Trở về nhà sau khi dẫn đầu đoàn múa lân, rước kiệu từ đình làng Yên Phụ ra chùa Trấn Quốc, ông Phương Sơn không hề vương một chút mệt mỏi. Mái tóc ông dài, bạc trắng được búi gọn phía sau, râu dài bạc phơ, nước da hồng hào, bước chân khỏe khoắn, và chất giọng sang sảng.
Hơn 1/4 thế kỷ, ông Sơn là người dẫn đầu đội múa lân, đánh trống mỗi dịp hội làng. Gần bước sang tuổi 80 nhưng ông vẫn làm được những việc mà các cụ cùng tuổi mơ ước: Buổi sáng đi quyền, luyện khí công, bốc thuốc chữa bệnh, chiều chơi tennis, tối dạy võ. Thỉnh thoảng, ông lại tụ tập cùng hội xe XHCN mà ông là thành viên, lên kế hoạch cho chuyến đi đến những miền xa xôi của đất nước.
Mùng 4 Tết vừa rồi, ông Sơn và hội xe đi du xuân 4 ngày từ Hà Nội lên Pác Bó (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Tháng 10/2013, nhóm ông đi Hà Giang, tặng quà cho trẻ em trường PHCS Lao Chải. Vào tháng 5/2013, nhóm đi nông trường chè Hòa Bình… Tuổi cao nhất hội chơi xe XHCN nhưng ông Sơn có máu xê dịch không kém bất kỳ ai.
Ông cụ sở hữu dàn máy ảnh, máy quay phim cổ và ba chiếc xe để đi phượt, gồm chiếc Honda Custom chạy tối đa 90 km/h, rất tiết kiệm nhiên liệu, chiếc Honda LA hầm hố, chạy rất êm kể cả khi lên dốc. Xe này có thể chạy 120 km/h vẫn rất nhẹ nhàng và được ông ưng ý nhất. Chiếc xe thứ ba là Sidecar mang đậm phong cách thời chiến, thuận tiện để ông chở thêm một người bạn đồng hành.
“Mỗi chuyến đi hơn 1.000 km, một cung đi 300-400 km một ngày. Chúng tôi thử hết các loại địa hình, thời tiết như đèo, dốc, trong trời mưa trơn, trượt… “, ông cho biết.
Trong chuyến du xuân vào mùng 4 Tết có hơn 20 xe tham gia, ông Sơn đồng hành cùng con 3 bánh. Đây là chuyến đi thử thách qua các đèo nguy hiểm. Từ Hà Nội lên Pác Bó phải qua 5 đèo, từ đó đến Mẫu Sơn qua 3 đèo. Chiếc xe 3 bánh của ông chạy rất tốt. Lúc lên dốc không bị trôi, xuống đèo toàn khúc cua gấp tay áo, chạy 50-60 km/h.
Theo ông, trong tất cả chuyến phượt, kinh khủng nhất là đến Lao Chải (Vị Xuyên, Hà Giang). Điểm trường ở đây cách thành phố 50 km. Xe cộ chạy ngon lành suốt 45 km, nhưng đến vài km cuối, đường bùn đất sình lầy, chạy xe mất 4 tiếng. Ông Sơn chạy con LA máy rất khỏe, không bị ngã nhưng đến nơi cũng thấm mệt. Đêm đó gió mùa về, lại không có chăn đắp, nhưng ông và đoàn xe vẫn ngủ li bì.
“Mùa đông đến nhưng trẻ em ở đây không có quần áo ấm, toàn đi chân đất. Chúng tôi ‘tăng bo’ hơn 4 tấn hàng gồm đồ ăn, quần áo, sách vở, giường chiếu, tivi, đầu vi tính đến cho các em. Trong các chuyến đi của chúng tôi, ngoài mục đích thử thách sức chịu đựng, độ dẻo dai, đua tốc độ, còn đi vì khám phá các vùng đất, tìm nơi khó khăn để quyên góp giúp đỡ”, ông Sơn cho biết thêm.
Cụ ông lãng tử trên những cung đường phượt
Căn nhà 4 tầng của ông Sơn nằm ngay mặt phố An Dương. Mấy chục năm nay đây là địa chỉ quen thuộc của người bệnh đến bốc thuốc. Ông Sơn nhấp ngụm trà sen được vợ kỳ công tẩm ướp, vuốt bộ râu dài, cất giọng sang sảng nói về mình:
Chân dung lãng tử Lòa xòa tóc bạc xõa bờ vai Trắng xóa đắm say những miệt mài Xuân hạ thu đông luôn khởi sắc Vẫn nguyên khí khái một thời trai.
Ông Sơn là con duy nhất trong một gia đình gốc Hoa. Thuở thiếu niên, bố mẹ gửi ông theo học một cư sĩ nổi tiếng. Trí thông minh, tính cách phóng khoáng nên ông được thầy quý nhất. Sư phụ xem tử vi thấy cuộc đời ông nhẹ bẫng, thênh thang nên đặt cho tên hiệu Lãng Tử và cái tên Lãng tử Phương Sơn có từ ngày đó. Bạn bè, hàng xóm còn gọi ông là ông tiên, ông lão mê phượt.
Thời trẻ, ông dạy võ trong đình làng ở Yên Phụ. Cũng chính nơi đây, hằng ngày cô thiếu nữ Ngọc Vinh vẫn lén nhìn qua cửa ngắm nhìn chàng lãng tử dạy võ, giỏi đàn guitar. Tiếng đàn gắn kết đôi trai gái trẻ. Họ kết hôn và sống cuộc đời hạnh phúc từ bấy đến nay.
Ông Sơn mở một hiệu thuốc, kiếm sống bằng việc chữa các bệnh khớp, gan, vô sinh… Mỗi ngày ông chỉ chữa bệnh 4 tiếng buổi sáng. Đến chiều, ông chơi thể thao, và buổi tối dạy võ miễn phí cho mọi người. Mấy chục năm qua, ông có hàng nghìn học trò ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng từ nhỏ đến những người già cả.
Ông cụ bộc bạch, ba nguyên tắc sống của ông là quên tuổi tác, quên bệnh tật, quên hận thù. Từ xưa đến nay, ông luôn thực hiện chế độ ăn uống hợp lý. Buổi sáng uống một chút nước đậu, buổi trưa ăn thật no. Buổi tối thường chỉ ăn bìa đậu, chút hoa quả. Dành thời gian lớn trong ngày luyện tập thể dục thể thao, ông còn soạn bài giảng tiếng Hán để đầu óc minh mẫn hơn.
Bà Ngọc Vinh (73 tuổi, vợ của ông Phương Sơn) chia sẻ thêm, sức khỏe bà không tốt nên không thể tham gia cùng chồng trong những chuyến đi phượt. Mỗi chuyến ông đi, biết là nguy hiểm nhưng bà tin vào sức khỏe và độ dẻo dai của chồng do đã luyện tập võ nghệ, ăn uống điều độ mấy chục năm qua.
“Từ trước đến nay, ông ấy toàn là người chăm sóc tôi và gia đình. Tính ông cẩn thận nên tôi cũng không lo lắng lắm. Mỗi lần ông ấy đi, tôi thường nghe thời tiết, nhắc ông kiểm tra xe cộ và mang đồ dùng đầy đủ”, bà Vinh cho biết.
Phan Dương