- Công ty Trung Dũng có dấu hiệu vi phạm quy định ngân hàng
Sáng 27/10, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà xét xử 12 bị cáo trong vụ thất thoát 1.664 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Sang ngày xét xử thứ 2, HĐXX tiến hành xét hỏi việc Chi nhánh Hà Thành của BIDV cho Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (viết tắt là Công ty Trung Dũng) vay sai quy định dẫn tới thiệt hại hơn 864 tỷ đồng.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, mặc dù Công ty Trung Dũng rất khó khăn nhưng BIDV vẫn cấp L/C (chứng thư bảo lãnh) cho Công ty Trung Dũng vay tiền mua bán phôi thép. Công ty Trung Dũng sau đó thua lỗ và không thể trả nợ. Ngoài ra, số phôi thép được mua theo L/C là tài sản đảm bảo của BIDV, muốn bán phải được sự đồng ý của ngân hàng.
Tuy nhiên, bị cáo Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Trung Dũng) tự ý bán hàng cho nhiều doanh nghiệp gồm cả Công ty Hà Nam của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (vợ bị cáo Đoàn Hồng Dũng). Từ đây, vợ chồng bị cáo Dũng- Sơn chiếm đoạt 260 tỷ đồng của BIDV. Hành vi của hai bị cáo Dũng- Sơn đã phạm vào vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Đoàn Hồng Dũng. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn.
Trả lời HĐXX, bị cáo Ngô Duy Chính (cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành) thừa nhận, mặc dù biết Công ty Trung Dũng không đủ điều kiện cấp L/C nhưng khi đó ông Trần Bắc Hà (cố Chủ tịch HĐQT BIDV) vẫn yêu cầu BIDV cho Công ty Trung Dũng vay tiền. Khai báo tại toà, bị cáo Nguyễn Xuân Giáp (cựu Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành) cho biết, đã chịu áp lực từ ông Trần Bắc Hà khi cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng. Khi Công ty Trung Dũng đề nghị phát hành L/C, ông Trần Bắc Hà có bút phê chỉ đạo nênbị cáo Giáp phải thực hiện.
Trái ngược với sự thành khẩn của bị cáo Chính và bị cáo Giáp, bị cáo Đoàn Hồng Dũng khai, chỉ thông qua BIDV Chi nhánh Hà Thành để vay tiền của BIDV, chứ bị cáo không quen biết ông Trần Bắc Hà và cho rằng “Để quan hệ với ông Trần Bắc Hà thì doanh nghiệp của bị cáo chưa có cửa”.
Thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi “Nếu bị cáo không quen ông Trần Bắc Hà thì tại sao ông Trần Bắc Hà lại có văn bản yêu cầu BIDV Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Trung Dũng vay tiền? Và dù lợi nhuận Công ty Trung Dũng hằng năm đều thấp, nhưng năm 2011 vẫn được BIDV cấp hạn mức 700 tỷ đồng? Tại sao ông Trần Bắc Hà không biết bị cáo là ai nhưng lại có công văn riêng gửi xuống BIDV Chi nhánh Hà Thành?
Hơn thứ nữa, ông Trần Bắc Hà có hàng vạn khách hàng nhưng sao chỉ có công văn riêng cho Công ty Trung Dũng?…”. Trước khi dừng lời, Thẩm phán Trương Việt Toàn nhấn mạnh “Điều gì biết rõ là không giấu được thì bị cáo nên khai ra, chứ đừng xúc phạm vào sự thông minh của Hội đồng xét xử”.
Trước những phân tích của Thẩm phán, bị cáo Đoàn Hồng Dũng im lặng. Điều đáng nói là Công ty Trung Dũng của bị cáo Đoàn Hồng Dũng dù làm ăn không hiệu quả, nhưng ngoài BIDV còn được VietinBank và MB Bank cho vay hàng trăm tỷ đồng.
Trong đó, MB Bank cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng hiện còn dư nợ hơn 477 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng nhận định, việc MB Bank cho Công ty Trung Dũng vay tiền có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên đã chuyển hồ sơ tới Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để giải quyết theo thẩm quyền.
Liên quan việc tự ý bán phôi thép là tài sản đảm bảo khoản vay của BIDV, bị cáo Đoàn Hồng Dũng khai, từng nhập khẩu, bán hàng cho Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) để lấy tiền trả BIDV. Sau đó, chính TISCO cũng khó khăn nên quyết định lấy thép thành phẩm trả thay tiền mua phôi thép từ Công ty Trung Dũng.
“Thị trường thép lúc đó xuống giá rất thấp, nếu bù trừ bằng thép sẽ lỗ vài ba triệu/tấn nên không thể nào chấp nhận. Bị cáo đã làm việc với TISCO, đề nghị hỗ trợ vì còn mấy tháng nữa phải thanh toán L/C nhưng không được đồng ý. Để tự cứu lấy mình, bị cáo bán hàng cho các doanh nghiệp khác, dù lỗ nhưng còn hơn bị lỗ trầm trọng và bán như vậy sẽ có tiền thanh toán kịp cho L/C”, bị cáo Dũng khai.
HĐXX hỏi “Tại sao bị cáo không để BIDV thu số hàng là tài sản đảm bảo khoản vay?”. Bị cáo Dũng trả lời “Nếu làm như thế sẽ đóng cửa quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng vì bị cáo muốn giữ chữ tín”. Theo lời khai của bị cáo Dũng, do nhu cầu kinh doanh nên bị cáo đề nghị mở L/C, còn điều kiện như thế nào thì ngân hàng đưa ra, đáp ứng được họ mở L/C và phải đưa tài sản thế chấp đảm bảo. Khi hàng về, bị cáo bán vào TISCO nhưng TISCO không thanh toán tiền mà trừ nợ của bị cáo nên bị cáo không chấp nhận.
HĐXX đặt vấn đề “L/C có điều kiện là khi bán hàng phải có văn bản chấp thuận của BIDV. Việc này có không? Và nếu bị cáo bán phải có ý kiến của ngân hàng nhưng khi bán, bị cáo lại không nhớ làm văn bản, nghhĩa là việc định đoạt tài sản thế chấp là sai?.
Bị cáo bán tài sản và phải chịu trách nhiệm về tình hợp pháp nhưng bán tài sản không hợp pháp là phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản? Bị cáo sai thế nào, sai ra làm sao bị cáo là người biết rõ nhất”.
Trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Hà Nam (vợ bị cáo Trần Hồng Dũng) khai, không biết số thép này đã thế chấp vì pháp nhân Công ty Hà Nam không phải ký.
“Bị cáo chỉ là nghe bị cáo Dũng nhờ đại diện pháp nhân chứ không điều hành. Thực tế thì ở Công ty Hà Nam, bị cáo chỉ mang danh Giám đốc chứ không không tham gia gì mà mọi hoạt động đều giao cho một Phó Giám đốc công ty thực hiện. Các bị cáo khác khi trả lời HĐXX đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng truy tố.
Khi HĐXX hỏi ý kiến, đại diện BIDV cho biết, họ tôn trọng kết quả điều tra, truy tố của cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo đại diện BIDV, quan điểm của ngân hàng là ai vay thì phải trả, ai chiếm đoạt thì phải bồi thường. Về hình phạt, đại diện BIDV mong HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh, nguyên nhân phạm tội và nhân thân của các bị cáo bởi họ là người làm công ăn lương, làm việc theo phân công của tổ chức, không có tư lợi, bản thân họ mong muốn dự án tốt, mang lại lợi ích tốt cho ngân hàng…
“Đề nghị HĐXX áp dụng mức hình phạt thấp nhất cho các bị cáo”, đại diện BIDVcho biết không đề nghị các bị cáo phải chịu trách nhiệm dân sự.