ÔNG AN SƠN LÂM
Buồm căng gió nhờ giàu trải nghiệm
Những con thuyền giương buồm căng gió đậu ngoài Bến Nhà Rồng đem lại vẻ đẹp hoài cổ cho một đô thị năng động và hiện đại bậc nhất của Việt Nam. Hoài cổ trong sự quý phái, sang cả.
Người đem lại vẻ đẹp cuộn gió ấy là An Sơn Lâm, giám đốc Công ty Thuyền buồm Đông Dương (Indochina Junk). Dáng vóc rắn rỏi, nước da ngăm khỏe khoắn của anh dễ phải nghĩ anh từng làm nghề lênh đênh vượt sóng vượt biển. Mà nói theo nghĩa bóng, vai trò của anh có khác nào một “thuyền trưởng” đâu! Giọng nói hòa nhã cùng với ánh mắt ấm áp khiến cho anh dễ chiếm được thiện cảm với bất cứ ai trong lần gặp gỡ đầu tiên.
Tuy nhiên, ấn tượng đầu tiên về anh lại không bắt đầu bằng cánh thuyền buồm lướt êm ả trên dòng sông Sài Gòn. Mà… trên vùng Giang Điền ầm ào thác chảy, trong kỳ Hội trại nhập môn của trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn, sau đó tiếp nối với kỳ Hội trại nhập môn trên Đambri. Anh An Sơn Lâm tỏ ra hồ hởi, nét vui tươi hiển hiện trên khuôn mặt rám nắng. Hơn nữa, còn là sự bồi hồi, xúc động. “Mỗi lần trường kêu tôi đến dự hội trại với các tân sinh viên, tôi luôn luôn lấy đó làm vinh dự”.
* Bước ngoặt trong cuộc đời
… Ngày đó, những năm 1995-1996, An Sơn Lâm rơi vào tâm trạng hoang mang không biết chọn công việc gì để kiếm sống. Một thanh niên quê tận Hưng Yên ngoài bắc vào Sài Gòn đã trải qua những ngày lang thang rong ruổi trên khắp hang cùng ngõ hẻm. Trước đó, anh đã có tám năm học nghề cơ khí ở nhà máy sản xuất máy dệt Textilma, thành phố Gera, sau đó ở lại Đức làm việc. Trở về nước, chẳng may anh không tìm dược việc làm trên quê nhà Hưng Yên.
Năm 1995, chàng thanh niên trẻ quyết định khăn gói vào Nam tìm cơ hội làm ăn. Có chút vốn nên khi vào Sài Gòn, anh mua được một căn nhà. Nhưng, ám ảnh lớn nhất là… thất nghiệp thì vẫn đeo đẳng. “Hàng ngày tôi mua báo đọc mục tuyển dụng lao động”, anh An Sơn Lâm nhớ lại.
Rồi một buổi chiều trong năm 1996, khi đang trú mưa dưới một mái hiên, anh tình cờ làm quen, trò chuyện với một ông du khách người Đức. Trong cuộc chuyện trò, ông khách biết được An Sơn Lâm thất nghiệp trong khi vốn liếng tiếng Đức kha khá, và ông khách đã gợi ý: “Sao anh không thử nộp đơn đi làm hướng dẫn viên du lịch?”.
Cuộc nói chuyện đầy bất ngờ trong một chiều mưa rào, có ngờ đâu, lại đưa cuộc đời của người thợ cơ khí An Sơn Lâm đến với một hướng đi mới. Anh đọc báo thấy một công ty du lịch tuyển hướng dẫn viên tiếng Đức, tìm đến nộp hồ sơ. May thay, được nhận vì lúc bấy giờ kiếm được người biết tiếng Đức cực hiếm hoi.
Làm nghề mà không có được sở học chuyên môn thì khó tiến xa. Nghĩ vậy, An Sơn Lâm nộp đơn vào học trường Nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn, khóa 36 từ năm 1996 đến 1998. “Thú thực, ban đầu tôi cũng bỡ ngỡ không biết mình sẽ học cái gì”, anh An Sơn Lâm nói.
Nhưng, đó lại là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời – bước ngoặt khi đặt chân vào “trường Cô Bội Quỳnh”. Bởi vì trường cô Bội Quỳnh rất có uy tín trong ngành du lịch, điều này sau khi vào trường một thời gian anh An Sơn Lâm mới nhận ra.
* “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”
Có một kỷ niệm để đời, mà mỗi khi hồi tưởng, anh An Sơn Lâm thường nhắc đến. Đó là chuyến đi thực tập trên Đà Lạt. Sau cả ngày tham quan và ghi sổ tay, mọi người về nghỉ nhưng … An Sơn Lâm cùng một số đồng môn lẻn đi chơi quá khuya đến 2-3g nửa đêm về sáng mới mò về nơi nghỉ của cả đoàn. “Tôi giật mình khi thấy cô Bội Quỳnh vẫn để đèn sáng, cô thức đợi chúng tôi. Cô rất giận, nhưng cô chỉ nói nhẹ nhàng: “Trong lớp, em là người nhiều tuổi hơn, lớn rồi thì nên học hành cho đàng hoàng để làm gương”. Lời khiển trách nhẹ nhàng mà thấm thía của Cô khiến cho tôi áy náy”, An Sơn Lâm kể lại, “Sau đó, tôi đã nỗ lực ghi chú cẩn thận chuyến tham quan, bổ sung thêm tư liệu từ sách báo, và còn vẽ sơ đồ tuyến trong bài báo cáo. Tôi xem đấy là một cách chuộc lỗi. Bài báo cáo của tôi tạo được ấn tượng tốt nơi Cô. Kể từ đó, cô Bội Quỳnh tín nhiệm, giao trọng trách cho tôi phụ giúp dẫn nhiều đoàn trong trường đi thực tập trên Tây Nguyên và ra cả miền bắc”.
Ra trường, mọi thứ thuận lợi đối với An Sơn Lâm, vì hướng dẫn viên biết tiếng Đức chỉ đếm trên đầu bàn tay. Anh nhanh chóng được công ty Saigon Tourist giao cho những đoàn khách lớn, ra bắc vào nam liên tục. “Thích lắm, sau mỗi lần đi tour, số tiền tip khách cho mình gấp mấy phần lương, giống như động lực thúc đẩy mình càng phải cố gắng hơn nữa”, An Sơn Lâm cười rất tươi khi kể lại. Nụ cười sảng khoái dễ chịu đến không ngờ… lại là nụ cười của một ông chủ doanh nghiệp giàu có, đang ăn nên làm ra.
Anh An Sơn Lâm giải thích, “Dĩ nhiên, thu nhập ngày ấy của nghề hướng dẫn nếu so với làm ăn kinh doanh hiện nay của mình thì không bằng. Nhưng, nghề hướng dẫn giúp cho mình có được cảm hứng trận mạc, mình hiểu hơn về khách hàng”. Đến bây giờ, ngoài việc trông coi Công ty Thuyền buồm Đông Dương, thỉnh thoảng anh An Sơn Lâm vẫn nhận lời làm hướng dẫn viên tiếng Đức cho một số đoàn khách lớn.
“Có được một cái nghề để mưu sinh thành thạo, đối với tôi, còn quý hơn những tấm bằng đại học để chưng trên bàn”. Đó là kết luận của “thuyền trưởng” An Sơn Lâm với gần chục chiếc thuyền buồm hàng chục tỷ đồng trong tay.
* “Đại sứ văn hóa ngay trên quê hương”
Đội thuyền buồm du lịch của anh An Sơn Lâm lớn có, nhỏ có. Lớn như thuyền mang tên “Hòn ngọc Viễn Đông”, nhỏ hơn như những chiếc thuyền mang tên “Đông Dương” được đánh số. Thuyền buồm của anh hấp dẫn du khách với những tầng có mái cong như mái đình, đèn lồng chiếu sáng đong đưa về đêm. Ngồi trên thuyền, ở bất kể vị trí nào du khách cũng có thể ngắm cảnh thành phố, cảnh sông nước với bến cảng nhộn nhịp trong lúc thuyền êm ả lướt trôi.
“Vào năm 2005, thị trường du lịch phát triển mạnh, khách quốc tế chú ý đến Việt Nam. Nhiều công ty lữ hành có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm mới nhằm đáp ứng du khách, đặc biệt là khách Âu Mỹ. Tôi dẫn khách đi tour, có dịp dò hỏi, nắm bắt tâm lý, biết nhu cầu khách hàng, biết thị trường đang thiếu gì. Theo tôi, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái là hai xu hướng giàu tiềm năng”, An Sơn Lâm kể lại, “Khi thăm dò, tôi biết nhiều du khách quan tâm tới những nét Sài Gòn xưa… Vậy là tìm ra lời giải rồi! Chiếc thuyền buồm đầu tiên tôi thuê đóng ở Vinh, mang phong cách “kiến trúc Viễn Đông” thời Pháp, tạo ra hình ảnh khác biệt ngay từ ban đầu. Tôi chào hàng sản phẩm “ngắm sông Sài Gòn và ăn tối trên thuyền buồm Indochina Junk”, và được nhiều công ty lữ hành hưởng ứng ngay”.
Nhìn lại một chặng đường đã qua, anh An Sơn Lâm mỉm cười khi tự nhận công ty Thuyền buồm Đông Dương “gần như là dẫn đầu” trong du lịch đường sông tại thành phố HCM. Nụ cười của anh sảng khoái, nhẹ nhõm. Anh có phong thái giản dị của một người từ chốn thôn dã, đồng thời lại có sự hào sảng tự tin của một người giỏi làm ăn nơi chốn thị thành.
Mái đình trong kiến trúc của chiếc thuyền buồm, rồi những chương trình dân ca, dân nhạc truyền thống ru lòng du khách khi vãn cảnh sông Sài Gòn. Giải thích việc này, anh nói: “Làm du lịch là làm đại sứ văn hóa ngay trên quê hương. Tôi ý thức điều đó nhờ quá trình làm hướng dẫn viên…”.
* “Nói có sách, mách có chứng”
Làm nghề hướng dẫn viên du lịch, đi nhiều nên biết nhiều, và đi nhiều thì có bản lĩnh để làm kinh tế. “Tôi tự tin, không lấy gì làm lo lắng bởi vì cái nghề hướng dẫn viên du lịch đã cho tôi một kiến thức rộng rãi về lịch sử, địa lý Việt Nam. Làm cái gì, mình cũng phải nói có sách, mách có chứng. Phải cập nhật kiến thức từ trong sách vở lẫn trong thực tế”.
Một số sinh viên thế hệ sau đến hỏi anh: hướng dẫn viên du lịch giỏi là như thế nào. Đáp lại, anh An Sơn Lâm bảo: “Trong nghề hướng dẫn viên, càng làm lâu càng giỏi. Nhưng nếu hỏi đạt đến chuẩn nào là giỏi thì không bao giờ có chuẩn, mà hãy phấn đấu mãi mãi, hãy tiến lên về phía trước”.
An Sơn Lâm là một trong số minh chứng về ngọn lửa đam mê. Lúc nào cũng nhiệt tình. Học đam mê, làm cũng đam mê. Luôn bùng cháy.
“Nếu các em sinh viên hiện nay cho phép tôi tự lấy mình làm tấm gương nho nhỏ để các em phấn đầu thì bài học trước hết và trên hết, cũng là bài học đi theo suốt cuộc đời, là giữ lấy ngọn lửa nghề! Khi chúng ta làm việc nhiệt tình, hãy tin rằng du khách sẽ đáp lại bằng sự trân trọng, yêu quý”.
… Những kỳ dự Hội trại nhập môn của tân sinh viên trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn, anh An Sơn Lâm dù bận bịu cũng ráng thu xếp thời gian đến chung vui. Anh đã thành công từ việc chọn đúng nghề, và anh muốn thế hệ sau cũng chia sẻ niềm tin như anh.
“Khi mình chọn nghề thì phải chọn cho kỹ, đã chọn rồi thì phải quyết tâm học cho đến cùng. Đến lúc đi làm thì mình phải luôn luôn hết mình trong công việc. Chắc chắn sự thành công sẽ đến. Giống như trồng cây thì phải chịu vun tưới thì cây mới cho ra quả, và cũng đừng nôn nóng hái trái non vì mùa bội thu chỉ dành cho những ai đủ kiên nhẫn, trì chí”.
Anh An Sơn Lâm cho rằng ngôi trường du lịch, từ lúc còn là “trường cô Bội Quỳnh” cho đến thời điểm hiện nay với cô hiệu trưởng Quỳnh Xuân, là một quá trình phát triển liên tục. Không phải nơi nào cũng có được tiến độ đi lên liên tục như vậy. Và, đó là một lợi thế.
“Bây giờ các bạn sinh viên đến bất kể công ty du lịch nào của thành phố, của phía Nam này mà hỏi về trường Nghiệp vụ Du lịch ngày xưa, nay là Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn, thì đều có cựu sinh viên của trường mình làm ở trong đó. Tôi tin các anh chị sẵn sàng giúp đỡ các bạn” – anh An Sơn Lâm buông giọng nói chắc nịch. Và, một lần nữa, lại bắt gặp nơi anh một nụ cười tươi tắn, lạc quan. ./.
——————————————-
Mời xem video clip “La Perlede l’Orient Restaurant Ho Chi Minh City- Du Thuyen tren song Saigon » : https://www.youtube.com/watch?v=9eAa_qvi2Wc