Người ăn mặc xuề xòa và rất giỏi đóng gói đồ là hai điều mà mọi người thường nghĩ đến khi nhắc tới dân phượt.
Nhưng ngoài hai điều kể trên ra, phượt thủ còn nhiều điều thú vị khác mà có thể ít người. Dưới đây là chia sẻ của anh Lương Thanh Chương, 47 tuổi, sống tại Vũng Tàu và có niềm đam mê với du lịch, leo núi, hiking (đi bộ đường dài), về những điều thú vị liên quan đến một phượt thủ.
Anh Chương chụp ảnh trên mỏm đá nổi tiếng Trolltunga, Na Uy. Ảnh: NVCC
Đó là những người có niềm đam mê bất tận với các chuyến đi, và gần như “phát cuồng” với tấm bản đồ địa lý. Họ tò mò về mọi thứ, dễ kết bạn, thông thạo việc xếp hành lý, không sợ ốm đau, bệnh tật. Họ cũng không sợ những chuyến đi làm lệch nhịp sinh học và không bao giờ cảm thấy đủ.
Phượt thủ có thể là bất kỳ ai, không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Thậm chí, nhiều người thích đi phượt dù tuổi đã cao. Và bạn có thể nhận ra họ rất rõ ràng trong đám đông: lưng đeo ba lô lớn, tay cầm bản đồ, chai nước, chân đi giày thể thao, đầu đội mũ lưỡi trai, mặc quần vải kaki túi hộp. Đôi khi, họ sẽ đeo thêm bên hông một chiếc túi nhỏ.
Dân phượt là bậc thầy về thời trang. Theo anh Chương, nhiều người có cái nhìn không mấy thiện cảm về phượt thủ, vì họ bị ảnh hưởng bởi hình ảnh những người đi xe máy theo từng đoàn, rồ ga, nẹt bô ầm ĩ hoặc phá hoại môi trường, xả rác trên đường đi… Bên cạnh đó, mọi người cũng khá quen thuộc với những du khách “Tây ba lô” lang thang trên đường phố khắp thế giới, và không ít trong số đó có phần lôi thôi.
Trên thực tế, phượt thủ chuyên nghiệp không phải những người như vậy. “Họ có gu thời trang không kém bất kỳ ai”, anh nói. Họ am hiểu thời trang, và thời trang của dân mê xê dịch đề cao tính gọn nhẹ, tối ưu hóa tiên ích sử dụng.
Họ rất mê hàng hiệu. Hàng hiệu của dân phượt chính là những thương hiệu lớn sản xuất các món đồ chuyên dụng cho việc hoạt động ngoài trời như Norrona, Mammut, Fjallraven, Rab, Arcteryx, Mountain Hardwear, Black Diamond… Sở hữu những món đồ của những hãng này cũng không khác gì người bình thường mê sưu tầm LV, Chanel, Prada.
Một ví dụ là đồ của hãng Arcteryx, Canada. Nó được gọi là “Range Rover của làng thời trang outdoor”, những bộ đồ này rất đắt tiền. Thậm chí, có những show trình diễn thời trang ở Milan, Italy, chiếc áo Arcteryx đã được các người mẫu mặc bên ngoài những trang phục thời trang cao cấp khác để giới thiệu tới công chúng. Trên đường di chuyển, hiking mà gặp ai đang mặc đồ Arcteryx là biết người đó là dân phượt “xịn” hoặc hiểu biết về thời trang outdoor.
Anh Chương chụp ảnh ở Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc hồi tháng 12/2019. Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, họ cũng là những người ăn mặc một cách khoa học để đáp ứng yêu cầu của chuyến đi, đảm bảo an toàn trong mọi trường hợp. Ví dụ như khi đến vùng nào, mùa nào thì sẽ mặc đồ kiểu gì, màu sắc ra sao cho phù hợp. “Nguyên tắc hàng đầu của dân phượt chúng tôi là: nói ”Không’ với cotton, nói ‘Có’ với len, đặc biệt là len sản xuất từ lông cừu, vải sợi tổng hợp”, anh Chương nói.
Vào mùa hè, khi mặc áo thun, họ sẽ tránh mặc đồ cotton vì không thoát được mồ hôi khi di chuyển. Thay vào đó, họ mặc áo làm từ sợi tổng hợp vì nhanh khô, thoát mồ hôi và không gây mùi khó chịu. Dân phượt cũng không bao giờ mặc quần denim jeans vì không thuận tiện khi di chuyển. Thay vào đó, họ mặc những chiếc quần rộng rãi, co giãn tốt, nhanh khô và có thể đựng được nhiều đồ. Đó cũng là lý do quần kaki túi hộp được nhiều người lựa chọn, do thuận tiện đựng các vật dụng cá nhân như kính râm, thuốc men, điện thoại, kẹo…
Dân phượt cũng rất biết cách giữ ấm chuẩn nhất vào mùa đông. Họ biết cách mặc sao không bị lạnh, mà vẫn nhẹ nhàng, dễ dàng vận động. Họ thành thạo về nguyên tắc 3 lớp: Base layer (lớp lót), Mid layer (lớp giữa) và Outer layer (lớp ngoài). Nguyên tắc của hệ thống này là dùng nhiều lớp quần áo mỏng sẽ giữ nhiệt hiệu quả hơn nhiều so với ít lớp dày hơn, giữ cơ thể ấm hơn. Họ cũng không bao giờ mắc sai lầm mặc một chiếc áo nặng, dễ thấm mồ hôi.
Khi di chuyển trên đường phố hoặc đi lại, họ sẽ mang những đôi giày thể thao gọn gàng, mạnh mẽ. Nếu leo núi, đi bộ đường dài…, họ sẽ dùng những đôi giày có độ dính bám tốt, chắc chắn trước mọi địa hình.
Nhân vật trong một chuyến leo núi ở Lào Thẩn, Y Tí, Lào Cai trước khi Covid-19 bùng phát. Ảnh: NVCC
Lương Thanh Chương có niềm say mê với du lịch. Anh thích đi du lịch một mình, tự túc và khám phá kỹ càng các nơi mình ghé thăm. Anh đã đặt chân tới 30 quốc gia trên thế giới và không đặt nặng thành tích ghé nhiều nước nhất có thể. Có những nước, anh quay trở lại 10-15 lần vì yêu thích.
Anh cũng thường đi leo núi, đi bộ đường dài. Một trong những món đồ bất ly thân anh thường mang theo trong các chuyến đi là sách và bình giữ nhiệt. Anh thích đi bộ đường dài vì bộ môn thể thao này giúp anh giải tỏa căng thẳng tốt, cũng như đây là cách hữu ích nhất để có thể tận hưởng cảnh đẹp ở những nơi mình đến. Việc đi bộ đường dài cũng giúp anh tìm được các góc máy để cho ra đời những bức ảnh đẹp, khiến anh ưng ý nhất.