Du lịch làm việc ở các trang trại hữu cơ
WWOOF là một tổ chức phi lợi nhuận liên kết các nông trại hữu cơ của 99 nước trên thế giới. Các chủ trang trại sẽ đăng kí làm host (chủ nhà kiêm hướng dẫn viên) với WWOOF, và người thích du lịch bụi sẽ đăng kí làm tình nguyện viên, cũng qua WWOOF. Tổ chức này hiện có nhiều hệ thống độc lập trên thế giới và việc đăng ký làm thành viên chỉ mất khoảng 20-30usd/năm.
Các tình nguyện viên chọn WWOOF ngày càng đông vì những phản hồi tích cực của khách hàng lẫn chủ nhà có xu hướng tăng dần theo mỗi năm. Không ít những tình nguyện viên nữ tự tin chọn việc đi bụi quốc tế một mình vì các host được đăng ký trên WWOOF đều đã được thẩm định và xác nhận chất lượng.
Theo đó, tình nguyện viên sẽ đến ở và làm việc tại các nông trại hữu cơ, trung bình mỗi ngày làm việc từ 4-8 tiếng, 5-6 ngày/tuần. Bù lại họ được cung cấp đồ ăn, chỗ ở. Một nhược điểm của du lịch qua WWOOF là thời gian lưu trú dài, tối thiểu là 2 tuần nên cách du lịch này chỉ dành cho những người có thời gian. Các host hiện tại còn mở rộng điều kiện cho phép khách thử việc một ngày. Nếu thích hợp thì ở lại, không thích hợp có thể tìm host khác.
Nguyễn Thu Thủy (cựu sinh viên khoa Pháp, ĐH Hà Nội) kể: “Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định dành một năm để đi du lịch. Không có tiền nên tìm đến WWOOF, liên lạc luôn được với một trang trại nho ở Burgundy (Pháp). Lần đầu đi vào tháng 10, đúng mùa thu hoạch nho. Tôi ở đây hai tuần. Nghiện quá, đặt luôn một host khác. Từ Burgundy sang Alsace. Cũng vẫn chỉ là cầm kéo cắt nho thôi nhưng học được bao nhiêu thứ: cách uống vang Pháp đúng kiểu, cách phân biệt vang ngon và dở, trải nghiệm một khóa học làm rượu vang thủ công… Và đó là những trải nghiệm mà không một tour du lịch bình thường nào có thể mang lại. Ngôn ngữ của tôi cũng tốt hơn nhiều sau mấy khóa “làm nông dân”. Ở đây, tôi còn gặp một cặp đôi Canada đã đi qua 38 host trên khắp thế giới, và họ bảo, sẽ còn đi tiếp”.
Hiện nay, WWOOF đã mở rộng đến Việt Nam. Một số trang trại Việt Nam đã đăng ký thành viên như Dê Trắng farm, Tuệ Viên… và bắt đầu đón khách Tây. Koen Dibbets, một thanh niên Hà Lan, đã từng làm tình nguyện viên tại Tuệ Viên, biết làm cỏ, cuốc đất, chở phân… và mê luôn Hà Nội. Tên Việt của Koen là Phong, theo anh giải thích – nó có nghĩa là “gió” (bởi vì anh đi du lịch khắp nơi).
WWOOF Việt Nam cũng đã mời được một “dị nhân” người Mỹ đến nói chuyện về nông nghiệp thuận theo tự nhiên. Ông là David Wehle, 60 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có tại Mỹ, nhưng từ 23 tuổi đã quyết định từ bỏ cuộc sống giàu có vượt biên sang Mexico và bắt đầu với cuộc sống tự nhiên.
Ông có 4 người con không hề đến trường, chúng lang thang theo ông khắp các đất nước khác nhau. Ông dạy chúng học chữ, đọc sách và làm toán, các kỹ năng sống như bơi lội, săn bắn, câu cá, lấy mật ong… Ông dạy chúng cách bình tĩnh giải quyết các vấn đề, vượt qua những nỗi sợ hãi trong cuộc sống. Các con của ông được sinh ra và lớn lên trong môi trường hoàn toàn tự nhiên, không điện thoại, không tivi, không internet, không kẹo bánh, không kem nước ngọt, không thức ăn nhanh.
Ông là người tự đỡ đẻ cho vợ mình khi bà sinh con, tự chữa bệnh cho các con khi chúng có vấn đề về sức khỏe… Khi các con ông lớn lên, họ trở về Mỹ để sinh sống và bắt nhịp tốt với cuộc sống hiện đại. Giới backpack đã tôn David như một sư phụ và sự xuất hiện của ông tại Việt Nam đã nhanh chóng đem WWOOF Việt Nam phổ cập trong cộng đồng backpack.
Du lịch kiểu “ở nhờ”
Couchsurfing.org là một mạng toàn cầu, sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn… mang đến cơ hội ở nhờ, không mất tiền cho những người ưa thích du lịch bụi.
Sở dĩ phải nhấn mạnh chi tiết “du lịch bụi” vì những chỗ ở nhờ này đôi khi rất thiếu tiện nghi. Couch, nguyên nghĩa là chiếc ghế sofa. Surf là đi du lịch. Nghĩa là khi bạn đến xin ở nhờ nhà ai đó, bạn có thể sẽ ngủ trên ghế sofa của nhà họ. Những người quen du lịch tiện nghi có thể sẽ không quen điều này, song với dân du lịch bụi, chuyện đó không thành vấn đề bởi lẽ, trong ba lô của họ luôn có túi ngủ để có thể ngủ ở bất kì đâu mà không sợ lạnh.
Sự lan truyền rộng khắp của Couchsurfing là một minh chứng cho mức độ “được ưa thích của nó”. Thứ nhất, vì miễn phí, đương nhiên rồi. Một khía cạnh hấp dẫn nữa của CouchSurfing đó là bạn có thể trải nghiệm cuộc sống của một vùng miền xa lạ với chính những người địa phương. Điều này hơi giống với kiểu du lịch homestay, nhưng homestay phải trả tiền, còn CouchSurfing thì hoàn toàn miễn phí.
Hiện tại, ở Việt Nam đã có hẳn một cộng đồng chuyên làm Couchsurfing thu hút hàng nghìn thành viên. Nhiều gia đình ở Hà Nội có điều kiện nhà ở rộng rãi đã tình nguyện đăng ký làm host cho người nước ngoài ở nhờ.
Bà Nguyễn Ngọc Trâm (Tây Hồ, Hà Nội) đã tham gia Couchsurfing gần hai năm, từ sau khi nghỉ hưu. Bà Trâm kể: “con cái lớn đều ở xa, nhà chỉ có hai vợ chồng già nên hơi buồn. Ông nhà tôi từng có thời gian dài sống ở Áo nên rất quen với các hình thức cho người nước ngoài ở nhờ. Từ ngày chúng tôi tham gia Couchsurfing, năm bữa nửa tháng nhà lại có khách. Cuộc sống vui hẳn!”.
Cũng chính bà Trâm đã thuyết phục em gái ở quận Hoàn Kiếm dành riêng một phòng làm Couchsurfing, ghi rõ chỉ tiếp khách nói tiếng Anh để tạo cơ hội cho hai con nhỏ thực hành tiếng Anh miễn phí. Bà Trâm kết luận: “mấy đứa cháu họ tôi giờ nói tiếng Anh tốt lắm, vì chúng nó được giao tiếp thực tế, đỡ tiền hơn đi học trung tâm mà phát âm lại chuẩn”.
Nguyễn Huy Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) từng có một năm làm Couchsurfing, sau đó Hoàng qua Singapore du lịch, cũng ngủ nhờ một host. Hoàng kể: “Ở nhà tôi có phòng, chăn đệm tử tế cho khách ngủ nhờ, nhưng khi sang Sing, tôi chỉ được giao cho một cái phòng trống. Thực ra, đó là chuyện rất bình thường. Bởi vì Couchsurfing hoàn toàn mang tính ngủ nhờ, và chỉ có thế! Bạn không thể đòi hỏi chủ nhà phải chuẩn bị chăn màn giường chiếu, bữa sáng, hoặc dẫn mình đi chơi”.
Cũng theo Hoàng, đa số thanh niên Việt Nam chưa quen với Couchsurfing, nhưng đây là một cách du lịch thực sự tiết kiệm và văn minh hơn nhiều so với việc bạn phải ăn xin ngoài phố để lấy tiền trọ hoặc ngủ vạ vật ngoài công viên, gầm cầu vốn đầy rẫy nguy hiểm. Hoàng tính, giá thuê nhà trọ ở Singapore loại bình thường nhất cũng là hơn một triệu một đêm (ở khu trung tâm còn đắt gấp đôi), nếu kiếm được host thì ba đêm đã tiết kiệm đủ tiền mua vé giá rẻ và vé tàu điện ngầm. So với giá tour tiết kiệm nhất (10 triệu cho bốn ngày ba đêm) thì đây là mức du lịch mà ngay cả với sinh viên cũng khả thi.