Những trường hợp công an giao thông yêu cầu dừng xe
Theo tư vấn của Công ty Luật Minh khuê, theo điểm a Khoản 1 Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an, cảnh sát giao thông (CSGT) được quyền yêu cầu dừng xe nếu trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Ngoài ra, có những trường hợp dù không phát hiện vi phạm nhưng CSGT vẫn được quyền dừng xe, cụ thể theo điểm b, c, d Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA:
Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Cách đi xe máy không bị công an giao thông tuýt còi
Đội mũ bảo hiểm và không chở quá số người quy định
Chở quá số người quy định trên xe mà không phải trường hợp khẩn cấp thì khả năng bạn bị công an giao thông “thổi còi” là 99%. Do đó, muốn không bị công an chú ý thì nghiêm chỉnh chấp hành chở đúng số người, đội mũ bảo hiểm là điều bắt buộc phải thực hiện.
Xe phải đầy đủ gương chiếu hậu
Rất nhiều đã bị tháo do nhận xét là không đẹp. Tuy nhiên, vấn đề phạt gương xảy ra khá thường xuyên. Những xe không gương thường dễ rơi vào tầm mắt của cảnh sát giao thông. Vậy nên, để tránh bị bắt, trước hết xe phải được trang bị những phụ kiện đúng theo quy định.
Ngoài ra đèn xe cũng không nên thay đổi hay lắp thêm đèn led sáng trắng. Xe không độ pô, hay dán decal quá lộ liễu. Như vậy sẽ dễ tạo được sự chú ý của cảnh sát giao thông và cơ động khi bạn lưu thông trên đường.
Chú ý các biển báo giao thông
Khi điều khiển xe máy tham gia giao thông thì ngoài việc quan sát các phương tiện trên đường, người điều khiển xe máy cần chú ý đến các biển báo giao thông bên đường.
Mỗi loại đường ở các địa phương khác nhau đều có những đặc điểm, quy định riêng về tốc độ, làn đường…Lúc này, biển báo có nhiệm vụ giúp người tham gia giao thông điều khiển phương tiện đi theo đúng quy định để không vi phạm luật giao thông, đảm bảo an toàn cũng như tránh “tiền mất tật mang”.
Không vượt đèn vàng, đèn đỏ
Muốn không bị công an giao thông bắt thì phải tuân thủ luật giao thông. Tuyệt đối không được vượt đèn vàng, hay đèn đỏ khi tham gia giao thông. Có khá nhiều người do vội, do đường vắng hoặc đơn giản là không thấy công an giao thông đứng thường ngang nhiên vượt đèn đỏ hoặc cố chạy nhanh để kịp mấy giây đèn vàng.
Đi đúng làn đường theo quy định
Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có đủ bề rộng cho xe chạy an toàn theo quy định của pháp luật, là phần đường xe chạy chính là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại. Một phần đường xe chạy có thể có một hoặc nhiều làn đường. Trên thực tế có nhiều người khi tham gia giao thông không phân biệt được thế nào là lỗi đi sai làn hay không chấp hành hiệu lệnh biển báo của vạch kẻ đường dẫn tới những lỗi vi phạm đáng tiếc khi tham gia giao thông.
Luôn chuẩn bị đầy đủ giấy tờ
Khi tham gia giao thông thì người điều khiển xe máy cần luôn mang theo các loại giấy tờ xe, bao gồm: Giấy đăng ký xe máy; Bằng lái xe (giấy phép lái xe); Bảo hiểm xe máy.
Nếu bạn bị CSGT dừng xe vì lỗi nào đó và yêu cầu trình đủ giấy tờ mà bạn không thể xuất trình thì sẽ phải chịu cả hai mức phạt.