Trekking cùng Tổ Ong, thưởng thức ẩm thực Tây Bắc
Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu thơ: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá” để thể hiện lối sống hòa hợp với thiên nhiên, mùa nào thức nấy, vô cùng bình dị. Điều này cũng tương tự với con người và ẩm thực Tây Bắc. Đặc điểm chung của các món ăn ở đây chính là sự dân dã và luôn gắn liền với tự nhiên. Để khám phá nét đẹp trong văn hóa ẩm thực vùng cao, hãy đi cùng Tổ Ong trong những chuyến trekking nhé.
Thịt được nướng lên bằng những dụng cụ thô sơ
Cơm lam:
“Lam” ở đây là nướng chín một thứ gì đó bằng ống nứa. Trong những chuyến đi rừng, đi làm nương ngày xưa, cơm lam đã làm ấm bụng biết bao nhiêu thế hệ người Dao, người Mông, người Nùng… Và cho đến ngày nay, cơm lam trở thành một món ăn phổ biến, giàu giá trị văn hóa. Không cần nguyên vật liệu cầu kỳ, chỉ cần một ống tre, gạo nếp, nước và một chút muối là đủ để có một ống cơm lam thơm lừng. Hạt cơm trắng ngần, thoang thoảng mùi nứa, có thể để nhiều ngày mà không sợ hư. Chuyến hiking có cơm lam ăn kèm với thịt nướng hay muối vừng thì còn gì tuyệt bằng.
Lẩu cá tầm:
Mỗi khi kết thúc một chuyến trekking Tây Bắc, Tổ Ong sẽ đưa bạn đi thưởng thức lẩu cá tầm. Nồi lẩu nghi ngút khói, thơm nức mũi chắc chắn sẽ khiến bạn thích thú. Điều đặc biệt ở đây chính là cá tầm. Cá tầm sinh trưởng ở vùng cao, nơi có nhiều suối thác cho thịt rất chắc, ít mỡ, không hề ngấy. Vị ngọt thanh của cá hòa quyện trong nước dùng chua chua cay cay, húp một ngụm thôi là đã thấy sảng khoái tinh thần. Khi ăn kèm với các loại rau rừng, món lẩu trở nên độc đáo hơn bao giờ hết.
Thịt gác bếp:
Đây có lẽ là món cầu kỳ nhất trong ẩm thực vùng Tây Bắc, rất đáng để thử khi trekking. Thịt có thể là thịt trâu, thịt bò hoặc thịt lợn được chăn thả tự nhiên. Nhờ điều kiện đồi núi nhiều cùng với tiết trời lạnh giá, trâu bò ở đây cho thịt rất chắc. Đầu tiên thịt được thái thành từng miếng dài 20 – 30cm. Sau đó, người ta đem đi tẩm ướp gia vị gồm ớt, gừng, thảo quả, mắc khén, rượu trắng… Tiếp theo là xiên thịt và treo lên gác bếp để cho khói hun đến khi chín. Thời gian để có một thành phẩm thịt gác bếp là 15 – 20 ngày. Lúc này thịt săn và khô lại, có màu nâu óng, ám mùi khói nhè nhẹ xen lẫn vị ngọt đậm đà. Dù không có chất bảo quản nhưng món này có thể để ăn dần đến cả tháng.
Món thịt gác bếp thơm mùi khói
Thắng cố:
Nếu như ai ăn không quen có thể sẽ không thích món thắng cố, nhưng khi đã quen rồi thì rất dễ bị nghiện. Thắng cố trong tiếng H’Mông có nghĩa là “nồi nước”. Người ta sẽ làm sạch tất cả bộ phận của con ngựa, kể cả lục phủ ngũ tạng. Sau đó cho vào một nồi nước thật to, ninh trong nhiều giờ liền. Có khoảng 12 loại gia vị được nêm vào như muối, sả, gừng, thảo quả, hoa hồi, quế chi, lá chanh… Ngoài ra còn thêm chút ngô với rau rừng. Về sau, nguyên liệu nấu thắng cố còn có thịt trâu, thịt bò. Nhìn chung, thắng cố khá kén người ăn vì có mùi hôi. Tuy nhiên, đó chính là điểm làm nên sự đặc biệt cho món ăn này.
Rượu:
Nhắc đến thức ăn ngon thì không thể thiếu thức uống rồi. Mỗi vùng miền lại có một công thức nấu rượu khác nhau, Tây Bắc cũng vậy. Còn gì tuyệt vời hơn khi được nhâm nhi một chút rượu vùng cao trong những chuyến trekking. Rượu được nấu lên từ những gì tinh túy nhất của đất trời như ngô, sắn, men lá và nguồn nước tự nhiên. Tất cả được ủ trong thời gian dài để có một ché rượu chất lượng. Ngoài ra, còn một loại rượu khác cũng làm ngây ngất lòng người đó là rượu táo mèo. Táo mèo hay còn gọi là sơn tra, là một loại cây mọc nhiều trên dãy Hoàng Liên Sơn. Mỗi khi thu hoạch, người ta sẽ chọn những trái táo mèo không quá to, có một mặt hồng, một mặt vàng để ngâm rượu. Rượu càng ngâm lâu càng cho màu đẹp mắt, càng thơm nồng. Đối với người Tây Bắc, rượu đóng một vai trò quan trọng trong đời sống. Rượu xuất hiện trong những lễ hội, rượu là hiện thân của lòng hiếu khách và rượu như một chất xúc tác cho những câu chuyện trên bàn ăn. Có thể nói, rượu chính là linh hồn của người dân nơi đây.
Nướng thịt cùng người dân bản địa
Các loại gia vị đặc trưng:
Khi trekking, bạn có nhận thấy sự đặc biệt khi thưởng thức các món ăn vùng Tây Bắc? Điều làm nên sự độc đáo đó chính là các loại gia vị như mắc khén hay hạt dổi.
Mắc khén được ứng dụng trong hầu hết các món ăn của đồng bào miền núi. Quả mắc khén sau khi thu hoạch được đem đi phơi khô để dùng quanh năm. Hạt mắc khén khô có màu nâu sậm, mùi thơm nồng, vị cay nhè nhẹ, tê tê đầu lưỡi. Khi chế biến cùng với các món nướng, món khô hay làm nước chấm, loại hạt này sẽ làm cho món ăn dậy mùi thơm phức.
Hạt dổi cũng đóng vai trò rất lớn trong bữa ăn. Cây dổi có thân gỗ, vô cùng cao lớn. Khi đến mùa, quả dổi sẽ rụng đầy mặt đất và được người dân nhặt về. Họ phơi khô cho đến khi quả nứt ra và lộ hạt bên trong. Thành phần chính của hạt dổi là tinh dầu có vị cay và rất thơm, sử dụng cùng với mắc khén. Không chỉ có hạt, mà thân cây dổi cũng có giá trị cao. Được ví như “vàng đen của núi rừng Tây Bắc”, hạt dổi đã và đang góp phần đem lại lợi ích kinh tế cho khu vực.
Những món ăn ở vùng Tây Bắc luôn có một sức hút đặc biệt với những tâm hồn đam mê xê dịch. Được thưởng thức một lần là nhớ mãi không thôi. Ẩm thực không chỉ để làm ấm những chiếc bụng đói mà ẩm thực còn giúp ta thêm hiểu về văn hóa và con người. Trekking cùng Tổ Ong để có cơ hội trải nghiệm ẩm thực vùng cao ngay hôm nay nhé.
Gợi ý bạn đọc:
Tham khảo Tour Trekking Ky Quan San tại Tổ Ong Adventure
Vẻ đẹp độc đáo của Lảo Thẩn mùa lạnh giá
Nhận dạng và phòng chống các loài có độc trong chuyến Hiking miền Bắc