Cà phê Sách – điểm dừng chân để tìm hiểu nét xưa và giá trị truyền thống của địa phương
1. 7 giờ sáng, tôi cùng các bạn trong nhóm phượt họp mặt tại điểm ăn sáng quen thuộc trên đường Nguyễn Văn Linh (TP.HCM) để bàn kế hoạch cho chuyến đi dài ngày sắp tới. Năm nào cũng vậy, nhóm từ những người lạ, thích khám phá đây đó rồi trở thành thân thuộc, mỗi năm, chúng tôi sẽ đi một lần. Năm trước, nhóm đi Tây Nguyên. Còn năm nay, chúng tôi quyết định làm một chuyến miền Tây qua các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang. Hành trang sắp xếp gọn gàng, càng gọn càng tốt (chỉ mang theo đồ dùng thiết yếu), cả nhóm men theo Quốc lộ 50 đến thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là quán Cà phê Sách, tọa lạc ngay trong khuôn viên Huyện đoàn Cần Giuộc, mới khai trương cách đây không lâu. Tôi là người sống và làm việc tại Long An nên hiển nhiên trở thành hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” cho nhóm. Dù được chỉnh trang, tôn tạo nhiều nhưng Cà phê Sách vẫn toát lên vẻ quyến rũ, cổ điển của kiến trúc Pháp, ngôi nhà cổ, cách bài trí, bàn ghế càng thu hút những người tìm nét xưa, cổ kính. Cà phê, nước uống tại đây khá phong phú, ngon và giá “mềm”. Cả nhóm thưởng thức cà phê, đọc sách, báo để tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của địa phương và có thể nói, không gian nơi đây yên tĩnh, tránh những xô bồ của cuộc sống đời thường.
Cảng Quốc tế Long An hứa hẹn cho dân phượt nhiều thú vị
2. Tại Cần Giuộc, những phượt thủ như chúng tôi không thể bỏ qua Cảng Quốc tế Long An (xã Tân Tập). Cả nhóm tham quan mấy vòng tại cảng để có thể nhận thấy được nét tươi mới, mở ra nhiều triển vọng phát triển KT-XH và tiềm năng du lịch của Long An. Đến với cảng, có thể chứng kiến nhiều tàu, thuyền hoạt động nhộn nhịp không thua kém gì cảng biển một số nơi mà chúng tôi từng đến. Gần trưa, bụng bắt đầu đánh từng hồi trống, nhóm tạt vào quán gần cảng để thưởng mức các món hải sản đặc trưng của vùng. Hải sản nơi đây tươi sống, ngon, rẻ nhưng khi ghé địa điểm này, các bạn nên chọn cua, mực rừng, cá dứa vì các loại này thuộc dạng đặc sản của vùng, dù dân không sành ăn vẫn không bị mắc lừa. Tuy nhiên, dân phượt nên chọn mỗi loại một ít, đủ dùng.
Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”
3. Chúng tôi tiếp tục di chuyển theo tuyến Đường tỉnh 830 – công trình trọng điểm của Long An. Trên tuyến đường này, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các công nhân đang hăng hái làm việc để sớm hoàn thiện tuyến đường, đưa vào phục vụ người dân. Đến thị trấn Bến Lức, tiếp tục theo Quốc lộ 1 về TP.Tân An và điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Các bạn trong đoàn háo hức tìm hiểu điểm này vì nghe nhắc đến nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên đặt chân đến. Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Long An vượt bao gian khổ, hy sinh để chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp thống nhất đất nước của toàn dân tộc. Năm 2017, Long An cùng với 2 địa phương khác là tỉnh Quảng Nam và huyện Củ Chi (TP.HCM) kỷ niệm 50 năm nhận phong tặng danh hiệu cao quý. Giờ đây, tượng đài đứng sừng sững như tinh thần của Long An ngày trước và các đoàn về tham quan có thể hiểu, cảm nhận sự hy sinh to lớn ấy, nhất là đối với những người trẻ như chúng tôi, phải ra sức xây dựng quê hương hơn nữa để xứng đáng với công lao của cha ông không quản ngại gian lao, hy sinh để quê hương, đất nước có được ngày hôm nay. Một bạn trong nhóm thốt lên: “Ngày trước, quân và dân Long An quá dũng cảm, nhìn những hộp hình tái hiện lại cảnh sống và chiến đấu, không thể hiểu được vì sao cha ông có thể làm được!”.
Khu du lịch Làng nổi Tân Lập – nơi du khách có thể hòa mình với thiên nhiên, tìm hiểu về hệ sinh thái ngập nước đặc trưng
4. Nhóm tiếp tục theo Quốc lộ 62 để tiến về vùng Đồng Tháp Mười của Long An. Để có được tuyến đường xe “lướt” như thế, người dân nơi đây đổ rất nhiều mồ hôi và công sức để xây dựng nên Quốc lộ 62. Điểm dùng chân tiếp theo của chúng tôi là Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa). Đến đây, các bạn có thể hòa mình vào thiên nhiên đặc trưng của hệ sinh thái ngập nước. Chúng tôi di chuyển bằng xuồng máy vào điểm tham quan bên trong và tiếp tục chèo xuồng ba lá tham quan rừng tràm. Sau đó, nhóm tiếp tục đi bộ trong khu để khám phá ao sen, động vật, thực vật của vùng. Khi đặt chân đến đây, du khách không thể bỏ qua món cá lóc nướng trui – đặc sản của Đồng Tháp Mười, nhâm nhi vài ly rượu Long An. Cuối cùng, chúng tôi tiếp tục di chuyển theo Quốc lộ 62 về thị xã Kiến Tường, đến Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) tham quan và mua sắm một số vật dụng cần thiết để tiếp tục chuyến hành trình về tỉnh Đồng Tháp cho ngày hôm sau./.
Lực Nguyễn