Là một phượt thủ chắc chắn ai cũng muốn chinh phục nóc nhà Đông Dương – Phan Xi Păng. Muốn chinh phục được đỉnh núi bạn cần có những kiến thức cơ bản để hiểu về vùng đất cũng như cách chinh phục “nóc nhà” một cách dễ dàng. Ở bài biết này chúng tôi sẽ cung cấp cho độc giả kinh nghiệm chinh phục đỉnh Phan Xi Păng trọn vẹn và an toàn.
Kinh nghiệm chinh phục đỉnh Phan Xi Păng 2024
1. Tổng quan về Phan Xi Păng
Tỉnh Lào Cai là tỉnh miền núi, vùng cao. Phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Ðông giáp tỉnh Hà Giang, phía Tây giáp tỉnh Sơn La, Lai Châu; cách thủ đô Hà Nội 340 km. S 8.057,08 km2, chiếm 2,45% tổng diện tích tự nhiên cả nước. Các đường giao thông quan trọng như đường quốc lộ Hà Nội – Lào Cai, Lào Cai – Lai Châu và tuyến đường sắt Hà Nội đi Lào Cai, Lào Cai đi Vân Nam (Trung Quốc).
Hệ thống sông chính của tỉnh gồm sông Hồng bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc chảy qua tỉnh Yên Bái dài 120 km; sông Chảy bắt nguồn từ vùng núi Tây Côn Lĩnh (Trung Quốc) dài 124 km. Có 2 dãy núi lớn là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi. Dãy Hoàng Liên Sơn có nhiều đỉnh cao (Phan Xi Păng cao 3.143 m, Tả Giàng Phình cao 3.090 m so với mặt nước biển)
2. Thời điểm thích hợp để leo núi Phan Xi Păng
Nên chinh phục Phan Xi Păng vào thời điểm nào? Thông thường hầu hết các đoàn đều chọn leo Phan Xi Păng vào những dịp nghỉ dài trong năm (ví dụ: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, giải phóng miền Nam 30/4…) Những ngày này số lượng người lên Phan rất đông, có thể đến hàng trăm người. Vì vậy nếu không có lý do đặc biệt, có điều kiện nghỉ dài các bạn nên tránh những ngày này, đi vào những tháng bình thường sẽ tự do ăn nghỉ tốt hơn, và nếu có thể các bạn nên đi vào giữa tháng 3 – mùa hoa đỗ quyên rừng nở rất đẹp.
Ngoài ra các bạn có thể đi vào tháng 11 – khi tiết trời chuyển sang se lạnh mà không quá lạnh, trời quang, không mây mù, không mưa nên việc săn được các biển mây và ánh nắng rực rỡ trên đỉnh là hoàn toàn có thể. Cũng do thời tiết không nóng nực nên sức khỏe sẽ dẻo dai hơn, đặc biệt đối với các bạn nữ.
3. Hành trang mang theo khi phượt Phan Xi Păng
Nên mang theo những gì khi leo núi Phan Xi Păng? Cũng có quá nhiều bài viết, danh mục mà những nhóm đi đưa ra, rất chi tiết và đầy đủ, tuy vậy cũng viết lại ra đây, vì có đôi điều khác với mọi người, theo kinh nghiệm riêng tôi. – Balô: Loại có quai đeo mềm, có dây thắt quanh bụng, để đi cho đỡ nặng, có túi cạnh để nước. Không nhất thiết loại chống nước, vì tốt nhất là có một túi nylon to bên trong, mọi đồ đều cho trong túi nylon đó, balô có ướt, bẩn cũng không sao. Khi đi quai balô nên kéo cao, để lực dồn lên vai, không kéo người về sau rất khó chịu.
– Quần áo: Do tôi là người rất ít mồ hôi, khi leo hầu như không bị ra mồ hôi bên trong, nên quần áo có lẽ rất thuận tiện. Để nhẹ và không phải nhờ porter mang hộ gì, tôi chỉ mặc 1 áo mayô bên trong cùng (cái này về sau rất có tác dụng trong việc dán miếng nhiệt), một áo đông xuân dài tay bên ngoài. Mang 1 áo khoác gió 1 lớp mỏng để khi đi đường mặc, tránh gió, đỡ nóng; một áo len có cổ để mặc buổi tối, khi cần thì gửi porter, đến tối mới lấy; một áo phao rất ấm và nhẹ, để mặc khi đứng lại bị rét. Áo phao tránh được nước thì tốt.
Quần thì mặc 1 đông xuân bên trong, do không bị mồ hôi nên cũng không cần thay. Bên ngoài mặc quần kaki rộng khi đi đường. Mang thêm 1 quần thể thao gió, chỉ mặc buổi tối, đi ngủ cho sạch sẽ. Ngoài ra còn 1 bộ quần áo mưa, mặc khi bị mưa, hoặc đề phòng khi rét quá, mặc bộ quần áo mưa cũng không kém gì áo rét loại tốt.
– Giầy tất găng: Kinh nghiệm chinh phục đỉnh Phan Xi Păng 2024, tốt nhất là giày chuyên dụng tránh được nước, giá khá đắt. Thông thường giày bộ đội là rất tốt rồi. Giày rộng hơn cỡ chân ít nhất 1 số. Tôi dùng loại giày bộ đội. Chuyến đi tôi chỉ dùng 4 đôi tất, cũng do chân không bị mồ hôi nên không thay tất. Tất gồm 1 đôi bình thường, 3 đôi loại dày tốt, cao cổ. Găng nên có 3 – 4 đôi loại bảo hộ có hạt nhựa, khá rẻ. Cần có một đôi găng nylon loại giống như để bốc thức ăn của hàng cơm.
– Khăn mũ: 1 khăn loại nhẹ, quấn cổ khi đi nóng, 1 khăn len quấn cổ khi buổi tối lạnh, 1 mũ len có thể che tai, 1 một mũ tai bèo thường xuyên đội khi đi trong rừng. Ít nhất 1 đôi bó gót, 1 đôi bó gối, giày nylon chống mưa cần có ít nhất 2 đôi. Trong chuyến vừa rồi, tất chống vắt tôi không dùng, một số người khác dùng rất thường xuyên.
– Đồ dùng khác: cốc nhựa nhỏ để pha cafe, Khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng, giấy vệ sinh, kem chống nẻ…
– Đồ ăn mang theo:
- Cần nhất là đồ tạo năng lượng nhanh: chocolate 1 phong, bò cười 1 hộp, 2 thanh kẹo ngọt Alpeliber. Thêm đồ để uống: cafe tan, trà gừng.
- Đường gluco, xách cho đoàn 1kg, nếu chỉ riêng mình thì 1/4 kg là đủ.
- Kẹo cao su để dành thay.
4. Hành trình chinh phục Phan Xi Păng
– Đăng kí leo núi: Kinh nghiệm leo đỉnh Phan Xi Păng, để được leo Fanxipan, bạn cần có giấy phép vào rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn, giấy do Ban Quản Lý Vườn Quốc Gia Hoàng Liên Sơn cấp. Giấy này có thể lấy trong buổi sáng khi bạn bắt đầu đi Fanxipan. Khi xin phép, khoản lệ phí bạn phải thanh toán bao gồm:
- Phí vệ sinh: 5.000vnđ/ngày
- Phí kiểm lâm: 150.000 vnđ/ngày
- Phí leo núi: 30.000 vnđ/ngày
- Bảo hiểm: 5.000 vnđ/ngày
– Porter: Porter là những người khuân vác có trách nhiệm mang vác đồ đạc, dựng lều trại và lo ăn nghỉ cho bạn trên núi. Thường cứ 2 người thì cần 1 porter. Porter chủ yếu là người Mông tại các bản như lân cận Sapa. Porter hầu hết là những người hiền lành, vui vẻ và rất dễ gần. Họ cũng có khả năng nấu ăn tốt. Trong quá trình trên núi, nên để 1 nửa porter tới điểm nghỉ trước để chuẩn bị trại (nếu dùng trại) và lán (nếu dùng lán có sẵn) và nấu cơm. Trong quá trình đi, hãy hỏi họ tất cả những gì bạn nhìn thấy, thắc mắc. Họ có thể chỉ cho bạn rất nhiều điều thú vị trên Fanxipan. Luôn tôn trọng và quan tâm đến họ.
– Hướng dẫn viên:
Việc thuê hướng dẫn viên không phải là điều bắt buộc. Vì thực tế, porter hoàn toàn có thể là người hướng dẫn cho bạn trên núi. Tuy nhiên, trường hợp bạn đi dài ngày và muốn tìm hiểu nhiều về thiên nhiên tại Hoàng Liên Sơn thì nên thuê 1 hướng dẫn viên có vốn kiến thức sâu. Giá thuê hướng dẫn viên từ 150.000 vnđ – 250.000 vnđ/ngày. Trường hợp bạn thuê HDV thì toàn bộ thủ tục vào rừng HDV có thể thay bạn thực hiện. Hướng dẫn viên bạn có thể thuê tại các văn phòng du lịch trên Sapa hoặc liên hệ với Anh Kiên điện thoại 0912047565. Đây là những hướng dẫn có kinh nghiệm lâu năm, có sức khỏe, vốn hiểu biết rộng và rất dễ chịu. Chắc chắn sẽ mang tới cho bạn 1 hành trình nhiều thi vị. Kinh nghiệm chinh phục Fanxipan không cần dây hay kỹ năng leo núi kỹ thuật. Chủ yếu là đi bộ dọc theo các sống núi và các dòng suối, các con đường thoải theo sườn núi. Chinh phục Fanxipan có nhiều con đường khác nhau. Vietzoom chỉ giới thiệu 4 con đường chính.
– Đi Cát Cát về Sín Chải:
Đây là con đường khó nhất bên phía Lào Cai để chinh phục Fanxipan. Những người có thể lực tốt hoặc dài ngày thường chọn đường này để khám phá và chinh phục Nóc Nhà Đông Dương
– Đi Cát Cát về Trạm Tôn:
So với các đường khác thì con đường này được nhiều lựa chọn để có thể thấy rõ ràng hơn về Fanxipan. Dĩ nhiên, quãng đường đi xa hơn và cũng khó khăn hơn với chặng từ Cát Cát.
– Đi Trạm Tôn về Trạm Tôn:
Đây là con đường ngắn nhất và đơn giản nhất. Với những người có sức khỏe bình thường, ít tập luyện vẫn có thể chinh phục thành công. Để đi từ Sapa lên Trạm Tôn, có thể thuê loại xe chuyên dụng hoặc xe 16 chỗ tại các công ty du lịch với giá từ 250 – 300.000/lượt. Nên đặt luôn cả đi và về. Từ trạm kiểm lâm Trạm Tôn, bạn sẽ bắt đầu vào rừng vào khoảng 10h sáng, với những đoạn dốc ngắn, chủ yếu là xuống và thoải lên trên. Sẽ đi qua nhiều con suối (số lượng suối phụ thuộc vào thời tiết, nếu mưa suối sẽ nhiều và nước to hơn), đi qua Bãi Trâu, qua 1 con suối lớn và ăn trưa tại Bãi Sỏi và lúc 12h30 – 13h (tùy sức khỏe và thời gian ngắm cảnh trên đường). Từ Bãi Sỏi, con đường bắt đầu dốc hơn và nghỉ tại trại 2.200m sau 2 tiếng (vào khoảng 16h; ngòai ra, nếu bạn xuất phát sớm thì có thể đi thẳng lên điểm nghỉ 2800m)
Ngày tiếp theo của hành trình chinh phục Phan Xi Păng, hành trình tiếp tục với việc đi trên các sườn núi, sống núi, vượt qua rừng cháy, các cầu thang, qua điểm 2900 và thẳng tiến lên đỉnh. Đây là đoạn đường dài và dốc nên cần phải đi chậm để giữ sức. Bạn có thể chinh phục đỉnh Fanxipan (3.143m) vào lúc 11h (sau từ 3 – 4 tiếng). Ăn trưa trên đỉnh và trở lại điểm nghỉ 2.900 hoặc 2.200 (tùy vào sức khỏe). Trở về vào sáng ngày thứ 3.
5. Nên ở đâu và ăn uống gì khi đi Phan Xi Păng?
Ở đâu khi phượt Phan Xi Păng?
Ở đâu khi chinh phục Fanxipan? Bạn cần chuẩn bị túi ngủ. Túi ngủ có thể thuê tại Sapa với giá 120.000 vnđ tại các văn phòng du lịch.
Ngủ trên Fanxipan luôn là vấn đề đáng lưu tâm khi mà dịch vụ lưu trú trên núi còn rất sơ sài. Với các đoàn nhỏ (4 – 5 người) có thể ngủ trong các lán có sẵn. Với đoàn đông hơn thì nên chuẩn bị trại. Có nhiều kích cỡ khác nhau và giá cả khác nhau. Trại 2, 4, 10 người. Giá cả dao động từ 120 – 200.000 trại/ngày đêm. Khi thuê trại, nhớ lưu ý kiểm tra kỹ trại. Không thuê các loại trại có khả năng chịu mưa kém, rách hoặc gãy.
Ăn uống ở Phan Xi Păng
Ăn gì, ăn ở đâu khi leo Fanxipan? Ăn uống trên Fanxipan đã được chuẩn bị bởi Porter. Tuy nhiên, bạn cũng cần chuẩn bị lương thực cần thiết trước hành trình. Mọi đồ ăn, thức uống có thể mua đầy đủ tại chợ Sapa trước 1 ngày. Các đồ ăn cần được tính đầy đủ cho số người, đủ chất và số ngày trên núi. Khi mua bạn cũng cần tính thêm phần của porter và hướng dẫn viên (nếu có), hoàn toàn có thể nhờ porter, những người có kinh nghiệm đi chợ và chuẩn bị cho bạn.
Bên cạnh đó, bạn phải tự chuẩn bị thêm đồ ăn cá nhân cho mình để có thể liên tục cung cấp năng lượng cho cơ thể trong quá trình đi, nhằm cho biểu đồ năng lượng luôn dao động đều, không xuống quá thấp (đói) hoặc lên quá cao (quá no). Đồ ăn nhanh như: bánh mỳ, 1,2 quả táo, sô cô la, redbull, kẹo ngọt. Cứ nửa tiếng bạn nên ăn 1 lần.
Các bữa ăn trên Fanxipan được chuẩn bị bởi porter. Tuy nhiên, bạn cũng nên cùng họ chuẩn bị nếu có thể. Bữa trưa ngày đầu tiên và ngày trên đỉnh nên chuẩn bị nhiều hơn (bữa trưa hầu hết là đồ ăn nhanh). Có thể nấu 1 số đồ ăn mặn từ tối hôm trước để ăn vào trưa hôm sau. Vì hầu hết các bữa trưa đều rất nhẹ trong khi khối lượng vận động buổi sáng luôn lớn hơn buổi chiều. Xôi và bánh rán cá nhân là phương án tốt nhất, nhanh nhất mà bạn có thể mang theo và mua tại cổng chợ Sapa với giá 2000 vnđ/chiếc, 5000 vnđ/xuất.
Trên đây là kinh nghiệm chinh phục đỉnh Phan Xi Păng đầy đủ, trọn vẹn nhất. Hi vọng bạn sẽ có một chuyến du lịch phượt ý nghĩa. Cảm giác được đứng trên nóc nhà Đông Dương chắc chắn sẽ để lại cho bạn nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Bạn có thể tham khảo thêm về: Kinh nghiệm phượt Thác Mu an toàn, chi tiết cần biết để có một chuyến đi suôn sẻ nhất.
Bài viết liên quan
- Kinh nghiệm phượt Mộc Châu mới nhất 2024 (cực đầy đủ)
- Kinh nghiệm phượt Bắc Hà Lào Cai 2024 đi chợ phiên, ăn thắng cố
- Kinh nghiệm phượt Hà Giang 2024, gợi ý lịch trình 3N2Đ siêu vui
- Kinh nghiệm phượt Mẫu Sơn Lạng Sơn, cập nhật mới nhất 2024
- Gợi ý lịch trình du lịch bụi Sapa 2 ngày 1 đêm kèm chi phí
- Kinh nghiệm du lịch Hoàng Su Phì – ‘thiên đường mùa thu ở Việt Nam’
- Kinh nghiệm phượt Lai Châu tự túc an toàn lại tiết kiệm
- Tổng hợp kinh nghiệm du lịch bụi Lào Cai từ dân phượt
- Tư vấn và kinh nghiệm chinh phục Lảo Thẩn 2 ngày 1 đêm
- Kinh nghiệm phượt Sơn La an toàn cho lần đầu rất chi tiết