I. Vai trò của ngành du lịch
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, ngày càng có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan. Du lịch còn góp phần thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, mang lại thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau. Ngành du lịch được xác định là ngành “công nghiệp không khói” với các tính chất đáng lưu ý gồm: đó là tính chất sinh lợi của hoạt động du lịch mà không bị hệ lụy do ô nhiễm môi trường từ chất thải công nghiệp.
Đối với Việt Nam, ngành du lịch được xem như là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, không ngừng phát triển và đóng góp rất lớn vào nền kinh tế quốc gia.
Đối với tỉnh Tiền Giang, vai trò của ngành du lịch được xác định rõ qua Nghị quyết 11-NQ/TU, ngày 05/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 17/6/2019 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch 372/KH-UBND ngày 31/7/2023 của UBND tỉnh Tiền Giang về thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, mục tiêu tổng quát là tạo bước đột phá phát triển toàn diện ngành Du lịch của tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững; phấn đấu đến năm 2025, du lịch thật sự là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, có tỷ trọng, tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh mạnh; mang bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Thị xã Gò Công là đô thị hạt nhân của vùng kinh tế đô thị phía đông của tỉnh với nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển, nhất là kinh tế biển theo định hướng phát triển kinh tế 3 vùng của tỉnh.
II. Tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang
1. Biển Tân Thành – Bãi biển Gò Công
Bãi biển Gò Công nằm ở xã Tân Thành huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, cách trung tâm Thành phố Mỹ Tho 50 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km theo Quốc lộ 50. Bãi biển này kéo dài khoảng 7 km, thuộc vùng biển cát đen nên chủ yếu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản đặc biệt nổi tiếng với nghêu và ốc. Hiện nay, đang thu hút một số nhà đầu tư nghiên cứu triển khai dự án đầu tư Khu du lịch biển Tân Thành theo mô hình Khu du lịch biển phức hợp với sản phẩm nghỉ dưỡng, tắm biển và tham quan.
Đây là bãi biển du lịch, dài chừng 7 km, có tiếng từ trước năm 1975 và có lợi thế du lịch sinh thái biển kết hợp văn hóa, bởi vùng đất Gò Công có rất nhiều địa danh, di tích lịch sử như chiến lũy Pháo Đài, lăng Hoàng Gia, lăng Trương Định, dinh Tỉnh trưởng Gò Công, ngôi nhà xưa của Đốc phủ Hải và đặc biệt là làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công nổi tiếng… Bãi biển Gò Công không thoai thoải mà phẳng như mặt ao, kéo dài ra hàng cây số.
Cảnh hoàng hôn trên bãi biển Gò Công
2. Các công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Gò Công là một đô thị có lịch sử độc đáo, người Pháp đặt tên chính thức “Làng Thành Phố” cho đô thị Gò Công từ năm 1885, một làng thành phố duy nhất ở xứ thuộc địa. Với gần 200 năm lịch sử, Gò Công hàm chứa trong đó là một văn hóa cộng đồng của người Việt, người Hoa độc đáo, gắn với hệ thống các công trình văn hóa lịch sử nổi bật. Điển hình là các công trình kiến trúc Pháp cổ như nhà Đốc Phủ Hải, nhà bà Tư Nói…. biểu trưng cho thời kỳ Pháp thuộc. Đặc biệt, khu vực Gò Công còn có nhiều công trình kiến trúc lịch sử độc đáo..
a. Công trình di tích lịch sử cấp quốc gia:
– Di tích Lăng mộ Trương Định (Phường 1, Thị xã Gò Công); Nhà Đốc phủ Hải (Phường 1, Thị xã Gò Công); Lăng Hoàng Gia (xã Long Hưng, Thị xã Gò Công);
‑ Di tích các địa điểm liên quan Khởi nghĩa Trương Định (Đền thờ Trương Định, Đám lá tối trời (đã mất), Ao Dinh) (xã Gia Thuận, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông);
‑ Di tích Lũy pháo đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông): nằm ngay ở sông Cửa Tiểu nên thuận lợi cho việc đến tham quan bằng đường thủy hoặc đường bộ. Chiến Lũy Pháo Đài có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần cùng với nghĩa quân trấn giữ một phần của Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó cho chúng ta thấy ông cha ta ngày xưa đã có tầm nhìn chiến lược về quân sự khi xây dựng căn cứ để bảo vệ vùng trời, vùng biển của quê hương tổ quốc.
b. Công trình di tích lịch sử cấp tỉnh:
Khu vực Gò Công có khoảng hơn 160 di tích lịch sử cấp tỉnh có giá trị lịch sử và là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài địa bàn. Gồm có:
– Tượng đài Trương Định (Phường 2, TX Gò Công);
‑ Mộ bà Trần Thị Sanh (Phường 5, Thị xã Gò Công);
‑ Lăng ông Nam Hải (Thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) gắn với tín ngưỡng thờ cá ông của cư dân ven biển;
‑ Lăng ông Nam Hải – ấp Cây Bàng, ấp Đèn Đỏ (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) gắn với tín ngưỡng thờ cá ông của cư dân ven biển;
‑ Lăng ông Nam Hải Tân Phước (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) gắn với tín ngưỡng thờ cá ông của cư dân ven biển;
‑ Mộ Nghĩa quân Trương Định (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông);
3. Các lễ hội truyền thống
Trong khu vực Gò Công có nhiều lễ hội có khả năng khai thác phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội và sự kiện, gồm:
– Lễ hội tưởng niệm anh hùng dân tộc Trương Định: Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Các địa điểm liên quan đến Khởi nghĩa Trương Định: Đền Thờ, Đám lá tối trời Ao Dinh…. (xã Gia Thuận và Tân Phước, huyện Gò Công Đông); Lăng mộ Trương Định (Phường 1, Thị xã Gò Công)
Lễ giỗ anh hùng Dân tộc Trương Định (20 tháng 8 dương lịch) được tổ chức tại đền thờ ông ở thị xã Gò Công và đình Gia Thuận huyện Gò Công Đông vào ngày Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định tuẫn tiết 20 tháng 8 năm 1864. Vào ngày lễ giỗ, đông đảo người dân trong tỉnh và du khách thập phương về dự lễ. Ở thị xã Gò Công có thêm lễ rước linh và dâng hoa tại tượng đài Anh hùng Dân tộc Trương Định. Lễ giỗ là lễ hội lớn của nhân dân Gò Công. Hàng năm có hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự lễ hội.
Các đoàn viếng Tượng đài AHDT Trương Định trong lễ tưởng niệm 158 năm ngày mất của ông
– Lễ hội Quan Thánh Đế Quân (Quan Công): lễ hội dân gian, còn gắn với các cộng đồng dân cư gốc Hoa ở Thị xã Gò Công. Đây là lễ hội của cộng đồng người Hoa được tổ chức trang trọng trong các ngày từ mùng 10 đến 13 tháng Giêng hàng năm tại thị xã Gò Công. Đây là dịp người Hoa từ Thành phố Hồ Chí Minh và cộng đồng người Hoa trong tỉnh tập trung về đây thắp hương cúng viếng, tỏ lòng thành kính đối với Quan Công. Lễ hội Quan thánh Đế Quân là một nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Việt gốc Hoa tại thị xã Gò Công.
– Lễ hội Kỳ yên Đình Trung (Phường 1, thị xã Gò Công): hàng năm được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng hai âm lịch, thu hút hàng ngàn lượt người đến cúng viếng. Lễ hội nhằm cúng Thành hoàng bổn cảnh, với các nghi thức như: Thỉnh sắc phong, cải sắc, cúng Tiền hiền – Hậu hiền… cùng với các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác.
Nghi lễ rước Sắc thần trong Lễ kỳ yên Đình Trung
– Lễ hội thờ cá ông: Lễ hội dân gian.
Địa điểm: Lăng ông Nam Hải – Vàm Láng (Thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông); Lăng ông Nam Hải – Tân Phước (xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông); Lăng ông Nam Hải – ấp Cây bàng – ấp Đèn Đỏ (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Đây là lễ hội của ngư dân vùng biển Tiền Giang, được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng 3 Âm lịch tại xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông. Vào buổi sáng, người dân Vàm Láng tổ chức lễ hội rất long trọng tại Lăng Ông, với lễ rước Sắc thần, cúng thủy lục, cúng vong linh thiên vị, hát bội,… Ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng chục tàu với hương án, cờ đèn, mâm cỗ, trang hoàng lộng lẫy, có đội nhạc lễ ra biển làm lễ Nghinh Ông. Sau đó dân làng thả sức vui chơi, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian suốt 02 ngày.
Lễ cúng tế ông ngoài biển
4. Nghệ thuật văn hóa dân gian
– Đờn ca tài tử Nam Bộ: với nhiều bài hát đơn ca tài tử và các câu hát dân gian mang đậm chất Nam Bộ như Lý con sáo Gò Công, Hò Cấy lúa, Mẹ Gò Công.
– Văn học dân gian: với một kho tàng phong phú, đa dạng, nhiều nét đặc sắc thể hiện rất nhiều điều về văn hóa, tư tưởng, lịch sử… của vùng đất và con người Tiền Giang.
“Gò Công anh dũng tuyệt vời
Ông Trương “đám lá tối trời” đánh Tây”
5. Làng nghề du lịch
Trên địa bàn Gò Công có 01 làng nghề truyền thống tủ thờ Ông Non (xã Tân Trung, Thị xã Gò Công). Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công được hình thành và phát triển hơn 100 năm qua. Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công được công nhận làng nghề theo Quyết định số 4861/QĐ-UB ngày 01/12/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh. Làng nghề có sản phẩm nổi bậc nhất là tủ thờ Gò Công. Số lượng lao động của làng nghề hiện nay khoảng gần 200 người, là các lao động của địa phương, gồm nhiều thế hệ nối nghiệp truyền thống của các gia đình trong làng nghề.
Tủ thờ truyền thống Gò Công
6. Ẩm thực truyền thống và sản vật địa phương
Một số ẩm thực truyền thống và sản vật đặc sản nổi bật như: Bánh Giá Chợ Giồng, Mắm Còng Tân Phú Đông, Mắm Tôm Chà Gò Công, lạp xưởng.… Các sản vật nông nghiệp có chất lượng cao đã hình thành thương hiệu gắn với vùng đất Gò Công như sơ ri, dưa dấu. Nhiều sản vật địa phương hiện nay đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; được bán trong và ngoài nước. Ví dụ như sản phẩm Mắm tôm chà Gò Công hiện đã được bày bán trong hệ thống siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc.
Mắm tôm chà Gò Công được dùng làm thức chấm cho các món ăn đặc sản địa phương
III. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sự phát triển du lịch trên địa bàn
Khu vực Gò Công có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay du lịch trên địa bàn vẫn chưa được khai thác hiệu quả và đầu tư phát triển xứng tầm để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Để phát triển du lịch khu vực Gò Công trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp kết hợp gồm khai thác tiềm lực, huy động sức mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của địa phương. Cụ thể như sau:
- Tiếp tục xây dựng và phát triển sản phẩm đặc thù, tạo khác biệt và hình thành thương hiệu địa phương của vùng Gò Công để cạnh tranh, trên cơ sở khai thác các tiềm năng văn hóa lịch sử, tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch biển phù hợp với nhu cầu thị trường.
– Xây dựng các tour, tuyến du lịch mới trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng Gò Công gắn với du lịch tỉnh, để tăng sức hấp dẫn của sản phẩm và đảm bảo phát triển du lịch bền vững, góp phần thu hút khách du lịch từ các thị trường.
– Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch. Trong đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch ứng dụng công nghệ cao và điểm du lịch nông thôn gắn với thực hiện chương trình OCOP, nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
– Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau; làm mới, bổ sung giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch; tận dụng tối đa tiềm năng của điểm đến Tiền Giang để thu hút khách đến với du lịch Gò Công.
– Nâng tầm và hiệu quả tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch thường niên như Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định, gắn với phát triển du lịch vùng phía Đông.
– Tập trung xây dựng và xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch của khu vực Gò Công thật sự là “Điểm đến an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện” theo chủ trương chung của tính.
– Tiếp tục nghiên cứu, kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành khác để có những gói sản phẩm hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, bảo đảm chất lượng, uy tín và thương hiệu. Kích hoạt du lịch liên tuyến giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành của các vùng khác và ngược lại để trải nghiệm “một hành trình – nhiều điểm đến”.
– Tranh thủ sự đồng thuận của các bộ, ngành Trung ương có liên quan để có một cơ chế, chính sách đặc biệt riêng để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong đầu tư phát triển, khai thác du lịch biển Gò Công.
Phát triển kinh tế vùng phía đông, trong đó chú trọng phát triển kinh tế biển là mục tiêu mà Tỉnh ta đã đặt ra. Do đó, trong thời gian tới để phát huy thế mạnh về biển, và khai thác hết được tiềm năng của một bãi biển được đánh giá là đẹp của Việt Nam, tỉnh Tiền Giang phải có chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các dự án du lịch sinh thái, du lịch biển và các đơn vị áp dụng công nghệ môi trường; đầu tư cơ sở hạ tầng, có sự đột phá để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng. Bên cạnh đó cần có sự quan tâm thực hiện của các ngành chức năng tỉnh, huyện, đặc biệt là phối hợp quản lý đầu tư để phát triển và bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp. Và làm được điều đó khi có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các nhà đầu tư quan tâm và toàn thể cộng đồng nơi đây.
Nguyễn Thị Mỹ Xuân