Phượt: Dân đi bụi ban đầu dùng từ “lượt phượt” – chỉ chuyến đi lê la dài ngày, tự lên cung đường, tự tìm chỗ nghỉ chân, ăn uống, vui chơi…, sau nói gọn thành “phượt” nghe mạnh mẽ bụi bặm rất hợp chất. Về sau từ này trở nên thông dụng, nhà nhà người người dùng. Đi bộ, đi xe đạp, đi ô tô theo kiểu tự do đều gọi là phượt hết.
Phượt thủ: Những người thích đi phượt, đam mê xê dịch, khám phá.
Xế: Là người cầm lái chính, chủ yếu là nam giới.
Ôm: Là những người ngồi sau tay lái, chủ yếu là nữ giới.
Ọp ẹp: Sau khi hô hào giao lưu online thì sẽ có các buổi offline gặp mặt trực tiếp bàn chuyện. Nói theo kiểu tiếng Việt là ọp, rồi thành ọp ẹp.
Offroad: Là cung đường chạy xe gồ ghề đá sỏi đòi hỏi nhiều kỹ năng và bản lĩnh của người cầm lái.
Leader hay trưởng đoàn: Là người đứng đầu tổ chức chuyến đi, lên lịch trình, tuyển xế và ôm, tìm hiểu cung đường, điểm ăn-ngủ-nghỉ và ra quyết sách cho cả đoàn. Trưởng đoàn thường là người có kinh nghiệm, được mọi người trong đoàn tín nhiệm.
Dẫn đoàn: Là những người chạy đầu tiên dẫn đường, giữ nhịp tốc độ cho cả đoàn, thông báo kịp thời các vấn đề về chướng ngại vật phía trước. Tất cả các xe đều phải chạy sau người dẫn đoàn. Người dẫn đoàn thường là người có kinh nghiệm chạy xe, biết đường và luôn có bản đồ trong tay.
Chốt giữa: Là người đi giữa đoàn xe, có nhiệm vụ bao quát cả đoàn trước, sau và dừng lại chờ tại các ngã ba, ngã tư để chỉ đường cho nhóm sau đi tiếp.
Chốt đoàn: Là người đi sau cùng đoàn xe, có nhiệm vụ bảo đảm số lượng các thành viên và giải quyết các vấn đề nếu có xe bị tụt lại sau. Xe chạy chốt đoàn thường là người có kinh nghiệm và luôn có một bộ đồ sửa xe với đầy đủ các dụng cụ đi cùng.
Lên cung: Tức là lên kế hoạch lịch trình cho cung đường nào đó bao gồm: Quãng đường phải đi, các điểm chơi sẽ dừng lại, các điểm nghỉ chân dọc đường, ăn trưa và ăn tối, các điểm ngủ đêm, quãng đường đi mỗi ngày, các chú ý đặc biệt cho chuyến đi, đồ dùng cần mang theo, số thành viên, tổng tiền cần đóng, thời gian đi lại.
Đi trếch: Trekking, đi bộ để khám phá các vùng miền, làng bản nơi sâu thẳm trong rừng hay lên núi.
Tứ đại đỉnh đèo: Là 4 đỉnh đèo nổi tiếng hiểm trở bậc nhất vùng núi rừng phía Bắc bao gồm đèo Mã Pì Lèng (hay Sống mũi ngựa, dài 20km, nối hai xã Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang), đèo Ô Quy Hồ (hay đèo Hoàng Liên Sơn, dài gần 40km, nối hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu), đèo Pha Đin (nghĩa là Trời và Đất, đèo dài 32km, nối hai tỉnh Sơn La và Điện Biên) và đèo Khau Phạ (dài hơn 30km, nối giữa Tú Lệ và Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái).
Tứ đại tử địa: Là 4 địa danh khó nhằn và khó chinh phục của vùng đất Yên Bái, nơi thâm sâu cùng cốc với những đoạn đường đi xuyên trong rừng gồm Tà Sì Láng, Háng Tề Chơ, Phìn Hồ và Làng Nhì.
Đi chấm: Là hành trình đi theo tọa độ định vị của GPS tìm điểm giao nhau của đường vĩ tuyến và đường kinh tuyến. Một hành trình thú vị với bất cứ điểm đến nào.
Đi chấm điểm: Kiểu đi hời hợt, chỉ cốt đến được nhiều điểm chứ không tìm hiểu cảm nhận thiên nhiên, cuộc sống nơi đến.
Săn mây, săn lúa, săn tuyết: Là những cụm từ chỉ thời điểm có những đặc sản thiên nhiên vùng miền mà dân phượt thường mong chờ. Như “săn mây Y Tý”, “săn lúa Mù Cang Chải”, “săn tuyết Sapa”…
Say đường: Chỉ trạng thái của người chạy xe khi luôn muốn cầm lái chạy trên cung đường mà không muốn dừng lại.
Say nắng: Chỉ trạng thái tình cảm lướt qua của một cặp đôi xế – ôm nào đó trên đường, vì cảnh quan hữu tình, vì chung sở thích, vì chia sẻ khó khăn mà thích nhau. Những cặp đôi say nắng có thể về nhà sẽ “tỉnh” lại, nhưng có những đôi nên duyên vợ chồng.
Ảnh tặc: Là kẻ chuyên gia lao ra trước máy ảnh để đòi chụp trước khi nhường chỗ trống không người cho các tay máy tác nghiệp.
Người trong giang hồ: Để chỉ những người có chung sở thích xê dịch, hầu hết quen nhau, không đi cùng nhau nhưng biết tiếng biết mặt, gặp nhau lúc khó khăn trên đường sẵn sàng ra tay giúp đỡ.
Theo Lam Linh
LĐO