Đèo Pha Đin (Ảnh: Internet)
Lần đầu tiên tôi đến Điện Biên cách nay đã 20 năm. Ngày ấy, đường sá và phương tiện đi lại không thuận lợi như bây giờ. Tôi phải lên bến xe Giáp Bát (bây giờ, bến xe này đã bị xóa sổ khỏi nội đô) ngủ một đêm, sáng hôm sau bắt chuyến xe đi Điện Biên sớm nhất lúc 3 giờ.
Quãng đường từ Hà Nội lên quê hương Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam chỉ hơn 500km nhưng xe chạy hết 18 tiếng, có xe phải ngủ tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La một đêm để sáng hôm sau có sức vượt đèo Pha Đin – cung đường đèo huyền thoại vùng Tây Bắc Tổ quốc. Đèo Pha Đin tọa lạc trên độ cao 1.000m so với mực nước biển, dài khoảng 32km.
Điểm khởi đầu của đèo cách TP.Sơn La 66km, điểm cuối cùng cách TP.Điện Biên Phủ khoảng 84km. Địa thế đèo hiểm trở, chênh vênh, một bên là vách núi thẳng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Lúc lên dốc và xuống dốc, con đường đèo ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua nguy hiểm và vô số khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z, trong đó có nhiều đoạn chỉ đủ cho 1 ôtô đi qua.
Mỗi khi nhắc đến đèo Pha Đin, tôi và một số người từng qua đều có những cảm giác đặc biệt, không sao quên được. Khi đến đỉnh đèo, một số tài xế thường cho xe dừng lại vài chục phút để hành khách nghỉ ngơi. Đây là khoảng thời gian vô cùng thú vị để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của con đèo nổi tiếng nhất trên cung đường Tây Bắc.
Mỗi mùa, bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc này lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Nhưng mùa đẹp nhất ở Pha Đin là mùa xuân và mùa hạ. Mùa xuân, hoa đào hồng ửng; hoa mận, hoa ban nở trắng trời Tây Bắc. Các vách núi uy nghi, sừng sững hình như cũng mềm mại, dịu dàng hơn giữa muôn vạn sắc hoa. Mùa hè, sương mây bảng lảng, cái oi bức khó chịu bỗng nhiên tan biến, nhường chỗ cho không khí mát mẻ, trong lành.
Điều khiến đèo Pha Đin trở nên đặc biệt hơn so với 3 đại đỉnh đèo còn lại của núi rừng Tây Bắc là con đèo này gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Pha Đin là tuyến đường bộ tiếp vận và vận chuyển pháo lên Điện Biên Phủ; trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm với 8.000 thanh niên xung phong sẵn sàng ra trận tuyến. Hiện nay, đèo Pha Đin đã được công nhận là Di tích quốc gia, một trong những “chứng nhân” cho lịch sử hào hùng của dân tộc Việt.
Vượt qua Pha Đin là tới Tuần Giáo, cửa ngõ của Lai Châu cũ và tỉnh mới Điện Biên bây giờ. Từ năm 2009, Nhà nước xây xong tuyến đường tránh đèo Pha Đin, có độ cao khoảng 1.000m (thấp hơn đèo Pha Đin 200-400m) nên hầu hết các phương tiện giao thông đều đi lại qua cung đường mới này. Cung đường đèo Pha Đin huyền thoại chỉ còn phù hợp với khách du lịch ưa phiêu lưu mạo hiểm và thích tìm tòi, khám phá.
Tháng 5 này, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), những ký ức ngọt ngào về Điện Biên và cung đường đèo Pha Đin lại ùa về trong trái tim tôi./.
Nguyễn Ánh Nguyệt