Một chiếc nệm xếp gọn cho hoạt động leo núi, cắm trại không những giúp bạn có một giấc ngủ êm ái, thoải mái mà còn hỗ trợ ngăn hơi đất, cách nhiệt, bảo vệ bạn tốt hơn.
- Các loại nệm
- Chọn nệm dựa vào tình chất chuyến đi
- Đặc điểm lưu ý khi chọn nệm
1. Các loại nệm
Nệm hơi
Nệm hơi dạng sử dụng hoàn toàn khí để bơm vào (Air pads), đây là loại nệm tiêu biểu, phổ biến cho cắm trại, leo núi. Thường nệm dành cho 1 đến 2 người, ngoài lớp không khí cách nhiệt thì vật liệu làm nệm cũng được trang bị cách nhiệt để hỗ trợ giữ ấm. Đây là loại nệm bạn phải tự thổi phồng nó, có thể tự thổi bằng miệng, hoặc sử dụng máy bơm để làm phồng nệm. Ưu điểm: Đây là loại nệm gọn nhẹ nhất, có kích thước xếp nhỏ nhất (So với những loại khác có cùng kích thước sử dụng). Là lựa chọn hàng đầu cho những bạn đi cắm trại, leo núi. Cách sử dụng dễ dàng, dễ bơm và dễ xả khí. Nhược điểm: Giá thành có xu hướng đắt hơn so với những loại khác có cùng kích thước sử dụng. Đồng thời chúng sẽ dễ bị rách và hỏng hơn nhưng loại khác, nhưng việc sửa chữa cũng tương đối dễ dàng với những bộ kit sửa chữa đi kèm. Vì là nệm hơi, sử dụng 100% là hơi để bơm đầy nên có thể bị xẹp 1 phần vào giữa đêm nếu nệm của bạn quá cũ hoặc do bạn không khóa kỹ van. Đệm hơi sẽ tạo ra những âm thanh hơi khó chịu khi bạn chuyển động trên chúng. Nếu bạn là một người có thính giác tốt và khó ngủ thì hãy chú ý điểm này.
Nệm tự phồng
Nệm hơi tự phồng là loại nệm kết hợp giữa xốp cách nhiệt và nệm hơi. Lớp xốp được nén khi xếp nệm, và được giải phóng – tự hút không khí vào để lấp đầy những lỗ trống của xốp và phồng ra khi mở van hơi. Loại này thường chỉ xếp được ở dạng cuộn tròn chứ không xếp gấp như nệm hơi. Ưu điểm: Êm ái và dễ chịu hơn so với nệm hơi. Nệm có khả năng giữ nhiệt tốt hơn. Nệm giữ hơi tốt và nhờ lớp xốp mà không gây khó chịu dù có thất thoát 1 chút hơi. Nhược điểm: Kích thước xếp lớn hơn nhiều so với nệm hơi có cùng kích thước sử dụng. Đồng thời cũng nặng hơn nên chỉ phù hợp với những chuyến cắm trại bằng phương tiện. Không quá phổ biến khi đi leo núi, trekking.
Nệm xốp
Là loại nệm được làm từ bọt xốp dày, không nén được. thường được gấp theo hình chữ Z hoặc cuộn tròn để mang theo. Ưu điểm: Chúng tương đối nhẹ, rẻ và bền. Cách nhiệt tốt. Bạn cũng không cần phải lo lắng về nguy cơ chúng bị thủng hay xì khí. Nhược điểm: Kích thước xếp lớn, khá cồng kềnh (Nhưng vẫn được ưa chuộng để trong những chuyến trekking).
2. Chọn nệm dựa vào tính chất chuyến đi
Yếu tố đầu tiên cần chú ý khi chọn một chiếc nệm cho chuyến đi của mình là tính chất chuyến đi. Bạn đi phượt xe máy/ ô tô, đi cắm trại hay là leo núi, trekking. Bạn đi vào mùa nào?
Cắm trại bằng xe hơi: Một điều kiện lý tưởng và bạn không nhất thiết phải chú ý tới kích thước xếp hay khối lượng của nệm, mà thay vào đó là cảm giác sử dụng chúng. Bạn có thể chọn một chiếc nệm dày, khá nặng nhưng mang lại cho bạn cảm giác nằm thoải mái, dễ chịu và êm ái. Thường những tấm nệm tự phồng sẽ là lựa chọn phổ biến cho những bạn đi cắm trại bằng xe hơi.
Cắm trại bằng xe máy: Đơn thuần là đi xe máy đến điểm hạ trại, bạn có thể chọn 1 chiếc nệm hơi từ phồng hoặc nệm xốp để tiết kiệm chi phí. Hoặc bạn có ý định đem nó theo trong những chuyến leo núi, trekking sau này thì hãy chọn nệm hơi nhé – Nếu muốn tối giản hành lý thì tốt nhất là chọn nệm hơi.
Leo núi – Trekking: Tiêu chí hàng đầu khi chọn nệm cho leo núi – trekking phải là gọn và nhẹ, tức là kích thước xếp phải nhỏ và khối lượng phải càng nhẹ càng tốt. Việc có một giấc ngủ ngon khi kết thúc một ngày đi bộ là vô cùng cần thiết, một chiếc nệm hơi sẽ giúp giấc ngủ của bạn trở nên hoàn hảo hơn. Trong trường hợp này bạn có thể chọn một chiếc nệm hơi 1 người nhỏ gọn, hoặc nệm xốp 1 người và treo chúng ở ngoài balo để tiết kiệm không gian bên trong balo.
Chỉ số giữ ấm của nệm
Chức năng của nệm hơi ngoài tạo cảm giác thoải mái còn là một lớp cách nhiệt để đem lại cho bạn một giấc ngủ đảm bảo. Cho dù là mùa hè hay mùa đông thì việc giữ ấm – cách nhiệt cũng vô cùng cần thiết, vì bạn nằm ngay trên mặt đất – chính xác hơn là nằm cách mặt đất 1 lớp đáy lều, việc trang bị thêm 1 lớp cách nhiệt là vô cùng cần thiết.
Thường chỉ số giữ ấm hay cách nhiệt của nệm được thể hiện qua giá trị R – Resistant. Giá trị R càng cao, nệm chống nhiệt càng tốt. Giá trị này thường được in trên bao bì sản phẩm với mức giá trị từ 1 (Mức tối thiểu) đến mức cao nhất là 11. Thường thì nệm càng dày sẽ có giá trị R cao hơn, tuy nhiên còn phụ thuộc vào chất liệu làm nệm. Thường những nệm thích hợp cho khí hậu ở Việt Nam có giá trị R nằm ở khoảng 1-4. Hoặc đôi khi chỉ số giữ ấm không được thể hiện dưới dạng chỉ số R mà ghi ở một mức độ chịu nhiệt cụ thể.
Điều kiện khí hậu Bình thường Mát Lạnh Rất lạnh Nhiệt độ môi trường dự kiến ban đêm >10 oC 10 oC 0 oC < -6 oC Chỉ số R 1 hoặc không thể hiện giá trị 1-2 2-3.9 >4
3. Đặc điểm lưu ý khi chọn nệm
Kích thước nệm
Chọn một chiếc nệm mà có kích thước đủ thoải mái để bạn nằm lên, lăn qua lăn lại vẫn thoải mái. Kích thước nệm cần xem xét bao gồm chiều dài nệm, bề ngang và độ dày của nệm. Một số nệm bạn có thể tham khảo:
Nệm hơi Naturehike 1 người FC-10 và 2 người FC-11
Khối lượng nệm
Khối lượng thì tùy vào mục đích và tính chất chuyến đi mà lựa chọn phù hợp. Đi leo núi thì ưu tiên khối lượng nệm nhẹ. Nệm hơi 100% và nệm xốp sẽ nhẹ hơn nệm tự bơm. Nếu bạn đi chung với ai đó, có thể thương lượng để 2 người mua chung 1 chiếc nệm 2, vì nệm 2 người sẽ có trọng lượng nhẹ hơn 2 cái nệm 1 người cùng loại.
Hình dạng bề mặt nệm
Nhằm mang lại một giấc ngủ đảm bảo thì ngoài dạng mặt phẳng thì còn có một số thiết kế như vân lượn sóng, vân trứng,… nhằm mục đích massage, giúp lưu thông máu tốt hơn trong khi ngủ, đem lại một giấc ngủ với chất lượng tốt nhất.
Hình dạng và kích thước xếp
Việc xếp nệm cũng được quan tâm khi chọn một chiếc nệm cho dã ngoại. Thường nệm hơi sẽ xếp gấp gọn nhất, nệm hơi tự phồng và nệm xốp thường xếp theo dạng cuộn tròn hoặc xếp theo hình chữ Z nên có kích thước xếp lớn hơn. Hãy tham khảo ý kiến của nhân viên về cách xếp nệm để tối ưu không gian cho chuyến đi nhé.
Loại Van
Có nhiều loại van được sử dụng cho nệm hơi, điển hình như:
- Van kép: Van xả và van bơm là 2 van tách biệt, hạn chế tình trạng hơi bị ra ngược khi thổi
- Van 1 chiều: Là 1 van nhưng chiều hơi ra ngược bị chặn lại để tránh tình trạng hơi bị ra ngược khi thổi, muốn xả hơi cần tác động cơ học vào van để xả được.
- Van thường: Loại van thông dụng, không có vách ngăn chống hơi ra ngược, nên khi thổi xong bạn cần nhanh chóng đóng van nếu không muốn thổi lại.
Dụng cụ bơm cầm tay
Việc thổi phồng 1 chiếc nệm sau ngày dài leo núi thật không dễ dàng chút nào. Nên sử dụng bơm cầm tay là một lựa chọn hợp lý. Thường không được bán kèm với nệm nhưng bạn có thể mua riêng.
Bơm hơi sạc điện cầm tay Naturehike NH17C100-B
Bộ kit sửa chữa – và nệm
Thường sẽ được bán kèm với nệm, nhưng hay bị lãng quên vì chúng quá nhỏ, dễ lạc mất.