Lãnh đạo Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp và các doanh nghiệp Ấn Độ nhất trí cao các ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác hai bên
Phát biểu mở đầu phiên gặp gỡ, kết nối giữa gần 150 doanh nghiệp Ấn Độ với chính quyền và doanh nghiệp Đồng Tháp theo hai chủ đề chính: “Thương mại và đầu tư” và “Du lịch và công nghệ thông tin”, trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại và Đầu tư Ấn Độ – Đồng Tháp vào hôm qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ về các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là lợi thế về phát triển nông nghiệp, thủy sản cùng nguồn nhân lực dồi dào. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp sẵn sàng để đón nhà đầu tư. Trong đó, phát triển chuyển đổi số, phát triển du lịch là những vấn đề chính mà doanh nghiệp hai bên muốn hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Điều hành buổi gặp gỡ kết nối doanh nghiệp Ấn Độ – Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, ngoài các lĩnh vực nhà đầu tư Ấn Độ đặt ra, Đồng Tháp cũng đã chuẩn bị sẵn sàng đối với nhiều lĩnh vực khác, do đó mong muốn thông qua phiên gặp gỡ này sẽ kết nối được nhiều nhà đầu tư Ấn Độ đến với tỉnh.
Ngay sau phần trao đổi, các doanh nghiệp Ấn Độ và Đồng Tháp đã trực tiếp kết nối hợp tác trên nhiều lĩnh vực: Phân bón, dược, may mặc, thủ công mỹ nghệ, lương thực, thủy sản, nông sản… Kết quả đáng phấn khởi là nhiều mối liên kết hợp tác đã được thiết lập bước đầu, hứa hẹn tạo tiền đề vững chắc cho mối quan hệ hợp tác trong thời gian tới.
Là người tiên phong đầu tư vào Khu công nghiệp Sa Đéc (Đồng Tháp), ông Ashnit Sethia – Giám đốc Công ty TNHH Dầu gạo Sethia Hemraj (Ấn Độ), là doanh nhân đầu tư thành công tại Đồng Tháp trong lĩnh vực chiết xuất dầu từ cám gạo. Tại đây, ông Ashnit Sethia chia sẻ về câu chuyện kinh doanh tại Đồng Tháp và ấn tượng của ông về sự gần gũi, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, thông qua việc đến thăm, khảo sát hoạt động doanh nghiệp, cà phê doanh nghiệp… để nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp và hỗ trợ tháo gỡ.
“Hãy quyết định ngay lập tức và đến Đồng Tháp để lập nghiệp và phát triển đầu tư kinh doanh” – ông Sethia chia sẻ với đoàn doanh nghiệp Ấn Độ tham dự hội nghị.
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (đứng thứ 2 từ phải qua) theo dõi kết nối, trao đổi giữa nhà đầu tư Ấn Độ và các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp
Cùng với đó, đại diện nhà đầu tư Ấn Độ cũng chia sẻ về tình hình phát triển, nhu cầu hợp tác đầu tư đối với một số ngành hàng có điểm tương đồng với Đồng Tháp như: Thủy sản, thực phẩm chế biến, xoài… Trong đó, ông Gunaseelan – đại diện Bang Tamil Nadu (Ấn Độ) cho biết, mỗi năm Ấn Độ chỉ có thể sản xuất một vụ xoài, nên chủ yếu sản xuất bột xoài nhưng chi phí khá cao do cần phải có kho lạnh để bảo quản. Trong khi đó, Việt Nam có điều kiện để canh tác xoài quanh năm. Đặc biệt, tại Đồng Tháp, xoài là ngành hàng thế mạnh. Do đó, Ấn Độ và Đồng Tháp có thể hợp tác trong xuất khẩu xoài hoặc có thể doanh nghiệp Ấn Độ sẽ đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm từ xoài tại tỉnh.
Cũng có mong muốn đầu tư vào nhà máy chế biến bột xoài tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, doanh nhân Srinivas Chennuri đến từ Tập đoàn Costa Group of companies (Ấn Độ) cho biết dự định sẽ tìm hiểu và dự định đầu tư một nhà máy chế biến bột xoài, công suất 200 tấn nguyên liệu trên ngày đêm, để xuất vào thị trường Ấn Độ và các nước Nam Á, nhưng ông băn khoăn, không biết Đồng Tháp có thể đáp ứng nguồn nguyên liệu được không? Mong muốn tỉnh cần có thông tin hỗ trợ thêm về các thủ tục quy định, cơ chế chính sách, giá thuê đất, ngành nghề ưu đãi đầu tư để phát triển thêm ngành hàng xoài thế mạnh của Đồng Tháp …
Về vấn đề này, ông Trương Hòa Châu – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp thông tin thêm: Với lượng xoài cho trái quanh năm, Đồng Tháp và các tỉnh có diện tích trồng xoài lớn trong vùng sẽ có đủ nguyên liệu xoài đáp ứng cho các nhà máy chế biến bột xoài theo yêu cầu của nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đại diện cho tỉnh làm trung gian để hỗ trợ tạo điều kiện để giải đáp các thắc mắc cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Đặc biệt, với thế mạnh về lúa gạo của tỉnh Đồng Tháp, các doanh nghiệp Ấn Độ rất muốn tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực chế biến dầu cám – chiết xuất dầu làm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, đây là ngành hàng lúa gạo chủ lực kinh tế có thế mạnh của Đồng Tháp, được tỉnh tái cơ cấu trong nhiều năm qua để gia tăng giá trị lợi nhuận và thu nhập người dân.
Ông Rishabh Agarwal – Giám đốc Công ty Pragati Agri Products (P) Ltd có dự dịnh đầu tư nhà máy chế biến dầu cám gạo trong các Khu công nghiệp của tỉnh và mong muốn tìm hiểu rõ hơn về cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối logistics, giá cả, sản lượng và chất lượng vùng nguyên liệu lúa gạo, tìm hiểu rõ hơn các thủ tục cần thiết khi đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp, để đáp ứng nhu cầu cho nhà máy chế biến này…
Đại diện Ban quản lý Khu Kinh tế Đồng Tháp cho biết, hiện hạ tầng các khu công nghiệp cơ bản hoàn thiện, hệ thống giao thông kết nối đang tăng tốc phát triển, nhất là vừa khởi công dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu trên địa bàn, sẽ giúp vận chuyển nông sản nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nguyên liệu sẽ luôn đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu về chất lượng và số lượng cung ứng cho nhà đầu tư…
Tại phiện kết nối chủ đề “Du lịch và Công nghệ thông tin” với sự góp mặt của 29 doanh nghiệp Ấn Độ lĩnh vực công nghệ thông tin, du lịch – lữ hành, ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Phiên gặp gỡ được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh địa phương, con người, môi trường và cơ hội hợp tác đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Dịp này, đại diện các doanh nghiệp Đồng Tháp, Ấn Độ giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của đơn vị về lĩnh vực công nghệ thông tin, du lịch. Cụ thể, với lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành của tỉnh Đồng Tháp giới thiệu về thế mạnh du lịch trải nghiệm kết hợp nông nghiệp. Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp Ấn Độ giới thiệu tour du lịch đường sắt, tâm linh miền Nam Ấn Độ.
Về lĩnh vực công nghệ thông tin, mô hình Làng thông minh, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp được đại biểu Đồng Tháp trình bày tại phiên gặp gỡ. Các vấn đề ứng dụng chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục… của doanh nghiệp Ấn Độ cũng thu hút sự quan tâm.
Phát biểu tại phiên gặp gỡ, Phó Chủ tịch Nguyễn Phước Thiện mong muốn các doanh nghiệp Ấn Độ nghiên cứu để có hoạt động hợp tác, đầu tư khai thác các tiềm năng du lịch, công nghệ thông tin của Đồng Tháp. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặt ra một số vấn đề về đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cho Tỉnh trong thời gian tới.
Ông Triệu Quang Anh Vũ – Đại diện Công ty cổ phần Quốc tế du lịch Sông Sen – Đồng Tháp cho biết, là đơn vị tổ chức các sự kiện chuyên nghiệp, kết nối tour tuyến du lịch trong và ngoài nước được du khách tín nhiệm, Công ty mong muốn thông qua việc kết nối gặp gỡ trao đổi với các doanh nghiệp Ấn Độ nhằm nâng tầm tổ chức các sự kiện, kết nối tổ chức các tour tuyến du lịch giữa hai nước để quảng bá hình ảnh thương hiệu và tiềm năng phát triển du lịch, bản sắc văn hóa của Đồng Tháp, vùng ĐBSCL và Ấn Độ, đưa quan hệ và sự gắn kết giữa hai nước thêm bền chặt và hiệu quả hơn.
Có thể thấy rằng, tuy thời gian gặp gỡ tiếp xúc giữa doanh nghiệp Ấn Độ và Đồng Tháp chưa nhiều nhưng tựu trung lại cho thấy tinh thần kết nối giao lưu và hợp tác đầu tư, kinh doanh để cùng phát triển, cùng đồng hành phát triển, thông qua đó gắn chặt thêm tình hữu nghị hợp tác kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Ấn Độ và Việt Nam thêm bền chặt và khởi sắc hơn với những cơ hội mới.
Ông Đoàn Thanh Bình – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, việc gặp gỡ, kết nối giữa tỉnh với các doanh nghiệp Ấn Độ còn tập trung thảo luận về các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho Đồng Tháp nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ thông tin dày dặn kinh nghiệm của Việt Nam và Ấn Độ. Đây là cơ sở để khởi tạo kết nối việc triển khai giải pháp, xúc tiến đầu tư giữa các doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho các tổ chức chính quyền, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đang có nhu cầu triển khai giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp, y tế và giáo dục. Hứa hẹn mở ra những hợp tác sâu rộng, thiết thực và hiệu quả giữa Ấn Độ với Đồng Tháp và vùng ĐBSCL thời gian tới, đáp ứng được kỳ vọng và mong muốn hợp tác phát triển của doanh nghiệp hai nước.