1. Chuẩn bị: Trên thực tế, chuẩn bị kỹ càng là khâu tối quan trọng, quyết định tới sự thành bại của một chuyến “phượt” dài ngày. Để có thể yên tâm rong ruổi dặm xa, bạn cần phải có được sự chuẩn bị kỹ càng về cả phương tiện, hành lý và tâm lý. Sau đây là một số lưu ý: Người đi phượt: Cần kiểm tra sức khoẻ trước chuyến đi. Nếu như có bất kỳ vấn đề sức khoẻ nào, tốt nhất nên ở nhà để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, bạn cũng cần phải tìm hiểu kỹ những thông tin, kinh nghiệm của những người đi trước để lường trước được những sự cố bất ngờ trên đường. Nếu như có thời gian, hãy học cách sửa chữa những hư hỏng thường gặp của xe vì rất nhiều người đã gặp trường hợp xe hỏng khi đang ở giữa những nơi “đồng không mông quạnh”. Hành trang mang theo nên (hoặc nhất thiết phải có) những thứ sau:
- Những vật dụng thiết yếu: bản đồ, sổ tay, bút viết, dao, nhíp, kéo, bông băng cá nhân, thuốc đỏ, các loại thuốc chữa bệnh thông dụng, ly nhựa, chén nhựa, muỗng nhựa, chai nước; dụng cụ vệ sinh cá nhân, quần áo thông thường, quần áo ấm, áo mưa, tất, khẩu trang, kính mát, mũ có vành và các loại thực phẩm ăn liền. Phải đi giày khi đi phượt, đồng thời mang theo một đôi dép để tiện đi lại và phòng khi giày ướt. Đặc biệt, không được quên những giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ xe, bằng lái, mũ bảo hiểm và tiền đủ chi dùng
- Các thiết bị điện tử: máy ảnh, máy định vị, điện thoại di động, laptop, máy nghe nhạc v…v… cùng với pin và bộ sạc cho từng thiết bị. Nên sắm một cục pin di động, tốt nhất là loại có thể sạc bằng ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, nên mang theo 2 chiếc điện thoại, trong đó một chiếc cần phải thuộc dạng “đập đá” với độ bền cao, cùng với sim của các mạng khác nhau, đề phòng trường hợp mạng chính của bạn rớt sóng.
- Đồ nghề sửa xe: Các loại cờ lê – tua vít thông dụng, miếng vá săm, móc lốp, bugi… Nếu có điều kiện nên chuẩn bị sẵn cả săm dự phòng, đề phòng trường hợp săm xe thủng quá lớn.
- Xe: về cơ bản, gần như tất cả các loại xe máy đều có thể sử dụng để đi xa được, miễn là bạn đã quen sử dụng chiếc xe đó. Tuy nhiên, đối với một chuyến phượt dài ngày, tốt nhất tránh sử dụng xe ga (gầm thấp, nguy hiểm khi lên xuống dốc), xe dưới 50 cc (máy yếu có thể không kéo được người và hành trang lên đèo cao) và nên sử dụng xe côn tay. Đi đường trường chủ yếu cần xe đằm, bền; không cần chạy tốc độ cao, chỉ cần chuẩn bị đầy đủ trước khi đi, cho xe nghỉ đúng mức là được.
Trước khi bắt đầu hành trình được 1 tuần cần đưa xe đi bảo dưỡng toàn bộ, mua sắm các vật dụng cần thiết và vạch ra lộ trình cụ thể. Một trong những vấn đề cần lưu ý nhất đó là hết xăng giữa đường, các bạn có thể tham khảo bài viết trước của chúng tôi để vạch ra phương án chuẩn bị và xử lý. 2. Kinh nghiệm khi đi du lịch bằng xe máy: Đi du khảo bằng xe gắn máy có những thuận lợi: bạn có thể ghé bất cứ nơi nào, dừng bất cứ thời gian nào, ở lại bất cứ nơi nào trong bao lâu tùy thích. Bạn sẽ được tha hồ ngắm cảnh, thoải mái chụp ảnh mọi góc độ mà không sợ trễ giờ của đoàn, lại có cơ hội tham quan những địa danh mới do dân địa phương chỉ dẫn (chưa có trong danh mục tour của các hãng lữ hành). Bạn sẽ được hòa mình vào cuộc sống của dân cư từng vùng, học hỏi được nhiều điều mà khi đi theo đoàn bạn không bao giờ biết tới. Bạn cũng không bị trở lại những nơi đã ghé qua, không phải nối đuôi nhau để ghi chép những điều trong cuốn sách du lịch nào cũng có và cũng không phải chi trả quá nhiều tiền chỉ cho cái giường ngủ mỗi đêm. Chưa kể, nhờ đi du khảo bằng xe gắn máy, bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ hẳn lên, năng động hơn trước và học tập được biết bao cách xử lý trong rất nhiều tình huống, sự cố cả về xe lẫn người.
- Nếu chọn tuyến đường dưới 100 km và đi về trong ngày, bạn sẽ phải khởi hành sớm (khoảng 3-4 giờ sáng) để dọc đường có thì giờ ghé qua những nơi bạn thích và khi đến nơi có cả ngày chơi đùa. Nếu chọn tuyến đường từ 100-200 km, bạn có thể khởi hành từ 5 giờ. Nếu chọn những tuyến đường dài trên 200 km và dự định đi dài ngày, bạn có thể khởi hành lúc nào tùy thích.
- Bạn phải dự trù sẽ đi bao lâu, đến bao nhiêu thành phố để đem theo tiền đủ dùng; phải tính toán trước đoạn đường sẽ đi trong ngày, để luôn đổ xăng đầy trước khi bình cạn hoặc mỗi khi trời vừa tắt nắng là bạn đã đến được một thị trấn, thị xã hay thành phố nào đó để thuê phòng trọ nghỉ đêm.
- Dọc theo những quốc lộ luôn luôn có những cây xăng, chỗ vá sửa xe. Tại các thị trấn, thị xã hoặc thành phố, nếu không có nhiều tiền hãy tìm những phòng trọ bình dân, giá mỗi đêm chỉ từ 30-50 nghìn đồng/phòng. Nếu túi tiền kha khá, bạn có thể vào những mini hotel giá khoảng 80-150 nghìn đồng/ngày. Dù chọn ở đâu, bạn cũng nên thỏa thuận giá cả trước.
- Bạn nên chọn quán ăn xa khu du lịch, nơi thường dân sinh sống; ăn sáng khoảng 5.000, cơm đĩa từ 5-8.000 đồng. Càng “trà trộn” vào đời sống của dân địa phương, bạn càng khám phá ra những điểm tham quan mới, tìm hiểu được nhiều tính cách, tập quán trong sinh hoạt, thói quen ẩm thực khác nhau của từng miền.
Kinh nghiệm khi leo dốc, đổ đèo:
- Tùy độ dốc mà về số thích hợp: 3, 2, 1.
- Nếu đi theo đoàn, hãy giữ khoảng cách giữa mỗi xe tối thiểu 10m, nếu không sẽ đâm xe liên hoàn khi xe đầu bị đổ, đặc biệt là khi xuống dốc.
- Khi lên dốc, nếu vít ga không thấy gì là do máy quá nóng. Phải dừng lại, nghỉ 15 phút chờ máy nguội. Tuyệt đối không phun nước vào máy vì sẽ gây nứt thân máy.
- Các xe phổ thông, đời không quá cũ thì phanh trước là đĩa, phanh sau là cơ (phanh đùm). Khi lên dốc, khói xe khét, phanh sau không khét. Khi xuống dốc khói xe không khét nhưng phanh sau khét. Đây là điều bình thường. Nếu cảm thấy mùi khét phát ra ở máy chứ không phải ở đuôi xe (nơi có ống xả và phanh sau) thì phải dừng lại xem xét)
- Khi xuống dốc nếu đi xe tay côn thì nên nhớ KHÔNG ĐƯỢC CẮT CÔN ĐỂ XE TRÔI TỰ DO. Nếu cảm thấy xe trôi dốc quá nhanh cần bóp kết hợp hai phanh, đồng thời chuyển về các số thấp để phanh động cơ. Một kinh nghiệm khi đi đèo đó là leo lên bằng số nào thì leo xuống sử dụng những số đó. Vào cua rộng, tránh cua hẹp dễ ngã hoặc chạm gầm xe.
3: Những lưu ý nếu “phượt” theo đoàn:
Chốt và dẫn đoàn:
- Về nguyên tắc, dẫn đoàn dẫn đường đi và điều phối tốc độ của đoàn (ví dụ: khi có đoạn giới hạn tốc độ tối đa) và tính toán khi nào cả đoàn nên dừng lại như khi đổ xăng, thay quần áo (mưa, rét, nóng), hay các việc khác. Còn chốt đoàn nhằm đảm bảo không ai bị rớt lại đoàn và đảm bảo đoàn đi với khoảng cách đồng đều. Khi có ai tụt lại, chốt đoàn phải tụt lại theo và cùng xe tụt lại đó đi nhanh hơn để bắt kịp đoàn. Chính vì vậy, Cần phân công 2 xe đi cuối thay nhau chốt và giám sát lẫn nhau.
- Xe dẫn đoàn thì đến chỗ rẽ thì dừng lại chờ anh em cùng rẽ. Trong trường hợp dừng trời tối, anh chị em dừng lại thì bật xi nhan phải để các xe khác còn nhìn thấy mà chọn lựa việc nhập đoàn (nếu là thành viên) hay né ra chỗ khác mà không xảy ra va chạm với đoàn. Dẫn đoàn cần đặc biệt tinh tế trong việc cho anh chị em dừng, nghỉ; căn tầm xăng; chọn chỗ rộng, thoáng, cảnh đẹp. Ngoài ra phải chú ý đường, biển báo hạn chế tốc độ.
- Chốt đoàn phải mang đồ nghề sửa xe, cứu thương và có hiểu biết cũng như khả năng xử lý và phản ứng nhanh với các sự cố hỏng hóc về xe cộ, sơ cứu
Thành viên trong đoàn:
- Về khoảng cách giữa các xe: Ở các đoạn Quốc lộ hay Cao tốc, khoảng cách giữa các xe khoảng 50m là vừa (vì tốc độ xe khi đó khoảng 50-60km/h) đảm bảo an toàn.
- Khi chạy tối, tốc độ sẽ giảm và các xe có thể đi gần nhau hơn – khoảng 20m – tuy nhiên, lúc này xe trước và xe sau sẽ đi so le với nhau (như trên 2 đường thẳng song song, nhưng không cách quá xa. Lợi ích của việc đi so le với nhau là các xe có thể soi đèn cho nhau, không bị khuất tầm nhìn, và nếu có xe nào rủi ro ngã thì xe sau không bị dính theo. trong trường hợp không áng chừng được khoảng cách. Mỗi xe đi làm sao để ít nhất nhìn được một xe đi sau và một xe đi trước mình. Đảm bảo mình đi đúng theo đội và người đằng sau cũng đi đúng theo mình.
- Khi trời tối nếu dừng lại yêu cầu các xế bật xi nhan xe để các xe nhận ra nhau, và để các phương tiện khác nhận biết xe
- Không vượt xe dẫn đầu trong bất cứ trường hợp nào: Xe dẫn đi nhanh mình đi nhanh, họ đi chậm mình đi chậm, họ dừng mình cũng phải dừng. Nếu bắt buộc phải vượt với lý do chính đáng thì sau đó phải giảm tốc độ xuống 10km/h chờ họ vượt lên rồi mới được trở lại vận tốc ban đầu
- Đến chỗ rẽ, xe dẫn đầu sẽ dừng lại chờ đủ người rồi đi. Đề nghị mọi người dừng sau xe dẫn đầu theo thứ tự trước sau. Không dừng trước xe dẫn đầu, không dồn cục quanh xe dẫn đầu gây cản trở giao thông và có thể gây nguy hiểm.
- Qua ngã ba ngã tư không thấy xe dẫn đầu đứng chờ thì mặc định đi thẳng.
Tuyệt đối không:
- Uống nhiều bia rượu trong các chặng nghỉ trên đường đi (đặc biệt là các chặng nghỉ trưa, giữa đường) hoặc làm ảnh hưởng đến lịch trình của ngày tiếp theo.
- Vượt dẫn đoàn, trừ khi đang đà lên dốc, nhưng sau khi lên dốc xong phải giảm tốc độ nhường dẫn đoàn đi trước.
- Tách đoàn đi lẻ.
- Phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng khi đang lưu thông trên các tuyến đường. Tuân thủ tuyệt đối luật an toàn giao thông.
- Cư xử hoà nhã đúng mực, tránh xảy ra va chạm, cãi nhau, xô xát với dân địa phương.