Du lịch không chỉ là những chuyến đi xa xôi hay tận hưởng không gian mới mẻ. Đằng sau mỗi chuyến du lịch đó là sự đóng góp quan trọng của những người lao động trong ngành du lịch. Họ được gọi là “Lao động trong du lịch.”
Lao động trong du lịch và vai trò quan trọng
Lao động trong du lịch là hoạt động của con người, sử dụng sức lực và công cụ lao động để tác động vào các yếu tố tự nhiên và biến đổi chúng để phục vụ nhu cầu giải trí, học tập, khám phá của khách du lịch. Đây là một yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển của ngành du lịch.
Đặc điểm của lao động trong du lịch
Có tính chuyên môn cao
Ngành du lịch bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, như dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch, điểm khu du lịch… Mỗi lĩnh vực lại có sự phân chia sâu hơn nữa. Để thực hiện tốt mỗi vị trí công việc, người lao động cần được đáp ứng đúng chuyên môn đặc thù.
Không cố định về thời gian
Với tính chất của ngành dịch vụ, thời gian làm việc trong ngành du lịch không cố định trong ngày cũng như các ngày trong tuần. Để đảm bảo dịch vụ cung ứng được gần như 24/24 và 7 ngày/tuần, người lao động thường làm việc theo ca cũng như những ngày cuối tuần, lễ, tết. Đối với người lao động trong các doanh nghiệp lữ hành như hướng dẫn viên, việc định lượng thời gian làm việc trong ngày là rất khó khăn so với lao động khối hành chính.
Yêu cầu cao về giao tiếp
Với đặc thù của ngành dịch vụ, người lao động trong du lịch sẽ tiếp xúc với nhiều người, gặp gỡ khách du lịch trong và ngoài nước, sử dụng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau và đến từ rất nhiều nền văn hoá đa dạng. Do đó, để thành công trong công việc, người lao động cần có khả năng giao tiếp tốt.
Công việc có tính chất lặp lại
Công việc trong ngành du lịch có tính chất lặp lại, đặc biệt là đối với hướng dẫn viên hoặc đội ngũ thuyết minh viên du lịch. Họ phải cung cấp bài thuyết minh cho khách nhiều lần về cùng một đối tượng tham quan. Điều này đòi hỏi người làm nghề có lòng yêu nghề, luôn trau dồi kiến thức và kỹ năng để công việc không bị đơn điệu và nhàm chán.
Yêu cầu đối với lao động trong du lịch
Công việc trong ngành du lịch đòi hỏi người lao động phải đáp ứng những yêu cầu chuyên môn, kiến thức, kỹ năng và hành vi; giao tiếp và sức khỏe.
Yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và hành vi, thái độ
Khách du lịch thực hiện chuyến du lịch với nhiều mục đích, trong đó một trong những mục đích phổ biến là nâng cao hiểu biết. Để đáp ứng nhu cầu này, những người phục vụ khách trực tiếp như hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, nhân viên trong các cơ sở dịch vụ phải có kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực khác nhau như địa lý, phong tục tập quán, lịch sử, văn hóa.
Ngoài kiến thức, nhân viên làm việc trong du lịch còn yêu cầu cao về kỹ năng và hành vi, thái độ
Vì đặc thù của ngành dịch vụ, khách du lịch sẽ rất khó chấp nhận với những hành vi thái độ không phù hợp của nhân viên trong ngành. Một trong số những kỹ năng đặc thù là khả năng giao tiếp. Với tính chất tiếp xúc với đối tượng du khách đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa, mọi thông điệp đều phải chuyển tải qua giao tiếp. Do đó, yêu cầu đối với đội ngũ lao động trong du lịch phải có khả năng giao tiếp tốt, cần thiết phải sử dụng có hiệu quả các hình thức giao tiếp cả có ngôn từ và phi ngôn từ.
Yêu cầu về sức khỏe
Đây là một trong những yêu cầu cần thiết, đặc biệt đối với lao động trong lĩnh vực lữ hành. Với tính chất công việc thường xuyên phải di chuyển trên các loại phương tiện vận chuyển khác nhau, người lao động cần đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe. Việc làm việc theo ca, đảm bảo dịch vụ được cung cấp 24/24 cũng phụ thuộc vào yếu tố sức khỏe của người lao động.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình bồi dưỡng Nghiệp vụ cho Thuyết minh viên Du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tổng cục Du lịch)