Cho đi những điều đẹp nhất
Người cựu chiến binh Nguyễn Xuân Bách (SN 1951) bùi ngùi xem lại những bức ảnh tư liệu cũ về con đường ông và đồng đội năm xưa đã cùng nhau sát cánh chiến đấu. Những hình ảnh không ghi thanh âm, có bức cũng đen trắng không có màu, nhưng bằng cách kết nối không tên nhờ tâm thức và kỷ niệm, khiến người đàn ông đã kinh qua nhiều thăng trầm phải bùi ngùi, trầm tư.
Cũng tại triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” kỷ niệm 65 năm từ ngày mở đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn huyền thoại (19.5.1959 – 19.5.2024) với nhiều hình ảnh, tư liệu lịch sử quý về cung đường được trưng bày, có sự dõi theo của nhiều bạn trẻ cán bộ, đoàn viên trong màu áo thanh niên xen lẫn với màu xanh cỏ úa sắc trầm của những cựu thanh niên xung phong. Không ngần ngại, một số bạn trẻ tiến đến cùng bác Bách nghe lại câu chuyện quá khứ và niềm tự hào của bác ở một phần cánh tay đã mất.
Bấy giờ, người thanh niên Nguyễn Xuân Bách vừa tròn 20 tuổi đã tham gia làm lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Từ huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), người thanh niên trẻ tham gia chở hàng hóa, lương thực, bom đạn di chuyển tuyến Hà Tĩnh – Quảng Bình và sang Lào.
Vốn trẻ người, người thanh niên lúc bấy giờ xông xáo và có phần tếu táo, xem những cung đường Trường Sơn là nơi thể hiện tay lái.
“Lúc bấy giờ tôi còn trẻ nên cũng “bạo” và “liều”. Có máy bay địch rượt đuổi, tôi đánh lạc hướng bằng cách bật đèn pha hoặc đánh lái cho bụi đường mù mịt, đồng đội vì thế thuận lợi trốn thoát”, bác Bách tếu táo kể lại.
Theo người cựu binh cho biết, các xe hàng của đồng đội chủ yếu chở thuốc nổ, chở đạn dược nên nếu lỡ trúng bom đạn của địch thì nguy hiểm cả tính mạng của đồng đội, lại mất hàng hóa quan trọng. Bản thân bác lại chỉ chở áo quần, quân nhu, lương thực, nên nếu có bị phát hiện thì chỉ tổn thất mỗi mình và xe.
Nhưng những cung đường được “tếu táo” và đầy bản lĩnh của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Bách lại không kéo dài được bao lâu. Bác tiếc nuối kể lại về một phần tay bị mất: “Năm 1972, xe tải của bác đang vượt qua sông Sê Pôn (đường 16 tại tỉnh Quảng Trị đi hướng qua Lào) thì có mìn hay vật liệu nổ dưới nước bị chạm vào. Bác chỉ nhớ có tiếng nổ lớn, cả người và xe đều bị văng ra. Lúc đó, bác bất tỉnh luôn, không còn nhớ rõ điều gì”.
Sau đó, bác được những đồng đội kể lại rằng mọi người nghĩ bác đã hy sinh nên cõng về và chuẩn bị lo hậu sự, bàn tính chuyện tiếp theo, thì bất ngờ bác tỉnh dậy. Nhưng sau sự cố đó, người lính lái xe cũng mất một bàn tay. Không thể tiếp tục lái xe, thanh niên Nguyễn Xuân Bách ra quân, nhưng nay nhìn lại cung đường lịch sử, người cựu chiến binh vẫn tự hào về chặng đường ngắn đã chiến đấu cùng đồng đội, dành một phần tuổi trẻ và những gì đẹp nhất cho Tổ quốc.
“Ngày xưa bác cũng y như trong hình này, gầy, nhỏ mà ngồi lọt thỏm trong chiếc xe vậy đó”, vừa chỉ vào bức ảnh ở triển lãm, bác vừa cười vui tự hào nói với những đoàn viên thanh niên.
Thanh xuân sẵn sàng gửi đường Trường Sơn
Sải bước dọc theo những bức ảnh của triển lãm, vừa lần giở lại những kỷ niệm tuổi xuân, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong (TNXP) tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy, nay đã hằn dấu vết thời gian trên gương mặt. Cùng nhau trở lại nơi đây, họ dường như được ghé về một phần thanh xuân nơi chiến trường khốc liệt.
Cựu chiến binh Hoàng Văn Trọng (SN 1948), quê thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, (Quảng Nam) từng là TNXP trong những năm 1966. Đến năm 1968, bác chuyển qua lực lượng bộ đội, cục Hậu cần Quân khu 5.
Ban đầu, người thanh niên với dáng người nhỏ thó phụ trách gùi hàng từ đồng bằng lên miền núi, rồi từ miền núi vận chuyển đi các kho tập trung trong rừng sâu. Mỗi ngày, các TNXP gùi hàng đều phải đi quãng đường 50 – 60km, vừa đi vừa mang trên vai 50 – 60kg gạo, súng đạn hoặc cả những thương binh cần được cấp cứu, cứu chữa ở trạm.
“Chú còn nhớ có cô đồng đội, người chỉ nặng tầm 37kg thôi nhưng vẫn gùi hàng như bọn chú, có đôi khi đột xuất cô còn cõng được đến 80kg hàng”, người cựu TNXP kể lại.
Với những cô gái, chàng trai ở độ tuổi đẹp nhất, bên cạnh sức vóc, họ có cả ý chí và hoài bão đẹp dành cho đất nước. Có lẽ đó chính là điều làm nên sức mạnh của những người lính với dáng hình khiêm nhường trong kháng chiến.
“Thanh niên xung phong mà, chỉ có đôi vai, bàn tay để làm nhiệm vụ”, bác Trọng tự hào chiêm nghiệm.
Cùng với sức người, những người TNXP lúc bấy giờ có lẽ còn dành cả thanh xuân và sẵn sàng hy sinh cả sinh mệnh để thông đường, thông tuyến lửa. Bác Trọng cho biết chiến tranh không thiếu gì bom đạn, nhưng mọi thứ đều bình thường.
“Ban ngày ở trong hang đá, còn đến tối mới bắt đầu ra ngoài làm nhiệm vụ. Không chần chừ điều chi, chỉ nhắn lại với đồng đội một câu rằng: “Tau có chết thì nhắn lại cho gia đình tau một tiếng”. Chỉ vậy thôi, chứ không ai sợ gì cả”, bác Trọng kể lại.
Đồng hành cùng kháng chiến, người lính Hoàng Văn Trọng kinh qua nhiều vị trí, nhiều nhiệm vụ. Kể cả đến lúc bị thương, bác vẫn kiên quyết ở lại cùng đồng đội với suy nghĩ có chết cũng chết ở đây. Vì vậy, bác gắn bó với quân đội đến khi nghỉ hưu.
Có lẽ không chỉ cựu thanh niên xung phong Hoàng Văn Trọng mà những thanh niên xung phong, chiến sĩ trẻ thời bấy giờ, một khi đã đến với tuyến hoa lửa Trường Sơn, đều không tiếc gì thanh xuân của riêng mình. Những hoài bão của tuổi trẻ gửi gắm cho hòa bình của Tổ quốc trên cung đường được xây nên bởi bờ vai, bàn tay, sức người và ý chí của cả dân tộc.
Trò chuyện với những cựu chiến binh, cựu TNXP, các bạn trẻ đoàn viên thanh niên tỉnh Quảng Bình cũng vô cùng hãnh diện với niềm tự hào về một thời đã qua, để tiếp tục học tập và cống hiến cho xã hội, đất nước.