùng, thức ăn cần được thưởng thức bằng ngũ quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác.
Đặc biệt, người Nhật rất chú trọng về mặt thị giác. Việc trình bày món ăn đẹp mắt được đánh giá rất cao, từ cách sắp xếp sao cho phù hợp, tới màu sắc, bố cục, chia phần,… để tạo hiệu quả tối đa.
Chưa kể, những người nội trợ khéo tay cũng luôn sẵn sàng bỏ thêm chút công sức trang trí hộp cơm sao cho thật dễ thương hoặc gửi thông điệp nhất định như một cách đặt tấm lòng mình vào để người thân cảm nhận. Đó là kiểu quan tâm tinh tế không lời của người Nhật, lại vừa thể hiện được góc nhìn mỹ học và sáng tạo.
Thậm chí có loại Bento Aisai là một hộp cơm được làm bởi những người vợ để gửi gắm tình yêu và tình cảm của họ dành cho chồng. Từ góc nhìn của người chồng, nhận được một hộp Bento Aisai được làm thủ công đẹp mắt có nghĩa là người vợ rất hạnh phúc và muốn ông xã thưởng thức một bữa ăn ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng! Ngược lại, những hộp Bento shikaeshi được trao cho những người chồng khi có những xích mích hoặc bất đồng trong hôn nhân. Họ có thể dành ít thời gian hơn cho hộp và làm cho hộp kém ngon hoặc trông nhạt nhẽo.