Hà Giang mùa xuân về – Ảnh: Phạm Hải
Mùa xuân ở những vùng đất xa lạ
Mặc dù bộn bề với công việc, nhưng với niềm đam mê khám phá những vùng đất mới lạ, Phạm Hải thường tranh thủ những ngày nghỉ lễ, Tết để tự thưởng cho mình một chuyến đi phượt. Anh nói rằng mùa xuân là một trong những thời điểm thích hợp cho các hoạt động gắn với thiên nhiên:“Mỗi dịp Xuân về, tôi sẽ rủ rê bạn bè, người thân đi chơi ở vùng Tây Bắc, ngắm nhìn những sắc hoa nở rộ hai bên đường hoặc những bản nhỏ của đồng bào dân tộc. Còn gì thú vị hơn là cùng nhau quây quần bên bếp lửa, thưởng thức men rượu nồng và những món ăn đặc sản vùng cao”.
Theo Hải, đây là khoảng thời gian mà anh và nhóm bạn của mình có tâm trạng thoải mái nhất. Gác lại những bộn bề của cuộc sống, việc cùng nhau đi phượt sẽ giúp họ có thêm sự gắn kết, sẻ chia và những kỷ niệm tươi đẹp.
Mùa xuân 2019, sau khi đã thống nhất kế hoạch, nhóm của Hải lựa chọn Hà Giang là điểm đến cho hành trình của mình. Chuyến đi 3 ngày 2 đêm. Họ đi từ Hà Nội lên TP Hà Giang bằng xe khách, sau đó thuê xe máy, tiếp tục di chuyển theo lộ trình Yên Minh – Đồng Văn – Mèo Vạc.
Dốc Thẩm Mã một chiều đầy nắng – Ảnh: Phạm Hải
Anh kể lại trong niềm hứng thú: “Chúng tôi đi qua những bản làng nhỏ, với những người dân vô cùng đáng yêu và thân thiện, ngắm sắc hoa đào rực rỡ, sắc hoa cải cuối đông còn sót lại, và thưởng thức những món ăn đặc sản. Trong hành trình, chúng tôi dừng lại nghỉ đêm tại thị trấn Đồng Văn, trời se lạnh, được ngắm pháo hoa, ngủ trong căn nhà cổ có tuổi đời cả trăm năm. Thật tự hào khi đặt chân đến cột cờ Lũng Cú, nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong nắng chiều hay khi đứng giữa đèo Mã Pí Lèng, ngắm nhìn dòng sông Nho Quế hiền hòa. Và hạnh phúc thực sự khi đi trên con đường mang tên Hạnh Phúc dài hơn 180km, nối TP Hà Giang xuyên cao nguyên đá Đồng Văn”.
Mặc dù vậy, không phải chuyến đi phượt nào cũng diễn ra trong sự thuận lợi, tốt đẹp. Hải còn nhớ cuộc hành trình diễn ra tháng 12/2016, sau khi leo núi Bạch Mộc Lương Tử, nhóm của anh trở về Y Tý lúc trời đã nhá nhem tối và cơ thể ai nấy đều mệt rã rời. Họ vội vàng lên xe máy về thị trấn Sapa để kịp chuyến xe đêm về Hà Nội. Mặc dù quãng đường chỉ dài khoảng 80km nhưng việc di chuyển gặp nhiều khó khăn do đặc thù địa hình vùng núi cao, giáp biên giới, đoạn đường nhiều chỗ khó đi với những cung đèo hiểm trở, tầm nhìn hạn chế do sương mù, trời tối.
Cung đường uốn lượn ở Hà Giang – Ảnh: Phạm Hải
“Nghĩ đến cảnh đi xe máy giữa mịt mùng đêm tối, bụng đói và lạnh, mà sởn gai ốc. Suốt quãng đường, chúng tôi gặp nhiều xe ô tô đi ngược chiều bật đèn pha trong đêm tối, rất khó đi. Hai bên là vực, chỉ cần sơ sẩy là có thể gặp tai nạn ngay. Lúc đó, chúng tôi phải tự động viên nhau, đi chậm, cố gắng vượt qua, an toàn trở về thị trấn Sapa. Phần thưởng sau đó là một bữa ăn căng bụng, và tắm lá thuốc của người Dao đỏ, trước khi ra bến xe trở về thủ đô. Đến bây giờ, với tôi đó vẫn là một chuyến đi nhớ đời” – anh Hải kể lại.
Hành trình an toàn cho niềm vui trọn vẹn
Theo anh Hải, để phượt an toàn vào mùa xuân, hay bất kỳ mùa nào trong năm, điều quan trọng nhất là kế hoạch phải được chuẩn bị kỹ càng, từ lịch trình đến phương tiện di chuyển.
Để hướng tới sự an toàn trong cuộc hành trình, trước hết phải tìm hiểu thật kỹ các thông tin về nơi sẽ đi qua: cung đường, điểm nghỉ ngơi, văn hóa, tập tục… Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết trong những ngày diễn ra hành trình. Cần xác định thời gian xuất phát và luôn có phương án dự phòng cho những sự cố ngoài ý muốn như hỏng xe, thời tiết xấu…
Phạm Hải trên cung đường phượt mùa xuân
“Có rất nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình đi phượt, chẳng hạn sức khỏe không đảm bảo, thiếu kinh phí di chuyển, gặp những rủi ro về tai nạn, hoặc tâm lý không ổn định do bất đồng quan điểm giữa các thành viên trong nhóm… Bạn cần giữ vững tinh thần, tỉnh táo, bình tĩnh để xử lý những sự cố khi xảy ra” – anh Hải chia sẻ.
Việc chuẩn bị các vật dụng cần thiết trong suốt chuyến đi cũng hết sức quan trọng. Chỉ nên mang những thứ cần thiết và quan trọng nhất, không mang quá nhiều khiến việc di chuyển gặp khó khăn. Ngoài giấy tờ tùy thân và đồ dùng cá nhân như quần áo, thiết bị liên lạc, sạc dự phòng, dụng cụ sửa xe… thì cần trang bị thêm dụng cụ y tế như thuốc men, dầu, cao, bông băng cũng như một số thực phẩm khô vừa đủ.
Trong hành trình, các thành viên nên thống nhất về tốc độ di chuyển, tuân thủ luật lệ giao thông, bao quát giúp đỡ nhau, không tách đoàn.
Ngoài ra, cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý tùy theo địa điểm đến. Ở một số thành phố lớn, khu vực đông dân cư có thể sử dụng thẻ ATM, nhưng vẫn nên chuẩn bị trước một số tiền đảm bảo cho hành trình được thuận tiện.
Ngôi nhà mơ ước của Liên Tết không cồn liệu có còn vui? Chuyện về chàng công nhân vừa kịp đón chuyến xe gần chót về ăn Tết ở quê nhà