Thời gian đẹp nhất để đến Tuyên Quang thường là sau tháng 9 cho tới khoảng sau Tết Âm lịch vì thời tiết khô ráo, cảnh thiên nhiên đẹp với nhiều loài hoa nở rộ.
Di chuyển
Thành phố Tuyên Quang cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 125 km. Đường đi nhanh nhất là theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai sau đó vào cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ. Thời gian di chuyển toàn bộ tuyến đường khoảng 2 tiếng.
Cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ vừa được khánh thành hôm 23/12, dài 40,2 km, có điểm đầu thuộc xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang và điểm cuối kết nối với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Xe khách từ Hà Nội đi Tuyên Quang xuất phát từ bến Mỹ Đình hoặc Giáp Bát. Thời gian di chuyển khoảng 2 tiếng rưỡi. Giá vé dao động từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng.
Lưu trú
Thành phố Tuyên Quang có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ. Nếu du khách chỉ đến các điểm có khoảng cách dưới 100 km, nên nghỉ tại thành phố.
Khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang có giá dao động từ 1 đến 1,3 triệu đồng một đêm, Royal Palace giá khoảng 800.000 đồng một đêm. Các khách sạn nhỏ hơn có giá từ 300.000 đến 600.000 đồng như Anh Anh Luxury Hotel, khách sạn Tân Trang, khách sạn Kim Long, khách sạn Nắng Mai.
Hệ thống nhà nghỉ và homestay tại thành phố cũng khá đa dạng như Minh Thủy, Lan Mão, Lộc Son, Hoa Hồng, Thanh Huyền, có giá từ 200.000 đồng trở xuống một đêm.
Tại Na Hang, du khách có thể chọn các homestay như homestay Bản Né Thanh Tương, homestay A Phủ, Homestay Đèo Bụt Na Hang (Misa), homestay Khuổi Nhi, Hưng Hòa homestay Na Hang, homestay Hoàng Việt. Các nơi này đều có dịch vụ trọn gói lưu trú và ăn uống. Giá một người cho mỗi đêm dao động từ 70.000 đồng tới 150.000 đồng. Giá thuê lều trại khoảng 200.000 đồng một đêm.
Tham quan
Các điểm đến lịch sử
Tuyên Quang có 546 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 435 di tích lịch sử, được ví như “Bảo tàng cách mạng” của cả nước.
Tân Trào là xã ở đông bắc huyện Sơn Dương, gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở xã có 17 di tích, ghi lại những sự kiện lịch sử ngày đầu lập nước như Lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái cùng với những nơi ghi dấu ấn cuộc kháng chiến suốt 9 năm.
Lán Nà Lưa
Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8/1945 để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Lán được dựng bằng tre theo kiểu nhà sàn. Ngày 4/6/1945, tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ để chuẩn bị thành lập “khu giải phóng, quân giải phóng”, tiến tới Quốc dân Đại hội và tổng khởi nghĩa. Hiện lán vẫn được bảo tồn và là điểm du lịch nổi tiếng dành cho du khách khi tới Tuyên Quang.
Cây đa Tân Trào
Dưới bóng cây đa của làng Tân Lập, chiều 16/8/1945, quân giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản quân lệnh số 1 và sau đó quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội.