Tiền Giang có lợi thế để thu hút khách du lịch mà không phải tỉnh, thành nào ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng có được. Chính vì vậy, trong những năm qua, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Tiền Giang không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, do các dịch vụ kinh tế ban đêm còn hạn chế nên chưa thu hút được du khách lưu trú qua đêm, từ đó nguồn thu từ “ngành công nghiệp không khói” chưa cao. Xoay quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết:
Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân.
Lợi thế đầu tiên thu hút khách du lịch đến Tiền Giang là vị trí địa lý. Với vị trí là cửa ngõ vùng ĐBSCL, chỉ cách TP. Hồ Chí Minh – trung tâm du lịch của cả nước khoảng 70 km, chỉ hơn một giờ đi xe nên rất thuận tiện cho du khách di chuyển trong ngày hoặc nối tuyến đến các tỉnh, thành khác.
Lợi thế tiếp theo là Tiền Giang có tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, phong phú với 32 km bờ biển và nhiều sông ngòi, kinh, rạch chằng chịt, đan xen nhau với nhiều cù lao như: Tân Phong, Ngũ Hiệp, Thới Sơn, Tân Long, cồn Ngang,… tạo nên những vườn cây trái xanh tươi bốn mùa với những sản vật nổi tiếng như: Thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, cam, quýt Cái Bè, vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công… Bên cạnh đó, Tiền Giang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cư dân miệt vườn Nam bộ, thể hiện ở các công trình văn hóa, ở lối sống chân chất, nhiệt tình, ở nét sinh hoạt đặc trưng miền sông nước đã hình thành nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như: Đi thuyền chèo, nghe đờn ca tài tử, tát mương bắt cá, tham quan các làng nghề truyền thống, chợ nổi trên sông, Làng cổ Đông Hòa Hiệp…
Do có nhiều lợi thế nên khách du lịch đến với Tiền Giang ngày càng tăng.
Với tài nguyên du lịch nêu trên có thể thấy, Tiền Giang hội đủ nét đặc trưng của vùng ĐBSCL, là lợi thế vô cùng lớn để phát triển du lịch. Thời gian qua, ngành Du lịch Tiền Giang đã tận dụng lợi thế này để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Kết quả là khách du lịch đến tỉnh ngày càng tăng, cụ thể: Tổng lượt khách du lịch đến Tiền Giang trong năm 2019 là 2.138.217 lượt, tăng 6,05% so với năm 2018, trong đó khách quốc tế là 850.293 lượt, tăng 4,81% so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch là 1.160 tỷ đồng, tăng 16,94% so với năm 2018.
* Phóng viên (PV): Có thể nhận thấy, lượng khách du lịch đến Tiền Giang lưu trú qua đêm còn hạn chế, từ đó nguồn thu từ ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh nhà chưa tương xứng. Đồng chí chia sẻ về vấn đề này như thế nào?
* Đồng chí Võ Phạm Tân: Cho rằng “hầu hết khách du lịch đến Tiền Giang không lưu trú qua đêm…” là chưa chuẩn xác. Bởi vì năm 2019, tổng lượng khách lưu trú của tỉnh Tiền Giang là 632.000 người, trong đó khách quốc tế là 25.614 người, doanh thu đạt 210 tỷ đồng, công suất sử dụng phòng bình quân đạt 42%. Riêng các resort, homestay, tàu thủy lưu trú du lịch (Victoria)… ở Cái Bè, Cai Lậy hoạt động rất hiệu quả, công suất đạt trên 60%.
Nhìn chung, du lịch Tiền Giang thời gian qua tuy được xếp trong tốp các tỉnh, thành ĐBSCL về phát triển du lịch, nhưng xét về hiệu quả thì chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Cụ thể khách ít lưu trú qua đêm, dẫn đến chi tiêu cho tour du lịch Tiền Giang không nhiều, từ đó nguồn thu từ ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh nhà chưa cao. Nguyên nhân cơ bản là do Tiền Giang có vị trí khá gần với TP. Hồ Chí Minh, đây vừa là lợi thế để thu hút khách du lịch, vừa là thách thức trong việc giữ chân du khách. Các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động lệ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh, không chủ động trong việc chào bán các chương trình du lịch, cạnh tranh không lành mạnh. Một nguyên nhân nữa đó là do thiếu sản phẩm du lịch về đêm độc đáo, khác biệt, hấp dẫn khách du lịch.
Xuất phát từ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nên để phát triển du lịch cần có sự chung tay, đồng lòng của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, để khắc phục những hạn chế nêu trên, tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất là tăng cường mời gọi đầu tư, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đã quan tâm đầu tư hình thành nên chuỗi các khu nghỉ dưỡng, trung tâm vui chơi giải trí, dịch vụ phục vụ du lịch (sẽ giải quyết được hạn chế phụ thuộc vào nguồn khách từ các doanh nghiệp lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh).
Thứ hai là ưu tiên nguồn lực của tỉnh, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật nhằm hỗ trợ phát triển du lịch các huyện thuộc vùng phía Tây của tỉnh, sẽ góp phần khắc phục một phần hạn chế về khoảng cách địa lý; cần có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Thứ ba là tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành và khu vực trong cả nước, trong đó cần tập trung hợp tác xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá, phân khúc thị trường và phân chia lợi ích.
Thứ tư là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch và vai trò của Hiệp hội Du lịch nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh gắn kết, tương trợ nhau, cạnh tranh lành mạnh góp phần nâng cao chất lượng các điểm đến.
* PV: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1129 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, mở đường cho kinh tế ban đêm phát triển. Theo đồng chí, Đề án này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành Du lịch tỉnh nhà?
* Đồng chí Võ Phạm Tân: Có thể thấy rằng, phát triển kinh tế ban đêm là phù hợp với xu hướng của quốc tế nhằm góp phần tận dụng tối đa thời gian, tạo thêm những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế; đồng thời, phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch.
Đề án phát triển kinh tế ban đêm có ý nghĩa quan trọng góp phần khắc phục hạn chế, tạo thuận lợi cho du lịch Tiền Giang phát triển chất lượng và bền vững hơn.
Do đó, Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1129/QĐ-TTg sẽ mở đường cho kinh tế ban đêm phát triển, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch. Với nhận định một trong những hạn chế của du lịch Tiền Giang hiện nay là chưa giữ chân được du khách, dẫn tới chi tiêu bình quân của khách du lịch còn thấp thì Đề án phát triển kinh tế ban đêm có ý nghĩa quan trọng góp phần khắc phục hạn chế nêu trên, tạo thuận lợi cho du lịch Tiền Giang phát triển chất lượng và bền vững hơn.
Và với lợi thế là vị trí trung tâm, sự phát triển của hạ tầng, đô thị và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, hoạt động du lịch phát triển từ những năm đầu của thập niên 1990, với thương hiệu là Mekong tour nổi tiếng trong và ngoài nước; cùng với các dự án đang được xây dựng như khách sạn cao cấp, bến du thuyền, phố đi bộ, chợ đêm, quảng trường, trung tâm thương mại…, thì TP. Mỹ Tho là địa phương có nhiều điều kiện phát triển các dịch vụ kinh tế ban đêm phục vụ khách du lịch tại Tiền Giang.
Hồng Mai theo nguồn Baoapbac.vn