Pháp được đánh giá là một trong những thị trường khách du lịch quan trọng của Việt Nam tại khu vực Tây Âu nói riêng và thế giới nói chung. Đến nay, Pháp đứng thứ 7 trong danh sách các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, với 14 dự án đầu tư, trị giá 188 triệu USD vào lĩnh vực khách sạn, du lịch.
Việt Nam và Pháp đã ký Hiệp định hợp tác từ tháng 1/1996 về các nội dung: khuyến khích phát triển du lịch song phương, tăng cường trao đổi đoàn; trao đổi thông tin về du lịch và các lĩnh vực có tác động đến du lịch; nghiên cứu, thực hiện các dự án về du lịch, khuyến khích giúp đỡ kỹ thuật, trao đổi chuyên gia, dịch vụ, các hoạt động thức đẩy du lịch; tập trung phát triển nguồn nhân lực, hợp tác trong quy hoạch…
Những năm qua, khách Pháp tới Việt Nam có tăng lên nhưng số lượng so với các thị trường nước khác vẫn còn ở con số khiêm tốn. Trong những năm gần đây, mặc dù vẫn trong tốp 10 nước gửi khách nhiều nhất đến Việt Nam nhưng Pháp thường đứng ở vị trí thứ 8. Theo số liệu của Tổng cục du lịch, năm 2015, số lượng khác du lịch Pháp đến Việt Nam đạt hơn 211.600 lượt người, đạt 99% so với năm 2014. 8 tháng đầu năm 2016, lượng khách đến Việt Nam đạt gần 166.100 lượt người, tăng 113% so với cùng kỳ năm 2015.
Việt Nam được biết đến không chỉ trên sách báo mà còn cả lịch sử nước Pháp. Tuy vậy, các thông tin về Việt Nam, về du lịch Việt Nam vẫn còn hạn chế. Hầu hết nhiều người biết đến Việt Nam qua bạn bè và người thân. Theo kết quả điều tra, khách du lịch Pháp đến Việt Nam qua các kênh thông tin sau: truyền hình, bạn bè, đại lý du lịch…
Mục đích đi du lịch của người Pháp là nghỉ ngơi và mở mang tri thức cho bản thân. Họ thích khám phá những danh lam thắng cảnh, nét văn hóa của các dân tộc, phong tục, tập quán và con người. Bản thân du khách Pháp là những người yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật. Vì vậy, họ thường chọn những điểm đến có sự kết hợp của yếu tố thiên nhiên và yếu tố con người hoặc các thành phố nổi tiếng về nghệ thuật và bảo tàng. Việt Nam là một trong những điểm đến khá thu hút du khách Pháp bởi có nhiều tinh hoa văn hóa đặc sắc và giá trị lịch sử hào hùng.
Khi đi du lịch nước ngoài, người Pháp rất thích tìm hiểu những yếu tố văn hóa bản địa đặc sắc của đất nước đó. 90% khách du lịch Pháp đến Việt Nam khi được hỏi đều trả lời đã tham gia xem các chương trình nghệ thuật dân tộc của Việt Nam như: múa rối nước, chèo, chương trình nghệ thuật của người Thái ở Hòa Bình, hát Then của dân tộc Tày, thổi khèn của dân tộc H’Mông, cồng chiêng Tây Nguyên và Nhã Nhạc cung đình Huế, các trò chơi dân gian tại các lễ hội truyền thống… và các chương trình tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội. Theo họ, các chương trình này rất thú vị và thu hút được sự quan tâm của nhiều khách quốc tế chứ không riêng khách Pháp.
Đặc biệt, các chương trình tham quan những cảnh đẹp, những vùng phong cảnh tự nhiên thu hút một số lượng lớn khách Pháp. Họ chọn lựa các chương trình tour văn hóa, nơi mà họ có dịp sống hoặc sinh hoạt cùng người dân bản địa, đặc biệt là có cơ hội khám phá những khu vực thiên nhiên hoang sơ như: cao nguyên đá Đồng Văn, cao nguyên Bắc Hà với nét văn hóa tộc người còn khá nguyên vẹn nơi đây; tìm hiểu về thổ cẩm Sa Pa, cưỡi voi ở Buôn Đôn, giao lưu với đồng bào các dân tộc vùng núi cao và vùng cao nguyên… là những hoạt động được khách Pháp yêu thích. Trong các điểm thiên nhiên có phong cảnh đẹp thì khách Pháp đặc biệt yêu thích Vịnh Hạ Long. 90% khách được hỏi đều có chương trình tới thăm Hạ Long và 85 % khách đã đến Hạ Long được hỏi trả lời thích vùng biển Vịnh Hạ Long.
Các chương trình khám phá, tìm hiểu lịch sử phong kiến và cuộc sống Việt Nam trong quá khứ cũng được khách Pháp rất thích. Do một thời gian khá dài Việt Nam là thuộc địa của Pháp nên nhiều di tích, nhiều công trình kiến trúc, nhiều thói quen… của người Việt hiện nay mang ảnh hưởng, dấu ấn của văn hóa Pháp. Đây cũng là yếu tố thu hút khách Pháp. Đối với các chương trình du lịch này, điểm đến khá đặc trưng là các công trình kiến trúc ở Huế, cuộc sống ở Hội An, cảnh quan, kiến trúc của Đà Lạt, bãi biển Nha Trang…
Khách Pháp dù khởi đầu là đi lẻ hoặc nhóm nhỏ nhưng khi đến Việt Nam lại thường kết hợp thành một đoàn lớn với 80% số chuyến đi của họ là các chuyến xuyên Việt từ Bắc vào Nam hoặc từ Nam ra Bắc. Các điểm dừng trong chương trình tour thường là Tp Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Mê Kông, Đà Lạt, Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Hoa Lư – Tam Cốc Bích Động, Vịnh Hạ Long, Sa Pa, Hà Giang. Các điểm du lịch này mang lại cho họ những hiểu biết mới về văn hóa đặc trưng của người Việt Nam, nơi họ thấy được những kỳ quan, công trình nghệ thuật, phong cách sống của người Việt
Theo tính toán, tổng chi trung bình của một du khách Pháp đến Việt Nam dao động trong khoảng 1.200 đến 1.400 USD (chưa tính khoản chi cho giao thông đến Việt Nam và quay về). Các chương trình đến Việt Nam là thị trường xa, đi dài ngày, thông thường phải chi nhiều hơn mức trung bình nhưng thực tế điều tra lại cho thấy khách chi tiêu ít hơn số trung bình. Chi tiết các khoản chi và số liệu thời gian lưu trú của khách cho thấy giá dịch vụ tại Việt Nam khá thấp và đặc biệt là thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, hàng hóa, đồ lưu niệm nghèo nàn.
Bởi vậy, để thu hút được du khách Pháp, theo các chuyên gia, ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng các cơ chế chính sách trong hợp tác quốc tế hoặc mời các chuyên gia du lịch quốc tế tư vấn phát triển sản phẩm du lịch…; trong đó, chú trọng tăng cường đầu tư làm mới các sản phẩm du lịch phù hợp thị hiếu khách du lịch châu Âu nói chung, khách du lịch Pháp nói riêng. Đặc biệt chú ý đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên doanh lữ hành với Pháp hoạt động và khuyến khích lập thêm các liên doanh nhằm tranh thủ thị trường vốn có của các doanh nghiệp du lịch Pháp…
Anh Mai