Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà nổi tiếng là điểm du lịch sinh thái bởi không chỉ có cảnh đẹp nguyên sơ của thiên nhiên, nơi bảo tồn và sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm trong Sách đỏ…
Từ khi quần thể “Bách niên đại thụ” (cây đa nghìn năm tuổi – PV) hiếm có được phát hiện, được công nhận là cây di sản thì trên rừng Sơn Trà đã thu hút sự khám phá của giới phượt thủ trong nước và khách du lịch quốc tế.
Thế nhưng, liên tiếp trong thời gian gần đây, tại khu quần thể rừng thiên nhiên hiếm có này lại xảy ra nhiều trường hợp du khách nước ngoài bị lạc vô cùng bí ẩn!…
Liên tiếp phượt thủ nước ngoài bị lạc ở Cây đa ngàn năm
Theo Công an quận Sơn Trà: Vào ngày 15-9, Công an phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) đã phải phối hợp với Trạm Biên phòng CT15, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng giải cứu một nam phượt thủ Ammy (20 tuổi) quốc tịch Anh bị “mất tích” trên rừng Sơn Trà suốt 2 ngày liền. Khi được giải cứu, anh Ammy đã lâm vào tình trạng kiệt quệ thể lực và tinh thần.
Trước đó, ngày 13-9, Ammy đã cùng nhóm bạn (2 nam, 2 nữ – PV) tự phát, rủ nhau lên khu bảo tồn Sơn Trà để du lịch khám phá. Đáng ngại là, mặc dù chuẩn bị sẵn điện thoại vệ tinh, cả thiết bị đi rừng, định vị, la bàn nhưng khi trải nghiệm đi xuyên rừng ở khu vực cây đa ngàn năm đến mũi Nghê (bán đảo Sơn Trà) nhóm 4 người của Ammy đã bất ngờ lạc nhau trong rừng và hoàn toàn không thể liên lạc được…
Đến tối cùng ngày, hai cô gái trong nhóm đã được người dân địa phương phát hiện giải cứu trong tình trạng hoảng loạn tinh thần. Anh bạn đi cùng là Mohamed (30 tuổi) quốc tịch Úc cũng may mắn tự “giải thoát” ra khỏi khu rừng nhờ vào các thiết bị vệ tinh chỉ đường sau một đêm bị bao vây bởi vực núi, thú hoang dã và cây rừng rậm rạp.
Riêng anh Ammy mặc dù lực lượng Công an, Kiểm lâm và các ngành chức năng khẩn cấp tích cực tìm kiếm, cứu hộ nhưng mọi nỗ lực trong hai ngày đêm liên tiếp đều tưởng chừng vô vọng, tiên lượng xấu nhất đều đã được dự đoán…
Bất ngờ, đến sáng ngày thứ 3, một nhóm du khách người Việt đã tình cờ phát hiện Ammy trong tình trạng nằm kiệt sức ở mỏm đá thuộc khu vực Mũi Nghê. Kỳ lạ là, Ammy được tìm thấy cách vị trí từ điểm được cho là mất tích đến cả chục km đường rừng và khu vực này cây cối rất rậm rạp, không dễ gì “tay không” có thể xuyên qua…
Do thiếu trang thiết bị hỗ trợ y tế cần thiết, nên nhóm du khách Việt cũng không thể giải cứu ngay Ammy, chỉ cấp báo đến cơ quan chức năng. Từ thông tin quý giá của nhóm du khách Việt, Trạm Biên phòng CT15 cùng Công an quận Sơn Trà đã điều động phương tiện đến giải cứu vị khách du lịch người Anh này về nơi lưu trú an toàn.
Có một sự trùng hợp kỳ lạ đầy bí ẩn là, không chỉ duy nhất có phượt thủ Ammy cùng nhóm bạn, mà ngay chính tại khu vực cây đa nghìn năm này, đã ghi nhận nhiều vụ việc du khách ngoại quốc bị lạc trong rừng. Cách vụ mất tích, lạc rừng của Ammy chỉ 3 tháng, vào ngày 19-6 nam du khách Philippines và hai người bạn cùng nhau tổ chức đi trekking (đi bộ leo núi) trong khu rừng thuộc bán đảo Sơn Trà.
Tuy nhiên đến khoảng 17h cùng ngày, trong lúc đi bộ từ tuyến đường bê tông cạnh cây đa ngàn năm xuống bãi Mũi Nghê, thì bất ngờ du khách Philippines này mất tích bí ẩn. Sau một đêm hoảng loạn trong rừng Sơn Trà, nam du khách Philippines mới may mắn được một nhóm ngư dân phát hiện, cứu giúp…
Trước đó, ngay đúng khu vực được xem là “tâm linh” nhất của núi Sơn Trà là quần thể cây đa nghìn năm đã khiến không ít lời đồn thổi, mê tín từ dư luận. Thậm chí, nhiều ngư dân sinh sống quanh bán đảo Sơn Trà còn đồn đoán rằng: Khu vực cây đa cổ thụ là nơi chốn linh thiêng, bất khả xâm phạm. Nên không loại trừ trường hợp các vụ mất tích, thất lạc liên tiếp xảy ra là do “Thần rừng quở phạt”…
Đi tìm lời giải đáp của “thần rừng” Sơn Trà
Một số kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn chia sẻ với chúng tôi: Nhiều năm trước đây, chưa có nhiều du khách, phượt thủ lên Sơn Trà như bây giờ, các con đường rừng mới mở rất vắng vẻ nên không ít lần, lực lượng Kiểm lâm và người dân đi rừng phát hiện những đôi trai gái chở nhau lên khu vực gần cây đa nghìn năm để lén chôn các thi hài nhỏ vô danh dọc 2 bên đường.
Có thời điểm, các anh kiểm lâm đi tuần tra, đã phát hiện nhiều mô đất nhỏ, nghi ngút hương khói, bỗng dưng mọc lên sau một đêm dưới gốc đa ven đường…
Những am thờ, mộ vô chủ cộng thêm sự tĩnh lặng, u tịch của núi Sơn Trà đã khiến không ít người mê tín, du khách quan niệm tâm linh thường huyễn hoặc, thêu dệt ra những câu chuyện ly kỳ. Trong đó, chuyện xuất hiện những đứa trẻ vào ban đêm, hay cả những nhóm trẻ xuất hiện và mất tích bí ẩn vào đêm trăng rằm cũng không là ngoại lệ được người dân đồn thổi, rỉ tai nhau…
Anh Bùi Văn Tuấn cũng cho rằng: Là một nhà nghiên cứu khoa học nên anh không mê tín. Việc xuất hiện nhóm trẻ đi bộ giữa rừng Sơn Trà cũng có thể là có rất nhiều đơn vị, trường học thậm chí là các gia đình đã tự tổ chức cho các cháu nhỏ, con em mình tham gia các buổi dã ngoại, picnic trên núi Sơn Trà. Do vậy việc chị Hằng và nhiều người đi rừng, hay du khách tình cờ bắt gặp những tốp trẻ đi dạo trên núi là điều dễ hiểu…
Tuy nhiên, việc để trẻ em tự do chạy nhảy, dắt nhau thành nhóm tự do khám phá, đi lại trên núi mà không có sự kiểm soát, theo dõi của người lớn, nhất là vào thời điểm chiều tối, địa hình núi nhiều điểm hiểm trở, vực sâu, cây cối rậm rạp, thậm chí là nhiều thú hoang dã như khỉ, trăn xuất hiện tại khu bảo tồn… sẽ vô cùng nguy hiểm và không an toàn cho các cháu bé.
Bác lại lời đồn đoán rằng những vị khách nước ngoài bị mất tích hay lạc rừng bí ẩn, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng cho biết: Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà điểm đến lý tưởng cho du khách, đặc biệt là dân phượt.
Nhưng do không thể kiểm soát được người lên xuống, các tour du lịch tự phát nên việc bảo vệ du khách tránh khỏi những vụ việc bị lạc, tai nạn đáng tiếc khi tham quan, du lịch tại đây là việc vượt quá khả năng của Ban quản lý. Mặt khác, ngoài cây đa ngàn năm, thì do đây là khu bảo tồn, rừng nguyên sinh của Sơn Trà nên nơi đây cây cối rậm rạp.
Không chỉ riêng gì du khách, phượt thủ nước ngoài bị lạc rừng, mà ngay cả người Việt nếu không chú ý thì nguy cơ tách nhóm, bị lạc khi len lỏi trong khu rừng là rất cao. Hiện Ban quản lý bán đảo Sơn Trà đã có nhiều giải pháp hạn chế như cắm biển cảnh báo, hướng dẫn cũng như tuyên truyền cho người dân và du khách được biết để tránh những trường hợp đáng tiếc như đã xảy ra.
Tuy nhiên, về lâu dài để bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên, điểm đến du lịch sinh thái và đảm bảo an toàn cho du khách, nên chăng chính quyền thành phố Đà Nẵng và các ngành chức năng cần phải có cơ chế quản lý hợp lý hơn.