Đôi chân hay chiếc xe?
Vừa trở về sau chuyến đi đến biển Cần Giờ dài 130 km cùng nhóm bạn 6 người, Phú Quý (trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TPHCM) cho biết: “Phượt” bằng xe đạp chắc chắn không nhanh như xe máy nhưng đi rất thoải mái, tự do.
Ngoài việc tham gia vào các chương trình quy mô lớn như “Đạp xe xuyên Việt” (từ Hà Nội đến TPHCM), diễn ra vào tháng Bảy hay “Đạp xe xuyên miền Tây”, diễn ra vào tháng Bảy, tháng Tám hằng năm, các bạn hoàn toàn có thể tự tổ chức những chuyến “phượt” quy mô nhỏ, thiết kế các “mini tour” như: Từ trung tâm TPHCM đến huyện Cần Giờ, từ TPHCM đến Thủ Dầu Một (Bình Dương)…
Thanh Phong (ĐHQG TPHCM) chia sẻ: “Suy nghĩ chỉ những bạn có xe đạp thật “xịn” mới đi “phượt” là sai lầm. Với những khoảng cách ngắn, dưới 100 km, bạn hoàn toàn có thể dùng những chiếc xe đạp bình thường, miễn xe được cân chỉnh cẩn thận trước khi đi. Để “phượt” bằng xe đạp thì quan trọng nhất là… đôi chân khỏe chứ không phải là chiếc xe”.
Nhiều lợi ích
Thanh Phong chia sẻ: “Lần đầu tiên đạp xe liên tục từ sáng đến tối mịt, mình rất đuối. Nhưng hôm sau, 6h sáng tỉnh dậy, mình thấy người khỏe, đầu óc sảng khoái”. Đạp xe là một cách vận động tốt. Tuy nhiên, trước khi đi, chúng ta vẫn cần chuẩn bị thể lực thật kỹ lưỡng.
Một lợi ích quan trọng nữa của “phượt” bằng xe đạp là nó giúp bạn rèn luyện sức mạnh ý chí. 20 km đầu và 20 km cuối thường cực kỳ thử thách, đòi hỏi “phượt thủ” phải thật quyết tâm để có thể tiếp tục hoàn tất hành trình.
Thu Thùy (trường ĐH Y Dược TPHCM), đạp xe khứ hồi gần 70 km chặng TPHCM – TP. Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Sau mỗi lần đạp xe, mình thấy mỏi mệt nhưng ý chí, sức bền của mình được tôi luyện thêm một chút.
Bí kíp “phượt” tốt
Đầu tiên, bạn cần chọn một chiếc xe tốt. Nên chọn loại bánh xe đường kính nhỏ để giảm ma sát, tận dụng được quán tính, giúp xe đi nhanh hơn, xa hơn, “phượt thủ” đạp cũng nhẹ nhàng hơn.
Bí kíp thứ hai là điều tiết nhịp thở, nguyên tắc quan trọng của bất kỳ môn thể thao nào. Thanh Phong cho biết: “Trong lúc đạp, nếu bạn chú ý hít vào, thở ra chậm, đều đặn, chúng ta sẽ ít thấy mệt. Còn nếu thở nhanh, không điều hòa thì có thể phải bỏ cuộc, chỉ sau 20 km đầu tiên”.
Nam Hưng (trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM) chia sẻ kinh nghiệm đạp xe 130 km/ngày của bản thân: “Trong suốt 2 tiếng cuối của hành trình, mình cố gắng duy trì nhịp thở đều. Và mình đã đi chặng đường dài 60 km với cùng một tốc độ.
Đến khuya, khi về đến nhà, mình vẫn không cảm thấy mệt, vẫn vui vẻ viết blog. Sức khỏe bạn có thể yếu, xe bạn có thể không xịn nhưng nếu biết điều hòa nhịp thở thì đã có được 50% thành công!”.
Bí kíp cuối cùng chính là chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Bạn đừng quên đồ sửa xe, săm lốp dự phòng (nếu đi đường dài). Bạn cũng cần đội mũ bảo hiểm an toàn, mang nước tăng lực, nước chanh để hồi sức, tìm hiểu thật kỹ lộ trình, tránh chọn nơi vắng vẻ, nguy hiểm… Hãy chủ động bảo vệ bản thân trên mỗi cung đường, bạn nhé!
Bí kíp đạp xe 1.700 km
Hồ Công Mẫn (trường ĐH Công nghệ TPHCM, từng đạp xe từ TPHCM tới Hà Nội trong 22 ngày) chia sẻ: “Đạp từ TPHCM đến Hà Nội qua Quốc lộ 1A, dài gần 1.700 km là một thử thách cực kỳ lớn. Không đếm nổi số lần mình muốn bỏ cuộc. Nhưng mình liên tục tự nhắc nhở lý do tại sao mình bắt đầu hành trình, vậy là tinh thần lại được xốc lên.
Một điều tưởng đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng nữa là chúng ta phải xác định được điểm đến. Đừng đi chỉ để vui! Đừng đi chỉ để chụp ảnh! Lộ trình đi đâu, đến đâu, mục tiêu thế nào, bạn phải xác định thật rõ”.
Điều ý nghĩa nhất sau những chuyến “phượt” bằng xe đạp là cảm giác chiến thắng bản thân. Đã đạp xe vượt 1.700 km thì ít khó khăn nào chúng ta không dám vượt qua.
Theo Thanh Lam
Sinh viên Việt Nam