Tết là khoảng thời gian để nghỉ ngơi và làm những điều mình muốn, vì thế Vũ Hoa chọn đi phượt. Năm 2016, bỏ ngoài tai sự phản đối của gia đình và bạn bè, cô đón Tết trên đường lần đầu tiên. Khi ấy cô đang có một công việc ổn định ở Hà Nội và vẫn ở nhà cùng bố mẹ.
Cô gái ngoài 30 chia sẻ lý do muốn đi xa trong dịp lễ dài ngày là để nghỉ ngơi thực sự, thay vì đón Tết mà cô cho là vô vị, khi cả ngày nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, rồi nghe người lớn hỏi về chuyện cá nhân. Trước đó từ mùa hè, cô có những chuyến đi phượt bằng xe máy đầu tiên tới Hà Giang và ấn tượng với cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ nơi đây cùng cuộc sống của người dân tộc vùng cao. Vì vậy Tết Nguyên đán cô quyết định trở lại Đông – Tây Bắc.
Đồng hành cùng cô trong chuyến đi là một người bạn ở TP Vũng Tàu. Họ hẹn nhau tại Hà Nội sau đó xuất phát đi Cao Bằng vào 29 tháng Chạp. Sau khi thăm thác Bản Giốc, họ tới làng đá Khuổi Ky (thuộc khu du lịch thác Bản Giốc). Dù khi ấy người dân trong làng chưa kinh doanh homestay, một người phụ nữ lớn tuổi đã ngỏ ý mời họ đón Tết cùng. Vì vậy thay tới TP Cao Bằng xem pháo hoa, họ ở lại cùng gia đình người dân tộc Tày này. Chiều ngày cuối năm, khói từ những gian bếp nấu cơm tất niên tỏa nghi ngút trên nền trời, tiếng móng ngựa lọc cọc trên con đường đá cùng tiếng cười giòn tan của trẻ nhỏ khiến Hoa thấy yên bình, ấm áp nơi xa lạ.
Sau bữa cơm tối, 22h30, người già, trẻ nhỏ kéo nhau tới thác Bản Giốc, ngắm pháo hoa người Trung Quốc bắn sáng rực trên nền trời. Tới gần khoảnh khắc sang năm mới, họ về làng. Khi ấy nhà nhà đốt pháo dây đỏ, tiếng nổ rộn vang, gia đình sum họp khiến ký ức tuổi thơ của Hoa quay về rõ rệt. Đây là điều đã lâu cô không được thấy ở Hà Nội. Sáng hôm sau bước trên lối nhỏ ngập xác pháo đỏ, Hoa bịn rịn chia tay gia đình người phụ nữ, chủ nhà không quên nhét đầy ba lô cô hoa quả, đồ khô để ăn trên đường. Ấn tượng với không khí vui tươi ngày Tết, sự mến khách của người dân, Hoa tự hứa mỗi năm sẽ trở lại đây một lần.
Những ngày tiếp theo đi dọc Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai), Tam Đường (Lai Châu), A Pa Chải (Điện Biên), Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), Hoa được ngắm nhìn những loài hoa xuân khoe sắc rực rỡ. Những đoàn xe của người địa phương nối đuôi nhau đi chúc Tết, ai nấy đều xúng xính áo quần thổ cẩm, trang sức bạc du xuân, trên tay không quên cầm theo mía để ăn dọc đường. Những đứa trẻ chừng 15, 16 tuổi đã thành đôi, hẹn hò nhau mùa xuân. Năm ấy những ngày đầu xuân không nhiều khách du lịch, ngay cả thị xã Sa Pa (Lào Cai) phần lớn là người địa phương. Họ ngồi kín quảng trường, bày bán quà lưu niệm, đặc sản ngay trên những vỉa hè càng khiến không khí náo nức, rộn ràng.
Năm 2017, 2018 và 2019, mỗi Tết Hoa đều trở lại Đông – Tây Bắc nhưng độc hành với chiếc xe máy gần 10 năm tuổi. Có những ngày chạy xe tới 250 km trong tiết trời lạnh buốt, khách sạn, nhà hàng đóng cửa, cô lang thang trên đèo không bóng đèn điện tới 20h. Khi ấy điều cô mong nhất là được nhìn thấy cột mốc đường, trấn an bản thân sắp về đích. Trong lòng cô không khỏi tự trách bản thân rời chăn ấm, đệm êm để một mình đi vất vả như vậy. Nhưng khi tới đích, được đón Tết cùng người địa phương, ngắm các loài hoa xuân vào độ đẹp nhất, Hoa biết hành trình của mình thật xứng đáng.
Năm 2020, Hoa đón Tết ở Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), khi cô làm việc trong một khách sạn. Đây là lúc Côn Đảo vào mùa gió chướng, gió thổi mạnh, nước biển trong xanh, nắng vàng dịu nhẹ. Dịp này, hoa đỗ mai hay còn gọi là hoa anh đào Côn Đảo nở hồng rực đoạn đường từ sân bay về tới trung tâm thị trấn.
Đêm giao thừa ở đảo cũng để lại ký ức đẹp trong Hoa khi cùng đồng nghiệp ngắm pháo hoa ở cầu tàu, bầu trời rực sáng từng đợt, tàn pháo rơi chầm chậm xuống mặt biển, làm sáng rõ từng đợt sóng vỗ vào bờ cát. Những ngày đầu năm, chỉ cần chạy xe quanh thị trấn nhỏ là gặp người quen chứ không có khách du lịch. Họ thăm hỏi rồi dành cho nhau lời chúc Tết nhau rộn ràng. Ngày đầu năm, cô cũng đi vãn cảnh, cầu tài lộc ở chùa Núi Một, miếu bà Phi Yến.
5 năm đi phượt xuyên Tết, được nhiều người xa lạ chào đón như những đứa con về nhà, tự vượt qua những khó khăn khi phượt độc hành và tiếp xúc với nhiều phong tục của những dân tộc khác nhau, cô biết mình học thêm nhiều điều, trưởng thành hơn. Cô chia sẻ những năm tới, ngày Tết sẽ tiếp tục đi phượt, khám phá vẻ đẹp đất nước, để được thêm trải nghiệm ít khi có được trong ngày thường. Cô cũng mong nhiều Tết về sau sẽ là thời gian gia đình cô được nghỉ ngơi đúng nghĩa hoặc đi du lịch cùng nhau.
Lan Hương
- Vợ chồng đạp xe xuyên Việt đón Tết
- Người Sài Gòn du xuân tại vườn hoa Tao Đàn
- Tết ở làng cổ Đường Lâm
- Cô gái Nga đi sắm hoa Tết với 100.000 đồng