Du lịch là niềm vui của mọi nhà! Du lịch bằng xe máy thực sự không quá khó, đơn giản, tiết kiệm chi phí, và gần như có thể đưa bạn đến bất cứ đâu! Xe máy gọn, nhẹ, và hầu như ai cũng có, nên mọi người đều có thể bắt đầu đi du lịch gần như bất kỳ lúc nào bạn muốn.
Tuy nhiên du lịch bằng xe máy cũng có những khó khăn nhất định, như đồ phượt gồm có những gì, giải quyết hỏng hóc, thủng lốp, săm dọc đường như thế nào? Kế hoạch ăn uống, chi tiêu như thế nào là hợp lý? Cùng xem qua các bước chuẩn bị kế hoạch đi phượt với xe máy của Chrunix nhé.
Xác định cung đường sắp đi
Đi phượt thường các bạn không chuẩn bị trước đường đi, đi với tâm thế “đi đâu cũng được”, thế nhưng bạn nên xác định rõ ràng cung đường mà bạn chuẩn bị đi, để có thể xác định được địa hình, thời tiết, mật độ giao thông, để có những sự chuẩn bị nhất định và trang bị cũng như xe cộ.
Kỹ năng đọc bản đồ là khá cần thiết khi đi du lịch, không riêng gì đi phượt xe máy, mà gần như đi đâu bạn cũng sẽ cần. Chức năng dẫn đường trên Google Map rất dễ sử dụng, và chỉ cần có một chiếc smartphone, một cái giá đỡ điện thoại gắn xe máy, là bạn đã có thể đi những nơi mà bạn chưa đến bao giờ. Bạn chỉ cần lên danh sách các điểm phải đi, và dùng chức năng dẫn đường của Google Map để tìm đường ngắn nhất để đi đến đó. Sử dụng Google Map kết hợp với internet bạn còn có thể biết:
- Khoảng cách và thời gian di chuyển đến nơi cần đến
- Địa hình của quãng đường
- Mật độ giao thông trên đường
- Thời tiết dự kiến
Tuy nhiên đường ngắn nhất, chưa chắc đã là đường bạn nên đi. Google Map chưa có chức năng “tìm đường đẹp” để mà đi, nên nếu muốn tránh kẹt xe, tìm những đoạn đường vắng, ít người đi, nhiều cảnh đẹp, thì bạn không nên dùng chức năng dẫn đường của Google Map. Bạn sẽ cần dùng một chức năng khác, gọi là “vẽ bản đồ với Google Map”. Mình có một video hướng dẫn vẽ bản đồ google map dành cho cào cào, nhưng bạn có thể dùng tính năng này để vẽ đường, lên plan đi tour ở đâu cũng được và với xe gì cũng được, không nhất thiết phải đi kiểu cào cào.
Khi vẽ đường đi, bạn cũng sẽ dự tính được địa điểm mình sẽ đến ở mỗi ngày. Theo kinh nghiệm bản thân mình, nếu bạn quen với việc chạy xe đường dài, thì cũng chỉ nên dự tính đường đi tối đa 300km/ngày, không nên nhiều hơn. 300km đã là khá nhiều đối với một ngày, và bạn sẽ phải chạy xe 5-6 giờ đồng hồ, tính luôn giờ nghỉ dọc đường. Quãng đường và thời gian chạy xe mỗi ngày cũng phụ thuộc nhiều vào loại xe bạn sử dụng để đi du lịch. Xe số, xe tay ga sẽ mau mệt hơn nên dự tính quãng đường đi ngắn hơn. Các loại xe touring chuyên dụng, xe ADV có thể plan quãng đường mỗi ngày xa hơn, nhưng cũng không nên quá 400km và 8 tiếng chạy xe liên tục cho một ngày.
Bạn cũng nên nghỉ 15-20 phút giữa 1-2 tiếng chạy xe. Chạy xe liên tục quá lâu sẽ làm giảm khả năng tập trung, dễ gặp rủi ro trên đường.
Chuẩn bị kinh phí đi phượt xe máy
Liệt kê các chi phí có thể phát sinh khi đi phượt, dựa vào đó bạn có thể tính được số tiền bạn phải chi cho mỗi ngày. Nhân lên với số ngày bạn đi, bạn sẽ dự kiến được số tiền mà bạn phải chuẩn bị trước chuyến đi. Với mỗi ngày đi xe, mình tính như sau (cho một người một xe):
- 200.000đ cho việc ăn uống
- 300.000đ cho khách sạn
- 200.000đ để đổ xăng
Tất nhiên chi phí cho mỗi người sẽ khác nhau, phụ thuộc vào thói quen chi tiêu và điều kiện tài chính của mỗi người. Tuy nhiên, tính dư thì luôn an toàn hơn tính thiếu. Ngoài ra, bạn còn cần phải chuẩn bị chi phí cho những thứ phát sinh dọc đường như
- Hỏng xe, sửa xe
- Chi phí phà, cầu đường nếu có
Bạn nên chuẩn bị đủ số tiền mặt để mang theo, nếu không dự tính trước được điểm rút tiền dọc đường. Cây ATM thường chỉ có ở những thành phố lớn, nếu đường đi của bạn chỉ đi qua những thị trấn nhỏ, thì có khả năng bạn phải đi ngược hướng đường bạn muốn đi khá xa chỉ để rút tiền.
Đồ đi phượt xe máy – nên mang gì?
Ngoài trang bị đi xe, trang bị bảo hộ nếu có, bạn cần chuẩn bị quần áo mang theo:
- Trang bị bảo hộ nếu có
- Quần dài
- Áo phông
- Áo khoác giá
- Áo mưa bộ (áo mưa Givi)
- Khăn quàng cổ
Giấy tờ tùy thân
- Bằng lái
- Giấy tờ xe
- Giấy bảo hiểm xe
- Chứng minh thư
Chuẩn bị và kiểm tra xe trước khi đi
Để hạn chế hỏng hóc và rủi ro xảy ra dọc đường phá hỏng chuyến đi, tốt nhất là bạn nên đem xe ra hãng để kiểm tra, thực hiện một số công việc bảo trì đơn giản như thay nhớt, kiểm tra độ mòn của lốp, bố thắng, kiểm tra dầu phanh và nước mát… Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể, và nên tự kiểm tra tình trạng xe tại nhà, vì thực sự vẫn chưa có tiệm sửa xe nào cung cấp dịch vụ kiểm tra xe toàn diện, kể các các Honda Head hoặc Yamaha Town, đa phần chỉ sửa những thứ đã hư.
Một số bộ phận nếu xảy ra hư hỏng, hoặc hao mòn dọc đường có thể sẽ không thể sửa chữa được, đơn giản là vì các tiệm sửa xe dọc đường không phải lúc nào cũng có sẵn phụ tùng thay thế cho tất cả các loại xe máy, họ chỉ có những thứ cực kỳ đơn giản như săm lốp, hoặc nhớt để thay mà thôi. Nếu xe mà bạn sử dụng là xe nhập khẩu, không phổ biến, thì ngoài việc kiểm tra xe, bạn có thể sẽ phải đem một số phụ tùng phù hợp với loại xe, mà bạn dự kiến là có thể phải dùng trong chuyến đi.
Kiểm tra xe trước khi đi còn để đảm bảo an toàn cho chuyến đi của bạn. Những thứ như nhông sên dĩa, bố thắng, dầu thắng nếu đã hỏng mà bỏ qua, có thể gây rủi ro và nguy hiểm dọc đường đi. Những công việc kiểm tra và bảo trì bạn có thể tự làm:
- Kiểm tra độ mòn của lốp xe.
- Kiểm tra mức nhớt, thay nhớt nếu cần thiết (Xem hướng dẫn tự thay nhớt tại nhà)
- Kiểm tra lọc gió
- Kiểm tra độ mòn của bố thắng
- Kiểm tra dầu thắng
- Kiểm tra nước mát
Tham khảo thêm những mẫu xe máy phù hợp để đi phượt nếu bạn đang chọn mua xe máy phù hợp để đi phượt, đi xuyên việt.
Xử lý sự cố dọc đường
Cho dù bạn có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, thì mỗi chuyến đi đều có những việc ngoài ý muốn xảy ra. Hư hỏng xe hoặc gặp trở ngại dọc đường là một phần của cuộc chơi, do đó bạn cần chuẩn bị tinh thần cũng như kiến thức để đối phó mỗi khi sự việc xảy ra. Mình có một bài viết cụ thể về cách xử lý hỏng xe dọc đường, và phần lớn bạn chỉ cần biết cách tận dụng sự giúp đỡ của người địa phương.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm một số đồ nghề sửa xe nên mang khi đi phượt, đặc biệt là khi bạn chuẩn bị đi những cung đường khá vắng vẻ, ít tiệm sửa xe dọc đường.
Đôi lời nhắn nhủ gửi các bạn đi phượt
An toàn vẫn là tiêu chí hàng đầu khi đi phượt. Bài viết trên là quan điểm hoàn toàn đến từ phía tác giả, không có gì là chính xác tuyệt đối cả. Tuy nhiên, điều mà tác giả luôn muốn nhắn nhủ đến các phượt thủ rằng: “Hãy thật cẩn thận trong mỗi chuyến đi, cơ hội để đi thì bạn có nhiều nhưng tính mạng thì bạn chỉ có một. Đi cẩn thận và phải luôn an toàn, đi được thì nhớ phải về được”.
Bản thân người viết bài đã đi phượt khá nhiều, chứng kiến nhiều rủi ro của người khác cũng như rủi ro từ chính bản thân mình. Để chuyến đi được vui vẻ hơn, thoải mái hơn thì sự chuẩn bị kĩ càng về cả tinh thần, sức khỏe lẫn vật chất là một điều kiện quan trọng nhất. Nếu bạn đang bắt đầu tìm hiểu về những chuyến đi phượt thì hãy tìm kiếm những chuyên gia hoặc là người đi phượt lâu năm để có được những kinh nghiệm quí báu hơn nhé. Cuối cùng thì mình mong rằng bạn và những người đồng hành cùng bạn sẽ có những chuyến đi phượt an toàn, vui vẻ nhất và đừng quyên những kinh nghiệm đi phượt mà mình đã chia sẽ trong bài viết này nhé.
Được viết bởi Campingviet.vn