Tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả các bài viết “Rước bực vì đua đòi phượt theo trào lưu”, “Bài học từ đi phượt kiểu ‘tay không bắt giặc'”, “Tôi đi phượt không ‘ăn bờ ngủ bụi’, “Chuyến đi phượt khổ ải chỉ vì tin một bài review”.
Cá nhân tôi cho rằng, đi phượt cũng giống như một môn thể thao, giúp con người vận động cả về thể chất lẫn tinh thần, gần gũi hơn với thiên nhiên, tăng thêm sự hiểu biết về kỹ năng sống, khám phá những điều mới mẻ mà ta vốn chỉ được biết thông qua sách báo hay phim ảnh. Nếu trang bị tốt kiến thức, sức khỏe, phương tiện đi lại và đầy đủ nhu yếu phẩm, tiền bạc, chúng ta sẽ bớt đi phần nào những rủi ro trên những cung đường mình sẽ đi qua.
Ấy thế mà, có những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, chưa nắm rõ kiến thức, không có sự quản lý của người thân, vẫn nghe theo bạn bè rủ rê, thậm chí là quen qua những lời giới thiệu mơ hồ trên mạng với những mỹ từ: khám phá, trải nghiệm, du lịch bụi… là lập tức vác ba lô lên và đi mà chẳng cần suy nghĩ. Họ không biết rằng, rất nhiều rủi ro đang chờ đợi phía trước, thậm chí đôi khi sẽ khiến họ phải trả giá bằng cả tính mạng.
Tôi từng chứng kiến nhiều đoàn đi phượt nằm vật vạ trên vệ đường quốc lộ, ăn bờ ngủ bụi, uống nước suối, xả rác bừa bãi và làm ảnh hưởng tới hoa màu của bà con bản địa. Một số bạn trẻ chỉ vì cả tin đã bị lôi kéo, dụ dỗ đi phượt, để rồi bị lợi dụng cả thể xác và kinh tế mà không hề hay biết. Đó là những thực trạng đáng báo động, cần sự can thiệp của xã hội.
>> Trải nghiệm nhớ đời khi đi phượt một mình
Phượt một cách thông minh là trước mỗi chuyến đi, bạn phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về kỹ năng sinh tồn nơi thâm sơn cùng cốc, cách sơ cứu khi bị thương, tìm hiểu trước những cung đường hay địa điểm mà ta sẽ băng qua trên bản đồ, kiến thức về tham gia giao thông khi đổ đèo, và cuối cùng là chuẩn bị tiền bạc – thứ không thể thiếu vì sẽ có lúc phải cần tới.
Chúng ta không thể cứ ngủ ngoài rừng với những chiếc võng hay lều bạt đơn giản được, chúng ta cần có lúc phải tắm giặt, ngủ nghỉ trong những ngôi nhà ấm cúng mà không lo côn trùng hay thú dữ tấn công. Và nó cũng là điều kiện phục hồi sức khỏe để bạn chinh phục những điểm đến tiếp theo.
Thực ra, phượt không xấu nếu như chúng ta có đủ kiến thức, sức khỏe và kinh tế. Nếu không có đủ những điều kiện trên thì tốt nhất bạn không nên mạo hiểm tham gia những chuyến phượt. Tuổi trẻ có thể lao động và tích lũy, khi đủ điều kiện, bạn có thể đi du lịch khám phá với mọi hình thức. Bằng không thứ chúng ta sẽ nhận được sẽ không phải trải nghiệm gì đáng giá mà sẽ là cái giá rất đắt liên quan tới cả an toàn tính mạng của mình.
Lê Minh
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Tôi đi phượt không ‘ăn bờ ngủ bụi’
- Chuyến đi phượt khổ ải chỉ vì tin một bài review
- Điểm sáng nhờ không quảng cáo ở Phú Quốc
- Phú Quốc ế khách vì ‘giá cả trên trời’
- Mất 80% tiền tour vì tin lời hướng dẫn viên du lịch ‘dỏm’
- ‘Năm ngày giúp tôi hiểu vì sao du lịch Thái Lan chuyên nghiệp’