“Tiền có thể kiếm được nhưng tuổi trẻ thì không”
Năm 2019, Nguyễn Thị Thu Hiền (Thái Bình) bắt đầu chuyến đi đầu tiên cùng một người bạn. “Mình là người cầm lái còn bạn mình ngồi sau. Một đứa dám lái một đứa dám đi bắt đầu chuyến phượt. Chưa bao giờ đổ đèo nên giờ nghĩ lại mình vẫn thấy hai đứa quá liều”, Hiền nói.
Sau chuyến đi đó, Hiền bắt đầu thích việc đi phượt và khát khao được phượt xuyên Việt một lần để không phải nuối tiếc những tháng năm tuổi trẻ.
“Tiền có thể kiếm được nhưng tuổi trẻ thì không”, mang tư tưởng đó, cô gái trẻ 22 tuổi quyết định nghỉ việc để thực hiện đam mê đi phượt xuyên Việt. Hiền cho hay cô xuất phát từ Hà Nội hôm 11/5/2022. Đây là chuyến đi Hiền đã ấp ủ 2 năm nhưng vì dịch bệnh nên phải trì hoãn.
Đối với Hiền, công việc rất cần nhưng đời người chỉ có một tuổi trẻ, đam mê cũng có giai đoạn nên khi tích đủ vốn liếng, 10X quyết định xin nghỉ việc. Đây cũng là lần thứ 2 Hiền xin nghỉ việc để đi phượt.
“Tháng 5 năm ngoái, khi còn làm việc ở Hà Nội, mình xin nghỉ đi xuyên Việt. Nhưng vì dịch bùng phát nên mình phải gác lại kế hoạch và về quê 5 tháng. Khi tình hình ổn trở lại, mình lên Tây Bắc làm việc. Được 2 tháng, mình lại xin nghỉ để thực hiện ước mơ”, cô gái 22 tuổi chia sẻ.
Nói về quyết định đi phượt một mình bằng xe máy, cô cho biết, ban đầu cô có ý định tìm bạn đồng hành nhưng không được nên mới tự đi.
“Mình nghĩ đơn giản, con trai làm được thì tại sao mình không làm được? Mình coi đó là một thử thách đối với bản thân và cần thực hiện nó. Cho đến thời điểm hiện tại mình thấy chuyến đi này hoàn toàn đúng đắn vì nó khiến con người mình cởi mở hơn, vui vẻ hơn, học được rất nhiều điều mới mẻ. Mình khởi hành từ Hà Nội, đi theo đường ven biển tới Mũi Cà Mau rồi ngược về Tây Nguyên là kết thúc hành trình”, Hiền cho biết.
Chuyến đi phượt lần này ngoài chiêm ngưỡng phong cảnh của Việt Nam, Thu Hiền còn muốn khám phá văn hóa vùng miền ở những nơi mình đặt chân đến.
Kinh nghiệm đi phượt một mình thời bão giá
Trong 53 ngày độc hành xuyên Việt, cô gái 22 tuổi đi được 60 tỉnh thành, vượt qua 5600km.
Dù độc hành nhưng Hiền quyết định không tham khảo lịch trình của mọi người cũng không cố định hành trình bởi cô thích đi theo cách riêng. Nơi nào đẹp cô sẽ dừng chân lâu hơn để tận hưởng.
Nói về hành trang cho chuyến đi, Hiền chỉ mang theo balo quần áo, bộ dụng cụ sửa xe, vá xe và một số vật dụng y tế cơ bản như thuốc giảm đau, hạ sốt, băng bó cá nhân… Cô cũng nhắc nhở những ai có ý định phượt không nên mang theo vali vì rất cồng kềnh, khó chở.
“Nếu bạn đi Xuyên Việt một mình thì nên căn thời gian di chuyển và nên dừng chân trước 6h tối. Tuyệt đối không đi tối, vì một mình rất khó giải quyết nếu có vấn đề xảy ra. Bạn nên tìm phòng trước một hôm để đề phòng lúc đến hết phòng. Muốn tiết kiệm chi phí, bạn cũng nên xem phòng qua các app như agoda, booking, traveloka… , bên nào rẻ thì đặt. Thông thường các phòng mình đặt vào khoảng 150-200 nghìn đồng. Mình chọn ăn uống ở các quán bình dân để tránh bị ‘chặt chém’, đảm bảo tiêu chí ‘rẻ là được’ vì mình không quá quan trọng ăn uống”, Hiền chia sẻ kinh nghiệm.
“Ngoài ra, trước khi đi bạn nên bảo dưỡng lại xe máy, kiểm tra săm lốp, dầu xe, chú ý xem xích có bị chùng không để có một chuyến đi an toàn. Nếu bạn đi một mình cung đường Tây Nguyên thì nên xem trước hướng đi để chọn cung đường phù hợp. Nên chọn đường có nhà dân và không đi buổi tối, tránh nguy hiểm cho bản thân”, Thúy Hiền nói thêm.
Để tiết kiệm chi phí, cô gái sinh năm 2000 tiết lộ nên mang theo bột giặt để tự giặt đồ khi ở nhà nghỉ, phơi qua đêm trước quạt, sáng hôm sau sẽ khô.
Tự nhận mình từng là người rất tự ti, ngại giao tiếp nhưng từ khi đi phượt, gặp được những con người cùng chung sở thích, Hiền dần thấy bản thân cởi mở hơn. Cho đến hiện tại, Hiền không còn cảm giác ngại ngần khi gặp người lạ và khá tự tin khi nói chuyện với người mới.
Dù nghỉ việc để đi phượt nhưng gia đình luôn ủng hộ Hiền. Ai cũng biết Hiền vốn đam mê du lịch, mỗi tháng đều dành vài ngày để đi chơi nên không hề cho chuyện đi phượt là lạ lẫm. Bố mẹ cũng rất ủng hộ đam mê của con gái nên Hiền càng tự tin nghĩ đến những chuyến đi phượt sau.
“Nếu không thể tìm được bạn đồng hành, hãy cứ đi. Bởi khi đến nơi, bạn sẽ thấy họ ở đó”, Hiền tâm niệm.
Một vài thông tin chuyến đi của Thu Hiền
– Phương tiện: Xe wave
– Tổng chi phí: khoảng 25 triệu
– Sự cố: Bị thủng săm 1 lần và tự vá
– Trải nghiệm sợ nhất: Đi đèo tối không có ai vào Tà Năng trong tiết trời mưa lạnh, đường đất ướt
– Đường đi dài nhất: 400km
– Chụp ảnh: Bằng Tripod hoặc nhờ người chụp
Các chặng đường mà Thu Hiền đã đi trong 53 ngày:
Chặng 1: Hà Nội- Hà Tĩnh
Chặng 2: Hà Tĩnh – Huế
Chặng 3: Huế – Đà Nẵng
Chặng 4 : Đà Nẵng- Hội An
Chặng 5 : Hội An- Quy Nhơn
Chặng 6 : Quy Nhơn – Tuy Hoà
Chặng 7 : Tuy Hoà – Đầm Môn
Chặng 8 : Hiking Mũi Đôi Cực Đông
Chặng 9 : Đầm Môn – Nha Trang
Chặng 10 : Nha Trang – Phan Rang
Chặng 11 : Phan Rang- Phan Thiết
Chặng 12 : Đảo Phú Quý
Chặng 13 : Phan Thiết – Vũng Tàu
Chặng 14 : Vũng Tàu – TP.HCM
Chặng 15 : Sài Gòn – Bến Tre
Chặng 16: Bến Tre – Sóc Trăng- Đất Mũi
Chặng 17: Đất Mũi – Cà Mau- Cần Thơ
Chặng 18: Cần Thơ – Tịnh Biên – Châu Đốc
Chặng 19: An Giang- Long An- TP.HCM
Chặng 20: TP.HCM – Tà Năng ( Lâm Đồng )
Chặng 21: Hiking Tà Năng – Phan Dũng
Chặng 22: Phan Dũng – Đà Lạt
Chặng 23: Đà Lạt – Tà Đùng ( Đăk Nông)
Chặng 24: Tà Đùng – Buôn Mê Thuột
Chặng 25: Buôn Mê Thuột – Pleiku
Chặng 26: Pleiku – KomTum- Ngã ba Đông Dương- Măng Đen
Chặng 27: Măng Đen – K’Bang
Chặng 28: Hiking Thác K50
Chặng 29: K’Bang- Hà Nội (gửi xe)
Ảnh: Nhân vật cung cấp